Tiếp nhận văn học là gì năm 2024

Nhận định nhấn mạnh vai trò của người đọc. Nếu ví tác phẩm là “đứa con tinh thần của nhà văn”, được nghệ sĩ thai nghén, hình thành thì khi tác phẩm hoàn thành chỉ ứng với việc tác phẩm ra đời, còn số phận, sự sống của nó chưa được đề cập. Chỉ khi nào tác phẩm đến tay bạn đọc được bạn đọc tiếp nhận thì số phận của nó mới được định đoạt.

Theo các nhà lý luận - nghiên cứu, tiếp nhận văn học gắn liền với vai trò của người đọc. Lịch sử tác phẩm văn học sở dĩ có được, một mặt do giá trị của chính tác phẩm, mặt khác là do sự tiếp nhận một cách sáng tạo và năng động của công chúng.

Người đọc là yếu tố nội tại của quá trình sáng tác văn học. Tác phẩm văn học chỉ có được đời sống khi được người đọc tiếp nhận và chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của nó, nhờ đó người đọc được mở rộng vốn hiểu biết, kinh nghiệm về đời sống, tư tưởng, tình cảm, năng lực cảm thụ và tư duy. Chỉ khi được người đọc tiếp nhận, quá trình sáng tạo của nhà văn mới hoàn tất.

Theo lý thuyết tiếp nhận văn học thì trong đời sống văn học nói chung, có hai kiểu người đọc: Thứ nhất là người đọc bình thường, bao gồm tất cả công chúng thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần và địa vị xã hội, thị hiếu thẩm mỹ, khuynh hướng tư tưởng.

Thứ hai, là người đọc đặc biệt, có sự tiếp nhận khác biệt người đọc bình thường ở tính chất nghề nghiệp và trình độ chuyên sâu, họ bao gồm nhà văn và nhà phê bình.

Nhà văn vừa là người sáng tạo, vừa là người đọc thực tế, sự tiếp nhận của nhà văn thường gắn liền với nhu cầu tìm tòi những khía cạnh tư duy nghệ thuật mới, sự phân tích có tính chất nghề nghiệp, kỹ thuật, ở cấp độ cá nhân.

Còn nhà phê bình đại diện cho các nhu cầu xã hội, thẩm mỹ của người đọc để tiếp nhận tác phẩm; đó là ý thức về văn học trên cấp độ xã hội, xuất phát từ những lập trường xã hội nhất định, từ nhu cầu phát triển những trào lưu văn học nhất định.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tiếp nhận văn học của nhà văn và nhà phê bình chỉ mang tính chất tương đối. Cái chính là hoạt động tiếp nhận của nhà văn và nhà phê bình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển năng lực tiếp nhận của người đọc nói chung.

Tính chuyên nghiệp của văn học không chỉ được nhận diện từ hoạt động của chủ thể sáng tạo, mà còn ở hoạt động quản lý, định hướng văn học của các nhà quản lý văn hóa - văn nghệ và hoạt động tiếp nhận của công chúng.

Ðánh giá một nền văn học có chuyên nghiệp hay không cũng cần lưu ý tới người đọc của nó có chuyên nghiệp hay không.

Ðành rằng mỗi nhà văn đều có công chúng riêng của mình, nhưng ở bình diện chung của một đội ngũ thì cũng cần nhận diện công chúng của đội ngũ ấy.

Thường thì khi hỏi: "Người đọc của các nhà văn là ai?", sẽ nhận được câu trả lời: Người đọc của chúng ta là công chúng. Thậm chí có người sẽ trả lời rằng: Là công chúng cả nước. Xét về đối tượng tiếp nhận văn học, tức là kiểu người đọc thứ nhất.

Nhưng thẳng thắn mà hỏi, thật sự có bao nhiêu phần trăm công chúng cả nước được đọc (và đọc được) tác phẩm của các nhà văn? Trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí đi kèm với xu thế có phần xuống cấp của "văn hóa đọc", trong tình hình xuất bản của các tờ báo, các tạp chí văn nghệ (nhất là ở các địa phương) và tác phẩm của nhà văn với số lượng in ấn mỗi ấn phẩm chỉ từ 500 đến 1.000 bản mà bán thì ít, biếu là nhiều, thì cũng chỉ có được một số lượng tương ứng như vậy của người đọc - với điều kiện là họ có đọc, bởi không ít báo chí địa phương và cả tác phẩm cá nhân được biếu tặng mà người được tặng biếu nhiều khi dường như không đọc.

Một giảng viên dạy văn trường đại học sư phạm ở miền núi từng phàn nàn: Giáo viên và sinh viên bây giờ ít đọc lắm, khóa sau càng kém khóa trước. Thầy đưa tác phẩm văn học kinh điển nằm trong nội dung bắt buộc phải học đến tận nơi mà cũng chỉ có vài em đọc, còn lại thì học... chay. Tờ báo Văn nghệ của tỉnh để trên bàn ở văn phòng khoa cả tuần hầu như giáo viên không xem đến, tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn cũng chỉ có vài người "ngó" qua... Ðến những người trực tiếp dạy và học văn còn thế, vậy ai là công chúng của văn chương hôm nay?

Trước hết phải nói rằng, không phải công chúng hoàn toàn quay lưng với văn chương, với các nhà văn. Và phạm vi người đọc cũng không chỉ bó hẹp ở phạm vi địa phương đối với một số nhà văn đã khẳng định được vị trí trên văn đàn cả nước - những người đã tạo ra "thương hiệu" và công chúng của mình, hoặc một số nhà văn đã tranh thủ được sức mạnh của truyền thông hiện đại.

Trong tình hình không mấy sáng sủa của "văn hóa đọc", điều rất đáng nói là vẫn có một bộ phận công chúng tích cực, có trình độ học vấn, tâm huyết với văn chương đã đọc và chia sẻ tác phẩm mà họ yêu thích. Họ thảo luận, tranh luận trên các diễn đàn, tạo nên những không gian văn chương sôi nổi trên internet. Ðó là hoạt động tiếp nhận, thưởng thức một cách tự nguyện của công chúng, một sự ghi nhận vô tư đối với thành quả lao động sáng tạo của các nhà văn. Nhưng số nhà văn được cộng đồng đón nhận như vậy vẫn chỉ là số ít.

Không quá lời nếu nói rằng, công chúng văn học của chúng ta còn quá ít.

Có nhà văn nói: Công chúng chính là chúng ta, những người trong giới văn nghệ, là các bạn viết, nhà văn, nhà phê bình. Tức là đối tượng thứ hai của tiếp nhận văn học.

Nhưng trên thực tế, số lượng tác phẩm đến tay mỗi nhà văn hằng tháng, hằng năm là bao nhiêu?

Bên cạnh những nhà văn xem việc đọc là lao động bắt buộc hằng ngày, đọc là tự học, để tri ngộ, để hiểu người khác, để theo kịp đời sống văn học đương đại, thì không phải không có nhiều nhà văn ít đọc.

Ít đọc tác phẩm văn chương trong và ngoài nước, lại càng mù mờ về các lý thuyết vốn là công cụ để khám phá tác phẩm, nhất là các tác phẩm không thuộc phương pháp sáng tác quen thuộc của chúng ta - phương pháp hiện thực XHCN, đó là sự thật.

Không phải không có những nhà văn chỉ đọc những gì tới tay mình, bao gồm các ấn phẩm được phát, những cuốn sách do tác giả bỏ tiền ra in rồi biếu tặng, vậy thôi. Có nhà văn cả chục năm nay không bỏ tiền ra mua một cuốn sách mới nào. Có nhà phê bình trách người viết không tìm đến các nhà phê bình để "được" thẩm định, giới thiệu, trong khi việc của nhà phê bình phải là ngược lại, là chủ động tìm đến tác phẩm. Tức là một tâm thế tiếp nhận thụ động, không chuyên nghiệp.

Như vậy, liệu đã có thể có được cái nhìn sâu sắc về đời sống văn học đương đại hay chưa, khi mà chúng ta không chủ động tiếp nhận, so sánh, khám phá những giá trị cũ - mới trong các mối tương quan đồng đại, lịch đại?

Ở vào thời buổi mà hình như truyền thông đại chúng đang "lên ngôi" trong việc định hướng thẩm mỹ của công chúng; do lợi nhuận của mình, các nhà xuất bản, các đầu nậu sách thông qua ảnh hưởng của truyền thông đã chi phối việc lựa chọn sản phẩm đọc của công chúng, vì vậy việc định hướng thẩm mỹ có phần bị lấn át bởi yếu tố thương mại.

Trong khi đó, với một tâm thế tiếp nhận thụ động, lượng thông tin thẩm mỹ hạn hẹp không đủ tạo ra tiếng nói thuyết phục, với sự hỗ trợ không đủ mạnh của báo chí địa phương, nhà văn, nhà phê bình làm sao định hướng thẩm mỹ cho công chúng ngay cả ở địa phương mình?

Hạn chế về thông tin ở tầm vĩ mô, thiếu thốn công cụ lý thuyết, không có trong tay các tác phẩm có chất lượng hoặc tác phẩm đang tạo ra dư luận xã hội cần được định hướng tiếp nhận, hoạt động định hướng tiếp nhận cho công chúng của các nhà văn, nhà phê bình (nhất là ở địa phương) chỉ loanh quanh với việc thẩm bình, giới thiệu các sáng tác, kể cả giới thiệu sáng tác của hội viên các câu lạc bộ thơ mà chất lượng thì còn phải bàn. Vậy là hoạt động tiếp nhận của nhà văn, nhà phê bình, thay vì chuyên nghiệp hơn, lại đang ngày càng... nghiệp dư hóa.

Mỗi nhà văn đều có giải pháp riêng để chuyên nghiệp hơn trên hành trình sáng tạo. Vì với họ, điều quan trọng nhất là khả năng tiếp nhận sinh khí từ cuộc sống, rồi sáng tạo và lan truyền cảm hứng sáng tạo ấy.

Quá trình sáng tạo là quá trình lao động của cá nhân, nhưng cảm hứng sáng tạo lại là cảm hứng lan truyền, cộng hưởng; sự cộng hưởng và lan truyền ấy thường được nảy sinh từ các sinh hoạt nghề nghiệp. Ðó sẽ là một trong những tác động tích cực, tiếp thêm sinh lực, tạo ra lực đẩy thôi thúc mỗi nhà văn trong hành trình sáng tạo tác phẩm. Bởi, tác phẩm - với tất cả những giá trị mà nó có, sẽ quyết định tính chuyên nghiệp của nền văn học.