Vì sao người nhiễm sán lá gan

Bệnh sán lá gan lớn là gì?

Bệnh sán lá gan lớn [fascioliasis] do loài sán lá Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica gây nên. Nó có hình lá dẹt chiều dài từ 20-30mm, rộng từ 8-13mmm. Loài sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê…và có thể ký sinh gây bệnh ở người.

Hình ảnh Sán lá gan lớn trưởng thành.

Ở Việt Nam, Viện Sốt Rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, đến nay bệnh sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nhiễm cao nhất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên [Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng].

Đối với khu vực Hà Nội và một số vùng xung quanh Hà Nội, mỗi năm tiếp nhận khoảng 300 – 400 trường hợp tại các viện điều trị chuyên ngành. Tỉnh Bắc Ninh là một trong các địa phương có bệnh lưu hành, hiện nay đang có bệnh nhân điều trị.

1. Chu kỳ phát triển:

Sán lá gan lớn ký sinh trong hệ thống gan mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường. Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở ấu trùng lông chui vào ốc thích hợp [ốc Lymnae] phát triển từ 20- 30 ngày thành ấu trùng đuôi . Sau một thời gian ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau cỏ thuỷ sinh như: Rau cần, rau muống, cải soong, rau ngổ …

Người và động vật ăn phải thực vật thuỷ sinh [còn sống] hoặc uống nước lã có ấu trùng sán lá gan lớn sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Tuổi thọ của sán lá gan lớn ở người từ 9-13.5 năm.

Như vậy, nguồn bệnh từ động vật ăn cỏ và người bệnh gây ô nhiễm rau, cỏ và nguồn nước bởi các ấu trùng sán lá gan lớn và tạo nên chu kỳ khép kín.

2. Triệu chứng:

Giai đoạn xâm nhiễm: Là thời kỳ mà ấu trùng từ ruột vào gan và trưởng thành trong đó. Bệnh xuất hiện sau 2 tuần sau khi ăn thực vật thủy sinh với các triệu chứng: đau bụng hoặc đầy vùng thượng vị, đi ngoài phân lỏng, trướng bụng. Bệnh nhân có thể có sốt, người gầy sút cân, gan to đau, nếu nặng có thể có tràn dịch màng phổi, lách có thể sưng. Các triệu chứng này có thể nặng, nhẹ tùy theo mức độ nhiễm sán hoặc cơ địa bệnh nhân. Giai đoạn này xét nghiệm chưa thấy trứng sán trong phân.

Thời kỳ mạn tính: xuất hiện từ tháng thứ ba, sán lá trưởng thành xâm nhập vào gan mật và xuất hiện trứng sán trong phân. Bệnh nhân tiếp tục mệt mỏi chán ăn, nhức đầu, thỉnh thoảng nổi mề đay, đi ngoài phân lỏng.

Xét nghiệm thấy thiếu máu, bạch cầu ái toan tăng.

Trong thời kỳ này có thể xuất hiện các biến chứng nặng như những cơn đau bụng gan như đau do sỏi, có thể có tắc mật gây sốt, vàng da, đặc biệt sán có thể gây những ổ hoại tử lớn ở gan. Sán có thể di chuyển ra ngoài gan [chui ra khớp gối, dưới da ngực, áp xe đại tràng…].

3. Chẩn đoán:

– Dựa vào các triệu chứng trên lâm sàng.

– Yếu tố dịch tễ như vùng đó có động vật ăn cỏ bị bệnh, bệnh nhân hay ăn thực vật thủy sinh không nấu chín…

– Xét nghiệm phân tìm trứng sán lá gan

4. Thuốc đặc trị sán lá gan:

Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu như: Triclabendasole [biệt dược là Egaten do Hãng Novartis, Thuỵ Sỹ sản xuất] có tác dụng tốt trong điều trị cho người bệnh nhiễm sán lá gan lớn. Liều 10 mg/kg chia 2 lần cách nhau 6 – 8 giờ [uống sau khi ăn no]. Có một số bệnh nhân dùng liều 20mg/kg, khỏi bệnh đạt 100%. Tác dụng phụ của Egaten không đáng kể và thuốc an toàn với người bệnh. Thuốc hiện chỉ có và sử dụng ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

5. Phòng bệnh:

– Nguyên tắc phòng chống sán lá gan lớn là cắt đứt các mắt xích trong vòng đời của sán.

– Các  loại rau như:  rau cần, rau muống, rau cải soong, rau ngổ thường chứa các loại động vật thủy sinh, trong đó có Sán lá gan. Nếu như các loại rau này không được nấu chín, khi ăn rất dễ bị nhiễm sán lá gan. Do vậy, biện pháp hữu hiệu nhất là phối hợp giáo dục truyền thông “không ăn sống rau thuỷ sinh” kết hợp với phát hiện bệnh nhân điều trị đặc hiệu.

– Quản lý phân người và phân trâu bò tốt.

– Diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho trâu, bò.

BS Ngô Văn Sản

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

Tìm hiểu chung

Bệnh nhiễm sán lá gan là gì?

Nhiễm sán lá gan là một bệnh ký sinh trùng mạn tính ở đường mật. Nhiễm ký sinh trùng xảy ra thông qua việc ăn thực phẩm có sán lá gây nhiễm khuẩn và uống nước chưa được đun sôi.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm sán lá gan là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sán lá gan bao gồm:

  • Đau ở trên góc phần tư bên phải của bụng;
  • Sốt [không liên tục];
  • Gan sưng to, có thể đau hoặc không đau;
  • Khó chịu [một cảm giác chung của tình trạng không khỏe];
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Da tái xanh.

Phát ban [nổi mề đay] xuất hiện trong khoảng 20% trường hợp. Các triệu chứng khác như chóng mặt và đổ mồ hôi cũng có thể xảy ra khi mắc bệnh sán lá gan, điều này chủ yếu gặp ở trẻ. Nốt dưới da và thở khò khè có thể xảy ra khi sán cư trú ở các cơ quan khác.

Người bị nhiễm trùng do ăn gan sống của động vật bị nhiễm bệnh có thể bị đau họng nặng và sưng thanh quản. Những người bị viêm ống mật có thể gặp triệu chứng đau bụng nghiêm trọng cùng với sốt dai dẳng và vàng da.

Người bị bệnh viêm tụy có thể gặp phải các triệu chứng nặng hơn như đau bụng nặng, sốt, buồn nôn và nôn mửa, điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ em.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh nhiễm sán lá gan?

Sán lá gan lây nhiễm cho cả cừu và gia súc. Trong thực tế, người bị nhiễm có thể vô tình tiêu thụ thực vật tươi sống nhất định. Một loại sán lá gan có thể được lây nhiễm thông qua việc ăn gan cừu, dê hoặc gia súc. Tuy nhiên, điều này là rất hiếm, đường lây truyền chính là thông qua tiêu thụ thực vật như rau cải xoong, rau diếp nước, bạc hà và mùi tây.

Sán sẽ cư trú trong ống mật nhỏ ở gan và túi mật, chúng có thể sống trong đó khoảng 20-30 năm. Sán gây viêm mạn tính lên đường mật, gây sẹo [xơ hóa] ống mật và giãn ống mật chủ. Sán lá gan là một loại giun dẹt, một con sán trưởng thành đẻ 2000-4000 trứng mỗi ngày và những quả trứng được thải qua đường mật và phân của người nhiễm bệnh. Chu kỳ này lặp lại thông qua việc ăn sống các loại cá nước ngọt.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm sán lá gan?

Nhiễm sán lá gan là tình trạng rất phổ biến và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh nhiễm sán lá gan?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sán lá gan, chẳng hạn như:

  • Có tiền sử ăn sống các loại cá nước ngọt ở vùng có bệnh đang lưu hành;
  • Đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới và ăn các loại cá nước ngọt chưa được nấu chín hoặc sống;
  • Sống trong vùng đặc hữu, bao gồm Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan, Bắc Việt Nam, Lào và Đông Bắc Thái Lan, Đông Âu Đông Nga, Mãn Châu, Bắc Siberia và Trung Quốc;
  • Sống ở khu vực ven sông.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm sán lá gan?

Tại các khu vực đặc hữu, việc làm các xét nghiệm sàng lọc được khuyến khích như xét nghiệm phân và siêu âm gan. Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể hiển thị sự giãn nở của ống dẫn mật. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính thì bác sĩ có thể chỉ định thuốc diệt giun sán.

Người dân cần được xét nghiệm phân định kỳ để kiểm tra xem có trứng sán trong phân hay không.

Dấu hiệu đặc trưng của nhiễm sán lá gan là tình trạng giãn nở của các ống dẫn mật trong gan không rõ nguyên nhân [sự giãn nở mà không gây tắc nghẽn], điều này được nhìn thấy trên siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.

Nếu sán lá gan không bị phát hiện trong vòng nhiều năm thì chúng sẽ có nguy cơ gây bệnh và phá hủy gan. Hầu hết những người bị nhiễm sán lá gan hoàn toàn không biết mình đã mắc bệnh vì không có triệu chứng. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có dấu hiệu mệt và khó chịu ở bụng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với chứng khó tiêu hoặc hội chứng kích thích ruột. Vì vậy, bạn phải hiểu rõ về bệnh này.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm sán lá gan?

Bác sĩ sẽ chỉ định viên nén và các thuốc diệt giun để tiêu diệt giun sán. Nếu bệnh được phát hiện quá muộn, khi mà sán lá đã gây ra nhiều tổn thương thì bác sĩ phải cắt bỏ một phần gan bị hư hại. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể ít gây thiệt hại đến các ống dẫn mật và gan. Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm:

  • Sử dụng thuốc triclabendazole để điều trị sán lá gan;
  • Sử dụng thuốc Corticosteroid [ngắn hạn] cho các giai đoạn cấp tính với các triệu chứng nghiêm trọng;
  • Phẫu thuật [nếu cần thiết] đối với các biến chứng như viêm đường mật.

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tránh ăn gan sống từ cừu, dê và gia súc;
  • Sử dụng nguồn nước sạch sẽ;
  • Không ăn trái cây và rau quả được trồng gần đồng cỏ chăn thả gia súc;
  • Nấu chín các loại thực vật tươi sống như cải xoong trước khi ăn;
  • Ngâm thực vật tươi được ăn sống trong dung dịch axit axetic 6% trong 5 đến 10 phút.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Học hỏi thêm cách bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình trong mùa dịch.

Cơ hội kết nối trực tiếp với bác sĩ và trao đổi kinh nghiệm hồi phục từ COVID-19 cùng các thành viên khác. Click tham gia ngay!

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Video liên quan

Chủ Đề