Nguyên nhân hi nh tha nh tôn gia o

Lượt xem: 271

CAUSES OF FORMATION AND DEIFICATION OF GUAN YU CHARACTER
TO BECOME GUAN SHENG DI QUN IN THE CHINESE CULTURE

Tác giả: TRẦN VĂN TRỌNG (Khoa Ngữ văn – Khoa học xã hội),
PHẠM HƯƠNG GIANG (Khoa Du lịch)

2. Các nhân tố thúc đẩy quá trình tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ

     Quá trình gia nhập thần điện Đạo giáo của Quan Vũ không thể tách rời các nhân tố văn hóa, chính trị, kinh tế cũng như bối cảnh cụ thể của các giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, việc lý giải vì sao Quan Vũ lại trở thành nhân vật tôn giáo được người Hoa tôn sùng ngưỡng vọng không thể được lý giải nếu tách rời bối cảnh lịch sử và các nhân tố văn hóa xã hội tham gia tác động và thúc đẩy.

     Bẳt đầu từ đời Lương, Trần việc Quan Vũ được người đời chú ý do có liên quan mật thiết đến sự phát triển của tư tưởng chính trị xã hội Trung Quốc. Từ Ngụy Tấn đến Tùy Đường, nền chính trị Trung Quốc phát triển từ hình thức chính trị môn phiệt đến chính trị thế tục. Ngụy Văn Đế Tào Phi đã bắt đầu thực hiện chế độ “cửu phẩm trung chính” nhằm bảo vệ chính quyền quốc gia trước sự lũng đoạn của chế độ chính trị môn phiệt. Các triều đại sau như Tây Tấn, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, cục diện chính trị đều do các thế lực môn phiệt sĩ tộc thao túng, nền chính trị chẳng hề có sự đổi mới nào. Theo chế độ “cửu phẩm trung chính” thì con cháu bình dân dù học hành tài năng cũng không thể được bình chọn vào hàng thượng phẩm, còn “con em hào kiệt môn đệ dù không học hành, bất tài, vô dụng cũng được đưa lên hàng thượng phẩm” [5]. Con đường hoạn lộ dành cho thứ nhân gần như “tuyệt lộ” như câu truyền ngôn “cao môn hoa trụ hữu thế cập chi vinh; thứ tính hàn nhân vô tài tiến chi lộ”(dòng dõi cao sang muôn đời vinh hiển, làm gì có con đường tiến thân dành cho bách tính). Địa vị xã hội của tầng lớp nắm quyền không phải do tài năng, đạo đức quyết định mà thường do xuất thân môn đệ gia tộc, gia thế hiển hách chiếm ưu thế trong giai đoạn lịch sử này. Thời Ngụy Tấn, tuy Hà Yến, Hạ Hầu Huyền, Nguyễn Tịch, Kê Khang… có đề cao khí tiết phong lưu của danh sĩ thông qua thái độ sinh hoạt không giống ai của bọn họ song văn hóa chính trị môn phiệt vẫn đại diện cho tinh thần xã hội thời đại. Đương thời vì xã hội quan tâm và tiếp nhận sùng bái nhân vật xung quanh một vài danh sĩ phong lưu vốn đều là con em giới sĩ tộc nên xuất thân hàn vi của Quan Vũ tự nhiên không hợp với quy phạm xã hội, đã gây được hiệu ứng chú ý của mọi người.

     Cuối thời Nam triều, chế độ chính trị môn phiệt bắt đầu có sự thay đổi. Thời kỳ Tề, Lương giai cấp trung lưu đã tham gia chính quyền cho thấy dấu hiệu về sự mất dần quyền lực của các thế lực chính trị môn phiệt. Từ cuối thời Lương, sự khống chế của giới sĩ tộc đối với nền chính trị quốc gia dần giảm đi. Đến giai đoạn nhà Trần, thế lực sĩ tộc liên tục lụn bại, đánh mất quyền lực, còn thứ tộc hàn môn đã phát huy được vai trò quan trọng đối với sinh hoạt chính trị quốc gia. Nhà sử học Trần Dần Khác đã chỉ ra “Lịch sử Nam triều có thể chia thành ba giai đoạn: thứ nhất là Đông Tấn, thứ hai là Tống, Tề, Lương và thứ ba là triều Trần. Đông Tấn lấy sĩ tộc phương bắc và sĩ tộc Giang Đông cùng nhau hợp lực kiến thiết; Tống, Tề, Lương do cộng đồng sĩ tộc cả miền Nam và miền Bắc cùng tầng lớp trung lưu duy trì; Triều Trần do giai cấp tầng lớp hạ đẳng phương Bắc cùng kẻ sĩ phương Nam nắm giữ chính quyền triều đại” [7]. Chế độ chính trị môn phiệt dần bị thay thế bởi chế độ chính trị thế tục là một xu thế lớn của lịch sử và là một tiến bộ xã hội. Bắt đầu từ Tùy Văn Đế đã cho tiến hành khoa cử để chọn kẻ sĩ làm quan và đến đời Đường thì hình thành chế độ khoa cử. Như vậy, chế độ chính trị thế tục dùng người tài được xây dựng là từ quan điểm của tầng lớp bên trên. Chính trị thế tục không coi trọng xuất thân môn hộ mà coi trọng công danh, tài năng cá nhân trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá con người. Dưới bối cảnh chính trị như vậy, một con người như Quan Vũ đã từng khiến Tào Tháo sợ hãi đồng thời lại được Khổng Minh hết lời ca ngợi tài năng nghĩa dũng giúp Lưu Bị xây dựng Đế nghiệp tự nhiên khiến người đương thời hết sức kính trọng. Sự chuyển đổi xu thế chính trị trên bắt nguồn từ kinh tế. Thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều, giai cấp quý tộc địa chủ chiếm địa vị chủ đạo về kinh tế, nhưng từ cuối Nam triều kinh tế của tầng lớp địa chủ trung lưu đã phát triển khá nhanh. Thời kỳ tiếp nối giữa Tùy và Đường, kinh tế của tầng lớp địa chủ trung lưu đã bắt đầu chiếm địa vị kinh tế chủ đạo của xã hội. Giữa thời Đường, chế độ quân điền bị phá hoại nghiêm trọng, chế độ tư hữu đất đai của tầng lớp địa chủ trung lưu đã thay thế hoàn toàn chế độ tư hữu ruộng đất của địa chủ quý tộc, chế độ chính trị thế tục cuối cùng cũng thay thế chế độ chính trị môn phiệt được xây dựng trên cơ sở tư hữu ruộng đất của tầng lớp địa chủ trung lưu. Thời Tống thực hiện chế độ kinh tế khế ước, thu tô thuế ruộng nhằm cải cách phương thức trói buộc thân phận nông dân vào thân phận của địa chủ trước đây, chuyển thành lấy tước đoạt kinh tế làm chủ yếu, cưỡng chế lao động chỉ là phụ. Đây chưa phải là sự phát triển thêm một bước cơ sở xã hội của chế độ chính trị thế tục mà là thông qua kích thích sự nỗ lực bản thân, không dựa vào môn hộ xuất thân để thúc đẩy tinh thần phấn đấu chính trị nhiệt tình của cá nhân.

     Sự thay đổi trong phát triển kinh tế xã hội tất nhiên gắn liền với sự phát triển của chính trị xã hội. Mối quan hệ giữa kinh tế địa chủ sĩ tộc gắn liền với chế độ “cửu phẩm trung chính” và kinh tế địa chủ trung lưu gắn liền với chế độ khoa cử đã cho thấy rõ điều này. Sự phát triển thay đổi của kinh tế và chế độ chính trị tất nhiên đem lại sự thay đổi hình thái ý thức xã hội. Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều thì quan niệm môn hộ và sùng bái danh sĩ, còn Tùy Đường là truy cầu công danh, tài năng. Sự thăng trầm của Quan Vũ là một minh chứng rất thuyết phục. Dĩ nhiên, Quan Vũ được xã hội xem trọng không nhất thiết phải được thần thánh hóa. Sự thần thánh hóa Quan Vũ tự nó diễn biến trong môi trường văn hóa thổ nhưỡng thích hợp.

     Quan Vũ được thần thánh hóa đầu tiên là ở Kinh Châu và điều này cũng chẳng có gì lạ bởi một mặt phong tục tập quán của dân Kinh Châu bao đời vốn coi trọng các dâm từ và tín ngưỡng vu thuật quỷ thần; mặt khác dân Kinh Châu vốn có tình cảm đặc biệt với Quan Vũ. Trong những năm tháng trấn thủ Kinh Châu, Quan Vũ thường “đối đãi tốt với quân lính mà tỏ ra kiêu ngạo với sĩ đại phu” [9], trị quân yêu dân, bảo vệ, đem lại sự bình yên khiến dân kính trọng khâm phục tận đáy lòng. Cái chết oanh liệt của Quan Vũ càng làm cho dân Kinh Châu đau đớn tận tâm can, trong lòng luôn tưởng nhớ sự anh dũng, trung nghĩa của Quan Vũ, từ đó xuất hiện ảo tưởng rằng anh linh trung liệt của ông chưa tiêu tán, vẫn hiện hiện để bảo vệ sinh linh một vùng. Từ đây, nhiều truyền thuyết nảy sinh, nhiều đền miếu được xây dựng tự phát. Tuy nhiên, trong thời đại chính trị môn phiệt, loại phong tục tín ngưỡng thờ phụng Quan Vũ chỉ diễn ra trong địa giới vùng kinh Châu chưa nhận được sự quan tâm chú ý của tầng lớp chính quyền phong kiến, vì vậy ảnh hưởng của tín ngưỡng sùng bái Quan Vũ còn hạn chế. Nhưng đến thời đại chính trị thế tục, loại tín ngưỡng sùng bái này kết hợp với khát vọng, tình cảm lý tưởng của con người đương thời về công danh sự nghiệp lẫy lừng như Quan Vũ đã có sự cộng hưởng lan tỏa, truyền thuyết về Quan Vũ vì thế phát triển nhanh chóng lan ra các địa phương khác.

     Một nhân tố đặc biệt thúc đẩy nhanh việc thần thánh hóa Quan Vũ là Phật giáo. Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán dưới triều Hán Minh Đế, đầu tiên lưu hành ở tầng lớp trí thức tôn giáo sau mới phổ biến toàn xã hội. Từ cuối đời Hán đến Ngụy Tấn, Phật giáo tích cực phiên dịch, giới thiệu kinh sách đồng thời tập trung vào mục tiêu bản địa hóa Phật giáo. Tuy thời kỳ này xuất hiện nhiều thiền sư giảng giải, chỉnh lý giáo nghĩa, giáo quy kinh Phật song đều thất bại trong việc xây dựng các tông phái Phật giáo bản địa. Khoảng giữa triều Trần và Tùy, Thiên Thai tông – một tông phái Phật giáo bản địa đầu tiên của Trung Quốc ra đời. Người sáng lập Thiên Thai tông là thiền sư Trí Khải, người ở Hoa Dung, Kinh Châu rất có uy tín trong giới Phật học lúc bấy giờ. Trí Khải với sự mẫn cảm của một đệ tử Phật môn đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa của truyền thuyết Quan Vũ hiển linh đối với việc bản địa hóa Phật giáo nên đã đưa tinh thần chính trị xã hội thời đại Quan Vũ vào Phật giáo, biến Quan Vũ thành đệ tử nhà Phật. Điều đó đã làm cho Thiên Thai tông trở thành tông phái Phật giáo đặc sắc Trung Quốc, không chỉ duy trì bản sắc tôn giáo đạo Phật mà còn góp phần quan trọng vào quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo. Thiền sư Trí Khải là nhân vật then chốt trong quá trình thần thánh hóa – tôn giáo hóa Quan Vũ. Sau Thiên Thai tông, Phật giáo Thiền tông cũng góp phần thúc đẩy nhanh chóng, phổ cập hóa khuynh hướng thần thánh hóa Quan Vũ mà nhân vật có vai trò trung tâm của xu hướng này là thiền sư Thần Tú. Thiền sư Thần Tú – sơ tổ của Bắc Thiền tông từng theo Ngũ tổ Thiền tông là Hoằng Nhẫn tham thiền, sau đó đến chùa Đại Thông Thần tự ở Đương Dương, Kinh Châu truyền pháp hơn 20 năm nên một mặt bản thân ông đã tiếp nhận tình cảm sùng bái và tôn kính của dân Kinh Châu đối với Quan Vũ, mặt khác từ trong văn hóa sùng bái Quan Vũ của người dân Kinh Châu nhận ra cách thức phổ biến, quảng bá Phật giáo. Thần Tú đã khéo léo truyền bá giáo nghĩa nhà Phật thông qua việc thúc đẩy, phổ biến hoạt động sùng bái Quan Vũ, đó thực sự là một sự “lựa chọn” nhạy cảm và khôn ngoan của Thần Tú. Thiền tông từ giai đoạn Trung Đường về sau không chỉ phổ biến trong đời sống dân chúng lao động mà còn là thiền phái đại chúng hóa, có sức hấp dẫn với đại đa số nhân dân lao động vì đã khuếch trương và sùng bái, tôn kính Quan Vũ. Quan Vũ được người phương Bắc sùng kính bắt đầu từ vai trò của Thần Tú khi mở rộng ảnh hưởng của Bắc Thền tông lên phương Bắc. Như vậy, Quan Vũ nhờ thế lực Phật giáo đã được nhân dân nhiều đời sùng kính, ngưỡng mộ, ngược lại Phật giáo nhờ lợi dụng Quan Vũ mà hoàn thành quá trình đại chúng hóa, bản địa hóa tôn giáo của mình.

     Nếu như thời Tùy Đường, Quan Vũ dựa vào thế lực Phật giáo để mở rộng ảnh hưởng của mình trong sinh hoạt tinh thần xã hội thì từ đời Tống trở đi, sự sùng bái Quan Vũ lại bắt đầu xuất phát từ hoạt động gia phong tước vị của giai cấp thống trị phong kiến với mục đích nhằm củng cố vững chắc quyền lực nên ảnh hưởng của Quan Vũ trong đời sống tinh thần xã hội càng trở nên sâu sắc. Như đã biết, do đời Tống cương giới lãnh thổ nhiều lần bị các tộc thiểu số phương Bắc uy hiếp, xâm phạm, quân Tống thì yếu hèn nhu nhược, mỗi lần thất bại lại một lần cắt đất cầu hòa, bị khinh bỉ và lăng nhục, đất đai miền Bắc bị rơi vào tay quân Kim trong khi Nhà Tống lại chẳng có khả năng hiệu triệu động viên dân chúng giết giặc. Trước nguy cơ mất nước, mất quyền lực và địa vị, giai cấp thống trị phong kiến nhà Tống đã cầu viện đến Quan Vũ để hiệu triệu bách tính. Việc Quan Vũ hiển linh bảo vệ, phù hộ bách tính đã được nhiều truyền thuyết nhắc đến, song chính quyền thống trị Nhà Tống không khuyến khích tuyên truyền điểm này mà nhấn mạnh vào tấm gương “can trung nghĩa đảm” của ông để động viên tướng sĩ, binh lính, nhân dân ra sức bảo vệ nền móng triều đình. Việc Tống Huy Tông phong Quan Vũ làm Nghĩa Dũng Vũ An Vương là một minh chứng cho quan điểm “giai cấp thống trị cần các vị thần của riêng mình để bảo vệ sự cai trị của chúng, còn những người bị trị cũng cần một số vị thần cứu vớt cuộc sống thống khổ để thỏa mãn niềm tin, hạnh phúc trong ảo tưởng của họ” [1]. Trịnh Thành đời Bắc Tống trong Nguyên Hựu trùng tu miếu ký viết: “Khí số nhà Hán đã hết, Tào Tháo gian hùng hiếp đáp Thiên tử để hùng cứ Trung Nguyên như hổ đói rình mồi, nhòm ngó đất đai xung quanh nên Viên Thiệu không đủ sức chống cự. Chỉ có Tiên chủ với sức lực nhỏ nhoi của mình vẫn chống cự lại, nhiều lần thất bại. Kẻ sĩ đời nay ôm ấp lý tưởng cũng đã rời bỏ, chọn chủ mới mà thờ. Những kẻ chỉ biết an phận thủ thường thì làm sao biết rõ khí tiết trung nghĩa lớn lao của những người chống lại cường quyền giúp kẻ thế cô?” [8]. Vấn đề giai cấp thống trị nhà Tống sùng bái Quan Vũ thực ra có điểm tương đồng giữa cục diện chính trị triều Nam Tống và Kim, Nguyên với cục diện Tam Quốc, giữa tính chính thống của chính quyền Nam Tống và chính quyền Thục Hán. Trong suy nghĩ của văn nhân thời Tống, Nam Tống là chính quyền của người Hán cũng như chính quyền Thục Hán đều có địa vị chính thống. Việc sùng bái Quan Vũ vì vậy là một dụng tâm của triều đình. Đó là lợi dụng lòng trung quân của Quan Vũ với Lưu Bị. Trong tư tưởng trung quân này có phần phản ánh khát vọng hòa bình, khí thế phấn chấn của quần chúng bách tính về cuộc sống hòa bình, tắt lửa chiến tranh, quốc gia thu về một mối. Các tác gia từ Tống đến Kim, Nguyên đều tán tụng trung nghĩa của Quan Vũ, hy vọng khôi phục Trung Nguyên, trung hưng lý tưởng khôi phục chính quyền về tay người Hán như lời tán tụng của Tiêu Giảo trong Thuần Hy gia phong Tề vương bi ký, Điền Đức Tú trong Gia Thái trùng tu miếu ký, Hạo Kinh trong Trùng tu miếu ký. Như vậy, sớm nhất vào đầu thời Nam Tống, địa vị chính thống của tập đoàn Thục Hán đã được thừa nhận bởi các nho sĩ thời Tống, Nguyên. Việc Chu Hy giảng về tính chính thống của triều Thục Hán trong Thông giám cương mục càng làm cho tư tưởng tôn Lưu ức Tào đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong các câu chuyện về Tam Quốc của đời sau.

      Như vậy, hình tượng tôn giáo Quan Vũ ở giai đoạn ban đầu hình thành trong văn hóa của giai tầng lớp dưới sau đó mới dần dần thâm nhập vào văn hóa chính thống và trở thành thần linh trong điện thờ chính thống của quốc gia. Từ hiện tượng tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ, có thể thấy “sự phóng chiếu của cấu trúc xã hội từ cấu trúc của thế giới tâm linh” mà từ đó “chúng ta có thể tìm thấy bản chất thần tính trong bản chất nhân tính của xã hội”[1].

3. Tác động và ảnh hưởng của tiểu thuyết

     Tam Quốc diễn nghĩa đối với tiến trình tôn giáo hóa nhân vật Quan Vũ Sự sùng bái Quan Vũ bên cạnh các nhân tố văn hóa chính trị, chế độ kinh tế, tôn giáo và cả những bối cảnh lịch sử cụ thể đời Tống Nguyên, còn có liên quan mật thiết từ sự phổ biến rộng rãi của tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa từ giai đoạn triều Minh và Thanh trở đi. Hình tượng Quan Vũ trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình “diễn hóa” hình tượng, ảnh hưởng sâu sắc đến sự tiếp nhận và truyền bá hình tượng Quan Vũ và tín ngưỡng Quan Đế.

     Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa lấy tư tưởng “đào viên kết nghĩa” để mở đầu tác phẩm đã cho thấy định hướng sáng tác của nhà văn. Tác giả ca ngợi chữ “Nghĩa” chủ yếu là thông qua sáng tạo thành công hình tượng Quan Vũ, một hình tượng điển hình mà nhà bình luận Mao Tôn Cương đời Thanh xưng tụng là “tuyệt nghĩa”. Từ hình tượng nhân vật Quan Vũ, “nghĩa” được thể hiện ở toàn bộ tính phong phú, tính sinh động và ảnh hưởng nhân cách của các danh tướng cổ đại đối với đạo đức truyền thống để thông qua đó khơi gợi sự quan tâm của toàn xã hội. Mao Tôn Cường bình luận về Quan Vũ: “Lịch sử còn chờ tra cứu thư tịch, danh tướng thì nhiều vô số nhưng anh hùng siêu quần tuyệt luân thì chỉ có Vân Trường; xem sử dưới ánh đèn thực là nho nhã; mặt đỏ cũng như lòng son, anh linh thực tôn quý. Thắp nến đứng hầu tỏ rõ khí tiết lớn lao; đơn đao dự hội khiến người đời khâm phục thần uy tướng quân. Ngày đi nghìn dặm để báo đáp ân xưa; nghĩa báo Hoa Dung, ân thù trả hết. Hành sự quang minh chính đại, đối đãi với người phóng khoáng, rộng rãi…từ cổ chí kim đến nay là đệ nhất danh tướng”[3]. Phải nói là Mao Tôn Cương đã bình giá thật toàn diện và sâu sắc. Tuyệt nghĩa Quan Vũ là một giá trị điển phạm của một giai cấp, một tầng lớp, điều này đã nói lên nguyên nhân sùng bái của các nhân sĩ trí thức với Quan Vũ.

     “Nghĩa” trong quan niệm lý luận đạo đức của Trung Quốc cổ đại hàm chứa nhiều khía cạnh và là khái niệm không thực sự chặt chẽ lắm. Theo cách giải thích truyền thống, Nghĩa là “khiến mọi thứ hợp với lòng mình là Nghĩa”. Chu Hy giải thích “Nghĩa” là “hợp với việc” hoặc “hợp với lý trời”. Tuy nhiên, lấy một việc cụ thể mà xét thì cái gì là thích hợp, cái gì là không thích hợp, nhận thức và lý giải của mọi người chắc chắn là không giống nhau. Quân thần có đạo quân thần, bằng hữu có đạo của bằng hữu, Nho có đạo của Nho, hiệp khách có đạo của hiệp khách…giai cấp, tầng lớp khác nhau nên yêu cầu đối với “nghĩa” cũng không giống nhau. Tuy nhiên, “Nghĩa” của Quan Vũ đã thỏa mãn những yêu cầu khác nhau của các tầng lớp trong xã hội. Quan Vũ đã nghiễm nhiên trở thành hóa thân của “Nghĩa” để người đời theo khuôn thước đó làm theo.

     Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả cảnh “đào viên kết nghĩa” có đoạn: “Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi tuy không cùng họ, kết làm huynh đệ, đồng tâm hiệp lực, cứu khốn phò nguy; trên báo đền nợ nước, dưới an định lê dân; không cầu sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, hoàng thiên hậu thổ chứng giám cho chúng tôi; Kẻ nào vong ân phụ nghĩa, trời người cùng giết” [12]. Trong đoạn văn này, “trung nghĩa” được hiểu là “báo đền nợ nước”, “nhân nghĩa” là “dưới an định lê dân”, “hiệp nghĩa” là “cứu khốn phò nguy”, lại có tình nghĩa “đồng sinh đồng tử”. Cả một đời Quan Vũ chính là không bao giờ thay đổi việc thực hiện lời thề đó khiến cho sự biểu hiện của “nghĩa” ở Quan Vũ phong phú và sinh động lạ thường. Sự kiện săn bắn ở Hứa Điền, Tào Tháo mược cung tên của Thiên tử bắn thú để bách quan tung hô vạn tuế nhằm thử lòng khiến Quan Vũ nổi giận muốn ra tay trừ gian tặc, đó là biểu hiện lòng trung nghĩa của Quan Vũ đối với nhà Hán; Treo ấn tín, trả vàng bạc, cưỡi ngựa đi ngàn dặm tìm Lưu Bị thể hiện lòng trung nghĩa đối với chủ cũ; Bắt Hoàng Trung mà không giết là biểu hiện tinh thần hiệp nghĩa; Đường hẻm Hoa Dung thả Tào Tháo thể hiện lòng nhân nghĩa không giết kẻ khốn cùng; Chong đèn đứng hầu chị dâu đến sáng thể hiện lễ nghĩa; Với Lưu Bị trong quan hệ quân thần là trung nghĩa, trong quan hệ huynh đệ lại là tình nghĩa. Tình nghĩa của Quan Vũ với Lưu Bị và Trương Phi có thể nói phản ánh khí tiết, phẩm chất đạo đức nhà Nho “tiền bạc không thay đổi được lòng, bổng lộc không chuyển được chí”, từ đầu đến cuối đều trước sau như một, hoạn nạn cùng chung, sống chết cùng chịu. Có thể nói, nếu lấy tình nghĩa bằng hữu xưa nay mà xét thì có thể xem là mẫu mực tối cao của Chân, Thiện, Mỹ. Một vài nghĩa cử ở trên của Quan Vũ dù phản ánh yêu cầu lợi ích của các giai cấp tầng lớp xã hội khác nhau trên một vài phương diện đạo đức xã hội, nhưng việc lý tưởng hóa nhân cách Quan Vũ lại có sự thống nhất rất cao, điều đó làm cho Quan Vũ trở thành một nhân vật siêu giai cấp, trở thành đối tượng sùng bái của toàn xã hội.

     Do Quan Vũ là sự tổng hợp yêu cầu lợi ích giai cấp khác nhau nên sự sùng bái Quan Vũ cũng vô cùng đặc biệt. Trong Quan Đế lịch đại hiển thánh truyện ra đời ở đời Minh cho thấy nhiều chi tiết Quan Vũ hiển linh với mục đích khuyên răn đạo “trung hiếu”, giết địch sa trường, trừng ác khuyến thiện…. Từ giữa đời Minh về sau, kinh tế thương nghiệp phát triển sôi động, cạnh tranh thị trường diễn ra khốc liệt, quan niệm truyền thống và tâm lý đạo đức chịu nhiều tác động, nhu cầu giao lưu xã hội gia tăng, tư tưởng và quan hệ xã hội mở rộng, phát triển, nghĩa khí bằng hữu được quần chúng lớp dưới hoan nghênh phổ biến. Hình tượng Quan Vũ trong Tam Quốc diễn nghĩa có thể trở thành mục tiêu “quân thần khuyến trung, bằng hữu khuyến nghĩa” như nhà tư tưởng Lý Chí đã từng phát biểu. “Bằng hữu khuyến nghĩa” ở hình tượng Quan Vũ rõ ràng đã lay động quần chúng lớp dưới. Quần chúng tán thưởng tư tưởng “đào viên kết nghĩa” không phải vì tán dương Quan Vũ trung thành với Lưu Bị mà là tán thưởng nghĩa khí của ba huynh đệ Lưu Quan Trương “không mong sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”, ca ngợi tình thân huynh đệ như thủ túc, cùng sống cùng chết như một của họ. Quần chúng sở dĩ tán dương nghĩa khí Quan Vũ như vậy là vì từ giữa thời Minh về sau, quan hệ đạo đức xã hội dần tan vỡ trước tác động của quá trình phát triển nhanh chóng của kinh tế thương nghiệp. Quan hệ tư bản manh nha hình thành, một mặt nảy sinh nhu cầu tăng cường hợp tác giao lưu, hy vọng giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ những khó khăn cùng đối phó với cạnh tranh xã hội khốc liệt, mặt khác diễn biến tâm lý xã hội thay đổi thất thường do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thương nghiệp. Ba anh em Lưu Quan Trương vốn tay trắng “kết nghĩa vườn đào” so với hành vi “trọng lợi khinh nghĩa” trong đời sống xã hội đương thời giống như một thái độ phản ứng khiến người ta coi trọng bởi “người đời kết giao bằng tiền bạc, tiền bạc không nhiều giao tình không sâu; Ai biết câu chuyện kết nghĩa vườn đào đều biết tiền bạc không giải kết được đồng tâm” (Lý Chí – Qua vườn đào yết kiến đền Tam nghĩa), điều đó cho thấy người ta khao khát truy cầu vẻ đẹp chân tình tự nhiên.

     Thời Minh Thanh, tôn giáo dân gian và các lực lượng xã hội lợi dụng ảnh hưởng Quan Vũ qua câu chuyện “đào viên kết nghĩa” để tán dương ca ngợi, lấy nghĩa khí làm sợi dây tinh thần thắt chặt đoàn kết nội bộ. Bạch Liên Giáo tuyên truyền rộng rãi việc tôn sùng và phụng thờ Quan Vũ qua việc xác định ngày húy kỵ và ngày sinh để tổ chức tế lễ. Rất nhiều các bang phái, các hội kín “huynh đệ” đều thờ tượng Quan Vũ… Bởi vì các đảng phái tôn giáo và chính trị này có cơ sở rộng lớn và ảnh hưởng xã hội trong dân gian, tín ngưỡng Quan Vũ cũng đã được lan truyền đến mọi nơi trong xã hội.

     Giai cấp thống trị sùng bái Quan Vũ tất nhiên có lý do và mục đích khác với quần chúng nhân dân. Những năm Vạn Lịch thời Minh, triều định cực lực sùng bái Quan Vũ là có liên quan đến tình hình chiến sự bị uy hiếp ở Liêu Đông. Áp lực biên ải Liêu Đông khiến cho giai cấp thống trị nhà Minh cảm thấy chính quyền có nguy cơ bị mất, liền thông qua sự sùng bái, gia phong tấn tước cho Quan Vũ nhằm khích lệ tinh thần trung nghĩa “vì nước quên thân” của tướng sĩ để bảo vệ biên cương lãnh thổ, bảo toàn nền thống trị của chúng. Trong Khuyết danh bút ký có chép lại một đoạn đại ý triều đình đã lợi dụng quyển sách Tam Quốc chí (tức Tam Quốc diễn nghĩa). Khi Thế tổ chưa vào Trung Quốc, trước tiên chinh phục người Nội Mông Cổ nên giao ước với Khả Hãn Mông Cổ nhận làm anh em, lấy “đào viên kết nghĩa” trong Tam Quốc chí làm ví dụ, Mãn Châu tự nhận làm Lưu Bị, Nội Mông Cổ nhận làm Quan Vũ. Sau Thế tổ lên ngôi đế, sợ Mông Cổ nhắc lại điều này liền phong tặng Quan Vũ làm Trung Nghị Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Linh Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Bình Định Dực Tán Nghi Đức Quan Thánh Đại Đế để bày tỏ lòng tôn sùng người Mông Cổ. Thời này, người Mông Cổ theo tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, nhưng vì tôn kính Khả Hãn nên cũng tôn sùng Quan Vũ. Lịch sử hơn hai trăm năm của triều Thanh không xảy ra chiến tranh với các rợ phương Bắc chính là ở ý nghĩa quan hệ giữa Mông Cổ với Thanh triều giống như Quan Vũ với Lưu Bị. Tất nhiên, nói giới cầm quyền nhà Thanh tôn trọng Quan Vũ chỉ vì lợi ích của Mông Cổ thì cũng không hẳn. Kỳ thực, chính quyền Mãn Thanh đề xướng “nghĩa” của Quan Vũ một mặt là vì Quan Vũ có ảnh hưởng sâu rộng trong lòng Hán tộc, nhưng mặt khác hàm ý sâu xa coi Hán tộc cũng chỉ là một tộc thiểu số như Mông Cổ mà thôi. Việc sùng bái Quan Vũ chắc chắn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong nền chính trị của nhà Thanh, đó là điều mà nhà Thanh không thể đạt được bằng bất kỳ phương tiện nào khác.

III. Kết luận

     Quá trình hình thành và tôn giáo hóa Quan Vũ là một hiện tượng văn hóa độc đáo và phức tạp. Hơn một nghìn năm qua, theo sự phát triển của xã hội mà ý nghĩa của hiện tượng văn hóa này không ngừng được bổ sung và đổi mới. Cho đến nay, hiện tượng tôn giáo hóa và sùng bái Quan Vũ chưa hoàn toàn trở thành chuyện của quá khứ, lịch sử. Mặc dù sự sùng bái Quan Vũ ở các thời kỳ lịch sử về mặt quy mô và thanh thế không giống nhau, song việc trùng tu, tạo lập mới đền miếu, tạo tác tượng thờ Quan Vũ diễn ra ở khắp nơi và được hưởng ứng ngày một nhiều. Đối với Hoa Kiều và đoàn thể người Hoa ở nước ngoài, tình cảm và lòng tin Quan Vũ cũng không hề giảm nếu không nói có phần sôi động hơn cả Đại lục. Điều đó được thể hiện qua việc xây dựng các đền miếu phụng thờ Quan Vũ mọc lên khắp các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), nơi dấu chân người Hoa đã đặt lên và để lại dấu ấn [10]. Đối với quá trình hình thành và tôn giáo hóa Quan Vũ vì vậy cần phải có thái độ đánh giá khoa học và nhận thức toàn diện, điều này không chỉ có giá trị lý luận mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng thiết thực trong việc nghiên cứu những hiện tượng tương đồng ở Việt Nam như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lã Đại Cát (1999), Tôn giáo học thông luận tân biên, Trung Quốc khoa học xã hội xuất bản xã, Bắc Kinh.

2. Phó Long Cơ (2007), Giải độc Tam Quốc diễn nghĩa, Trí Thư Phòng xuất bản tập đoàn.

3. Mao Tôn Cương (1973), Độc Tam Quốc chí pháp, Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh.

4. Lý Chí (2001), Phần thư – độc phần thư, Nguyên Phương xuất bản xã, Đại học Wisconsin – Madison.

5. Đường Đắc Dương (2003), Cội nguồn văn hóa Trung Hoa, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nguyễn Thị Thu Hiền dịch.

6. Ngô Ngưỡng Hiền (1882), Tiều bào am thi thoại, bản khắc ván năm Quang Tự thứ 8 (1882), Bắc Kinh đại học đồ thư quán.

7. Trần Dần Khác (2007), Ngụy Tấn Nam Bắc triều giảng diễn lục, Quý Châu nhân dân xuất bản xã, Quý Châu.

8. Trịnh Thành (2012), “Nguyên Hựu trùng tu miếu ký”, chuyển dẫn Chu Nhất Huyền (2012) Tam Quốc diễn nghĩa tư liệu vựng biên, Nam Khai đại học xuất bản xã.

9. Trần Thọ (1982), Tam Quốc chí, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh.

10. Trần Văn Trọng (2016), “Lịch dử di dân và sự truyền bá tín ngưỡng Quan Đế trong cộng đồng người Hoa ở nước ngoài”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á, Nxb Đại học Thái Nguyên, trang 228-237.

11. Trần Văn Trọng (2016), “Diễn hóa hình tượng Quan Vũ từ nhân vật lịch sử đến nhân vật văn học”, Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn, ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN, số 6, trang 683-694.

12. La Quán Trung (1988), Tam Quốc diễn nghĩa, Nhà xuất bản Văn học, Phan Kế Bính dịch.

13. Từ Vị (1936), Thục Hán Quan hầu từ ký, tuyển tự Từ Văn Trường toàn tập, Thượng Hải Quảng Ích thư cục Dân Quốc Nhị thập ngũ niên san bản (trang 75).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hải Phòng, số 39, tháng 3 năm 2020

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)