Tỷ suất chết thô là gì

[Last Updated On: 17/12/2021 by Lytuong.net]

Mục lục

  • 1. Các khái niệm
  • 2. Các thước đo mức chết
    • + Tỷ suất chết thô [CDR]
    • + Các tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi [ASDR]
    • + Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi [IMR]
    • + Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi
    • + Tỷ suất chết mẹ [MMR]
    • + Triển vọng sống trung bình từ khi sinh hay tuổi thọ trung bình của dân số
  • 3. Các đặc trưng của mức chết
  • 4. Xu hướng biến động mức chết
  • 5. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức chết

1. Các khái niệm

Chết là một hiện tượng tự nhiên mà bất kỳ sinh vật nào cũng đều trải qua. Mức chết đề cập đến những trường hợp chết xảy ra trong một dân số. Xác suất chết trong một thời gian nhất định có liên quan đến nhiều nhân tố như tuổi, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp và tầng lớp xã hội. Tỷ lê chết có thể phản ánh nhiều về mức sống và chăm sóc sức khỏe của một dân số.

Khái niệm về chết được Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới thống nhất định nghĩa như sau: “Chết là sự mất đi vĩnh viễn tất cả những biểu hiện của sự sống ở một thời điểm nào đó, sau khi có sự kiện sinh ra sống được [sự chấm dứt tất cả những biểu hiện của sự sống mà không một khả năng nào khôi phục lại được]”. Như vậy, sự kiện chết xảy ra chỉ sau khi có sự kiện sinh sống. Khoảng thời gian kể từ khi sinh đến khi chết là độ dài cuộc sống, hay còn gọi là một đời người.

Có thể phân loại sự kiện chết thành nhiều loại:

  • Chết sớm sau khi sinh – sơ sinh [neonatal death]: Là sự kiện chết xảy ra trong khoảng thời gian từ khi con người được sinh sống dưới 28 ngày tuổi.
  • Chết muộn sau khi sinh [post-neonatal death]: là sự kiện chết xảy ra trong 11 tháng sau sinh trước khi tròn một tuổi.
  • Chết trẻ em dưới 1 tuổi [infant death]: Là sự kiện chết xảy ra trong khoảng thời gian từ khi có sự kiện sinh sống cho đến khi tròn 12 tháng tuổi.
  • Chết trẻ em từ 1-4 tuổi [juvenile death]: Là sự kiện chết xảy ra trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 năm sau khi đứa trẻ sinh sống.
  • Chết trẻ em dưới 5 tuổi: Là sự kiện chết xảy ra trong khoảng thời gian sau khi đứa trẻ sinh sống cho đến khi tròn 60 tháng tuổi.
  • Các sự kiện chết ở lứa tuổi khác thì sẽ gọi tên theo độ tuổi mà người đó đã sống.

2. Các thước đo mức chết

Có nhiều thước đo đánh giá mức độ chết. Mỗi thước đo phản ánh khía cạnh này hay khía cạnh khác của sự chết và có những ưu, nhược điểm nhất định.

+ Tỷ suất chết thô [CDR]

Tỷ suất chết thô là thước đo đơn giản đánh giá mức độ chết. Nó biểu thị số người chết tính trên 1.000 người dân trong một năm nhất định.

Ví dụ: Năm 2009, ở nước B có 84.000 người chết, số dân trung bình của nước này trong năm 2009 là 18.900.000 người. Tỷ suất chết thô của nước B trong năm 2009 tính được là:

CDR tỉnh A = [84.000 / 18.900.000] * 1000 = 4,4 [phần nghìn]

Năm 2009, ở nước B có 4,4 người chết trên 1000 người dân.

Tỷ suất chết thô trung bình trên thế giới hiện nay vào khoảng 9‰ và không có sự khác biệt nhiều giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt từ những năm 80 trở lại đây. Ở Việt Nam, mức chết thô đã giảm thấp trong những năm qua và hiện đã có xu thế tăng lên do cơ cấu dân số đang già hóa.

Bảng 1: Tỷ suất chết thô của Việt Nam chia theo vùng kinh tê-xã hội các năm 1999 và 2009

Hạn chế của chỉ tiêu này là phụ thuộc vào cơ cấu dân số [đặc biệt cơ cấu tuổi], do đó không phản ánh đầy đủ trình độ phát triển kinh tế – xã hội, mức sống và những thành tựu y học.

+ Các tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi [ASDR]

Đối với các nhóm dân cư khác nhau [tuổi, giới, nghề nghiệp, dân tộc…] thì mức độ chết khác nhau. Để phản ánh mức độ chết của các nhóm dân cư riêng biệt, người ta dùng các tỷ suất chết trưng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi.

Thước đo này đã loại bỏ ảnh hưởng cơ cấu tuổi đối với mức chết, phản ánh thực chất về mức chết của từng độ tuổi. Vì vậy, so sánh mức độ chết giữa các nước, giữa các thời kỳ bằng thước đo này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, khi xác định cần có số liệu chi tiết về chết của từng độ tuổi. Trong thực tế khó xác định được mức độ chết cho từng độ tuổi, nên thường tính cho từng nhóm tuổi.

Ví dụ: Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số Việt Nam độ tuổi 23 là 1674522 người. Số chết thuộc độ tuổi này trong năm 2009 là 2176 người. Tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi của dân số Việt Nam ở độ tuổi 23 là:

ASDR 23 = [2 176 / 1 674 522] * 1000 = 1,3 phần nghìn

Kết quả này cho biết cứ 1000 người dân Việt Nam ở độ tuổi 23 trong năm 2009 có 1,3 người chết.

+ Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi [IMR]

Trong tỷ suất chết đặc thù theo tuổi, người ta đặc biệt quan tâm đến tỷ suất chết của trẻ em 0 tuổi [dưới 1 tuổi].

Tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi cho biết số trẻ em chết dưới một tuổi trên 1000 trẻ em sinh sống trong một năm.

Ví dụ: Số trẻ em chết dưới 1 tuổi trong năm 2009 ở tỉnh A là 6000 em. Năm 2009 tỉnh A có 235.500 trẻ em được sinh ra. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của tỉnh A năm 2009 là:

IMR tỉnh A = [6.000 / 235.500] * 1000 = 25,4 phần nghìn

Kết quả này cho biết năm 2009 cứ 1000 trẻ em sinh ra ở tỉnh A có tới 29,9 em chết trước khi tròn một tuổi.

Tỷ suất chết dưới 1 tuổi là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong phân tích về chết của dân số bởi vì nó là chỉ báo quan trọng đánh giá mức độ ảnh hưởng của mức sống, y tế và phát triển đến mức chết. Nó đo mức độ chết trong bộ phận dân cư có mức độ chết lớn nhất, ảnh hưởng rất lớn đến mức chết chung và tuổi thọ bình quân của người dân. Đồng thời, nó có mối quan hệ tác động qua lại rất chặt chẽ đối với mức sinh. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi được coi là một dự báo tốt về tình trạng sức khỏe của một dân số.

Mức chết trẻ em dưới một tuổi thường phân bố không đều, thường có khuynh hướng tập trung vào tuần đầu, tháng đầu sau khi sinh. Đồng thời, nguyên nhân gây ra chết trẻ em trong thời gian đầu sau khi sinh cũng khác với thời gian sau. Trẻ em chết trong thời gian đầu sau khi sinh thường do các nguyên nhân nội sinh [những nguyên nhân xuất hiện từ trong bụng mẹ chẳng hạn như di tật bẩm sinh, bệnh bẩm sinh, . . .] trong khi đó, những trường hợp chết muộn hơn thường do những nguyên nhân bên ngoài [những nguyên nhân thuộc về các yếu tố môi trường trong quá trình chăm sóc, như dinh dưỡng, mắc các bệnh lây nhiễm, …]. Vì vậy, ngoài việc xác định tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi người ta còn xác định tỷ suất chết trẻ sơ sinh [chết trong vòng một tháng đầu tiên sau khi sinh]. Tỷ suất chết trẻ em của Việt Nam luôn luôn có xu hướng giảm.

Bảng 2: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam chia theo vùng kinh tế – xã hội các năm 1999, 2009 và 2010

Tỷ suất chết trẻ em là chỉ tiêu rất quan trọng, nó thường được tính trong các báo cáo phát triển của Liên hợp quốc hàng năm. Đây là chỉ tiêu tốt nhất đo lường mức chết của trẻ em. Trong một chừng mực nhất định, tỷ suất chết trẻ em phản ánh trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, y tế và xã hội của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Mức chết trẻ em cao làm cho triển vọng sống trung bình khi sinh của dân cư đó thấp. Vì vậy, muốn nâng cao triển vọng sống trung bình khi sinh cần tiến hành các biện pháp làm giảm mức chết trẻ em, đặc biệt là tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi.

+ Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi

Ví dụ: Số trẻ em chết dưới 5 tuổi trong năm 2009 ở huyện B là 9.000 em. Năm 2009 huyện B có 230.600 trẻ em được sinh ra. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi của huyện B năm 2009 là:

ASDR0-4 huyện B = [9.000 / 230.600] * 1000 = 39 phần nghìn

Kết quả này cho biết năm 2009 cứ 1000 trẻ em dưới 5 tuổi tại huyện B có 39 em chết trước khi tròn 5 tuổi.

Cũng như tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng sống trung bình của dân số. Các nguyên nhân chết của trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là các nguyên nhân giống như các nước đang phát triển khác như: Tiêu chảy, viêm phế quản, suy dinh dưỡng, Đây là những nguyên nhân mà chúng ta có thể

khắc phục được mà không cần đầu tư nguồn lực quá lớn. Cũng giống như chỉ tiêu tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi trong một chừng mực nhất định phản ánh trình độ phát triển của kinh tế, hệ thống y tế, giáo dục và tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách chăm sóc và bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

+ Tỷ suất chết mẹ [MMR]

Tỷ số chết mẹ là số phụ nữ chết do những biến chứng về thai nghén hoặc sinh đẻ trong một năm tính trên 100.000 trẻ sinh sống trong năm đó. Bao gồm cả những trường hợp chết do những biến chứng về sảy thai hoặc phá thai.

Ví dụ: Tỉnh D, năm 2009 có 15 bà mẹ chết do thai nghén và sinh đẻ. Số trẻ em sinh sống trong năm 2009 của tỉnh này là 80.000 em. Tỷ số chết mẹ của tỉnh D năm 2009 là:

MMR tỉnh D = [15 / 80.000] * 100.000 = 18,7

Ở Việt Nam, tỷ số chết mẹ thu được từ Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 là 69/100.000 trẻ sinh sống. Trên thực tế, để đạt được mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ và giảm 75% tỷ số chết mẹ, trong giai đoạn từ 1990-2015 [từ 233/100.000 trẻ sinh sống xuống còn khoảng 58/100.000 trẻ sinh sống] thì phải ưu tiên việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi với các dịch vụ KHHGĐ, phòng ngừa có thai ngoài ý muốn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc thai sản và hộ sinh chất lượng cao [Tổng cục Thống kê, 2010, tr 73].Năm 2009, ở tỉnh D có 18,7 bà mẹ chết do thai nghén và sinh đẻ tính trên 100.000 trẻ em sinh sống.

+ Triển vọng sống trung bình từ khi sinh hay tuổi thọ trung bình của dân số

Triển vọng sống trung bình từ khi sinh là một ước lượng số năm trung bình mà một người có thể sống thêm được kể từ khi sinh ra, dựa trên các tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi của một năm nhất định. Vì chỉ tiêu này khá khác nhau tùy thuộc vào giới tính, tuổi và chủng tộc, nên thông thường người ta thường tính riêng cho từng giới tính hoặc dân tộc.

Triển vọng sống trung bình từ khi sinh [tuổi thọ trung bình của dân số] liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào mức độ chết của dân cư. Nếu tỷ suất chết, đặc biệt tỷ suất chết của trẻ em càng thấp thì triển vọng sống trung bình khi sinh càng cao và ngược lại. Nó là chỉ tiêu quan trọng của tái sản xuất dân số, là một trong những chỉ tiêu cơ bản phản ánh mức độ chết của dân cư, phản ánh trình độ phát triển kinh tế-xã hội, thành tựu y học, mức sống của người dân và sự quan tâm của Nhà nước.

Với giả thiết rằng chết được phân bố đều giữa các độ tuổi và giữa các khoảng thời gian trong năm thì triển vọng sống trung bình từ khi sinh của dân số được tính theo công thức sau:

Trong đó:

  • l0, l1, l2, l3, … ln là số người sống đến đầu các độ tuổi 0; 1; 2; …n tuổi: n lớn nhất bằng 100 với giả thiết là tất cả mọi người chỉ sống đến 100 tuổi là chết.
  • e0 được coi là triển vọng sống trung bình của những người mới sinh. Không nên nhầm lẫn tuổi thọ trung bình e0 với tuổi trung bình của những người đang sống hoặc tuổi sống trung bình của những người đã chết tại thời điểm nào đó.

Triển vọng sống trung bình của dân số là một số đo lý thuyết và là một chỉ tiêu phản ánh tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe hiện tại. Vì xu hướng chết thay đổi nên triển vọng sống trung bình khi sinh cũng thay đổi. Triển vọng sống trung bình khi sinh cho ta biết nếu các tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi giữ nguyên không thay đổi thì triển vọng sống kể từ ngày sinh là bao nhiêu.

Ví dụ: Theo số liệu dân số thế giới 2009 [Datasheet of Population 2009], tuổi thọ bình quân [e0 ] của dân số Nhật Bản, là 83 tính chung cho toàn bộ dân số và 79 đối với nam giới và 86 đối với phụ nữ. Điều này có nghĩa là nếu các tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi của dân số Nhật Bản giữ nguyên như năm 2009 thì nam giới Nhật Bản có thể sống đến 79 tuổi, phụ nữ có thể sống đến 86 tuổi.

Cũng theo số liệu này tuổi thọ trung bình của Lesotho là 40 năm đối với toàn bộ dân số, trong đó 40 năm đối với nam giới và 39 năm đối với phụ nữ. Điều này cho thấy rằng ở Lesotho, triển vọng sống kể từ ngày sinh của nam giới chỉ là 40 năm, nhưng vẫn cao hơn phụ nữ [triển vọng sống kể từ ngày sinh của phụ nữ chỉ có 39 năm].

Cần lưu ý rằng, ở các nước khác nhau, tuổi thọ trung bình của dân số ở các nước khác nhau rất khác nhau. Ở các nước đang phát triển, triển vọng sống trung bình từ khi sinh thấp một phần là do tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi cao. Ví dụ, cũng theo số liệu dân số thế giới năm 2009, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của Lesotho là 83%o, trong khi đó, tỷ suất này ở Nhật Bản chỉ là 2,6%o.

3. Các đặc trưng của mức chết

+ Đặc trưng về chết theo tuổi

Trong dân số học, tuổi là tiêu thức cực kỳ quan trọng. Nó liên quan và tác động đến mọi quá trình biến động dân số. Đối với các độ tuổi khác nhau, mức độ chết rất khác nhau. Qua thực tế quan sát ở các nước khác nhau, trong các thời kỳ khác nhau đều cho kết quả tương đối giống nhau: Ở 0 tuổi, tỷ suất chết cao hơn nhiều so với các độ tuổi khác. Sau tuổi này, tỷ suất chết giảm xuống khá nhanh và thường đạt mức thấp nhất ở độ tuổi 10-14, sau đó lại tăng dần lên.

Tuy nhiên mức độ có khác nhau đối với các nước có trình độ phát triển khác nhau. Đường biểu diễn chết đặc trưng theo tuổi của các nước đang phát triển có dạng hình chữ U, các nước phát triển có dạng hình chữ J ngược.

Nhìn chung, các nước đều rất quan tâm đến việc giảm chết ở độ tuổi 0. Bởi vì chết ở độ tuổi này khá lớn và ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ trung bình của dân số. Chết trẻ em chịu ảnh hưởng bởi 2 nhóm yếu tố: Các yếu tố nội sinh liên quan đến việc hình thành bào thai, chửa đẻ và do vậy có thể coi như biến sinh học; Các yếu tố ngoại sinh bao gồm yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Xu hướng chung là cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng cuộc sống tăng lên, tỷ suất chết giảm đi, đặc biệt chết 0 tuổi. Vì vậy, đối với các nước phát triển, mức chết 0 tuổi rất thấp.

+ Đặc trưng về chết theo giới tính

Trong điều kiện hiện nay, quan sát mức độ chết theo giới tính người ta nhận thấy có một đặc điểm chung là mức chết của nam luôn cao hơn của nữ, do đó tuổi thọ bình quân của nữ cao hơn của nam.

Đặc trưng này loại trừ các nước có trình độ phát triển kinh tế-xã hội thấp kém. Sự khác biệt về chết giữa nam và nữ là một trong những hiện tượng đáng quan tâm nghiên cứu trong dân số và trong kinh tế-xã hội. Đây cũng là vấn đề đang bàn cãi trong việc xác định tuổi nghỉ hưu của mỗi giới và chế độ, quyền lợi, nghĩa vụ đóng và hưởng bảo hiểm xã hội của mỗi giới.

+ Sự khác biệt về chết giữa thành thị và nông thôn

Đây là điều không thể tránh khỏi bởi vì thành thị có mức sống cao hơn, có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, màng lưới y tế vệ sinh phòng bệnh tốt hơn. Do đó tỷ suất chết, đặc biệt tỷ suất chết của trẻ em thấp hơn nhiều so với nông thôn.

Tuy nhiên, ở thành thị mật độ dân cư quá cao, môi trường bị ô nhiễm, tính chất hoạt động lao động của dân cư căng thẳng và phức tạp hơn. Do đó, tỷ trọng số người cao tuổi ở nông thôn và miền núi [nơi có môi trường sống trong sạch hơn] cao hơn so với thành thị.

+ Sự khác biệt về chết theo nghề nghiệp, trình độ văn hoá

Sự khác biệt về nghề nghiệp trước hết liên quan đến điều kiện và tính chất hoạt động, đến môi trường sống và làm việc. Những ngành nghề nào càng nặng nhọc, độc hại, căng thẳng thần kinh, càng có tỷ suất chết cao và ngược lại. Nghề nghiệp không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe của bản thân người lao động, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai [con cái của họ]. Sự khác biệt về nghề nghiệp còn dẫn đến sự khác biệt về thu nhập và điều kiện sống. Nhưng không phải bất cứ sự tăng thu nhập nào cũng có thể bù đắp được những hao phí và tổn thất do tính chất lao động nặng nhọc và độc hại đưa lại. Trình độ văn hoá cũng ảnh hưởng đến mức độ chết. Nó liên quan đến sự hiểu biết của con người, các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh và chữa chạy.

+ Khác biệt về chết theo các nguyên nhân

Chết do nhiều nguyên nhân. Đối với mỗi nước, mỗi vùng, mỗi thời kỳ, nguyên nhân chết có khác nhau. Xu hướng chung là cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, chết do các nguyên nhân ngoại sinh giảm, do các nguyên nhân nội sinh tăng. Người ta thường thống kê các nguyên nhân chết theo các nhóm: Bệnh tật, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác và các nguyên nhân khác. Về bệnh tật, chết vì các bệnh không lây nhiễm [ung thư, tim mạch, thận…] có xu hướng gia tăng so với các bệnh truyền nhiễm.

Bảng 3. Tỷ trọng các trường hợp chết trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chia theo nguyên nhân chết và các vùng kinh tế – xã hội, 1.4.2010

4. Xu hướng biến động mức chết

Mặc dù mức chết chịu sự tác động của nhiều yếu tố và mức độ rất khác nhau giữa các vùng, các nước, giữa các thời kỳ nhưng nhìn chung, nó vẫn biến động theo một xu hướng nhất định: Trong giai đoạn đầu của xã hội loài người, tỷ suất chết rất cao duy trì trong thời gian dài. Đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, cách mạng công nghiệp ra đời, đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nhân khẩu học, trước hết biểu hiện ở chỗ, tỷ suất chết giảm xuống rất nhanh, nguyên nhân của chết thay đổi, sau đó giảm chậm dần và ổn định ở mức thấp.

Trong xã hội nguyên thuỷ, mức chết rất cao, đặc biệt mức chết của trẻ em. Con người chết không chỉ vì đói mà còn do nhiều thứ bệnh tật, do xung đột lẫn nhau, do thú dữ và các trường hợp bất hạnh khác. Đến chế độ nô lệ, sản xuất có phát triển hơn, đời sống của người dân có được nâng cao một bước, tỷ suất chết có giảm một chút nhưng vẫn còn rất cao. Vị trí hàng đầu trong các nguyên nhân chết là đói khát, bệnh tật và chiến tranh.

Với cách mạng công nghiệp, loài người bước vào giai đoạn mới, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, trình độ y học phát triển… làm mức độ chết giảm xuống nhanh chóng.

Bảng 4: Biến động mức chết trên thế giới CDR [‰]

Nhìn vào bảng số liệu trên ta thấy từ 1950 lại đây, tỷ suất chết giảm rất nhanh, đặc biệt đối với các nước phát triển, mức chết đã thấp từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đối với các nước đang phát triển, mức chết mới giảm trong mấy thập kỷ qua và hiện nay tương đối ổn định ở mức thấp. Việt Nam cũng có mức chết thô giảm rất nhanh nhưng từ Tổng điều tra Dân số 1999, mức chết thô đã có xu hướng tăng.

Đặc biệt mức chết của trẻ em giảm đi khá nhanh, rõ nét nhất là các năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Ở Việt Nam, trong 10 năm từ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 1.4.1999 đến Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 1.4.2009, tỷ suất chết trẻ em đã giảm đi một nửa [36,7 phần nghìn xuống còn 16 phần nghìn].

Bảng 5: Biến động mức chết của trẻ em trên thế giới [IMR]

Chính vì vậy, tuổi thọ bình quân của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn có sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển. Đối với các nước phát triển, tuổi thọ bình quân đã đạt tương đối cao từ những năm 70, nhưng đến cuối thế kỷ 20, các nước đang phát triển vẫn chưa đạt được mức đó. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân của dân số Việt Nam đầu thế kỷ thứ 21 lại đạt khá cao [72,8 tuổi]

Bảng 6: Tuổi thọ bình quân [eo] của các nước qua các năm

Ở Việt Nam, trong thời kỳ chống Pháp và những năm đầu sau ngày hoà bình lập lại, do đời sống còn khó khăn, do bệnh tật và chiến tranh, mức chết còn khá cao [dao động từ 12‰ đến 15‰]. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ 20, do sự quan tâm của Nhà nước, do thành tựu y học và những thắng lợi trong phát triển kinh tế – xã hội, mức chết đã giảm thấp so với trước đây. Bước vào cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ 21, mức chết có xu thế tăng lên do cơ cấu dân số đang già hóa. Sự khác biệt mức chết giữa thành thị và nông thôn vẫn tồn tại nhưng có thu hẹp khoảng cách [Bảng 7].

Bảng 7: Tỷ suất chết thô phân theo thành thị – nông thôn qua các năm

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức chết

Chết là hiện tượng tự nhiên, là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi cơ thể sống. Có thể phân các yếu tố ảnh hưởng thành 4 nhóm chủ yếu sau đây:

+ Mức sống của dân cư

Mức sống càng được nâng cao, thể lực càng được tăng cường, con người càng có khả năng chống đỡ các loại bệnh tật, mức chết càng thấp. Như vậy, mức sống của dân cư tỷ lệ nghịch với mức chết. Mức sống có liên quan chặt chẽ với trình độ phát triển kinh tế-xã hội, đến mạng lưới dịch vụ công cộng…

+ Trình độ phát triển y học, mạng lưới y tế, vệ sinh phòng bệnh

Ngày nay, y học có khả năng dập tắt nhiều dịch bệnh nguy hiểm, gây chết người hàng loạt. Trình độ y học đã đạt được ở một nước không chỉ tác động đến nước đó, mà còn được phổ biến rộng rãi, nhanh chóng trên phạm vi thế giới. Vì vậy, nhiều nước tuy còn lạc hậu, nhưng được sự giúp đỡ của các nước tiên tiến đã giảm nhanh chóng mức chết.

+ Môi trường sống

Con người sống trong môi trường tự nhiên, nên nó có tác động trực tiếp đến sức khỏe của họ. Môi trường trong sạch tuổi thọ được nâng cao. Môi trường ô nhiễm sẽ gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm tăng mức chết. Ngày nay công nghiệp phát triển, đô thị được mở rộng, những điểm dân cư sống đông đúc ngày càng tăng. Nếu không quy hoạch các nhà máy, khu công nghiệp, điểm dân cư hợp lý, nếu không có các hệ thống thải lọc tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

+ Điều kiện tự nhiên, sinh học

Mức chết có liên quan đến sự già cỗi của con người. Theo quy luật tự nhiên, con người chỉ sống đến một giới hạn nhất định. Tuy nhiên giới hạn đó đối với các nước, các thời rất khác nhau và còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác [kinh tế, xã hội, y học, môi trường…]. Nhưng nếu thuần túy về sinh lý thì cơ cấu dân số [đặc biệt cơ cấu về tuổi], di truyền,… có ảnh hưởng đến việc nâng cao hay hạ thấp tỷ suất chết.

Ngoài các yếu tố nêu trên, các yếu tố xã hội khác như các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, mại dâm… cũng ảnh hưởng đến mức độ chết.

Tất cả các yếu tố trên đồng thời tác động theo những chiều hướng khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước, trong từng thời kỳ.

[Nguồn tài liệu: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015]

Chủ Đề