Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân

Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân
Phóng to
Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chia ngọt sẻ bùi với người dân qua những khúc quanh lịch sử, từ những ngày gian khổ của Thành đồng miền Nam đi trước về sau cho mãi đến nay.

* PV: Xin đồng chí kể vài kỷ niệm sâu sắc thể hiện sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của Dân?

- Đồng chí Võ Văn Kiệt: Toàn bộ sức mạnh làm nên thắng lợi của sự nghiệp Cách Mạng do Đảng ta lãnh đạo là khởi nguồn từ sức mạnh của nhân dân, từ truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, từ 1940 đến nay, nhớ lại những chặng đường hoạt động Cách Mạng của mình, những gì tôi làm được, đều do gắn bó với dân, tìm được sức mạnh trí tuệ, kinh nghiệm, sáng tạo từ nhân dân và học hỏi được kinh nghiệm của các đồng chí lớp đàn anh, đàn chị. Chỉ xin nêu ba ví dụ sau đây:

1. Sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, Cách Mạng thoái trào. Địch khủng bố ác liệt, cơ sở nhiều nơi bị mất trắng, hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đều bị giết, bị tù. Lúc ấy, tôi là một thanh niên mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng, may mắn không bị bắt, bị tù là do đồng chí, đồng bào nơi tôi hoạt động che chở, đùm bọc.

Trước mắt tôi giờ đây vẫn sáng rõ hình ảnh các đồng chí, đồng bào sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, bị đe dọa đến mạng sống không chỉ riêng họ mà của cả gia đình, để che chở, cưu mang, tìm cách giúp tôi thoát khỏi vòng vây dày đặc của lính kín, hội tề, chỉ điểm để đi vào vùng rừng U Minh, Rạch Giá, vượt qua chặng đường dài từ cánh đồng lúa quê tôi ở Vũng Liêm.

Thậm chí, mấy lần đã nằm trong tay địch, nhưng nhờ mưu trí, gan dạ của bà con biết cách thuyết phục anh em ở trong hàng ngũ hội tề vẫn còn có chút lương tri và kiêng nể người đằng mình để họ tạo điều kiện cho tôi và một nữ đồng chí thoát ra. Nhờ vậy, không những thoát được giam cầm, tù đày mà tôi còn tiếp tục bám trụ trong dân để gây dựng cơ sở, khơi lại phong trào ở Rạch Giá (nay là Kiên Giang) từ 1941 đến 1945.

Có lần, tôi đang chăm chú đọc tài liệu cấp trên gửi về không kịp cất giấu khi địch ập vào. Chị chủ nhà đã cấu cho đứa con đang ẵm trên tay khóc thét lên rồi bảo: "Cậu ẵm giùm để tôi tiếp mấy ông” rồi đẩy cháu bé vào lòng tôi để lưng cháu che tờ giấy đang trên tay tôi.

Một lần khác, tại thị xã Rạch Giá, cơ sở bị vỡ, mấy đồng chí bị địch bắt giữ, số còn lại nằm trong vòng vây vẫn tìm cách báo cho tôi để tôi không bị sa vào lưới địch đã giăng. Có lần địch bủa vây, bà con báo động để chúng tôi chạy thoát, một đồng chí bị địch bắn chết, chúng xẻo tai xách về nơi tôi đang gây dựng phong trào để loan tin là tôi đã bị bắn chết. Cả xóm tôi ở đều khóc, có nhà bày hương hoa, có nhà giết cả gà, nấu cơm cúng cho vong hồn tôi.

Tối hôm sau, khi tôi trở về, sửng sốt, mọi người ôm lấy tôi khóc ròng. Sống trong lòng dân, người đảng viên hoạt động bí mật như tôi lúc ấy cảm thấy mình là người ruột thịt với bà con. Một gia đình cơ sở nuôi tôi dù biết địch đang rình mò, vẫn khoét hầm sau vách để có động thì tôi chui ra mà thoát.

Trong nhà, con trai chủ nhà đang bệnh nặng, vợ anh ấy lại mới sinh, tôi vừa thuốc thang cho chồng, vừa chăm lo cơm cháo cho chị, bà con chòm xóm thương tôi, càng quý tôi hơn. Ngay cả trường hợp phải sống trong gia đình cơ sở có người bị cùi, mà bệnh phong thuở ấy thì chưa có thuốc trị như bây giờ, chúng tôi vẫn ăn, ở, chăm sóc tận tình như chăm sóc người thân. Tình cảm gắn bó tự nhiên, máu thịt, không hề gượng gạo.

Có thể nói, chiếc áo giáp thần kỳ của lòng dân, mưu trí và sáng tạo của bà con, cô bác ở ngay nơi địch giăng lưới, bủa vây, bắn giết đã bảo vệ cho tôi để tôi sống, được tiếp tục gây cơ sở, phong trào cứ thế mạnh dần lên cho đến khi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Rạch Giá.

2. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta thực hiện cuộc “chuyển quân, tập kết” và chuẩn bị lực lượng đấu tranh thi hành Hiệp định để tiến tới “tổng tuyển cử hòa bình thống nhất đất nước”. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì địch tìm mọi cách phá hoại Hiệp định. Đây là những năm tháng đen tối của cách mạng miền Nam.

Đảng viên và quần chúng nòng cốt bị tổn thất nặng nề. Địch thẳng tay tiêu diệt cơ sở đảng, tổ chức đảng. Để làm được điều đó, chúng tìm cách tận diệt cơ sở và lực lượng quần chúng cách mạng che giấu, bảo vệ Đảng. Đồng bằng sông Cửu Long - Tây Nam bộ sau ngày 20-7-1957, kết thúc thời hạn 2 năm tiến tới “tổng tuyển cử" nhân dân rất bức xúc trước hành động dã man, tàn bạo của kẻ thù.

Cái khó nhất lúc bấy giờ là quần chúng đòi hỏi phải vũ trang đánh địch. Các nút giao thông công khai đều bị đứt gãy vì quần chúng không thông với chủ trương đấu tranh chính trị bằng tay không. Vì thế, họ khước từ che giấu, bảo vệ cán bộ và làm trạm nút giao liên. Anh chủ nhà tôi ở vốn rất quý trọng tôi đã thẳng thắn nói với tôi: "Nếu sau 20-7-1947 các chú không cho tụi cháu đánh lại địch thì cháu không bảo vệ chú ở trong nhà". Sau đó, chính anh ấy lại đi tìm tôi, lại mời tôi về nhà.

Tấm lòng của quần chúng sáng như gương, quý vô hạn. Khi họ đuổi mình cũng rất Cách Mạng, khi họ rước mình cũng vì cách mạng. Rồi với Nghị quyết 15, con đường cách mạng miền Nam đã được khơi thông, quần chúng lại kiên cường, dũng cảm hy sinh tầng tầng lớp lớp để có Ngày 30 tháng 4 lịch sử.

Có thể nói, giai đoạn đen tối mà tôi nhắc lại là bước thoái trào lần thứ hai ở miền Nam kể từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Thế nhưng, khi Đảng có đường lối đúng, đáp ứng được lòng dân, thì dân lại là nước đẩy con thuyền cách mạng do Đảng chèo lái tiến đến thắng lợi.

3. Kỷ niệm sâu sắc mà tôi muốn kể tiếp là khi tôi được điều động về phụ trách thành phố Sài Gòn. Tôi vốn chỉ quen hoạt động ở địa bàn nông thôn, ngoài hai lần được “đi xem" Sài Gòn. Lần xem thứ nhất là theo ghe cá từ vùng U Minh Hạ lên chợ Cầu Ông Lãnh năm 1943. Lần thứ hai là khi lên làm việc với Thường vụ Xứ ủy năm 1957.

Anh Mười Cúc biết tôi chưa biết gì về Sài Gòn đã cho đồng chí giao liên bí mật chở tôi đi quanh một vòng bằng xe gắn máy theo lối "cưỡi ngựa xem hoa". Đối với tôi, đây là một địa bàn hoàn toàn xa lạ, tôi nhận công việc từ "Xứ ủy lưu vong" cuối năm 1958.

Lúc này, tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng Sài Gòn bị vỡ nặng. Tôi một thân, một mình xuống ở nhờ Tỉnh ủy Tây Ninh để liên hệ với Tỉnh ủy Gia Định. Sau khi tìm hiểu đồng bào Gia Định và trao đổi thống nhất với các đồng chí Tỉnh ủy, tham khảo các đồng chí Liên tỉnh miền Đông, xin Xứ ủy cho Gia Định với Sài Gòn nhập thành một đơn vị, tạo được lợi thế ban đầu từ bàn đạp Gia Định để phục hồi cơ sở nội thành và bảo vệ cơ sở bị lộ bên trong. Hầu hết dân Gia Định đều rành rẽ về Sài Gòn. Nhờ bà con, cô bác ở Gia Định đùm bọc, che chở và dẫn dắt, tôi xâm nhập vào nội thành được thuận lợi.

Từ đó, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã có một căn cứ tuyệt vời trong dân gồm Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng. Có thể nói, địa đạo Củ Chi nằm trong lòng đất và lòng dân là căn cứ vững chãi của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đó là chưa kể những lần ra vào làm việc với bộ phận lãnh đạo nội thành Sài Gòn, chúng tôi được sự đùm bọc, tạo điều kiện làm việc, ăn, ở trong các gia đình công chức thầu khoán… đi lại ra vào căn cứ bằng xe ô tô của ông bác sĩ (hiện còn giữ ở bảo tàng TP.Hồ Chí Minh).

* PV: Theo đồng chí, trong điều kiện hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường tác động thế nào đến mối quan hệ máu thịt Dân với Đảng?

- Đồng chí Võ Văn Kiệt: Mối quan hệ giữa Đảng với Dân như cá với nước. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi Dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ. Càng hội nhập quốc tế, lại càng phải phát huy sức mạnh nội lực. Nội lực phải tìm trong Dân.

Hội nhập kinh tế quốc tế đối với mọi nước, nhất là các nước đang phát triển, vừa là thời cơ vừa là thách thức. Đối với nước ta, thời cơ lớn hơn thách thức. Chúng ta chẳng những có khả năng tranh thủ nắm bắt thời cơ mà còn có khả năng tạo ra thời cơ, chẳng những chúng ta có khả năng vượt qua thách thức mà còn có khả năng làm nảy sinh thời cơ từ những thách thức mà ta đã và sẽ gặp phải, nếu ta có đường lối đúng, có bản lĩnh để thực hiện đường lối đó.

Điều kiện tiên quyết là biết khởi động sức mạnh tiềm tàng trong toàn Đảng và trong nhân dân. Để phát huy sức mạnh đó cần phát huy khả năng dám nghĩ, dám nói trong Đảng và trong Dân bằng những chính sách cởi mở và đúng đắn, để mọi nguồn lực đều được khơi dậy, kể cả nguồn lực của đồng bào ta đang sống ở nước ngoài.

Kinh tế thị trường nói chung đã hàm chứa trong nó cả thời cơ và thách thức nói trên. Đối với đất nước ta, qua bài học kinh nghiệm từ sự nghiệp đổi mới, kinh tế thị trường là vận hội lớn nếu ta hiểu đúng và có chủ trương đúng. Chúng ta có khả năng phát huy đến mức cao nhất thế mạnh của thị trường, đồng thời cũng có khả năng hạn chế ở mức thấp nhất những khuyết tật của thị trường cùng những hiểm họa của một thị trường hoang dã.

Vấn đề là ta biết mạnh dạn đổi mới tư duy để nhận thức đúng, kịp thời bối cảnh mới mà đất nước ta đang phải đương đầu. Tỉnh táo và có bản lĩnh tạo mọi điều kiện cho sự bừng nở lành mạnh và rộng khắp các hoạt động của thị trường nhằm chuyển đổi diện mạo kinh tế của nước ta, tạo nên một sức bật mạnh cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đồng thời biết khắc phục, ngăn chặn những khuyết tật của kinh tế thị trường, cũng như xu hướng chụp giật, buôn lậu, tìm cách khoét sâu những sơ hở và hạn chế của luật pháp chưa đồng bộ, sự quản lý còn có nhiều chỗ bất cập để rút ruột Nhà nước, làm nguy hại đến đời sống của dân, đẩy người lao động vào những cảnh ngộ thương tâm, vi phạm nặng nề Luật Lao động.

Như thế có nghĩa là phải sát Dân, dựa vào Dân, phát huy hết sức Dân thì Đảng và Nhà nước mới có thể khai thác được vận hội mà kinh tế thị trường đem lại. Có thể nói, trong những thách đố của giai đoạn cách mạng mới chưa có tiền lệ trong kinh nghiệm của một Đảng vốn được thử thách và rèn luyện trong hoạt động bí mật và lãnh đạo kháng chiến để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chúng ta phải có một quyết tâm mới, một nghị lực mới, kịp thời nắm bắt và thích nghi và làm chủ mọi tình huống.

Nhưng chúng ta đã có bài học của ba mươi năm lãnh đạo xây dựng kinh tế trong hòa bình với tư cách của một Đảng cầm quyền duy nhất của một nước có hơn 80 triệu dân vốn cần cù, thông minh và không thiếu nghị lực sáng tạo.

Thế nhưng, chúng ta đã để mất một phần ba thời gian của 30 năm ấy do những tật, bệnh mà V.I.Lênin đã từng khuyến cáo. Đó là bệnh giáo điều, tả khuynh, quá say sưa với vòng nguyệt quế mà máu, xương của bao thế hệ đảng viên và nhân dân đã đổ ra để có nó, vì vậy mà bỏ lỡ thời cơ, đánh mất khá nhiều tiềm lực kinh tế mà đáng ra ta có thể phát huy mạnh lên thì không đến nỗi phải quá khó khăn trong 10 năm đó.

Dù rằng những âm mưu thủ đoạn phá ta từ bên ngoài thật là nham hiểm, cuộc bao vây, cấm vận càng đẩy tới những khó khăn, song là Đảng cầm quyền, có sứ mạng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn, chúng ta phải nghiêm khắc nhận trách nhiệm về mình, để nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm chủ quan là nguyên nhân chủ yếu. Có vậy mới đủ quyết tâm để đi tới.

Do chậm đổi mới về tư duy, chúng ta tự trói mình trong những công thức đã bị cuộc sống vượt qua, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài, gây nhiều khó khăn, thiếu thốn cho nhân dân vốn đã từng chịu đựng bao gian khó, hy sinh trong ngót nửa thế kỷ.

Và rồi, cũng chính từ sự "phá rào" của bên dưới, gắn liền với đòi hỏi từ Dân, Đảng dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Dân, từ sáng kiến nảy sinh trong đảng viên và quần chúng, từ thực tiễn của đất nước mà đúc kết thành lý luận đưa đến đường lối đổi mới.

Bài học của Đại hội VI, xét đến cùng, cũng chính là bài học biết dựa vào Dân, lắng nghe nguyện vọng của Dân, tiếp nhận những sáng tạo của đảng viên và quần chúng, phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện để những sức mạnh tiềm tàng đó được khơi dậy. Bài học dân chủ trong Đảng và kịp thời đáp ứng nguyện vọng của Dân vẫn còn nóng hổi đối với chặng đường tiến tới Đại hội X sắp tới của Đảng.

Càng muốn thành công trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường văn minh, theo định hướng XHCN thì lại càng phải phát huy đến đỉnh cao tiềm năng to lớn đang nằm trong Dân. Phải khơi dậy động lực dân tộc, tinh thần yêu nước trong mọi người Việt Nam, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để đem toàn lực ra xây đắp giang sơn, thực hiện "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong Di chúc của Người.

Vì thế, hơn lúc nào hết, Đảng phải làm hết sức mình để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, đó chính là tạo ra sức mạnh nội lực để hội nhập kinh tế quốc tế, đương đầu với thách thức, nắm bắt thời cơ. Cần thực hiện một cách chân thành lời căn dặn của Bác Hồ ở Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: "Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý.

Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày". Làm được như vậy chính là huy động được mọi nguồn lực trong toàn xã hội để tăng cường quan hệ máu thịt Dân với Đảng.

* PV: Để dân luôn tin Đảng, theo Đảng, xây dựng, bảo vệ Đảng, xin đồng chí cho biết cần những giải pháp nào, đặc biệt trong công tác xây dựng đảng, cả về lâu dài cũng như từ nay đến Đại hội X?

- Đồng chí Võ Văn Kiệt: Tình trạng thiếu dân chủ, quen "hành dân" và hành hạ lẫn nhau của bộ máy nhà nước các cấp là một thực tế nhức nhối. Vì không tạo được mối quan hệ gắn bó với Dân nên nạn tham nhũng càng có điều kiện hoành hành.

Không gì có thể lọt khỏi tai mắt của Dân, nhưng vì một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả đảng viên giữ những trọng trách, xa Dân nên không tiếp nhận được ý kiến đóng góp của Dân nhằm xây dựng Đảng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo để từ đó mà vun đắp, giữ gìn lòng tin của Dân đối với Đảng.

Hiện nay, tình trạng Đảng xa Dân là một thực tế đáng buồn, không ít những đảng viên biến thành "quan cách mạng" như Bác Hồ đã cảnh báo từ ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Thậm chí một số trong các vị "quan cách mạng" ấy trở thành "quan cai trị" Dân.

Có hiện tượng đáng buồn, đáng phẫn nộ đó là do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những đảng viên có chức, có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền.

Có những chuyện đó là vì trong sinh hoạt và trong tổ chức của Đảng, chỉ tập trung mà thiếu dân chủ. Biểu hiện ngày càng rõ việc không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng trước hết là tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định. Vì thiếu dân chủ nên cũng thiếu tập trung. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" là một dẫn chứng.

Nhưng trầm trọng và đáng ngại hơn là sự tập trung quan liêu. Càng tập trung theo kiểu quan liêu thì dễ dẫn đến độc quyền, độc đoán, không cách xa nhau bao nhiêu với độc tài và chuyên quyền của một số cá nhân đứng trên Đảng. Khi đã tập trung quan liêu và thiếu dân chủ trong Đảng thì mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào hiện tình về sinh hoạt dân chủ trong Đảng, về công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng để chỉ ra cho được những yếu kém nhằm mạnh dạn và kiên quyết khắc phục. Đó là vấn đề số một trong xây dựng Đảng.

Từ nay đến Đại hội X, vấn đề trở lại với nguyên tắc của Đảng được ghi trong Điều lệ Đảng là điều bức xúc nhất. Vì chỉ có thường xuyên thực hiện được nguyên tắc tổ chức trong sinh hoạt đảng thì mới khắc phục được những sai lầm, thiếu sót trong xây dựng Đảng về lâu dài. Điều này hoàn toàn có thể làm được trong quy trình các bước chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, nếu chúng ta thật sự có quyết tâm, nếu mỗi một đảng viên đều thấy rõ trách nhiệm đối với Đảng.

Điều lệ Đảng ghi rõ: "Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc", phải làm sao việc chuẩn bị và triển khai các bước của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng theo đúng nguyên tắc tổ chức đó. Cần làm cho toàn Đảng nhận thức đầy đủ ý nghĩa và quyền hạn của Đại hội đại biểu, do đó, có ý thức đầy đủ trong việc lựa chọn đại biểu đi dự đại hội các cấp.

Cơ quan trù bị đại hội các cấp đương nhiên không thể không có. Song cơ quan trù bị không làm thay quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu và đại hội, tránh để xảy ra tình trạng đại hội chỉ làm nhiệm vụ hoàn tất thủ tục. Vì thế, phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần dân chủ của từng đại biểu đại hội, tự mình tham gia quyết định mọi vấn đề mà đại hội phải chịu trách nhiệm.

Cần áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử và bỏ phiếu kín trong mọi việc bầu cử người vào các cơ quan của Đảng. Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất xứng đáng nhất với nhiệm vụ được giao. Không lệ thuộc cơ cấu vùng miền, ngành và địa phương. Khi bỏ phiếu chỉ có một danh sách chung theo thứ tự ABC.

Để thực sự phát huy dân chủ ở mức cao nhất, động viên ý chí và nâng cao tính Đảng của từng đảng viên tham gia gánh vác công việc của Đảng mà không xen lợi ích cá nhân vào, nên khuyến khích tự do ứng cử, đề cử những đảng viên không phải là đại biểu của đại hội. Đồng thời, khuyến khích người đề cử hay người ứng cử trình bày rõ về mình để đại hội có cơ sở cân nhắc và quyết định.

Thực tiễn sôi động của một giai đoạn lịch sử 30 năm hoạt động công khai lãnh đạo đất nước của Đảng cầm quyền đã đủ điều kiện để thử thách và kiểm nghiệm về uy tín, phẩm chất, năng lực của các tổ chức đảng và đảng viên trong từng đơn vị dưới con mắt tinh tường của quần chúng nhân dân.

Trung thực và chân thành lắng nghe tiếng nói của đảng viên và quần chúng, khách quan và thực sự cầu thị, nhất định sẽ chọn được những người ưu tú đủ năng lực và uy tín xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Tôi nghĩ, đây là xây dựng Đảng một cách nghiêm túc và thiết thực nhất, vừa có ý nghĩa trực tiếp đến công tác trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản rất lâu dài của Đảng ta.

Đó cũng là cách hay nhất để làm cho Dân tin Đảng, theo Đảng và xây dựng Đảng lãnh đạo của mình, Đảng của giai cấp và của dân tộc, đưa sự nghiệp của đất nước bước vào thời kỳ mới.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn Đồng chí.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng