Muốn nhanh thì phải từ từ tiếng Anh

Ảnh: Unsplash

Gần đây mình nghe một người em kể lại việc em mới bị lừa một cú khá đau đớn, bị mất một số tiền khá lớn mà em tự nhận là do bản thân “ngu dại”. Đầu đuôi câu chuyện là ở căn phòng em thuê trọ một hôm đột nhiên bồn cầu bị nghẹt, một vấn đề cũng khá tế nhị với một bạn nữ như em nên cũng khó nói để nhờ vả hay hỏi han người khác, thế là em mới gọi điện để báo chủ nhà tính nhờ chủ gọi thợ đến sửa giùm nhưng chủ nhà không bắt máy. Thay vì đợi cho tới khi liên hệ được chủ nhà, em mới lên Google và search thông tin dịch vụ sửa bồn cầu tại TP.HCM để liên hệ trực tiếp với họ.

Ban đầu khi hỏi thông tin giá cả, nhân viên báo thông thường bồn cầu bị nghẹt như vậy sẽ cần dùng dây lò xo để thông, bao nhiêu mét thì sẽ tính ra từng đó tiền. Em có hỏi lại trường hợp của em thì thông bao nhiêu mét, thợ mới bảo cái đó không biết được phải thông thực tế thì mới biết [!]. Cứ ngỡ rằng khi gọi dịch vụ đến sửa như vậy thì họ chỉ thông 1-2m là cùng, ai ngờ tới khi đội thợ sửa xong thì họ báo đã dùng tới mấy chục mét dây và tổng chi phí trong hóa đơn đội lên tới hai mươi mấy triệu. Em nghe mà choáng váng mặt mày vì đó là khoản tiền khá lớn đối với em ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng đành bấm bụng trả.

Trả cho nhóm thợ xong xuôi em mới gọi điện được cho chủ nhà. Nghe em kể lại câu chuyện, chủ nhà mới trách em sao không đợi chị ấy mà tự gọi dịch vụ làm gì, bình thường chị ấy gọi người quen tới sửa thì ca nghẹt bồn cầu nặng lắm cũng chỉ có 2 triệu là cùng chứ ở đâu ra tới hơn 20 triệu. Nghe xong em mới biết hóa ra mình đã bị lừa một cú ngoạn mục.

Vụ việc em kể không phải lần đầu mình nghe, vì mới trước đó đầu tháng 4 mình đã đọc một bài tương tự cũng cùng nhóm dịch vụ vệ sinh này trên Zing News. Một cư dân ở một chung cư cao cấp cũng gặp tình huống tương tự em, cũng lên trên mạng tìm dịch vụ giống em và được họ báo giá y chang em. Nhưng khác biệt ở chỗ anh này cứng hơn em nhiều nên nhất quyết không chịu trả mà gọi hàng xóm và bảo vệ chung cư lên để tranh cãi tới cùng, cuối cùng anh ta chỉ đồng ý trả một khoản tiền nhỏ vài triệu cho phí thông bồn cầu chứ không chịu trả khoản tiền lớn hai mươi mấy triệu. Sau đó anh này còn cứng hơn khi lên trình báo công an, nhưng có vẻ họ không xử lý nên biệt đội thông bồn cầu này vẫn cứ tiếp tục lộng hành. Đọc xuống comment trên báo, mình cũng thấy một số người bức xúc khi rơi vào cảnh tương tự với cùng một chiêu trò như trên.

Ảnh: Unsplash

Bởi người em của mình vừa mới chuyển nhà trọ sang chỗ mới này, phải đặt cọc mấy tháng tiền nhà nên khi gặp sự cố như vậy, em phải vay mượn tiền từ một số người quen trong bấn loạn để trả tiền cho đội dịch vụ vệ sinh này. Khi bình tâm nói chuyện với mình sau vài tuần vụ việc trôi qua, em mới nhận ra một điểm phi lý là căn phòng trọ của em ở tầng 1 chứ chẳng phải ở chung cư cao tầng gì, vậy mà số dây lên tới vài chục mét lúc đó em lại thấy như chuyện đương nhiên chứ không hề nhận ra đó là điều bất thường. Em tự trách bản thân là còn bộp chộp, vội vàng và thiếu kỹ năng xử lý tình huống.

Khi trò chuyện với em, mình có nhận xét một điểm ở em vừa là tốt mà cũng vừa là xấu, đó là cái tính không thích nhờ vả hay làm phiền người khác. Giống như khi gọi điện cho chủ nhà không được, thay vì chờ đợi một lát sau gọi lại thì em quyết định tự giải quyết vấn đề luôn chứ không muốn làm phiền chủ nhà nữa. Nhưng thực tế là có những tình huống trong đời chúng ta cần và phải làm phiền người khác, vì con người sống trong một mạng lưới quan hệ kết nối có qua có lại với nhau. Chính vì em không muốn làm phiền một người, hậu quả sau đó là em phải làm phiền đến nhiều người khác để mượn tiền họ. Có những chuyện không phải là thế mạnh của mình hay mình chưa có kinh nghiệm xử lý bao giờ, cách tốt nhất là nhờ những người rành hơn giúp đỡ hay tham khảo ý kiến từ những người đã trải qua hoàn cảnh tương tự rồi. Ví như trong tình huống của em, nếu mình không liên hệ chủ nhà được thì sẽ hỏi thăm vài bạn bè thân quen trước coi có ai biết xử lý vụ nghẹt bồn cầu ra sao, hay họ có hotline dịch vụ nào quen không, như vậy thông tin sẽ đáng tin hơn khi đã được sàng lọc qua bạn bè.

Và quan trọng hơn hết, nếu chúng ta chậm lại một chút để bình tĩnh xử lý vấn đề thì kết quả sẽ không tới mức như vậy. Muốn nhanh thì phải từ từ, từ từ làm đúng từng bước một. Chứ làm nhanh mà làm sai thì nhanh có ích gì?

Ảnh: Unsplash

Đợt lễ vừa rồi mình đi xe khách về quê, gặp một bác tài dày dạn kinh nghiệm nên được nghe nhiều câu chuyện hay ho thú vị. Trên xe phân nửa là du khách đến Phan Thiết chơi, có một số bạn trẻ thuộc diện lần đầu mới đi Phan Thiết, trong đó có một cặp đặt vé tàu đi ra đảo Phú Quý chơi. Bình thường xe khách đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết, nhanh thì 4 tiếng, chậm thì 5 tiếng, nhưng đi vào dịp lễ kẹt xe thì phải mất tới 7 tiếng mới tới nơi. Cặp đôi này đặt vé tàu lúc 2 giờ trưa, khi xe tới địa phận thành phố Phan Thiết thì cũng đã 1 giờ 50 rồi nên mới hối bác tài chạy nhanh về bến xe để hai bạn còn di chuyển ra bến tàu.

Thấy hai bạn trẻ vội vàng khẩn trương như vậy, bác tài mới bình thản trả lời: “Hai cháu đi du lịch thì nên đi thong thả, từ từ. Bình thường chỉ có khách bỏ tàu, xe [dịch vụ] chứ không có tàu, xe nào bỏ khách cả. Đi xe khách ngày lễ kẹt xe trễ 1-2 tiếng là chuyện bình thường, bến tàu họ cũng sẽ thông cảm cho mình thôi. Mà không đi chuyến 2 giờ được thì đi chuyến 2 giờ rưỡi hay 3 giờ cũng có sao đâu. Nếu mình đặt vé tàu qua công ty du lịch thì liên hệ đại lý nhờ họ đổi giờ lại, mình là khách hàng mình có quyền yêu cầu mà. Còn nếu mình tự mua vé cá nhân thì tới thương lượng với nhân viên bến tàu. Chuyện gì cũng có cách giải quyết được hết, cứ từ từ mà đi chứ hối bác chạy nhanh chạy ẩu thì nguy hiểm cho cả đoàn thôi chứ trễ thì vẫn cứ trễ thôi à”.

Lúc trước mình cũng giống như hai bạn trẻ này, làm việc gì cũng luôn phải đúng giờ đúng giấc, trễ một chút sai lịch trình thôi là đã thấy bực mình khó chịu. Dần dà, mình học được cái tâm thái buông lơi, linh hoạt tùy theo tình huống [khác với tính cách của một người nguyên tắc – J điển hình theo MBTI]. Khoan bàn đến chuyện tàu ra đảo mỗi ngày có bao nhiêu chuyến, chuyến sau cách chuyến trước bao lâu [bác tài vốn không phải dân bản địa nên không biết, ngay cả mình là dân bản địa nhưng chưa đi đảo bao giờ nên cũng không rành], điều mình muốn nói ở đây là hai bạn đi chơi, đi du lịch chứ không phải đi làm việc hay gặp gỡ đối tác, cứ thong thả từ từ mà tận hưởng chuyến đi chứ không cần phải vội vàng, gấp rút như thế thì mất vui.

Ảnh: Unsplash

Một nhóm khách khác trên cùng chuyến xe báo bác tài dừng chân ở trạm Suối Cát, điểm giáp ranh với thành phố Phan Thiết để di chuyển ra resort. Có vẻ như lần đầu nhóm này tới resort này mà không khảo sát hay tìm hiểu địa điểm từ trước nên không biết từ Suối Cát đi resort mất bao lâu, phải đi bằng phương tiện gì. Thế là trên xe họ cứ hỏi bác tài liên tục, và cứ chốc chốc lại hỏi bác tài đã gần tới Suối Cát chưa, chỗ đó có bắt xe được không, nên bắt xe gì, giá cả thế nào, v.v. Bác tài nghe một hồi cũng chóng mặt, mới bảo: “Các cô các cậu cứ bình tĩnh, không việc gì phải rối lên như thế cả. Thành phố du lịch thì ở đâu chẳng bắt xe được, không có taxi thì có xe ôm. Giá cả thì hỏi tài xế cho rõ ràng, thấy giá hợp lý thì đi, không thì từ chối chứ đâu có ai chèn ép gì mình. Còn muốn biết xa hay gần resort thì hỏi tài xế taxi hay xe ôm, không thì lên mạng tra bản đồ chứ tôi có ra resort đó ở bao giờ đâu mà biết”.

Cuộc sống công nghiệp nhanh, vội từ lâu đã khuôn ép nhiều người chúng ta vào trong cái nếp làm việc gì cũng phải nhanh, lẹ, khẩn trương cho xong để còn làm nhiều việc khác. Không nói đâu xa, chỉ cần nhìn vào nếp sống, nếp làm việc hay nếp sinh hoạt ở những đô thị lớn, bạn cũng dễ dàng nhìn thấy hiện tượng này, nó khác xa với nhịp sống từ từ chậm rãi ở một tỉnh lẻ hay vùng quê. Đến ngay cả chuyện đi du lịch là để dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi và tận hưởng, nhiều người cũng phải chạy ào ào như một cơn lốc.

Nếu như người em mình chậm lại một chút, đợi thêm một lát rồi liên hệ lại chủ nhà thì có khi vụ tắc bồn cầu nhà em đã được giải quyết ổn thỏa và không tốn kém.

Nếu như người em mình chậm lại một chút, hỏi thăm một số bạn bè thân quen kinh nghiệm giải quyết vụ tắc bồn cầu thì có khi em đã tìm được một dịch vụ giá cả hợp lý, đáng tin cậy hơn.

Nếu như người em mình chậm lại một chút, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề thì có khi em đã nhận ra rất nhiều điểm phi lý trong cú lừa đó [giá thông bồn cầu không thể nào cao hơn giá trị cái bồn cầu, cũng như nhà vệ sinh của em ở tầng 1 thì không thể thông dây tới mấy chục mét] để đối chất lại hoặc nhờ những người xung quanh can thiệp giúp đỡ, ít ra thiệt hại sẽ không quá nhiều.

Triết lý muốn nhanh thì phải từ từ cũng là vậy, như câu chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ chạy đua là bài học muôn thuở bao đời.

Nếu bạn thấy nội dung bài viết hữu ích và giá trị, bạn có thể ủng hộ Chơn Linh để tác giả có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn:

📖Ủng hộ tác giả
[Subscribe blog để nhận bài mới hằng tuần qua email]

Video liên quan

Chủ Đề