Từng chủ thể đã thực hiện trách nhiệm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ như thế nào

Với chức vụ do nhân dân ủy quyền, Hồ Chí Minh dùng quyền lực của mình với chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng để cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho đồng bào. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chủ yếu thể hiện ở việc tự tu dưỡng, rèn luyện, tức là tự kiểm soát quyền lực của bản thân mình; đồng thời kiểm soát qua cơ chế tổ chức và hoạt động của tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là qua tổ chức Đảng và Nhà nước; qua sự kiểm soát của nhân dân. Đây là những nội dung rất quan trọng đối với việc thực thi và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Việt Nam hiện nay.

Quyền lực của con người trong quan hệ xã hội không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Có thứ quyền lực được ứng trước từ một cộng đồng, từ một tổ chức chính trị. Có loại quyền lực mà tự người đó phấn đấu và được cộng đồng tôn vinh, trao cho. Đó là nói về nguồn gốc của quyền lực. Còn sử dụng quyền lực thì sao? Có người sử dụng quyền lực của mình để mưu lợi ích cho cộng đồng; có người dùng quyền lực để mưu lợi ích riêng, cho nhóm của mình. Riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người có nhận thức và hành động đúng đắn về quyền lực trong công tác cán bộ, trong đó có kiểm soát quyền lực để phục vụ cho lợi ích cách mạng.

Tự kiểm soát quyền lực

Khi đề cập tự kiểm soát quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình để sử dụng quyền lực có ích cho cách mạng. Xét ở một khía cạnh nào đó chúng ta có thể liên tưởng tới sự tu dưỡng của người theo tôn giáo. Những tín đồ tôn giáo phải luôn tự răn mình, tự giác ngộ và tự hành động theo giáo lý của tôn giáo, như thế niềm tin tôn giáo chính là tạo ra quyền lực tôn giáo và nó chế định, kiểm soát tư duy và hành động của các tín đồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm mối quan hệ của con người có ba điều cơ bản: đối với người; đối với việc; đối với mình. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh [năm 1927], Người nêu lên tư cách của một người cách mệnh, đưa ra yêu cầu người cách mạng phải ứng xử theo chuẩn mực trong ba mối quan hệ [với mình, với người, với công việc]. Trong ba mối quan hệ đó, thì tự mình giải quyết mối quan hệ đối với bản thân là khó khăn nhất. Người nào có quyền lực/chức quyền càng lớn thì chịu sự tác động của những yếu tố đó càng lớn. Sự ham muốn/dục vọng của con người là vô cùng tận, cần có sự chế định nó. Điều này liên quan đến việc kiềm chế dục vọng để tránh những điều xấu. Tự mình răn mình, tự mình rèn luyện để tiết chế tư duy hành động của chính bản thân mình, để làm điều tốt, điều thiện thì đó là sự tiết chế vô cùng cần thiết ở mỗi cán bộ - người có quyền lực trong Đảng và trong xã hội, người giữ vị trí lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1], “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2].

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho rằng, công tác cán bộ có vai trò “then chốt của then chốt”. Phải tự mình kiểm soát quyền lực của mình để vừa không lạm dụng quyền lực vừa dám làm, dám chịu trách nhiệm để cùng toàn Đảng và hệ thống chính trị lãnh đạo toàn dân cho công cuộc đổi mới, đó là yêu cầu đầu tiên của mỗi người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Quyền lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên trên, vượt ra khỏi chức vụ mà người đảm nhiệm, Người trở thành lãnh tụ của Đảng và dân tộc Việt Nam bằng chính phẩm chất và năng lực ngay cả trước khi giữ những chức vụ đó. Khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài [tháng 01/1946], Người đã nói lên một cách đầy đủ quan niệm về quyền lực mà Người có: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi vui lòng lui”[3].

Như vậy, quyền lực Chủ tịch nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là do dân “ủy thác” cho, Người nhận sự ủy thác đó để mưu cầu cho lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, chứ tuyệt nhiên không vì bản thân mình. Điều này tiếp tục được thể hiện trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[4]. Trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đây là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong nhận thức về quyền lực, điều đầu tiên là phải tự mình kiểm soát quyền lực của mình. Suy rộng ra, điều này không chỉ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn đối với tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi nói đến những nguyên lý về đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, V.I.Lênin đã nêu lên một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng là giữ kỷ luật sắt của đảng, nhưng đó là kỷ luật tự giác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh điều tự giác, tự rèn luyện này.

Dùng cơ chế để kiểm soát quyền lực

Tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, tự kiểm soát bản thân mình nhưng phải dựa trên cương lĩnh, đường lối, chủ trương, điều lệ, các quy định của Đảng; pháp luật, chính sách của Nhà nước; những quy định của các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân. Đây là sự phản ánh cái nền tảng để mỗi cán bộ dựa vào và cũng là chiều tác động trở lại của một tổ chức chính trị đối với những cán bộ trong bộ máy tổ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng thuật ngữ “cơ chế”, nhưng Người đề cập những nội dung dùng tổ chức, những quy định, những nguyên tắc để kiểm soát quyền lực. Trong thực tế cách mạng ở nước ta, thường diễn ra các trạng thái: một là lạm dụng quyền lực, sử dụng quyền lực không đúng nơi, đúng chỗ, vượt quá quyền hạn của mình, độc đoán chuyên quyền; hai là rụt rè, không dám chịu trách nhiệm, không dám làm, dựa dẫm tập thể trong khi bản thân mình được giao và có quyền sử dụng quyền lực để đưa lại lợi ích cho cách mạng. Đảng ta nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung là một tổ chức chính trị chặt chẽ, có các nguyên tắc hoạt động của mình và chính các nguyên tắc đó là cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cho cả hệ thống chính trị.

Cơ chế đó được thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật để từ người dân thường cho đến những cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải có trách nhiệm tuân thủ theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đồng thời cơ chế đó có trong cả các chính sách quốc gia. Cơ chế đó cũng được thể hiện trong Điều lệ Đảng, trong cương lĩnh, nghị quyết, các chủ trương, quy định, quy chế của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân.

Có một vấn đề chung nhất và lớn nhất, cơ bản nhất của cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế trong thời gian qua, đã có một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện Trung ương Đảng quản lý vi phạm kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Vậy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kiểm soát quyền lực liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện như thế nào. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ “Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”[5]. Người nhấn mạnh: “Tập trung trên nền tảng dân chủ. Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ… không ai được tự ý độc đoán… Quyền lực không phải tự ai tranh giành được. Vì vậy, người lãnh đạo phải gần gũi và học hỏi quần chúng đảng viên, nghe ngóng ý kiến của họ. Nếu lên mặt với quần chúng, lạm dụng quyền lực - thế là sai lầm”[6].

Đối với vấn đề dân chủ, Người nhấn mạnh: “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung… Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng”[7]. Như vậy, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, nếu thực hiện thật tốt những nội dung trên đây của nguyên tắc tập trung dân chủ thì sự kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhất định sẽ đạt được kết quả tốt.

Nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực cán bộ

Trong lý luận của C.Mác, Đảng Cộng sản là bộ phận tinh túy nhất của giai cấp vô sản đại công nghiệp. V.I.Lênin thì cho rằng, Đảng Cộng sản là bộ phận tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đã vận dụng sáng tạo, phát triển các quan điểm của C.Mác và V.I.Lênin để đi đến kết luận rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam từ trong xã hội mà ra, là Đảng của con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động, tức là con đẻ của nhân dân, là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Giữa Đảng và Nhân dân có mối quan hệ gắn bó mật thiết, vì vậy Đảng phải làm tròn trách nhiệm với Nhân dân, làm công bộc, “là người đày tớ thật trung thành” của Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”[8]; “đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta… Phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”[9]. Mọi hoạt động của Đảng, mọi quyền lực của cán bộ phải luôn đặt dưới sự kiểm soát của Nhân dân, kiểm soát ở mọi lúc, mọi nơi. Nhân dân kiểm soát quyền lực bằng việc phản ánh cho Đảng về tình hình cán bộ, thể hiện ở những mặt cơ bản sau: 1] Kiểm soát về đạo đức, phong cách của cán bộ có chức quyền; 2] Phê bình, góp ý về sự lãnh đạo của cán bộ; 3] Tham gia đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ khi cán bộ đó thực thi quyền lực, vì một trong những mục tiêu của việc thực thi quyền lực là đưa lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho Nhân dân; khi lợi ích chính đáng của Nhân dân không được bảo đảm thì phải xem lại hiệu quả lãnh đạo cán bộ có chức quyền. Nếu quyền lực của cán bộ được đặt trên ba mặt đó thì chắc chắn sẽ được kiểm soát một cách có hiệu quả.

Kiểm soát quyền lực từ các cơ quan nhà nước

Đảng ta đề ra nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ. Vì vậy, toàn bộ quy trình của công tác cán bộ, trong đó đặc biệt là công tác bổ nhiệm, đề bạt, phân công công tác, tức là trao quyền và trách nhiệm cho cán bộ, về thực chất là do các tổ chức đảng có thẩm quyền chịu trách nhiệm, đều phải được thông qua cấp ủy, tất nhiên các tổ chức khác trong hệ thống chính trị được phân công, phân định một số khâu trong quy trình của công tác cán bộ. Điều đó cho thấy, cán bộ có chức, có quyền khi thực thi công vụ không những phải tuân thủ sự kiểm soát của Đảng mà còn phải tuân thủ sự kiểm soát của các tổ chức, cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, nơi mà cán bộ đó công tác.

Trên hết và trước hết, cán bộ lãnh đạo dù ở bất kỳ cương vị nào, cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”[10]; phải “Giữ vững kỷ luật của Chính phủ và của các đoàn thể cách mạng, thông thạo công việc mình phụ trách; làm gương mẫu trong mọi công việc cách mạng. Phải làm tròn những nghĩa vụ đó”[11]. Như vậy, không chỉ Đảng, Nhân dân mà các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm kiểm soát quyền lực của cán bộ. Sự kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đương nhiên còn thông qua sự phối hợp công tác kiểm tra của cả hệ thống chính trị.

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực đã chỉ ra một cách biện chứng, đúng đắn về nguồn gốc của quyền lực trong công tác cán bộ; đồng thời nêu lên những vấn đề kiểm soát quyền lực để hướng đích phục vụ cách mạng. Quyền lực đó không được phép mang tính cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Tất cả mọi quyền lực và quyền lực tối cao đều thuộc về Nhân dân. Lợi ích của Đảng và lợi ích của Nhân dân là một, Đảng không có lợi ích riêng. Cán bộ, trước hết phải tự kiểm soát quyền lực của mình bằng quá trình tu dưỡng, rèn luyện; cán bộ phải đặt quyền lực của mình trong cơ chế kiểm soát của các tổ chức hệ thống chính trị cũng như của Nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới của nước ta cũng như trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ra sức kiên trì quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề kiểm soát quyền lực, chắc chắn rằng chất lượng của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta sẽ được nâng cao hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới./.

---------------------------------

Ghi chú:

[1],[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309, tr.280.

[3] Sđd, tập 4, tr.187.

[4] Sđd, tập 15, tr.627, tr.615.

[5],[6],[7],[8],[9],[11] Sđd, tập 8, tr.275, tr.286, tr.286, tr.280-281, tr.285, tr.285.

[10] Sđd, tập 11, tr.202.

GS.TS Mạch Quang Thắng - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: //tcnn.vn/

Video liên quan

Chủ Đề