Cnc phạm tội như thế nào

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng CNC chia sẻ: Ngay từ khi nhận được nguồn tin của một số bị hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các trinh sát, điều tra viên trong Đội đã nhanh chóng thu thập thông tin, đề xuất lãnh đạo đơn vị xác lập chuyên án để đấu tranh, làm rõ.

Từ nghiên cứu đơn trình bày của các bị hại, Ban chuyên án phát hiện bọn tội phạm đã dùng thủ đoạn giả danh nhân viên công ty viễn thông gọi đến số điện thoại cố định của người bị hại thông báo nội dung: Số điện thoại của người bị hại hiện đang nợ cước với số tiền rất lớn do phát sinh các cuộc gọi ra nước ngoài như Úc, Canada… Khi người bị hại thanh minh, đối tượng thông báo sẽ kết nối tới đường dây “nóng” của Bộ Công an hoặc Công an một số địa phương trong cả nước để người bị hại trình báo với cơ quan Công an. Sau đó, đối tượng sẽ chuyển máy cho 1 đối tượng khác; đối tượng này giả danh là điều tra viên của Cơ quan Công an, thông báo qua hoạt động điều tra, cơ quan Công an xác định tội phạm ma túy và rửa tiền có thể đang sử dụng chứng minh nhân dân của người bị hại để lập tài khoản ngân hàng và sử dụng tài khoản đó vào mục đích phạm tội, vì vậy, người bị hại đang là đối tượng điều tra của cơ quan Công an.

Tiếp theo, đối tượng yêu cầu người bị hại khai báo các nội dung, như: Số điện thoại di động, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm… để phục vụ công tác điều tra. Sau khi có các thông tin của người bị hại, đối tượng sẽ sử dụng giao thức kết nối internet (VoIP) để giả các đầu số viễn thông giống với số điện thoại của lực lượng Công an, như: +000113, +84000113… để gọi đến số điện thoại di động của người bị hại nhằm củng cố niềm tin. Khi người bị hại mất tinh thần, đối tượng yêu cầu họ chuyển tất cả tiền vào 1 tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp.

Với lý do là để chứng minh người bị hại trong sạch, cơ quan Công an sẽ tạm giữ số tiền đó để tiến hành điều tra, xác minh; nếu kết quả điều tra chứng minh người bị hại không liên quan đến hoạt động phạm tội thì mới trả lại tiền. Sau khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, chúng nhanh chóng rút hết tiền trong tài khoản để chiếm đoạt. Dù đã nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng trong chuyên án, nhưng việc xác định danh tính, địa chỉ của đối tượng rất gian nan, vất vả. Bởi đối với tội phạm sử dụng CNC để phạm tội, tính chất ẩn danh của chúng rất cao.

Tuy còn nhiều bỡ ngỡ trong những ngày đầu “đánh án”, nhưng bằng sự mưu trí, kiên trì tìm tòi, sáng tạo, cuối cùng các trinh sát đã làm rõ các nghi can. Sau gần 3 tháng, các trinh sát, điều tra viên trong Ban chuyên án đi khắp các tỉnh, thành truy lùng tung tích các đối tượng, ngày 1/9/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993) cùng trú tại thôn Mỹ Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, các đối tượng khai nhận: Khoảng tháng 6/2017, Luận gọi điện thoại cho đối tượng Phi (ở Đài Loan) hỏi chuyện về việc muốn tìm công việc để kiếm tiền thì được Phi hướng dẫn đi làm thẻ ngân hàng tại Việt Nam với giá 3.000.000 đồng/thẻ. Luận đưa cho người trực tiếp đi làm thẻ 2.000.000 đồng và giữ lại 1.000.000 đồng. Sau đó, Luận rủ Thu và một số người khác sử dụng chứng minh nhân dân để đi làm 15 thẻ của các ngân hàng tại Việt Nam. Sau khi làm thẻ, Phi ở nước ngoài sử dụng các mã điện thoại ảo gọi cho các bị hại để thực hiện thủ đoạn lừa đảo như trên. Mỗi khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của Phi thì ở Việt Nam, Luận và Thu ra ngân hàng để rút tiền và chuyển ngược lại cho Phi. Tại thời điểm bị bắt giữ, ngoài các bị hại tại Nghệ An, nhóm đối tượng này còn lừa đảo của một số người ở các tỉnh, thành khác với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.

2. Là 1 trinh sát chuyên đấu tranh với các chuyên án mà đối tượng phạm tội sử dụng CNC từ những ngày đầu Đội mới được thành lập, Trung uý Lê Viết Tiến cho biết: Một trong những khó khăn trong quá trình phá án là xác minh vụ việc, bởi bị hại không hề biết đặc điểm nhận dạng, địa chỉ của đối tượng gây án. Nhưng khó khăn nhất vẫn là để bắt đối tượng. Bởi phạm vi hoạt động của loại đối tượng này phủ rộng không chỉ ở các tỉnh, thành trong cả nước mà thậm chí chúng còn ẩn náu ở nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.

Trung uý Tiến cũng cho biết: Có những vụ, các trinh sát phải vào TP Hồ Chí Minh thuê xe ôm đi hơn 20 ngày ròng rã trong điều kiện không thạo đường đi, lối lại để lần tìm manh mối của đối tượng… Khi bắt xong đối tượng, phải đưa về trụ sở Công an phường gần nhất để canh giữ, chờ xe dẫn giải vào. Rồi lại lặn lội di lý đối tượng về trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An để đấu tranh, mở rộng. Điển hình như chuyên án lừa đảo chiếm đoạt cước viễn thông mà đơn vị phá hồi tháng 9/2017. Hay chuyên án hack tài khoản ngân hàng vào tháng 6/2018. Các đối tượng trú rải rác từ TP Hồ Chí Minh đến Kiên Giang để thực hiện hành vi phạm tội với các bị hại tại Nghệ An. Quá trình phá án, lần tìm qua nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cuối cùng các trinh sát, điều tra viên phát hiện đối tượng đang lẩn trốn tại TP Đà Nẵng.