Đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam?

Đặc trưng của Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ năm - 21/10/2021 22:33
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế mà Việt Nam đang lựa chọn. Mô hình này vừa có những tính chất chung của nền kinh tế thị trường thế giới, lại có những đặc trưng riêng do đặc thù về điều kiện lịch sử của Việt Nam. Những đặc trưng riêng đó là cơ sở để phân biệt KTTT ở Việt Nam khác với KTTT ở các nước trên thế giới
Đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam?

1. Đặc trưng thứ nhất, về mục tiêu phát triển Kinh tế thị trường.

Chúng ta biết rằng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội là cái đích mà ta đang hướng tới. Để thực hiện được cái đích đó, chúng ta thực hiện bằng nhiều con đường: có thể là CNH, HĐH; có thể bằng KTTT định hướng XHCN; cũng có thể là phát triển KT đối ngoại, hội nhập Quốc tế
Như vậy, phát triển Kinh tế thị trường định hướng XHCN đó là công cụ phương thức để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Từng bước xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ xã hội hóa đạt được của lực lượng sản xuất.
Đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam?
Mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"

Cụ thể, thì đó là nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu «dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh».
Đây là điều khác biệt căn bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nói chung, bởi KTTT tư bản chủ nghĩa mục tiêu đặt ra chủ yếu là hiệu quả kinh tế tối đa, gia tăng lợi nhuận cho một bộ phận giai cấp tư sản, giai cấp cầm quyền.

2. Đặc trưng thứ hai, là về quan hệ sở hữu và thành phần kinh tế:

- Trước hết về quan hệ sở hữu:

Nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay có hai loại hình sở hữu tư liệu sản xuất và sản phẩm là sở hữu tư nhân và sở hữu công cộng. Loại hình sở hữu tư nhân có các hình thức: sở hữu cá thể, tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân. Sở hữu công hữu tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể của người lao động. Đặc biệt, các loại hình sở hữu trên đan xen vào nhau tạo thành những hình thức sở hữu hỗn hợp (tức là vừa có sở hữu nhà nước vừa có sở hữu tư nhân, như các công ty Cổ phần hóa).
Việc xác định rõ các hình thức sở hữu TLSX là cơ sở để xây dựng các thành phần kinh tế.
  • Về thành phần kinh tế ta thấy rằng:

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do nhiều hình thức sở hữu, nên biểu hiện bên ngoài đó là nền kinh tế có nhiều thành phần kinh tế. Mỗi thành phần kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định.
Về hình thức sở hữu nhà nước có thành phần kinh tế nhà nước như: doanh nghiệp Nhà nước. Về hình thức sở hữu tập thể có thành phần kinh tế tập thể như Hợp tác xã. Về hình thức sở hữu tư nhân có thành phần kinh tế tư nhân như công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn. Về hình thức sở hữu hỗn hợp có các hình thức liên doanh liên kết doanh nghiệp nhà nước với tư nhân như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nhà nước có thể nắm cổ phần của doanh nghiệp.
Đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Xét về mặt vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời thực hiện sự liên kết giữa các loại hình sở hữu sâu rộng ở cả trong và ngoài nước. Mỗi thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân thống nhất, đều bình đẳng trước pháp luật, cùng tồn tại và phát triển, cùng hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, có hệ thống ngân hàng Nhà nước (Agribank, viettinbank...) tồn tại song song với ngân hàng tư nhân (vp bank, techcombank, ACB...). các hệ thống này tồn tại song song vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau, nhưng đều bình đẳng trước pháp luật.
Một câu hỏi đặt ra, vậy sự khác biệt về thành phần kinh tế ở trong nền KTTT ở Việt Nam với nền kinh tế thị trường TBCN là gì?
Có thể trả lời ngắn gọn rằng, nhìn chung KTTT tư bản chủ nghĩa họ cũng có các thành phần kinh tế tương đối giống Việt Nam, nhưng quan trọng nhất và là động lực lớn nhất của họ là Kinh tế tư nhân (bản chất là sở hữu tư nhân). Còn KTTT định hướng XHCN thì Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, là đầu tầu dẫn dắt nền kinh tế. Còn Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chúng ta hình dung, vai trò các thành phần kinh tế ở Việt Nam giống như kết cấu 1 chiếc tàu thủy. Một trong những động cơ quan trọng của nó chính là Kinh tế tư nhân sẽ quyết định quyết định đi nhanh hay chậm. Còn người chèo lái, định hướng đi như thế nào phải là Kinh tế nhà nước, các em nhé.

3. Đặc trưng thứ ba, về quan hệ quản lý nền kinh tế:

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có sự can thiệp của nhà nước vào quá trình kinh tế nhằm khắc phục những hạn chế khuyết tật của thị trường và định hướng thị trường theo mục tiêu đã định. Sự can thiệp này có thể bằng công cụ quy định của Pháp luật, hoặc bằng các thực thể điều tiết khác như doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sự can thiệp này không áp đặt cực đoan, vẫn phải tôn trọng quy luật khách quan của thị trường. Ví dụ: về thị trường xăng dầu Việt Nam chẳng hạn, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn vận động khách quan theo quy luật cung cầu và theo thị trường thế giới. Nhưng nếu giá cả biến động lớn, gây sốc cho nền kinh tế thì Nhà nước sẽ sử dụng công cụ điều tiết thông qua thuế xuất nhập khẩu xăng dầu hoặc thông qua quỹ bình ổn xăng dầu để điều hòa giá xăng dầu trong nước, đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam?
Kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước
Cũng cần lưu ý thêm rằng, sự khác biệt ở Việt Nam với các nước TBCN về quan hệ quản lý là ở chỗ: bản chất nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Còn ở 1 số quốc gia TBCN, đó là sự quản lý của nhà nước TBCN vì lợi ích 1 bộ phận giai cấp tư sản.

4. Đặc điểm thứ tư, về quan hệ phân phối.

Hiện nay, do nhiều hình thức sở hữu do vậy chúng ta đang thực hiện nhiều hình thức phân phối khác nhau đối với các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất. Cụ thể chúng ta có các hình thức phân phối để hình thành thu nhập cá nhân như sau:
+ Phân phối theo kết quả lao động: bản chất của hình thức này dựa trên kết quả về chất lượng, số lượng lao động, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.
+ Phân phối theo hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn: ví dụ, như dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp lỗ hay lãi, hoặc dựa trên lợi tức đóng góp vốn là nhiều hay ít.
+ Phân phối thông qua hệ thống phúc lợi tập thể và xã hội: như hệ thống quỹ phúc lợi hưu trí, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa... các các công trình phúc lợi xã hội mà nhân dân được hưởng.
Trong đó phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, phân phối theo phúc lợi là những hình thức phân phối mang tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa.

5. Đặc trưng thứ năm, về quan hệ giữa gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội:

Các bạn nhớ lại rằng, mục tiêu cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là «dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh», cho nên, chúng ta không thực hiện tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà ngoài mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn phải đảm bảo tính công bằng xã hội; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội.
Công bằng xã hộiđược biểu hiện ở các khía cạnh công bằng về thu nhập, lao động việc làm, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách thu nhập, chính sách ưu đãi với ngừoi có công Chúng ta hình dung, nền kinh tế dù có chỉ số tăng trưởng cao, nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo quá lớn, thất nghiệp giá tăng, bất bình đẳng thu nhập hậu quả sẽ tệ nạn xã hội xuất hiện, đình công bãi công liên miên, vô hình chung, nó sẽ có tác động tiêu cực trở lại tới nền kinh tế, và kìm hãm nền kinh tế.
Khi thực hiện các chính sách công bàng xã hội, sẽ tạo điều kiện bảo đảm sự phát triển bền vững, nó cũng chính là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Còn, đối với các nước tư bản chủ nghĩa, ngày nay cũng đặt ra vấn đề giải quyết công bằng xã hội. Song nó chỉ được đặt ra khi những tác động tiêu cực đe dọa sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản, hay nói cách khác giải quyết vấn đề công bằng xã hội đối với các nước tư bản chủ nghĩa chỉ là phương tiện để duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa chứ không phải là mục tiêu của chế độ đó.
Tóm lại , trên đây chúng ta đã tìm hiểu 5 đặc trưng cơ bản của KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Gồm các nội dung;
  • Về mục tiêu phát triển
  • Về quan hệ sở hữu và thành phần kinh tế
  • Về quan hệ quản lý nền kinh tế
  • Về quan hệ phân phối
  • Về quan hệ giữa gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội
Từ đó, chúng ta có được cái nhìn tổng quan về nền KTTT ở Việt Nam. 5 đặc trưng này là cơ sở để thấy được sự khác biệt cơ bản đối với nền KTTT ở các quốc gia khác.

Xem thêm
- Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
-Tính tất yếu khách quan của việc phát triển Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
-Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?

Tác giả bài viết: Trần Hoàng Hải

Nguồn tin: Glory educaiton