Vì sao lũ duyên hải cực đoan

Đội cứu hộ khảo sát tình hình trên cầu Windsor đang chìm dưới dòng nước lũ dâng cao dọc sông Hawkesbury ở ngoại ô Sydney ngày 3/3.

Giới chức Australia hôm 3/3 yêu cầu 200.000 người sơ tán khỏi đường đi một cơn bão lớn đã khiến 13 người thiệt mạng tuần qua. Chính quyền đã cảnh báo mưa lớn và gió giật khắp khu vực duyên hải dài 400 km ở phía đông, khi mực nước dâng nhanh ở các vùng ngoại ô Sydney, thành phố lớn nhất Australia với 5 triệu dân.

Nước sông dâng cao gây ngập nhà cửa ven bờ sông Hawkesbury.

Bão di chuyển về phía nam, dọc theo bờ biển từ Queensland tới New South Wales, gây vỡ bờ sông và đập chứa nước. Đập Warragamba ở tây nam Sydney, nơi cung cấp 80% lượng nước cho thành phố, đã tràn bờ từ sáng sớm 2/3. Một số khu vực phía tây Sydney dọc sông Hawkesbury và Nepean vẫn ngập trong nước lũ, theo phát ngôn viên sở khí tượng bang New South Wales.

Tình nguyện viên Lực lượng Phản ứng Khẩn cấp bang [SES] sơ tán người dân ở phía tây Sydney hôm 3/3.

Khắp New South Wales, nước lũ đã dâng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tại các thị trấn như Lismore ở phía đông bắc, người dân trèo lên mái nhà chờ lũ rút, đôi khi phải đợi hàng tiếng để được giải cứu. Chính quyền bang cho hay đã huy động thêm 400 nhân viên tới khu vực để giúp đỡ người dân dọn dẹp và quay lại cuộc sống.

"Nhiều người dân ở vùng Sông Bắc đã về nhà sau 24 giờ, chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng", thủ hiến bang Perrottet nói. "Tôi muốn nói rằng chính quyền sẽ luôn ở bên hỗ trợ các bạn".

Tình nguyện viên SES cứu một con lạc đà không bướu trong trang trại ngập lũ ở phía tây Sydney hôm 3/3.

Tại thị trấn cổ Windsor, nơi có nhiều tòa nhà kiến trúc châu Âu cổ nhất còn sót lại, ông Paul Caleo cùng người dân địa phương đứng nhìn sông Hawkesbury dâng cao ngập cầu, cắt đứt lối vào nhiều hộ gia đình và trang trại. Bên kia cây cầu ngập nước, một ngôi nhà 120 tuổi nằm chơ vơ trên vùng đất cao, xung quanh là nước.

"Không thể ngờ rằng nước sông dâng cao thế này", ông nói.

Cảnh sát bang New South Wales hôm 2/3 công bố ảnh chụp khu vực phía bắc bang ngập trong nước lũ ngày 1/3.

Hiện tượng thời tiết La Nina khiến Sydney trải qua mùa hè nhiều mưa nhất trong suốt 30 năm qua. Nhà khí tượng học Ben Domensino cho biết hình thái khí tượng hiện nay giống "con sông trên khí quyển", trong đó những dải hơi ẩm kéo dài cùng di chuyển về một hướng.

Bob King, cựu phi công, lội nước kiểm tra máy bay sau khi lũ tràn vào sân bay Grafton ở thành phố Grafton, cực bắc của New South Wales, hôm 2/3.

Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu khiến lũ lụt, cháy rừng, bão và hạn hán tại Australia diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn.

Người dân ở Newmarket, ngoại ô Brisbane, dọn bùn đất sau khi lũ rút hôm 1/3.

"Bất chấp hàng chục năm cảnh báo từ giới khoa học, Australia vẫn không sẵn sàng đối phó với những hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, giống trận lũ hiện nay. Nhiệt độ ở Australia tăng nhanh hơn trung bình thế giới, nhiệt độ cao khiến khí quyển tích tụ nhiều hơi ẩm hơn và khiến mưa sẽ ngày càng cực đoan", chuyên gia môi trường Hilary Bambrick tại Đại học Công nghệ Queensland nhận xét.

Ảnh: AFP

Video liên quan

Chủ Đề