Trà Vinh đi Sóc Trăng bao nhiêu km

Những thành phố ven Biển Đông từ Mũi Cà Mau về Sài Gòn , nằm chỉ cách nhau 70km – 80km và lại là đường ở đồng bằng , không có đèo dốc , ít quanh co khúc khuỷu nên ta không mất nhiều sức lực và thời giờ . Khởi hành muộn cở nào , có ghé vài nơi trên đường đi thì khoảng quá buổi trưa một tí cũng đến đích là thành phố kế cận .

Từ Sóc Trăng đi Trà Vinh trên quốc lộ 60 con phải qua hai lần phà ở cù lao Dung , phà Đại Ngãi và phà An Thạnh .

Vì ỷ lại cự ly hôm nay , Sóc Trăng – Trà Vinh chỉ khoảng chừng 70km , nên buổi sáng mình đến viếng chùa La Hán trước khi tạm biệt Sóc Trăng .

Theo quốc lộ 60 về hướng bắc 23km , ta đến bến phà Đại Ngãi – Cù lao Dung . Lần trước mình nhớ có đi ngang qua một nhà thờ nho nhỏ xinh xắn mà bây giờ . . . không thấy nữa ! Chắc là có con đường mới , tránh thị trấn Đại Ngãi nên không được thấy nhà thờ này !

Cù lao Dung nằm giữa sông Hậu Giang và ở đoạn cuối cùng. Trước đây có ba nhánh chảy ra Biển Đông qua ba cửa : Định An , Bassac , Trần Đề . Hiện nay , cửa Bassac ở giữa đã . . . không còn nữa do phù sa bồi đắp và dòng chảy đã bị điều chỉnh qua cửa Trần Đề .

Dài 35km , rộng từ 5km đến 10km , cù lao Dung hình tam giác dẹp lép , chạy theo hướng tây bắc – đông nam , đỉnh có hai bến phà , cạnh đáy là hai cửa biển Định An và Trần Đề . Đây là nơi có rất nhiều cây bần , đi liền với những địa danh như rạch Bần Cò , rạch Đầu Bần , rạch Bần Xanh . . .

Phần đất 15km rừng bần phòng hộ cuối cù lao , sát biển , rộng chừng 15.000ha , là nơi sinh sống của nhiều động vật như : khỉ , heo rừng , chồn đèn , dơi quạ và một số loài chim . Đặc biệt đây là vùng đất hứa của cò quắm , cò nghệ . Lúc hoàng hôn buông xuống , cũng là lúc cả chục ngàn con cò ” tung cánh chim tìm về tổ ấm ” ! Đất lành chim đậu , cò về càng đông càng chứng tỏ môi trường ở vùng cuối cùng của Cù Lao Dung trong lành !

Cây bần có sức sống mãnh liệt , mọc ven sông , rạch , phù hợp với cả ba loại nước : ngọt , lợ , mặn . Da cây bần màu xanh nâu , có nhiều nhánh , bên cạnh những nhánh to còn có những nhánh nhỏ rủ xuống giống như những nhánh liễu , lá bần hình bầu dục to bằng hai ngón tay . Trái bần hình tròn dẹp , có đuôi nhọn .

Cây cho trái quá trời !

Rễ cây bần không giống như rễ của các loại cây khác , nó mọc nhọn lên khỏi mặt đất , nhìn như những mũi chông dựng quanh gốc cây bần . Những ” cây chông ” này còn được gọi là cộc bần , giúp giữ những hạt phù sa , làm nên những bãi bồi !

Trái bần là món ăn quen thuộc của dân nơi này . Xưa kia , khi chúa Nguyễn Phúc Ánh – sau này là vua Gia Long , bị quân Tây Sơn truy kích đã có lúc trôi dạt tới cù lao Dung . Thời gian lánh nạn tại đây , ông cho quan quân xây lò đúc tiền nên bây giờ vẫn còn rạch Trường Tiền và rạch Long Ấn . Đặc biệt , ông thấy dân ở đây ăn trái bần kẹp với mắm sống , ông ăn thử thấy ngon và đặt cho cây bần một cái tên duyên dáng , mỹ miều là ” Thủy Liễu ” !

Còn về đông y thì các cụ áp dụng như sau : – Nếu bị tiêu chảy , hãy bẻ trái bần non ăn sống . Vị chát của trái bần non trị được bệnh tiêu chảy .

– Ngược lại , nếu bị táo bón hãy lượm trái bần chín về nấu một nồi canh chua , ăn với cơm , sau đó không còn táo bón nữa !

Trong cuộc chiến đánh thực dân Pháp , năm 1947 đội du kích Long Phú dựa vào địa hình rậm rạp , um tùm của những cây bần , đã thắng lớn trong trận Vàm Rạch Già , xã An Thạnh Nhứt , diệt nhiều giặc Pháp , thu được nhiều vũ khí và nhấn chìm một tàu sắt hiện còn nằm dưới đáy sông Rạch Già . Lúc bấy giờ cù lao Dung thuộc địa phận huyện Long Phú , hiện nay đã được tách riêng thành huyện Cù lao Dung .

Sau chiến thắng giòn giã tại đây , ca sĩ và sau này là Nghệ Sĩ Nhân Dân Quốc Hương đã sáng tác và thể hiện bài hát ” Du kích Long Phú ” , được nghe trên các đài phát thanh khắp từ Nam đến Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước , như tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến thần thánh , chống pháp dành độc lập của dân tộc Việt Nam Ta !

Ai về Cù Lao Dung ,
Nhớ ghé viếng Rạch Già ,
Nhớ về An Thạnh nhứt ,
Hỏi Tây chết mấy thằng . . .

Và cũng sau chiến thắng này , quân và dân Cù Lao Dung có câu ” Bần che bộ đội , bần vây quân thù ” . Nhà thơ Tố Hữu cũng có câu ” Rừng che bộ đội , rừng vây quân thù ” . Không biết câu nào có trước ?

Rất tiếc là hạ tầng cơ sở để phục vụ du lịch trên cù lao Dung còn yếu kém nên thường thì khách ít có người lưu lại trên cù lao mà chỉ vội vàng qua hai lượt phà để đi tiếp trên quốc lộ 60 !

Phà cập bến , đi trên chóp đầu cực tây bắc cù lao khoảng 2,5km , ta lại gặp và qua phà . . . Cù lao Dung – Cầu Quan , tên chính thức là phà An Thạnh . Đây cũng là những chuyến phà cuối cùng trên đồng bằng sông Cửu Long !

Cạnh bến phà là thị trấn Cầu Quan , có nhà thờ to và đẹp ngay bên quốc lộ 60 . Nghĩa trang công giáo cũng nằm bên cạnh nhà thờ .

Bữa cơm trưa ở thị trấn Tiểu Cần , chắc có nghĩa là ở đời chỉ cần ít ít thôi ! Ngắm hoa bọ cạp vàng nở rộ !

Km 40 – thị trấn Tiểu Cần . Đã đến lúc nghỉ ngơi , giải khát và dùng bữa trưa . Mình vào một quán ăn bên đường , có xe nước mía và trước mặt là ngôi trường với mấy cây bọ cạp vàng nở rộ những chùm hoa vàng . Vừa được ăn cơm tấm bì sườn chả , có cả chén canh nhỏ , kèm thêm ly nước mía thơm ngon , vừa được . . . ngắm hoa vàng trong buổi trưa tĩnh lặng tại một thị trấn yên bình ! Hạnh phúc có phải là đơn sơ và dễ đạt được như thế này không ? Hay hạnh phúc phải là những gì cao xa , để rồi không bao giờ có được ?

Km 70 – Thành phố Trà Vinh .

Đã điện thoại giữ phòng trước rồi nên mình ung dung đến khách sạn trước mặt chợ Trà Vinh để lấy phòng thì cô tiếp tân cho biết đã có anh . . . Hoài Nhơn lấy căn phòng nhỏ một giường mà mình đã đặt từ hôm qua !

Bùng binh ở cửa ngõ thành phố Trà Vinh .

Coi lại trong sổ thì đúng là có anh Hoài Nhơn nào đó – khác họ , và cô tiếp tân nghĩ rằng hôm nay chỉ có một anh Hoài Nhơn đến khách sạn này thôi nên mới xảy ra sự cố hi hữu như vậy ! May là sau khi ” làm công tác tư tưởng ” thì mình được căn phòng tốt hơn một tí , không phải bị trả thêm tiền , coi như trong cái rủi vẫn có cái may !

Thành phố Trà Vinh chỉ còn cách Sài Gòn 140km về hướng nam tây nam , trên quốc lộ 60 và không còn xa nữa vì đã có ba cây cầu bắc qua sông Cổ Chiên , sông Hàm Luông và sông Tiền Giang .

Một hình ảnh độc đáo của thành phố này là có rất nhiều cây cổ thụ to cao sừng sững cho bóng mát . Hầu như toàn bộ phố xá đều nằm dưới bóng những cây sao , cây dầu , cây me có tuổi đời hàng trăm năm . Các tuyến đường trong trung tâm , trong khuôn viên các cơ quan , trường học , nhà dân . . . ở đâu cũng thấy cây xanh cổ thụ .

Khi nào những cây cổ thụ này sẽ bị chặt phá để tụi tham nhũng làm những dự án ngược lòng dân , kiếm tiền bỏ túi riêng ?

Được như vậy chắc là do công lao của . . . thực dân Pháp để lại ! Thật là một sự ngu si dốt nát và mỉa mai vô bờ bến khi đánh đuổi giặc đi , giành độc lập cho nước nhà để rồi tự do . . . chặt phá , tự tay mình hủy hoại môi trường sống hoặc là ngửa tay quì gối nhận tiền tham nhũng rồi rước ngoại bang vào để chúng nó rải chất độc hóa học khắp nơi , hủy diệt dân tộc Việt Nam . Tội này nếu sau này có ” Đổi Mới ” lần nữa , chắc chắn những đứa nào nhúng tay vào phải xứng đáng bị lãnh án tử hình nhiều lần !

Vẫn còn kịp thời giờ nên mình đi thăm cụm ba điểm tham quan : Ao Bà Om , chùa Âng và nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer .

Ao Bà Om , thắng cảnh nổi tiếng ở địa phương . Ao có hình chữ nhựt – dài 500m , rộng 300m nhưng bà con nhìn ra hình . . . vuông nên còn gọi là Ao Vuông ! Ao được bao bọc chung quanh bằng những gò đất , vốn là phần đất được lấy từ ao đắp lên thành vòng bờ chung quanh . Trên bờ ao , người xưa đã trồng cây sao cây dầu , nay trở thành những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi , rễ nổi lên khỏi mặt đất , có những hình thù kỳ lạ , thú vị !

Hoàng hôn bên Ao Bà Om – Trà Vinh .

Bên cạnh Ao Bà Om là chùa Âng , tên chính thức là Angkorajaborey , có từ năm 990 , được dựng bằng tre lá . Đến năm 1842 , chùa được dựng bằng gỗ quí , có tường xây và lợp ngói trong khuôn viên rộng khoảng 4ha .

Chùa Khmer cổ này cũng là một nhà bảo tàng sống động , được trang trí đủ các loại tượng như : Chằn Yeak , Tiên nữ , mình người đầu chim , đầu thần Bayon bốn mặt . . .

Cũng như nhiều ngôi chùa Khmer khác , chùa Angkorajaborey không chỉ là nơi tu hành của các vị sư , là nơi thanh niên Khmer đến tu học , mà còn là một trung tâm văn hóa , bảo tồn lưu trữ và phổ biến kinh điển , giáo lý , sách báo , các tác phẩm văn học nghệ thuật và cũng là trường dạy chữ Khmer cho con cháu và sư sãi trong vùng . Lễ hội Ok Om Bok , dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm là lễ hội lớn nhứt của chùa .

Đối diện với chùa Angkorajaborey là Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer . Nơi đây triển lãm và giới thiệu bộ sưu tập các mặt nạ Chằn dùng trong các điệu múa , sưu tập các nhạc cụ , y phục , sách kinh kệ tôn giáo được khắc trên lá buông v . . . v . . .

Không có Trà Vinh by night như mấy thành phố lớn nhưng nhờ có phòng nghỉ gần chợ nên buổi tối ghé ăn bánh cuốn nóng gần đó , vào vai ” Anh khách lạ đi lên đi xuống ” trên con đường Phạm Thái Bường , ngắn nhưng đông và vui như một khu chợ đêm vì có rất nhiều hàng quán ăn uống . Tìm một chỗ ngồi có góc nhìn tốt để có thể ngắm được toàn cảnh ” Phố đêm Trà Vinh ” , nhâm nhi giải khát và vui sướng vì sắp được . . . về đến Sài Gòn !

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Xin mời các bạn bấm vô đây để xem thêm hình.

Video liên quan

Chủ Đề