Ví dụ về thực hành quyền công tố


     Theo quy định của Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự [TTHS], Viện kiểm sát [VKS] vừa được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố, vừa thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra có căn cứ và hợp pháp, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.      Cho nên, quá trình thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự là quá trình thực hiện quyền công tố của Viện kiểm sát đối với bị cáo, do đó đòi hỏi Kiểm sát viên thực hiện tốt việc xét hỏi, để làm sáng tỏ các tình tiết chứng minh sự thật khách quan của vụ án, để xác định hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm hay không. Kiểm sát viên không được “Xuôi một chiều” thỏa mãn với kết quả điều tra, với quan điểm truy tố trong Cáo trạng.

     Như vậy, khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đòi hỏi Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi, đó không chỉ là quyền hạn mà còn là nhiệm vụ và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Nhiệm vụ này đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về hỏi bị cáo “Kiểm sát viên hỏi về tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo…”.

     Do đó, để làm tốt chức năng thực hành quyền công tố tại phiên Toà xét xử sơ thẩm hình sự thì Kiểm sát viên cần làm tốt các vấn đề sau:

     Một là, Trước khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải là người nắm chắc toàn bộ hoạt động điều tra, bởi trong quá trình kiểm sát điều tra chỉ có KSV mới nắm được các tình tiết của vụ án và một khi nắm chắc toàn bộ hoạt động điều tra kể cả nắm được những hạn chế [nếu có] trong công tác điều tra, thì việc dự báo tình huống xảy ra tại phiên tòa sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn; thông qua kiểm sát điều tra vụ án và việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét tại chỗ các vật chứng, gặp bị can, người bị hại, người làm chứng, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng với việc nghiên cứu các dư luận báo chí, các khiếu nại tố cáo của đương sự... để từ đó KSV dự báo được các tình huống có khả năng xảy ra tại phiên tòa, như việc các bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ khai báo như thế nào? để Kiểm sát viên chuẩn bị các câu hỏi, trong đó chú ý dự báo kể cả việc có thể bị cáo chối tội, phản cung và những người tham gia tố tụng có thể khai tại phiên tòa, khác với lời khai lúc trước đã khai có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, để dự báo diễn biến phiên tòa được tốt thì KSV không những phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án, chứng cứ vụ án mà còn phải am hiểu các dư luận xã hội đối với việc đưa vụ án ra xét xử. Ví dụ như, tình huống phát sinh tại phiên tòa theo hướng bị cáo phản cung, chối tội hoặc phát sinh tình tiết mới thì chuẩn bị những nội dung, căn cứ gì để phản bác lại hoặc chấp nhận. Cho nên cần phải có sự chuẩn bị có tính chất định hướng để tạo ra sự chủ động nhất là đối với những vụ án có nhiều bị cáo tình tiết phức tạp, bị cáo lúc nhận tội, lúc không nhận tội, lời khai của các bên không thống nhất hoặc bị cáo cho rằng xét xử oan, sai; không công bằng.

     Hai là, phải xây dựng kế hoạch xét hỏi, để làm rõ các tình tiết gỡ tội cho bị cáo; tình tiết gỡ tội không mâu thuẫn với chức năng buộc tội mà chúng bổ sung cho nhau, bởi vì chỉ khi nào xác định được tất cả các tình tiết gỡ tội thì mới buộc tội đúng. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa sẽ làm cho những luận điểm trong cáo trạng được chứng minh công khai và là tiền đề cho việc luận tội của KSV có tính thuyết phục hơn trong phiên tòa sơ thẩm.

     Tuy nhiên, cũng cần xây dựng cả kế hoạch tranh luận tại phiên tòa và cần chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan tới việc xác định tội danh, khoản, điều luật để áp dụng hình phạt; trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động đối đáp, tranh luận. Kế hoạch xét hỏi phải hỗ trợ và phục vụ ngay cho kế hoạch tranh luận tại phiên tòa.

     Ba là, Trên cơ sở hồ sơ vụ án, KSV phải xây dựng bản luận tội trong đó dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa để kết hợp với kết quả xét hỏi, thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa nhằm phân tích, đánh giá chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, cố ý hay vô ý? Có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Mục đích, động cơ phạm tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ; trách nhiệm hình sự của bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

     Trên cơ sở phân tích đánh giá chứng cứ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự phải đưa ra nhận định thể hiện việc quyết định truy tố ghi trong Cáo trạng là hoàn toàn đúng, hoặc có nội dung gì cần phải thay đổi như: thay đổi tội danh, khung hình phạt nhẹ hơn; rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố….

     Tóm lại, Việc chuẩn bị kỹ nội dung trước khi tham gia phiên Toà của Kiểm sát viên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng của KSV khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự, từ đó cũng giúp được việc bảo vệ Cáo trạng truy tố của VKS được tốt hơn, đồng thời cũng tránh được hiện tượng oan sai hay bỏ lọt tội phạm.                      

Tác giả bài viết: Trương Hoài Phong

Nguồn tin: VKS ND TP Cần Thơ

* Nhân dịp ngành kiểm sát nhân dân kỷ niệm 45 năm thành lập, Viện trưởng có thể cho biết những chức năng cơ bản của ngành trong quá trình xây dựng và phát triển 45 năm qua?

- Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước XHCN ở Việt Nam. Theo đó, Viện kiểm sát Nhân dân có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Theo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn cách mạng, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thể hiện rõ ràng hơn. Ðầu những năm 80, do đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân năm 1981 được ban hành thay thế Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân năm 1960, trong đó ghi rõ hơn chức năng thực hành quyền công tố.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở Hiến pháp 1992 và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân 1992 quy định cụ thể hơn về đối tượng, phạm vi chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và về nội dung chức năng thực hành quyền công tố. Tiếp đó, năm 2002 do yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân được sửa đổi đã quy định Viện kiểm sát Nhân dân không làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội mà tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

MỘT SỐ TƯ LIỆU

* Năm 1960, khi mới thành lập, toàn ngành kiểm sát mới có hơn 800 người. Năm 1975, khi đất nước thống nhất có gần 3.000 người. Ðến nay, tổng số cán bộ của toàn ngành đã có gần 11 nghìn người hoạt động ở các cấp kiểm sát. Cơ cấu đội ngũ kiểm sát viên, điều tra viên hiện nay đã chiếm 72% tổng số cán bộ toàn ngành [159 kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao [VKSNDTC], 2.395 kiểm sát viên cấp tỉnh, 4.998 kiểm sát viên cấp huyện, bảy điều tra viên cao cấp, 14 điều tra viên trung cấp, hai điều tra viên sơ cấp].

* Ngành kiểm sát luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm 1977, toàn ngành kiểm sát chỉ có 0,3% số người có trình độ đại học luật và cao đẳng kiểm sát, năm 1988 là 18%. Ðến nay, đã có 5.961 người có trình độ đại học luật trở lên, chiếm 56,6% tổng số cán bộ toàn ngành, trong đó thạc sĩ 110 người, tiến sĩ 19 người. Ngành kiểm sát đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu của từng chức danh cán bộ và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của đất nước.

* Trong năm năm qua, toàn ngành đã tập trung kiểm sát điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời các vụ án lớn, án đặc biệt nghiêm trọng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm an ninh quốc gia, có tác dụng phòng ngừa tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ðiển hình về các vụ án tham nhũng là vụ Trương Văn Cam, Lã Thị Kim Oanh; các vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng như: Nguyễn Minh Tòng, Nguyễn Duy Dũng, Ngô Ðức Minh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ðình Hoành; và những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia khác xảy ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên. Mặt khác, còn tăng cường phát hiện những vi phạm trong các bản án và quyết định của tòa án để kịp thời kháng nghị theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Do vậy, số bản án, quyết định có vi phạm được Viện kiểm sát các cấp kháng nghị ngày càng nhiều, số kháng nghị được tòa án chấp nhận ngày càng tăng. Năm 2000, số vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị được Tòa án chấp nhận 60%, năm 2001, tỷ lệ này là 80%. Các năm 2002, 2003 và 2004, tỷ lệ này đạt từ 85 đến 90%. Cũng trong công tác kiểm sát xét xử hình sự, nhiều Viện kiểm sát đã áp dụng đồng bộ các biện pháp cho nên tỷ lệ giải quyết án ngày càng tăng. Những năm gần đây, trên phạm vi cả nước, hầu hết các viện kiểm sát có tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt hơn 90%. Ðặc biệt, một số đơn vị đã phấn đấu giải quyết án đạt tỷ lệ 100% [trong năm 2004] như Viện kiểm sát các tỉnh Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Bình Phước, Cà Mau...

* Trong năm năm qua, số lượng án dân sự sơ thẩm được kiểm sát lập hồ sơ năm sau tăng hơn năm trước. Bình quân toàn ngành đã tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ án dân sự đạt 90%. Nhiều đơn vị đã đạt 100% trong năm 2004 như: Viện kiểm sát các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Ðiện Biên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế...

* Tỷ lệ kháng nghị được tòa án chấp nhận ngày càng tăng. Năm 2000, tỷ lệ chấp nhận kháng nghị án dân sự là 86,7%, những năm 2003, 2004 tỷ lệ này đã tăng lên hơn 90%.

Như vậy, từ năm 2002 theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Viện kiểm sát Nhân dân không làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, còn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn thực hiện như các luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, 1981 và 1992, nhưng có bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung và phạm vi của từng chức năng.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và không để người nào bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm một cách trái pháp luật.

Nếu như thực hành quyền công tố là căn cứ vào các quy định của pháp luật để quyết định việc khởi tố, bắt, giam giữ, truy tố người phạm tội và buộc tội bị cáo tại phiên tòa xét xử hình sự, thì kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm việc xử lý các vụ án về hình sự, dân sự... và thi hành án của các cơ quan tư pháp theo đúng quy định của pháp luật. Thực hành công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp hình sự có quan hệ gắn bó với nhau trong suốt quá trình tố tụng, kết quả của hoạt động tư pháp tạo những điều kiện cho thực hành quyền công tố có hiệu quả và ngược lại, vì vậy trong Viện kiểm sát không thành lập hai bộ phận riêng biệt mà công việc của Viện trưởng và kiểm sát viên được phân công thụ lý các vụ án hình sự thì đồng thời thực hiện cả hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra và cơ quan xét xử, nhằm bảo đảm việc khởi tố, bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật.

Với vai trò của Viện kiểm sát như vậy, ngay từ năm 1967 khi kết luận về công tác của ngành kiểm sát, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc bấy giờ đã nhấn mạnh: "Không có cơ quan nhà nước nào có thể thay thế ngành kiểm sát để sử dụng quyền công tố. Bắt, giam, điều tra, tha, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có đúng đường lối chính sách của Ðảng hay không, điều đó chính là Viện kiểm sát phải trông nom, bảo đảm cho tốt"[1].

* Thưa ông, từ ngày thành lập, ngành kiểm sát nhân dân đã có những đóng góp gì đáng kể vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vào sự nghiệp đổi mới trong 20 năm qua?

- Từ năm 1960-1975, quán triệt Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội đã tập trung vào việc phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất XHCN, tăng cường pháp chế trong công tác quản lý Nhà nước theo thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu nhằm bảo đảm sức chiến đấu của quân đội và đời sống của nhân dân. Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tập trung đấu tranh chống các tội phạm phản cách mạng và các loại tội phạm khác xâm phạm tài sản XHCN, chống những hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ của nhân dân; xử lý các vụ dân sự liên quan đến tài sản của Nhà nước, của tập thể và chính sách hậu phương quân đội. Hoạt động của toàn ngành đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền bắc vững mạnh, kịp thời chi viện đắc lực cho tiền tuyến miền nam.

Từ sau Ðại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, dưới ánh sáng Nghị quyết Ðại hội lần thứ IV của Ðảng và các Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, toàn ngành đã đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các khâu công tác kiểm sát phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội đã phục vụ có hiệu quả ba chương trình kinh tế lớn của Ðảng và Nhà nước là phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tập trung phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các loại tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm về kinh tế và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, các vụ vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự tập trung kiểm sát việc thực hiện các hợp đồng kinh tế, giúp các ngành thu hồi tài sản cho Nhà nước, tập thể. Toàn ngành hướng trọng tâm vào việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị là bảo vệ tài sản XHCN và quyền dân chủ cơ bản của công dân.

Từ năm 1986 đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, quán triệt các Nghị quyết của Ðảng và thực hiện Luật Tổ chức VKSND năm 1992, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội đã tập trung vào việc phát hiện và yêu cầu xử lý đối với những hành vi lợi dụng năng động tự chủ để vi phạm đường lối, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước ở các ngành và lĩnh vực kinh tế quan trọng như kinh doanh xuất, nhập khẩu, quản lý và sử dụng ngoại hối, ngoại tệ, dự trữ quốc gia, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai...

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa 7 và Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8, Viện kiểm sát các cấp đã tập trung làm tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đã có nhiều biện pháp tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp phát hiện và xử lý nghiêm minh các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm nghiêm trọng về ma túy, buôn lậu và tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, xuất, nhập khẩu và xây dựng cơ bản, các ổ nhóm phạm tội có tính chất xã hội đen xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc tuân theo pháp luật của cơ quan tư pháp và những người tham gia tố tụng trong việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử và thi hành án; kịp thời có những kháng nghị, kiến nghị yêu cầu sửa chữa, bảo đảm hoạt động tư pháp tuân thủ pháp luật.

Ðối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, toàn ngành tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp về nhà ở, tài sản và hôn nhân gia đình; đã kháng nghị đối với các vụ án xét xử không đúng. Yêu cầu, kiến nghị khắc phục những vi phạm trong việc thi hành án, đồng thời tổng hợp tình hình để kiến nghị với các cơ quan, chính quyền có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Những năm gần đây, quán triệt các Nghị quyết của Ðảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết 08-NQ ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", thực hiện Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung, Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, toàn ngành kiểm sát nhân dân đã tăng cường hơn trách nhiệm thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án; kiểm sát chặt chẽ đối với lệnh bắt, tạm giam, quyết định khởi tố bị can và các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can và việc lập hồ sơ chứng cứ vụ án của Cơ quan điều tra. Nhờ đó chất lượng khởi tố, bắt, giam giữ, điều tra, truy tố tội phạm đã có những tiến bộ đáng kể, nâng cao tỷ lệ  khám  phá và  đẩy nhanh  tiến độgiải quyết các vụ án hình sự.

Tình hình bắt, tạm giữ hình sự trong phạm vi cả nước đã chuyển biến rõ rệt: số vụ bắt giữ đưa vào khởi tố đạt hơn 90%, truy tố đạt tỷ lệ cao khoảng 96 - 97%, tình trạng bỏ lọt người phạm tội trong các vụ án được khởi tố đã từng bước được khắc phục; cùng với việc không phê chuẩn nhiều trường hợp bắt khẩn cấp, đã phát hiện và kiên quyết yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ không có căn cứ  hoặc không cần thiết phải giam giữ.

Ðể nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định bổ sung cán bộ, tăng cường lực lượng và sửa đổi các quy chế nghiệp vụ để kiểm sát viên kiểm sát điều tra đồng thời duy trì quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng hơn việc rèn luyện kỹ năng tham gia phiên tòa và nâng cao bản lĩnh đấu tranh bảo vệ công lý XHCN của Kiểm sát viên trước Tòa án.

Ðối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao các cấp tập trung kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án, tích cực tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, nhằm bảo đảm việc giải quyết các loại án này đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, những năm gần đây, toàn ngành KSND đã tập trung giải quyết dứt điểm được nhiều đơn khiếu nại nổi cộm, kéo dài liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự và các hành vi xâm phạm trật tự tư pháp thuộc trách nhiệm của ngành.

* Gần đây, dư luận rất chú ý việc thực hiện Nghị quyết số 388 của Ủy ban Thường vụ QH trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Ông có thể cho biết việc triển khai thực hiện trong ngành kiểm sát nhân dân?

- Như tôi vừa nói, do có sự cố gắng của các ngành tư pháp, trong đó có sự cố gắng của ngành kiểm sát nhân dân đã hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai. Ðối với các trường hợp cán bộ của ngành kiểm sát có vi phạm pháp luật gây ra oan, sai đã tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xem xét việc xử lý. Ðặc biệt, sau khi có Nghị quyết 388-NQUBTVQH11 ngày17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường cho người bị oan, ngành kiểm sát nhân dân đã khẩn trương tổ chức quán triệt đến từng đơn vị kiểm sát, phối hợp cùng các cơ quan tư pháp khác tiến hành rà soát, làm rõ từng trường hợp oan, sai để thực hiện nghiêm túc việc bồi thường cho người bị oan.

Tính đến nay đã có 53 người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường, trong đó Viện kiểm sát các cấp đã bồi thường cho 33 trường hợp thông qua thương lượng, một số khởi kiện ra tòa, số còn lại chúng tôi sẽ cố gắng để thỏa thuận giải quyết. Có thể nói, những việc làm đó của Viện kiểm sát Nhân dân và các cơ quan tư pháp đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống tư pháp của đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với công lý XHCN.

* Ở phần đầu Viên trưởng đã nói, Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân đã có những sửa đổi quan trọng về chức năng của ngành kiểm sát nhân dân. Theo đó, ngành kiểm sát nhân dân phải tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ðể thực hiện các chức năng này, trong thời gian tới, ngành sẽ phải làm gì?

- Trong những năm tới, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sẽ có những yêu cầu mới, có nhiều thuận lợi mới nhưng cũng có những khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, cùng với các giải pháp tăng trưởng kinh tế, tiếp tục cải cách pháp luật, cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước, Ðảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát Nhân dân.

Ðể nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đáp ứng lòng mong mỏi của Ðảng và của nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã nhắc nhở: "Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành kiểm sát nhân dân cần cố gắng thực hiện chức năng đầy đủ hơn, toàn diện hơn để góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân"[2]. Trên tinh thần đó, Viện kiểm sát các cấp tập trung thực hiện tốt một số công việc sau đây:

Một là, tiếp tục làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo pháp luật thực định và các yêu cầu đã được ghi trong các nghị quyết của Ðảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp. Từ  đó có biện pháp đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt Chỉ thị 53 ngày 21-3-2000 và Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị và BLTTHS năm 2003, bảo đảm việc khởi tố, bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, trước hết là với các cơ quan tư pháp khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ từng ngành để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm về tham nhũng, ma túy và những vụ án mà dư luận quan tâm; giải quyết tốt các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án.

Hai là, khẩn trương tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 48 ngày 24-5-2005 và Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhất là về hình sự, tố tụng hình sự, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát Nhân dân các cấp. Tham mưu cho Ðảng và Nhà nước những vấn đề về tổ chức bộ máy của từng cơ quan tư pháp vừa để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vừa phát huy tốt nhất hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và các việc làm vi phạm trong hoạt động tư pháp, phù hợp tiến trình phát triển của đất nước và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.

Ba là, tiếp tục xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên, để mỗi cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên nắm vững đường lối chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, vững vàng trong công tác nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có lương tâm nghề nghiệp và đạo đức trong sáng. Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: mỗi cán bộ kiểm sát phải "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" để xứng đáng là người "cầm cân, nảy mực của nhân dân", xứng đáng với tên gọi là "Viện kiểm sát Nhân dân". Ðây là một trong những vấn đề có tính quyết định để nâng cao chất lượng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Bốn là, thực hiện đúng nguyên tắc về sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với ngành KSND, coi đây là nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của VKSND. Chú trọng củng cố, kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban cán sự đảng, chi bộ ở cả ba cấp kiểm sát đủ khả năng lãnh đạo, xây dựng ngành KSND trong sạch, vững mạnh.

Năm là, Viện kiểm sát các cấp phải tôn trọng sự giám sát và ủng hộ của nhân dân, quán triệt đầy đủ tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, các Viện kiểm sát phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, tích cực đấu tranh với những vi phạm dân chủ hoặc dân chủ cực đoan, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định, đi đôi với giữ gìn kỷ cương phép nước.

* Xin cảm ơn Viện trưởng.

THẾ LÂN [thực hiện]

--------------------------

[1]. Kết luận của Ðồng chí Trường Chinh về "công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân năm 1967", Tập san kiểm sát số 3, 1968.

[2]. Trích bài phát biểu của đồng chí Nông Ðức Mạnh khi đến thăm và làm việc tại Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 2-2-1998.

Góp phần xử lý các chuyên án lớn

Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh [Vụ 2] thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án an ninh, ma túy và các loại án khác do cơ quan an ninh điều tra-Bộ Công an thụ lý điều tra. Từ năm 2000 đến năm 2004, Vụ 2 đã thụ lý kiểm sát điều tra 154 vụ với 729 bị can. Trong đó, chủ yếu là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; nhiều chuyên án ma túy lớn phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và người nước ngoài, phạm tội trên nhiều địa bàn. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, đối tượng là cán bộ có chức, có quyền, với các thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm hết sức tinh vi, nguy hiểm đã gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm.

Trong năm năm qua, trước diễn biến tình hình tội phạm rất phức tạp, Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra [THQCT-KSÐT] án an ninh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết tốt các vụ án thụ lý, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào oan, sai hoặc bị Tòa án tuyên không phạm tội. Trong đó, đã giải quyết tốt nhiều vụ án an ninh. Ngoài ra, đơn vị đã tập trung đấu tranh xử lý các chuyên án ma túy lớn, như: vụ Nguyễn Văn Tám có 22 bị can, mua bán 778 bánh heroin; vụ Nguyễn Ðức Lượng có 25 bị can, mua bán 446 bánh heroin; vụ Ngô Ðức Minh có 13 bị can, mua bán 103 bánh heroin và 50 kg thuốc phiện; vụ Phạm Bá Dìn, vụ Nguyễn Duy Dũng, vụ Chu Văn Hiếu.

Ðặc biệt vụ Nguyễn Ðình Hoành, cơ quan công an đã bắt quả tang vận chuyển 180 bánh heroin, đều đã được điều tra khám phá triệt để và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Ðối với các vụ án tham nhũng lớn, đơn vị đã phân công những kiểm sát viên có kinh nghiệm, có bản lĩnh nghiệp vụ, lãnh đạo vụ trực tiếp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đấu tranh xử lý như: vụ Nguyễn Quang Thường và đồng bọn ở Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã tham ô và làm thất thoát của Nhà nước hơn 50 tỷ đồng. Vụ kho cảng Thị Vải các đối tượng có hành vi phạm tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, và tham ô tài sản, cố ý làm trái..., thiếu trách nhiệm... gây sự cố sụt lún công trình, phải chi phí hàng chục tỷ đồng để khắc phục. Vụ Mai Văn Dâu, Lê Văn Thắng phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn... và nhận hối lộ xảy ra ở Bộ Thương mại và một số công ty dệt-may trong nước, không những gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước mà còn làm mất lòng tin của nhân dân và các đối tác, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

VŨ HOÀNG

Video liên quan

Chủ Đề