Một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng

ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

LIÊN ĐỘI TRƯỜNG THCS HOÀNG VĂN THỤ

                               ***

Thực hiện phong trào

“Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng" 

Cuốn sách " Mãi mãi tuổi hai mươi"

Các bạn thân mến! Chiến tranh đã lùi xa trên đất nước Việt Nam xinh đẹp này gần 50 năm nhưng dư âm và dấu ấn về những năm tháng oanh liệt, hào hùng đó chưa bao giờ là một đề tài xưa cũ. Lặng lẽ mà chân thành, nhẹ nhàng mà sâu lắng, cuốn nhật kí của anh lính trẻ Nguyễn Văn Thạc thực sự là một tác phẩm vô cùng ý nghĩa, góp một bông hoa nhỏ xinh trong khu vườn thơ văn về chủ đề Người lính và tình yêu quê hương, đât nước.

Tác giả của cuốn Nhật kí chân thực và xúc động Mãi mãi tuổi hai mươi là một chàng trai Hà Nội gốc - Nguyễn Văn Thạc [14/10/1952 - 30/7/1972]. Ngày ấy, như bao người con đất Việt, chàng trai trẻ đất Hà thành đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà rời xa Thủ đô, gia đình cùng tình cảm đôi lứa mới chớm nở với người bạn gái quê nhà, xếp bút nghiên để lên đường đi chiến đấu. Và rồi, thật không may, trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30/7/1972, anh bị trúng đạn của địch và hi sinh trong vòng tay yêu thương của đồng đội khi chưa đầy 20 năm tuổi đời, 10 tháng tuổi quân.         

Tuổi 20 của anh và đồng đội sẽ còn mãi cùng quê hương, sông núi; và những dòng nhật ký anh để lại chính là nguồn tư liệu quý giá, chân thực phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta, đồng thời ngợi ca một thế hệ thanh niên Việt Nam với sự giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bản thảo của tập Nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi có tên gốc ban đầu là “Chuyện đời”. Đây là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilong màu xanh, tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen. Anh bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 tức là 28 ngày sau nhập ngũ và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư được liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi về cho anh trai của mình từ ngã ba Đồng Lộc. Tác phẩm đã được nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn, giới thiệu đến độc giả, xuất bản năm 2005 và tái bản nhiều lần.

Từ sự trải nghiệm của bản thân; từ sự yêu thương, gắn bó với con người và cuộc đời, anh lính trẻ binh nhì Nguyễn Văn Thạc đã ghi chép rất tỉ mỉ, chính xác những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đoàn, ... cũng có nhiều chuyện vui, nhưng có cả những chuyện buồn. Dưới cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc của người lính trẻ, bạn đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc tình quân dân nồng ấm, tình đồng chí keo sơn, gắn bó của các chiến sĩ trên đường chiến đấu, và hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ luôn được nhân dân tin yêu; ...

Đọc Mãi mãi tuổi hai mươi, bạn đọc sẽ bị lay động và rơi nước mắt bởi những mẩu chuyện có thật về bi kịch chiến tranh và sự hi sinh của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời chiến nhưng lúc nào cũng mang theo bên mình nỗi nhớ gia đình, khát vọng về một tình yêu, tình bạn đẹp, .... Và đặc biệt, điều ấn tượng với tác giả và bạn đọc khiến trái tim ta đau đớn như bị bóp nghẹt khi phải chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh: " Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm", nhân dân nghèo đói; chứng kiến sự hi sinh, mất mát của đồng đội mình. Tất cả, đã để lại trong lòng người chiến sĩ trẻ những dấu ấn sâu đậm, để thôi thúc, để thổi bùng ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Trong nhật kí, Nguyễn Văn Thạc viết: " Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát- cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh..."

Năm tháng trôi qua, đất nước đã thanh bình nhưng hình ảnh của những người lính như chàng trai Hà thành Nguyễn Văn Thạc mãi mãi in sâu trong tâm trí của tất cả nhân dân Việt Nam. Xin được thắp nén tâm nhang, cảm ơn các anh - những con người đã chiến đấu anh dũng, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, gìn giữ hòa bình hôm nay.

Hãy đọc và cảm nhận  "Mãi mãi tuổi hai mươi", bạn hẳn sẽ đồng ý với tôi rằng đây thực sự là một tác phẩm xứng đáng, đại diện cho một thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ:  

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Những dòng văn vừa có đau thương, vừa có yên bình, lo lắng, xót xa, .. đã giúp người đọc hiểu rõ hơn, yêu mến và trân trọng hơn những con người của tuổi 20 sục sôi nhiệt huyết, những con người đã mãi nằm lại chiến trường lửa khói để đổi lại hòa bình, độc lập cho thế hệ mai sau.

                                                                                                                                    Chi đội 7D

Các bạn học sinh Trường tiểu học Đền Lừ yêu quý!

Những ngày trải qua đại dịch Covid 19 vừa qua, mỗi chúng ta, mỗi thầy cô đều phải cố gắng tuân thủ các quy định phòng chống dịch như 5K, tiêm chủng. Đến nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục học tập trực tuyến để đảm bảo và giữ gìn thành quả chống dịch bấy lâu nay của mỗi gia đình, mỗi xóm làng cũng như toàn thể xã hội. Mình biết khi học trực tuyến các bạn luôn gặp khó khăn như: máy tính chậm, mạng internet quá tải, âm thanh không rõ,…nhưng những khó khăn ấy sẽ không cản trở chúng mình cùng khám phá những kiến thức mới, những bài học hay phải không nào?

Chính từ ý nghĩ ấy, mình muốn giới thiệu đến các bạn cuốn sách: TÔI ĐI HỌC của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Cuốn sách đã ra đời lần đầu tiên năm 1970, cách đây 51 năm nhưng câu chuyện của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn là tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu, vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể để thành công của bao thế hệ học trò.

Cuốn sách gồm 39 mục nhỏ, mỗi mục là một sự kiện trong suốt 10 năm đi học của Nguyễn Ngọc Ký và cũng là những dấu ấn của sự phấn đấu, chiến thắng bệnh tật một cách mạnh mẽ, bền bỉ và kiên trì. 

Cuốn sách bắt đầu từ sự việc cậu bé Ký 4 tuổi đang rất hoạt bát nhanh nhẹn thì bị một cơn bạo bệnh dẫn đến liệt hai tay. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ cậy người thân đến những mong muốn nhỏ nhoi, đơn giản của trẻ thơ như chơi trò chơi, vui đùa cùng bạn bè đều bị tước đoạt. Cậu bé Ký dần trở nên nhút nhát và tự ti chìm trong cuộc sống buồn tủi, bị bạn bè xa lánh, đùa cợt. Nhưng khi thấy bạn bè được đi học và ê a đọc chữ, niềm ham học trong cậu cũng được nhen nhóm dù biết mình không thể dùng tay viết chữ.

Và cứ như thế niềm đam mê học tập được thắp lửa giúp Ký biết đọc rồi quyết tâm tập viết chữ bằng chân với biết bao khó khăn vất vả. Hơn cả thế, Nguyễn Ngọc Ký còn dùng chân điều khiển dao để đan, kim chỉ để khâu vá hay kéo để cắt chữ. Bằng sự kiên trì của bản thân, cộng với nhiệt huyết tận tình của các thầy cô và tấm lòng bạn bè, Nguyễn Ngọc Ký không chỉ tốt nghiệp tiểu học như suy nghĩ ban đầu mà còn phấn đấu thành một học sinh giỏi toàn diện cả Toán và Văn. Sự cố gắng không ngừng nghỉ, vượt lên cả những đau đớn khi tập cầm dao, cầm kéo để hoàn thành tốt của Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp thêm sức mạnh cho mình cũng như mọi bạn đọc để thấy mình thêm mạnh mẽ và tràn đầy cảm hứng hăng say học tập.

Những ý nghĩ như: “Không thể học hành như này mãi được.”; “Làm thế nào để học giỏi bây giờ nhỉ?” của thầy Ký như một lời nhắc nhở giúp mình cũng tự suy nghĩ về kết quả học tập của bản thân. Ngay cả khi vinh dự được Bác Hồ hai lần tặng huy hiệu cao quý của Người, thầy Ký vẫn không sao nhãng sự cố gắng mà luôn suy nghĩ tìm cách học tập tốt hơn. Thầy còn chân thành chia sẻ cách học tập bằng kế hoạch cho bè bạn nữa.

Mỗi trang sách ghi chép mỗi suy nghĩ của Thầy trước những sự kiện trong học tập đều trở thành lời động viên mình hãy vươn lên, hãy vượt qua những khó khăn trước mắt để chạm tới thành công và chiến thắng chính bản thân mình! Từ ấy, Thầy đã trở thành tấm gương để biết bao thế hệ học sinh học tập và noi theo. Mình đã từng đọc được tin về anh Nguyễn Tấn Sang – 19 tuổi ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị bệnh không thể tự vận động được vĩnh viễn” cũng đã dành 7 năm để tập viết được chữ bằng chân với suy nghĩ: “Thầy Nguyễn Ngọc Ký dùng chân viết chữ và dạy chữ cho biết bao nhiêu người thì tôi nghĩ mình cũng sẽ làm được như thế nếu cố gắng”.

Các bạn hãy cùng đọc và cảm nhận nhé!

Video liên quan

Chủ Đề