Nguyên nhân làm quãng giọng bị ngắn

KỸ THUẬT HÁT ĐÓNG TIẾNG CỦA GIỌNG NAM CAO – NGUYÊN LÝ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG GIẢNG DẠY

ThS. HUỲNH QUANG THÁI

          Kỹ thuật hát đóng tiếng là một trong những kỹ thuật quan trọng nhất đối với các loại giọng nam, đặc biệt là giọng nam cao. Bởi vì chỉ với kỹ thuật này, các ca sĩ giọng nam cao mới có thể làm chủ được toàn bộ âm khu cao – âm khu đặc trưng – của mình. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày những nguyên lý của kỹ thuật hát đóng tiếng đối với giọng nam cao dựa trên những lý giải khoa học đã được xác thực và đề xuất một số giải pháp trong việc giảng dạy kỹ thuật này.

1.  Những nguyên lý của kỹ thuật hát đóng tiếng:

1.1       - Thuật ngữ “Hát đóng tiếng”:

Âm thanh của giọng hát là một âm thanh tổng hợp, mỗi một cao độ mà ca sỹ hát lên đều có hai thành phần: những phân âm cao và những phân âm trầm. Hay nói theo cách của Garcia thì: giọng hát có hai nhân tố “sáng” và “tối” [12,tr.92]. Ở đây, nhân tố “sáng” được tạo nên bởi các phân âm cao, còn nhân tố “tối” được tạo nên bởi các phân âm trầm. Nếu hai nhân tố “sáng” và “tối” cân bằng tốt thì giọng hát sẽ vừa sáng đẹp, vừa êm tai và có độ “sâu”. Thiếu nhân tố “sáng”, giọng hát sẽ mờ đục; thiếu nhân tố “tối”, giọng hát sẽ “chói tai”.

Các nhà khoa học về giọng đã chứng minh được rằng: nhân tố “sáng” của giọng hát được tạo ra bởi sự khép rung của thanh đới, tức là giọng hát luôn có sẵn nhân tố “sáng” – bởi vì chỉ khi thanh đới khép rung thì giọng hát mới được tạo ra. Còn nhân tố “tối” có được là do sự cộng hưởng của âm thanh gốc (phát ra từ thanh đới) trong ống giọng. Nó có thể điều chỉnh được, bằng cách thay đổi kích thước và tạo hình của ống cộng hưởng giọng.

Theo nguyên lý cộng hưởng giọng hát, ống cộng hưởng giọng càng lớn thì các phân âm trầm càng được khuếch đại, tức là giọng hát sẽ giàu nhân tố “tối”. Điều này có nghĩa là để tăng cường độ “tròn đầy” của giọng hát thì ca sỹ sẽ cần phải mở rộng khoang miệng bằng cách nâng cao vòm miệng và hạ thấp thanh quản. Trong khi đó, theo cơ chế hoạt động tự nhiên của bộ máy phát thanh giọng hát thì khi ca sỹ hát từ thấp lên cao dần, thanh quản sẽ nâng cao dần. Điều đó làm cho chiều dài của ống giọng bị thu ngắn lại, và kết quả là giọng hát sẽ bị mất dần nhân tố “tối”, nó sẽ trở nên chói tai. Đồng thời với việc thanh quản bị nâng cao, các cơ cổ họng cũng sẽ bị siết chặt lại dần. Nếu ca sỹ vẫn tiếp tục hát lên cao mà không có sự điều chỉnh nào của cơ cấu phát thanh thì sẽ đến một lúc, anh ta sẽ không thể nào hát được nữa. Anh ta buộc phải thả lỏng các cơ cổ họng bằng cách chuyển sang hát bằng giọng giả. Đó chính là hiện tượng chuyển âm khu. Và kỹ thuật hát mới mà ca sỹ Duprez – cùng với một số ca sỹ tiền nhiệm

của ông – đã tìm ra là phương pháp để giải quyết vấn đề này, tức là giữ thanh quản luôn ở vị trí thấp trong khi hát lên cao.

Trong lần đầu tiên đề cập đến lối hát mới của ca sỹ Duprez, hai nhà báo người Pháp là Diday và Pestrequin đã sử dụng thuật ngữ tiếng Pháp là “voix sombrée ou couverte”, dịch sang tiếng Việt nghĩa là “giọng hát được làm tối hoặc bao phủ” [12,tr.105]. Sau này, để nói về kỹ thuật đóng tiếng, người Ý sử dụng thuật ngữ “copertura” có nghĩa là “bao phủ”, đồng nghĩa với thuật ngữ “cover” trong tiếng Anh. Còn người Đức thì dùng thuật ngữ “deckung”, dịch sang tiếng Việt nghĩa là “làm tối”. Đây là những thuật ngữ hiện đang được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới, mỗi trường phái Thanh nhạc sử dụng một thuật ngữ khác nhau, tuy có khác biệt đôi chút về mặt ngữ nghĩa, nhưng cái mà các thuật ngữ trên muốn diễn tả đều giống nhau: tăng cường phân âm trầm cho các nốt cao, bao bọc tiếng hát để tạo nên một âm thanh tròn đầy, êm tai, không bạch thanh. Để diễn tả âm thanh đẹp của giọng hát, người Ý sử dụng thuật ngữ CHIAROSCURO – Sáng tối: tức là âm thanh mà có sự sáng chói như kim cương ở bên trong và một yếu tố tối mượt mà bao quanh.

Khi mô tả hai loại âm sắc khác nhau của giọng hát, Garcia đã gọi loại âm thanh chói tai, bạch thanh tạo ra khi hát với thanh quản bị nâng cao là “giọng mở” (opened voice), còn loại âm thanh mà ông cho là đẹp hơn, trong đó có sự cân bằng của các “phân âm” cao và thấp, hạn chế những thứ âm thanh chát chúa (phân âm cao lấn át) hay mờ mịt (phân âm trầm lấn át), được tạo ra khi hát với thanh quản ở vị trí thấp là “giọng đóng” (closed voice) [3,tr.94]. Xuất phát từ cách mô tả hai âm sắc đối lập trong giọng hát của Garcia mà các nhà sư phạm Thanh nhạc thuộc các thế hệ đầu tiên của Việt Nam đã gọi tên kỹ thuật hát do Duprez sáng tạo ra là “hát đóng tiếng”, và loại âm thanh được tạo ra khi áp dụng kỹ thuật này là “giọng đóng”. Cách gọi này đã được sử dụng thống nhất cho đến ngày nay.

Vậy, tóm lại, thuật ngữ “hát đóng tiếng” được dùng để chỉ kỹ thuật hát mà trong đó ca sỹ luôn giữ thanh quản của mình ở vị trí thấp, đặc biệt là khi lên những nốt cao, để bảo đảm cho âm thanh luôn giữ được những phân âm trầm, luôn giữ được độ tròn đầy và tránh lối hát bạch thanh.

1.2       -  Các yếu tố mấu chốt của kỹ thuật hát đóng tiếng:

Như đã mô tả ở trên, yếu tố quan trọng nhất trong kỹ thuật hát đóng tiếng là giữ thanh quản ở vị trí thấp trong khi hát. Tuy nhiên hoạt động đó chỉ đạt đến kết quả cuối cùng khi nó kết hợp một cách đồng bộ với một số yếu tố hỗ trợ tích cực khác như: hơi thở, vị trí âm thanh, hoạt động của hàm, môi, lưỡi. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các yếu tố này dưới đây.

1.2.1– Giữ thanh quản ở vị trí thấp:

Trước khi học cách giữ cho thanh quản ở vị trí thấp khi hát, học sinh cần phải biết rằng: một cách bản năng, thanh quản của chúng ta sẽ bị nâng cao lên trong khi hát, và nó càng lúc càng bị nâng lên khi hát một thang âm từ thấp lên cao. Để cảm nhận một cách trực quan, giáo viên có thể yêu cầu học sinh đặt nhẹ ngón tay lên thanh quản (đặt nhẹ chứ không tác động lực lên cơ quan đó) rồi hát. Khi đó, học sinh sẽ dễ dàng nhận ra ngay rằng thanh quản của mình bị nâng lên. Sự nâng cao thanh quản “một cách tự nhiên” này là kết quả của sự kết hợp hoạt động của các cơ bắp xung quanh thanh quản. Khi thanh quản được kích thích để phát âm, nó sẽ kích hoạt các cơ bắp ở trong và xung quanh nó. Các cơ này căng

ra và kéo theo các hướng ngược nhau để “cố gắng” giữ thanh quản trong cổ, và tạo một kháng lực chống lại áp suất không khí đang được đẩy lên từ bộ máy hô hấp (áp suất không khí này là cần thiết để làm cho dây thanh rung động). Lúc nói chuyện bình thường, áp lực không khí thấp, để giữ được sự cân bằng thì các cơ này không cần phải làm việc căng thẳng. Nhưng khi hát, áp lực không khí lớn hơn, đặc biệt là khi hát các nốt cao, các cơ buộc phải căng thẳng hơn để tạo nên kháng lực đủ mạnh. Theo hướng tăng dần của cao độ tiếng hát, sự căng thẳng của các cơ này sẽ làm cho thanh quản nâng cao dần về phía xương hàm dưới. Và khi thanh quản lên đến vị trí ngang với xương hàm, đó là lúc sự căng thẳng của các cơ bắp đã lên đến mức cao nhất. Lúc đó chúng ta sẽ không thể hát lên cao tiếp nếu không chuyển sang giọng giả.

Vậy, việc thanh quản bị nâng cao đã gây ảnh hưởng xấu đến giọng hát như thế nào? – Điều đầu tiên, như chúng tôi vừa trình bày ở trên, thanh quản nâng cao gây ra sự căng thẳng cho các cơ bên trong và xung quanh nó. Điều này dẫn tới hai kết quả không tốt: một là, nó làm cho tầm cữ giọng của ca sỹ bị hạn chế; hai là nó khiến cho việc phát âm bị khó khăn. Đây chính là lý do vì sao các ca sỹ không được đào tạo bài bản luôn cảm thấy khó hát rõ lời ở các nốt cao. Bên cạnh đó, khi thanh quản nâng cao, nó khiến cho khoang cộng minh bị rút ngắn và bó hẹp lại, âm thanh giọng hát tạo ra sẽ bị thiếu mất những phân âm trầm, nghe “rít”, “chói tai”, và rất căng thẳng.

1.2.2 – Vị trí âm thanh:

Trong một báo cáo khoa học về giọng hát, nhà nghiên cứu Thanh nhạc người Pháp R. Uyn-xơn đã đưa ra nhận xét: “Khi hát âm thanh mở, cảm giác âm vang của âm thanh ở hàm ếch cứng. Khi hát âm thanh đóng, cảm giác này phát triển từ hàm ếch mềm tới chân răng hàm trên và các xoang phía trước mặt” [1, tr.80]. Nhiều nhà sư phạm khác cũng có cùng quan điểm với ông, họ đều cho rằng khi hát với âm thanh đóng thì giọng hát phải có cảm giác rung vang ở trước mặt, trong vùng “mặt nạ” và tập trung ở đỉnh sống mũi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà sư phạm khác lại nhận định là âm thanh đóng phải có cảm giác chủ yếu là ở phía sau vách họng, ở chỗ vòm ếch mềm. Như vậy phải chăng có sự mâu thuẫn trong quan điểm của các nhà sư phạm này? Và chính xác thì âm thanh sẽ được cảm thấy ở “vị trí” nào? – Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin nhắc lại một chút về vấn đề cộng minh giọng hát. Thực chất, giọng hát không thể đi lên các xoang đầu và mặt, và cảm giác rung vang ở khu vực mặt nạ chỉ là sự họa lại sự cộng hưởng âm thanh “có thật” ở khoang miệng mà thôi. Khi hát đóng tiếng, “hộp cộng hưởng” của giọng hát được mở rộng tối đa, cho nên âm thanh được khuếch đại tối đa, nó tạo nên cảm giác như một “cột âm thanh” mạnh mẽ chống thẳng lên vị trí vòm mềm ngay sau lưỡi gà. Cho nên, ca sỹ sẽ có cảm giác như tiếng hát “xoáy” mạnh ở vùng sau vách họng. Đó là một cảm giác có thật. Tuy nhiên, đồng thời lúc đó các xoang ở trước mặt cũng hưởng ứng sự rung vang này một cách tích cực, đây chính là lý do khiến cho ca sỹ cũng cảm thấy tiếng hát của mình như được tập trung ở vùng mặt nạ, ngay đỉnh sống mũi. Vậy, tóm lại là âm thanh đóng vừa tạo cảm giác tập trung năng lượng ở khu vực vòm mềm, vừa tạo cảm giác rung vang tích cực ở vùng mặt nạ. Hai cách nói của các nhà sư phạm ở trên đều đúng và không hề mâu thuẫn với nhau. Sự khác biệt giữa những phát biểu của họ xuất phát từ việc họ chú ý tới cảm giác nào trong hai cảm giác mà chúng tôi vừa trình bày hơn cái kia mà thôi.

1.2.3 – Cách sử dụng hơi thở:

Điều tiết hơi thở là một yếu tố rất quan trọng trong kỹ thuật hát đóng tiếng. Chúng ta cần có một áp lực hơi lớn khi hát đóng tiếng, đặc biệt là ở những nốt thuộc khu vực zona di passaggio. Lưu ý là, chúng ta cần “áp lực” hơi lớn chứ không cần một “luồng” hơi lớn. Thanh đới chỉ cần một áp lực hơi phù hợp để giúp nó duy trì trạng thái khép rung, và trong suốt quá trình hát, chúng ta phải luôn bảo đảm sự cân bằng giữa tần số khép rung của thanh đới với lực tác động của luồng hơi lên nó. Khi hát nốt cao, chúng ta không nên đẩy hơi ồ ạt mà chỉ cần cố gắng giữ một áp lực hơi ổn định. Nếu đẩy hơi thái quá, luồng hơi đi ngang thanh đới sẽ trở nên quá mạnh mẽ, trạng thái cân bằng bị phá vỡ. Lúc này, hai môi thanh buộc phải ép chặt vào nhau để chặn luồng hơi đó, và cơ chế phát thanh sẽ trở nên căng thẳng, thanh quản sẽ bị nâng lên và khoang cộng hưởng chính – cổ họng – sẽ bị đóng lại. Thay vì như vậy, nên khống chế hơi thở với hoạt động phối hợp hài hòa của các cơ lồng ngực và các cơ ở phần dưới cơ thể (thắt lưng, bụng dưới), trong khi để cho một dòng chảy liên tục, thông suốt và thậm chí là nhỏ thôi của hơi thở đi xuyên qua thanh quản để làm nguồn “nhiên liệu” cho sự cộng hưởng âm thanh ở phía trên đó. Đây chính là hoạt động mà các nhà sư phạm gọi là “nén hơi”.

1.2.4 – Hoạt động của hàm dưới và lưỡi:

Hàm dưới gắn liền với lưỡi, và cả hai bộ phân này đều liên quan trực tiếp đến việc tạo hình khoang cộng minh trong khi hát. Trong quyển “Phương pháp sư phạm Thanh nhạc”, GS.NSND. Nguyễn Trung Kiên có viết: “Hàm cứng sẽ làm cho cuống lưỡi bị cong lên, khi hát những nốt cao, âm thanh bị nghẹt và bị chà xát ở cổ. Đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra giọng cổ, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế âm khu cao của giọng” [1,tr.93]. Khi hát những nốt cao, ở gần quãng chuyển giọng, hầu hết các học sinh đều bắt đầu có khuynh hướng đưa hàm ra phía trước, kéo theo đó là tình trạng cổ bị căng cứng, thanh quản cũng bị nâng lên quá cao. Các nốt cao tất yếu sẽ không thể đạt được. Ngoài ra do thói quen phát âm của người Việt, chúng tôi quan sát thấy đa số các học sinh của chúng ta khi phát âm nguyên âm [i], [æ] và [e] cũng hay đưa hàm dưới ra trước. Đây là một trong những cái sai có thể quan sát được dễ dàng. Nếu người thầy có kinh nghiệm thì sẽ phát hiện được ngay và cũng dễ dàng giúp học sinh của mình khắc phục yếu điểm này.

2.  Phương pháp luyện tập và đề xuất một số giải pháp giảng dạy kỹ thuật hát đóng tiếng:

2.1       - Phương pháp luyện tập:

2.1.1 - Hát với thanh quản ở vị trí thấp:

những người cho rằng phải tập hạ thấp thanh quản bằng cách hạ trái táo adam xuống hằng ngày. Đó là một suy nghĩ không đúng. Hát trong lúc cố đè thanh quản xuống thấp sẽ khiến ống giọng và cổ họng bị cứng. Những cơ bắp mà đưa thanh quản vào vị trí thấp một cách đúng đắn chính là các cơ nối liền thanh quản với xương ức. Chúng hạ thanh quản xuống như là một phần trong cơ chế lấy hơi. Cho nên thanh quản sẽ được hạ thấp mà lưỡi không bị đẩy xuống cùng lúc. Một cách khác, quá trình này cũng đúng một cách tự nhiên khi bắt đầu một cái ngáp. Lúc đó, cổ họng được mở, đồng thời thanh quản cũng mở, các xoang thanh quản và khu vực ống cổ họng trở thành một khoang cộng minh mà tạo nên yếu tố sáng – vòm mà chúng ta nghe được từ các tenor danh tiếng.

Nhìn chung, để đưa thanh quản vào vị trí thấp cần thiết và mở họng là một động tác rất dễ thực hiện, học sinh có thể tập được chỉ trong vài phút. Cái khó là làm sao để duy trì được trạng thái thả lỏng đó trong khi hát? – Đối chiếu với những nguyên nhân khiến thanh quản nâng cao mà chúng tôi đã trình bày ở trên, ta thấy để chống lại điều đó thì người hát phải thực hiện hai việc: thứ nhất là vô hiệu hóa các cơ nâng thanh quản, thứ hai là học cách khởi phát âm thanh ở vị trí thấp của thanh quản và không làm nó bị nâng lên.

Các cơ nâng thanh quản làm việc hoàn toàn dựa theo bản năng, chúng ta gần như không có cách nào kiểm soát được hoạt động của chúng, ngoại trừ việc “mong muốn” chúng phải làm gì bằng ý thức của mình. Người thầy chỉ có thể yêu cầu học sinh cố gắng giữ cảm giác thả lỏng của các cơ xung quanh cổ họng trong khi hát, “không cho phép” chúng được căng thẳng. Khi học sinh làm được, hãy yêu cầu họ ghi nhớ cảm giác của cơ thể lúc đó và luôn luôn hát với cảm giác như thế.

 Để khởi phát âm thanh với một thanh quản thấp, chúng ta có thể ứng dụng hai thủ pháp sau đây:

- Tập âm thanh ngậm miệng: mở khẩu hình tròn như khi chuẩn bị hát âm “a”, sau đó ngậm miệng mà vẫn giữ khẩu hình bên trong mở rộng. Với tư thế đó, ép bụng dưới đẩy hơi lên và phát ra âm “hum”. Cảm giác âm thanh đó như dội lên từ bụng và đi theo luồng hơi gây ra một áp lực lên vùng mặt nạ. Khi học sinh đã tạo ra được âm thanh đúng, với cảm giác hoàn toàn “rỗng”, yêu cầu anh ta thực hiện bước tiếp theo: sau khi phát ra âm “hum” ngậm miệng thì tiếp tục nương theo âm thanh đó mà bật môi thành chữ “Ma”.

- Tập hát luyến từ một nốt thấp: không bắt đầu cao độ cần hát ở ngay nó mà luyến lên từ một cao độ thật thấp, khởi âm bằng động tác ép cơ bụng dưới theo hướng “vào trong và hướng lên trên” đẩy hơi lên. Âm thanh có cảm giác như bắt đầu từ bụng dưới, đi ngang phần thân trên đang hoàn toàn mở rộng – “một đường đi hoàn toàn thông thoáng cho âm thanh”. Chúng tôi lưu ý: đây là một bài tập để rèn luyện thói quen khởi âm “từ bụng” và giữ cho thanh quản không bị nâng lên, chứ không phải là một lối hát. Sau khi tập bài tập khởi âm này một thời gian, học sinh sẽ tự động ghi nhớ cảm giác cơ thể, khi đó anh ta sẽ vẫn khởi âm với một thanh quản thấp và cổ họng mở mặc dù không luyến từ một nốt thấp lên nữa.

Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi đã áp dụng một số thủ pháp để rèn luyện thói quen hát với thanh quản thấp rất hiệu quả, xin nêu ra đây để quý đồng nghiệp và các bạn học sinh – sinh viên tham khảo:

1.     Tránh crescendo khi hát thang âm đi lên (vì crescendo thường được thực hiện thông qua một sự gia tăng áp lực).

2.     Tránh sự gia tăng áp lực hơi thở lên thanh đới khi hát lên cao(bằng cách chú ý chủ động mở rộng khung sườn và hạn chế tối đa ép ngực).

3.     Làm tối nguyên âm (khuyến khích sử dụng với các quãng đi lên), hoặc tránh các nguyên âm mở, nông (ngang) khi hát từ âm khu trung trở lên.

4.     Hát glissando từ một nốt thấp với âm sắc mở, nguyên âm mở đi lên một quãng rộng (chẳng hạn một quãng tám) đến một nốt cao với nguyên âm đóng, rồi quay trở lại nốt đầu với nguyên âm lúc đầu. Ví dụ: C3 – C4 – C3 [wa – u – a], [wa – o – a]. Kiểm tra tình trạng của thanh quản trong lúc hát, duy trì trạng thái thả lỏng ở vị trí thấp.

Trong quá trình nghiên cứu về vấn đề hạ thấp thanh quản, chúng tôi thấy còn có nhiều thủ pháp khác nữa, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số bài tập trên như những ví dụ điển hình. Tất cả các bài tập này đều được xây dựng với mục đích giúp cho học sinh nắm được cảm giác khởi âm trong trạng thái thả lỏng các bộ phận trong bộ máy phát thanh, qua đó sẽ đạt được mục đích là thanh quản không bị nâng cao. Những bài tập này nên được áp dụng thường xuyên vào đầu mỗi buổi học, và lưu ý là: trong giai đoạn đầu, chỉ áp dựng những bài tập này cho âm khu thấp và trung, không lên cao quá nốt Eb4.

2.1.2 – Luyện tập cảm giác thả lỏng cổ họng và vị trí âm thanh:

Mặc dù một âm thanh đúng vị trí, vang và sáng rỡ ở khu vực “mặt nạ” là mục đích cuối cùng phải đạt được của một ca sĩ, tuy nhiên, đó là một cảm giác hoàn toàn trừu tượng và không trực quan. Người thầy không nên yêu cầu học sinh “đặt” âm thanh vào một vị trí nào đó ở trước mặt, vì điều đó là rất khó thực hiện đối với họ. Học sinh sẽ không thể hiểu được một cảm giác mà bản thân họ chưa từng trải nghiệm. Giáo viên nên tập trung vào việc giúp cho học sinh mở rộng cổ họng và tạo nên một đường đi thông thoáng cho âm thanh hơn. Một khi âm thanh được khởi đầu với một cơ cấu đúng, tự nhiên nó sẽ tạo ra sự cộng minh tối đa, và sự rung vang ở mặt nạ đương nhiên sẽ xuất hiện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy có một số vấn đề nảy sinh khi hướng dẫn kỹ thuật đóng tiếng cho học sinh, liên quan đến vị trí âm thanh. Vấn đề thường gặp nhất là khi yêu cầu học sinh hát với một khẩu hình trong mở rộng, càng hát lên cao càng nâng vòm mềm thì âm thanh của các em thường có khuynh hướng bị hút sâu vào bên trong cuống họng. Điều này xảy ra là do trong quá trình cố gắng mở rộng khẩu hình trong, các em đã “vô tình” kéo cuống lưỡi vào trong và đè nó xuống. Khi đó cuống lưỡi trở thành một chướng ngại vật chắn ngang đường đi của âm thanh. Khi xảy ra tình trạng này, người thầy có thể cho học sinh tập một bài tập thả lỏng lưỡi đơn giản như sau: mở khẩu hình rộng, bắt đầu hát với âm [ɑ][1] ngân dài ở một cao độ vừa phải sau đó đưa hẳn lưỡi ra trước miệng, khi đó âm thanh sẽ tự động chuyển thành âm [e], rồi lại rút lưỡi vào – âm thanh tự động chuyển lại thành [ɑ]. Cứ thế lặp đi lặp lại vài lần rồi dứt câu hát ở âm [ɑ]. Sau đó lấy hơi và lặp lại quá trình trên. Tập thả lỏng lưỡi vài lần thì quay trở lại với bài tập luyện thanh đang dở dang.

Một vấn đề khác cũng có thể nảy sinh khi yêu cầu học sinh tập trung đẩy âm thanh ra mặt nạ và chụm ở đỉnh sống mũi, đó là tình trạng giọng mũi. Tuyệt đối đừng nhẫm lẫn giữa cộng minh mũi (nasal consonance) với giọng mũi (nasality). Âm thanh đúng, có cộng minh mũi được tạo ra khi nó bắt đầu với một cổ họng mở, ống giọng hoàn toàn thông thoáng, trong khi giọng mũi lại là kết quả của việc phát thanh với cổ họng đóng, cuống lưỡi bị đùn ra sau, vòm miệng hạ thấp cản trở đường đi của âm thanh và gắng sức đặt âm thanh vào vị trí đỉnh sống mũi. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên chỉ cần điều chỉnh lại cách mở khẩu hình của học sinh là được.

2.2 – Đề xuất một số giải pháp giảng dạy kỹ thuật hát đóng tiếng:

Trong phần giới thiệu những phương pháp luyện tập kỹ thuật hát đóng tiếng ở trên, chúng tôi đã chia sẻ những thủ pháp mà các nhà sư phạm nổi tiếng đã áp dụng thành công cho các học sinh của mình. Những bài tập cụ thể chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp theo của bài viết. Ở đây, chúng tôi chỉ bổ sung một số lưu ý quan trọng trong quá trình giảng dạy các học sinh – sinh viên giọng nam cao mà các đồng nghiệp và các bạn học sinh – sinh viên có thể tham khảo.

2.2.1 – Một số giải pháp giảng dạy:

- Phải thận trọng trong việc phân loại giọng, tránh tình trạng các giọng nam cao bị phân loại sai thành nam trung, do lúc đầu chưa nắm được kỹ thuật và chưa đạt được âm khu cao.

- Kỹ thuật hát đóng tiếng, cũng như kỹ thuật thanh nhạc nói chung, đòi hỏi một khả năng điều khiển hơi thở thật tinh tế. Do đó, ngay từ ban đầu, người thầy cần tập trung rèn luyện cho học sinh – sinh viên kỹ năng điều tiết hơi thở thật mềm mại, tránh thói quen “ghìm hơi”, gồng cứng các cơ hô hấp.

- Đối với giọng nam cao, phải tập cho các em âm thanh nhẹ nhàng ngay từ âm khu thấp. Vì nếu giọng nam cao hát các nốt thấp với cơ chế nặng thì họ sẽ rất khó khăn khi luyện lên các nốt cao.

- Trong quá trình rèn luyện đóng tiếng, phải luôn kiên trì với tinh thần “chậm mà chắc”, phải mở rộng âm khu cao của học sinh một cách từ từ và thận trọng. Khi học sinh đã nắm được cảm giác hát đúng thì mới cho hát lên cao thêm, cứ như thế chinh phục và hoàn thiện từng nửa cung. Tuyệt đối không để học sinh gắng sức hát lên cao bằng một cơ chế không đúng.

2.2.2 – Một số bài tập điển hình để luyện tập kỹ thuật hát đóng tiếng cho giọng nam cao:

Bài tập 1 dưới đây yêu cầu hát bằng giọng giả, cố gắng giữ vị trí âm thanh cao khi hát thang âm đi xuống. Hát thật liền tiếng với cảm giác hơi ổn định, không bị “đẩy” ở bất kỳ nốt nào.

          Bài tập 2 sử dụng phụ âm “ng” để giúp học sinh cảm nhận vị trí âm thanh tập trung ở đỉnh sống mũi. Vế thứ hai của mỗi câu, lấy vị trí âm thanh của âm “ng” trước đó mà mở miệng ra và phát âm thành “nga” với yêu cầu là phải giữ nguyên âm “a” ở ngay đúng vị trí của “ng” mà không được cố gắng đẩy ra phía trước.

Bài tập 3 là loại bài tập nhảy quãng từ thấp lên cao và quay trở lại. Các bài tập này sử dụng sự chuyển đổi nguyên âm từ [a] sang [u] sẽ giúp học sinh cảm nhận được vị trí âm thanh giọng đầu.

Bước nhảy quãng 5:

Bước nhảy quãng 8:


Bài tập 4 với bước nhảy đi lên, và sau đó đi xuống liền bậc và đi lên, đi xuống một lần nữa để kiểm tra sự cân bằng âm sắc:


Các bài tập hữu dụng khác để san bằng khu vực chuyển giọng và thiết lập được giọng đóng là những bài tập tránh đi các nốt của hợp âm rải và sử dụng các bước nhảy quãng tám đi lên và đi xuống từng nửa cung, như bài tập 5 dưới đây:

2.3 – Ứng dụng kỹ thuật hát đóng tiếng trong tác phẩm:

Hát đóng tiếng là kỹ thuật nâng cao quan trọng đối với giọng nam cao. Tuy nhiên, nó phải được áp dụng vào trong tác phẩm một cách phù hợp, tránh lạm dụng. Với các tác phẩm thuộc dòng nhạc thính phòng, các trích đoạn từ nhạc kịch cổ điển nước ngoài: phải hoàn toàn sử dụng âm thanh đóng để đảm bảo chất lượng âm thanh đầy đặn, vang rõ, xuyên qua dàn nhạc. Với các ca khúc phổ thông: chỉ sử dụng âm thanh giọng đầu một cách nhẹ nhàng, đôi lúc sử dụng giọng giả để tăng thêm màu sắc cho tác phẩm. Đối với các tác phẩm nhạc kịch, các ca khúc mang tính chất thính phòng của Việt Nam: sử dụng âm thanh đóng, nhưng với mức độ vừa phải, không làm tối các nguyên âm một cách thái quá, để có thể giữ được yêu cầu hát rõ lời, chủ yếu chỉ yêu cầu bám được vị trí âm thanh cao của giọng đầu, tiếng hát thanh thoát, bay xa. Riêng với các ca khúc trữ tình và dân ca thì hoàn toàn không nên sử dụng giọng đóng.

LỜI KẾT

Kỹ thuật hát đóng tiếng là phương pháp duy nhất để hoàn chỉnh âm khu cao và thống nhất âm sắc trên toàn âm vực của một giọng nam cao. Nhưng nó lại là một kỹ thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi một sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ của người học và kỹ năng sư phạm vững vàng, linh hoạt của người thầy. Những kết quả nghiên cứu mà chúng tôi trình bày trong bài viết này chỉ là bước đầu tiếp cận và tìm hiểu. Chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu tiếp theo, kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có, để hiểu rõ, hiểu đúng và qua đó tìm ra những giải pháp giảng dạy tốt nhằm giúp cho học sinh – sinh viên chiếm lĩnh được kỹ thuật này cũng như nhiều yếu tố kỹ thuật phong phú và rất tinh tế khác của nghệ thuật hát Bel canto.

H.Q.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt:

[1]          NGUYỄN TRUNG KIÊN (2001), Phương pháp sư phạm Thanh nhạc, Viện âm nhạc.

[2]          NGUYỄN TRUNG KIÊN (2004), Nghệ thuật Opera, Viện âm nhạc.

[3]          HỒ MỘ LA (2005), Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, NXB Từ điển bách khoa.

[4]          HỒ MỘ LA (2008), Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc, NXB Từ điển bách khoa.

Tài liệu tiếng Anh:

[5]          ANTHONY FRISELL (2011), The Tenor voice, Branden Books.

[6]          DAVID L. JONES (2004), Male voice protection: Understanding the “cover”.

[7]          DAVID L. JONES, What is passaggio and why is it important?

[8]          JACK LI VIGNI (2010), Il passaggio – covering the voice.

[9]          JACK LI VIGNI (2010), Is it always good to cover?

[10]      JACK LI VIGNI (2010), Tenor passaggio: sound pressure, mask resonance, and drinking the tone.

[11]      RICHARD MILLER (1993), Training Tenor voice, Schirmer Books.

[12]      WILLIAM VENNARD (1967), Singing – The Mechanism and the Technic, Carl Fischer.



[1] Tức là nguyên âm [a] trong tiếng Việt đã được “làm tròn”. Trong luận văn này, tất cả những nguyên âm mà chúng tôi đề cập đều được phát âm theo hệ thống phiên âm chuẩn quốc tế. Ví dụ như [e] nghĩa là “ê” trong tiếng Việt, [o] nghĩa là “ô” trong tiếng Việt…