Nhà nước kiến tạo là gì

Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận hàng nghìn ý kiến đóng góp tâm huyết của kiều bào cho đại hội, nhằm định hình con đường sắp tới của đất nước.

Những thành tựu đạt được 35 năm qua là không thể phủ nhận, nhưng không phải lý do để chúng ta hài lòng với những gì chúng ta đạt được. Đây là tâm tư rất nhiều kiều bào gửi gắm. Việt Nam cần vươn lên một vị thế xứng đáng hơn. Bà con nhấn mạnh rằng so sánh GDP đầu người cũng chỉ là phương pháp so sánh số học; kết quả chính xác nhất là những gì mà người dân được thụ hưởng.

Một số bà con cũng lưu ý rằng trong giai đoạn tới, rủi ro mắc bẫy thu nhập trung bình thấp có lẽ sẽ là thách thức kinh tế lớn nhất đối với Việt Nam. Để thoát bẫy này, Việt Nam sẽ không chỉ cần tăng trưởng nhanh trong nhiệm kỳ tới, mà còn cần phát triển bền vững trong nhiều nhiệm kỳ. Để được như vậy, Việt Nam sẽ cần đổi mới mô hình phát triển của mình, dựa trên chất lượng tăng trưởng, công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới dựa trên sáng tạo. Giáo dục, đào tạo, công nghệ và sức khỏe sẽ giúp tăng năng suất yếu tố tổng hợp [TFP], từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Mục tiêu thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 là rất khó khả thi nếu không có khát vọng, quyết tâm và các giải pháp đột phá sáng tạo.

Bà con nhất trí cao với những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi cho người dân. Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, trước hết phải có hệ thống tư pháp, pháp luật trong sạch, vững mạnh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là duy nhất trên thế giới, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của mô hình này với quy luật khách quan, đồng thời thể hiện được những điểm mới của công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Lương Thanh Nghị
[Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài]

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm cơ bản về Chính phủ kiến tạo
  • 2. Quan niệm về Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam
  • 3. Đặc trưng của Chính phủ kiến tạo
  • 4. Tại sao phải xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam
  • 5.Những thách thức trong xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

1. Khái niệm cơ bản về Chính phủ kiến tạo

Tuy có nhiều cách hiểu về chính phủ kiến tạo [CPKT] phát triển, nhưng có thể hiểu, CPKT phát triển là chính phủ làm tất cả những gì có thể để sự phát triển có thể xảy ra. Nói cách khác, đó là một chính phủ có được năng lực và phương thức nhất định để nuôi dưỡng, dẫn dắt, định hướng và thúc đẩy sự phát triển, nhất là sự phát triển bền vững. Một chính phủ như thế nào mới có thể có đủ năng lực để nuôi dưỡng, dẫn dắt, định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững? Nhìn từ lịch sử phát triển của khoa học xã hội và nhân văn, nhất là lịch sử chính trị học, khoa học hành chính công… thì đây là câu hỏi “vừa cũ, vừa mới”. Nói đây là câu hỏi “cũ”, vì đây là chủ đề đã được đặt ra từ lâu và suy cho cùng, lịch sử phát triển của chính trị học, hành chính công là lịch sử theo đuổi đáp án cho một câu hỏi: thế nào là một chính phủ tốt và làm thế nào để chính phủ có thể thực hiện tốt sứ mệnh kiến tạo phát triển. Nói đây là câu hỏi “mới”, vì cho đến ngay nay, việc cải cách hành chính công để thúc đẩy hành chính nhà nước [HCNN] thực hiện tốt sứ mệnh của nó là một vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm, cũng là một chủ đề mang tính toàn cầu.

2. Quan niệm về Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, quan điểm về Nhà nước kiến tạo về thực chất đã được hình thành trong nhiều chính sách. Tuy nhiên, bản chất, nội dung của khái niệm “Chính phủ kiến tạo” chưa được làm rõ. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên bố mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo và phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam được quan niệm như sau:

- Thứ nhất, đó là Chính phủ chủ động thiết kế ra hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế tốt, để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển.

- Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường, những nơi thị trường có thể làm được, doanh nghiệp khu vực tư có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.

- Thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi.

- Thứ tư, Chính phủ phải hiện thực hóa các chính sách do mình xây dựng, một chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, Thương mại điện tử, đến Tòa án điện tử,...

Như vậy, chính phủ kiến tạo không phải là mô hình mới, có tính đột phá, mà là sự kế thừa những điểm mạnh từ mô hình chính phủ điều chỉnh của kinh tế thị trường tự do và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Có thể hiểu Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam là Chính phủ đồng hành cùng thị trường, doanh nghiệp, sẵn sàng đánh thức các nguồn lực cho phát triển, bằng các biện pháp, cách thức khác nhau, dựa trên năng lực có thể định đoán, dự báo được xu thế vận động của tương lai.

3. Đặc trưng của Chính phủ kiến tạo

Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song có một điểm đồng thuận chủ yếu, đó là để có được một CPKT phát triển, chính phủ đó cần là một chính phủ “Quản trị tốt” [good governance]. Một chính phủ được xem là quản trị tốt khi có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, lấy nhân dân làm trung tâmlà lý do chính đáng duy nhất cho sự tồn tại và hoạt động của chính phủ, của hành chính công. Chính phủ lấy nhân dân làm trung tâm là một chính phủ “toàn tâm toàn ý phục vụ công dân”; “thực hiện tốt, duy trì tốt, phát triển tốt lợi ích căn bản nhất của đông đảo nhân dân, lấy việc nhân dân ủng hộ hay không ủng hộ, tán thành hay không tán thành, vui hay không vui, đồng ý hay không đồng ý, hài lòng hay không hài lòng làm tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá tất cả công việc.

Thứ hai, có sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa chính phủ với doanh nghiệp [thị trường] và xã hội [tổ chức chính trị- xãhội, tổ chức xã hội và người dân] trong quản trị quốc gia và quản trị xã hội; tôn trọng và bảo đảm sự tham gia của các chủ thể có liên quan trong quá trình chính sách công và quản trị quốc gia.Hành chính công truyền thống coi nhà nước là chủ thể duy nhất, độc tôn trong quản lý xã hội, coi người dân là bên bị động phục tùng chính sách, mệnh lệnh và hành vi của các cơ quan hành chính [CQHC] nhà nước. Thực tế cho thấy, mô hình này là không hiệu quả. Bởi lẽ, việc nhấn mạnh vai trò độc tôn của Nhà nước sẽ dẫn đến việc làm cho bộ máy và biên chế “phình to”, chi tiêu công tăng lên. Trong khi đó, CPKT phát triển nhấn mạnh việc trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp và xã hội cũng như coi trọng sự hợp tác tích cực với các chủ thể này; nhấn mạnh việc chuyển đổi chức năng của chính phủ từ vai trò là “người chèo thuyền” sang vai trò “người lái thuyền” [tạo lập môi trường, bao gồm môi trường thể chế phù hợp cho sự phát triển]; nhấn mạnh việc bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình chính sách [hoạch định, thực thi, đánh giá và điều chỉnh chính sách] và trong cung ứng dịch vụ công. Việc thực hiện sự phối hợp giữa Nhà nước - thị trường và xã hội trong quản trị quốc gia chẳng những giúp phát huy lợi thế, hạn chế khiếm khuyết của mỗi bên, mà còn có tác dụng phát huy sức mạnh tổng hợp để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội.

Thứba, công khai, minh bạch thông tin:Công khai thông tin trong hoạt động của chính phủ, CQHC nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì đây là cơ sở để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin với tư cách một trong những quyền cơ bản của công dân. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin còn là cơ sở để đảm bảo sự tham gia và giám sát của người dân, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ, cũng như góp phần hạn chế tham nhũng trong khu vực công. Công khai, minh bạch thông tin của chính phủ còn có tác dụng giúp cho tổ chức và cá nhân sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin do chính phủ nắm giữ, từ đó có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Vì vậy, một đặc trưng quan trọng của CPKT đó là có sự công khai, minh bạch thông tin. Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào có thể phát triển tốt trong thời đại ngày nay, không một chính phủ nào được gọi là có mức độ liêm chính cao nếu chính phủ của quốc gia đó bảo mật về thông tin. Vì thế, công khai, minh bạch là một đặc trưng không thể thiếu của CPKT.

Thứtư, hiệu quả:Thông thường hiệu quả quản trị của chính phủ có hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Hiệu quả ở đây là hiệu quả kinh tế trong hoạt động của chính phủ, thể hiện ở chỗ sử dụng nguồn lực, chi phí nhỏ hơn để tạo ra “đầu ra lớn và tốt hơn”. Tính hiệu quả của chính phủ thể hiện trên nhiều phương diện, như: [i] sự phù hợp và tinh gọn về tổ chức bộ máy của chính phủ; [ii] tính hiệu quả của quản trị điện tử, chính phủ điện tử; [iii] chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức... Đặc biệt, CPKT phát triển ở các nước Đông Á [Hàn Quốc, Trung Quốc…] thể hiện một đặc điểm chung nổi bật, đó là dựa trên chế độ công chức phù hợp [thi tuyển, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ, sàng lọc...] để có được đội ngũ công chức thật sự tinh anh làm việc trong các cơ quan nhà nước. Chất lượng công chức không chỉ quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ, mà còn quyết định cả chất lượng hoạt động, mức độ liêm chính, pháp quyền trong hoạt động của chính phủ.

Thứnăm, pháp quyền:Pháp quyền nhấn mạnh việc sử dụng “pháp luật tốt” để chế ước và kiểm soát sự vận hành quyền lực của chính phủ, cũng như chế ước việc sử dụng quyền lực của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; nó nhấn mạnh việc sử dụng pháp luật để “quản quyền lực”, “quản việc” và “quản người”. Pháp quyền nhấn mạnh việc “có luật để làm căn cứ và điều chỉnh, thực thi pháp luật phải nghiêm, vi phạm pháp luật bắt buộc phải bị truy cứu và xử lý”; nó nhấn mạnh tính kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính. Mức độ pháp quyền càng cao thì mức độ quản trị tốt càng cao, việc thực hiện chức năng kiến tạo càng tốt và ngược lại.

Thứsáu, tính đápứng:Nội hàm bản chất của tính đáp ứng với tư cách một trong những đặc trưng của quản trị tốt và cũng là một trong những đặc trưng của hành chính kiến tạo phát triển chính là: [i] CQHC và đội ngũ cán bộ, công chức nắm bắt kịp thời và đầy đủ các yêu cầu, nhu cầu và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; [ii] đưa ra biện pháp, hành động kịp thời, có hiệu quả để giải quyết những yêu cầu, nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp là những hiện tượng xa lạ với một chính phủ có năng lực đáp ứng tốt.

Thứbảy, tính trách nhiệm:Hiện nay, giới nghiên cứu có nhiều quan niệm khác nhau về trách nhiệm công. Có ý kiến phân chia tính trách nhiệm của chính phủ, CQHC và đội ngũ cán bộ, công chức thành: trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm đạo đức. Tuy nhiên, cũng có thể phân chia trách nhiệm công thành hai loại: [i]trách nhiệm khách quan,tức nhấn mạnh việc CQHC và cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật và quy định của tổ chức; [ii]trách nhiệm chủ quan,tức nhấn mạnh lương tâm và sự tự giác về đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Chỉ khi tính trách nhiệm của chính phủ, CQHC và đội ngũ công chức cao thì mới có thể nói đến “hành động quyết liệt”, “phục vụ tốt nhân dân” của CQHC. Tính trách nhiệm kém tất yếu dẫn đến sự “hành động chậm trễ”, “ đùn đẩy trách nhiệm”, “trốn tránh việc khó”... trong quá trình thực thi công vụ. Khi đó, rất khó nói đến CPKT và hành động.

Thứtám, liêm chính:Liêm chính là nói đến mức độ trong sạch của chính phủ, các CQHC cũng như cán bộ, công chức. Có một chỉ số để xác định điều này đó là mức độ tham nhũng trong khu vực công cao hay thấp. Thông thường mức độ tham nhũng càng cao thì mức độ liêm chính càng thấp. Tham nhũng ở mức độ cao và phổ biến sẽ cản trở việc thực hiện chức năng kiến tạo phát triển của chính phủ, cũng đồng thời cản trở việc xây dựng một chính phủ hành động, phục vụ nhân dân. Vì tham nhũng ở mức độ cao và phổ biến sẽ cản trở việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đổi mới, cản trở việc thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách, cũng như ảnh hưởng không tốt đến chất lượng phục vụ người dân của các CQHC.

Thứchín, công bằng:Công bằng ở đây gồm nhiều nghĩa, trong đó có hai nghĩa cơ bản là: [i] không phân biệt đối xử trong thực thi công vụ; [ii] bảo đảm để tất cả mọi người đều có thể tham gia vào tiến trình phát triển và thụ hưởng thành quả của phát triển.

Thứmười, ổn định:Thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào cũng cần giải quyết mối quan hệ giữa ổn định - đổi mới và phát triển. Trong đó ổn định là tiền đề; đổi mới là động lực còn phát triển là mục đích. Không có sự ổn định thì không thể nói đến đổi mới, không có đổi mới thì không thể nói đến phát triển. Ổn định ở đây không chỉ là sự ổn định về chính trị - xã hội, mà còn bao gồm sự ổn định của thể chế, chính sách.

4. Tại sao phải xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Không khó để tìm thấy tuyên ngôn của các quốc gia về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự thịnh vượng. Và điều đáng nói là, mục tiêu của các quốc gia không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà luôn được nhắc lại trong các chính sách có tính chiến lược, cho đến những vấn đề rất cụ thể. Ở Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội được ghi nhận trong các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ngay cả trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Hơn ba thập niên thực hiện công cuộc đổi mới, kể từ năm 1986, từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá và nền kinh tế trì trệ, khép kín, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới. Thành công của đổi mới đã đặt ra nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lớn hơn đối với tương lai. Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có ghi: "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Trong "Báo cáo Việt Nam 2035" do Chính phủ công bố tháng 2 năm 2016 không chỉ cho biết về bức tranh thực tế Việt Nam mà còn nhấn mạnh vào mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Về chính sách và những nền tảng quá khứ cho thấy, ở Việt Nam, ngay từ Đại hội III của Đảng [1960], chủ trương về công nghiệp hóa đất nước đã được hình thành, nhằm xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại. Đại hội Đảng IV[1976] tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ở các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước vẫn luôn được đưa lên hàng đầu, làm cơ sở để Nhà nước luật pháp hóa, triển khai tổ chức thực hiện. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII [1996], Đảng Cộng sản Việt nam đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 nước ta trở thành "một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Tuy nhiên, mục tiêu này đã thất bại do việc hoạch định còn chủ quan, thiếu tính dự báo và không vạch ra được các giải pháp và biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu một cách triệt để. Đến đại hội Đảng lần thứ XII [2016], quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới đã được xác định rõ hơn. Đại hội XII đã nhấn mạnh yêu cầu xác định các hệ tiêu chí cụ thể của nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế [GDP] bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa…]; những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội [chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sỹ trên một vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo...]; và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường [tỷ lệ dân số sử dụng nước sách, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính,...Đây không chỉ là thành tựu mới trong xây dựng chính sách mà quan trọng hơn, điều này đã đặt ra nhiệm vụ mới cho Chính phủ Việt Nam.

Quan điểm về xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là nhất quán. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được mục tiêu trong điều kiện thực tế còn có những hạn chế là vấn đề Chính phủ phải xác định và vượt qua. Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Việt nam hiện có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 95% là doanh nghiệp khu vực tư nhân, quy mô nhỏ, nhưng đóng góp lớn nhất vào GDP. Trong khi khu vực kinh tế Nhà nước chỉ đóng góp 28,7%, khu vực đầu tư nước ngoài 18,07%, thì khu vực tư nhân đóng góp đến 39, 21% GDP. Mục tiêu của Chính phủ là, trong những năm tới, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 50 - 60% GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thực hiện và chi phí cho thực hiện pháp luật. Ở mức độ cụ thể, có thể thấy chính sách, pháp luật còn cản trở môi trường đầu tư, thiếu thống nhất như: Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường không thống nhất về cả đối tượng thực hiện đánh giá tác động và hiệu lực của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật Đầu tư và Luật Đất đai cũng mâu thuẫn trong các quy định về thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, sự chồng chéo chức năng quản lý đã tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp còn thể hiện trong nhiều chính sách của Chính phủ, như bộ Công thương, bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý được giao quản lý về an toàn thực phẩm, nhưng theo 3 Nghị định khác, đồng thời, Giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong cùng một Bộ xử lý mà không thống nhất về đầu mới. Ở khía cạnh khác, về khả năng tiếp cận các nguồn vốn thì, chỉ có 40% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và gặp nhiều khó khăn trong đăng ký tài sản theo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, để có cơ sở mang đi thế chấp vay vốn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không tiếp cận được vốn vay thông qua hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp còn ở mức cao so với các nước. Lãi suất bình quân Việt nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn quốc 2-3%; Nhật Bản là 0,9%. Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippin; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 [39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore].

Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra còn nhiều nội dung chồng chéo giữa các ngành công an, môi trường, xây dựng, thuế. Về hoạt động phối hợp quản lý cũng nhiều bất cập, còn thiếu sự phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước và chưa có sự kế thừa kết luận thanh tra.

Tác động đến mục tiêu phát triển, tìm kiếm sự thịnh vượng, không chỉ có vai trò của Chính phủ [Nhà nước], mà còn cần đến chính nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thực tế Việt Nam cũng cho thấy, về phía các doanh nghiệp, năng lực nội tại còn thấp, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không cao, chủ yếu tham gia phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo chỉ chiếm 16% tổng doanh nghiệp đang hoạt động, còn lại chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và bất động sản[2].

Như vậy, từ thực tế về sự lỗi hẹn với mục tiêu hoàn thành sự nghiệp "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào năm 2020, những bất cập về thể chế, chính sách và tổ chức quản lý kinh tế, đứng trước mục tiêu mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, thì nhu cầu về việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức hành động để hiện thực hóa mục tiêu là hết sức cần thiết. Vì vậy, lựa chọn xây dựng một Chính phủ kiến tạo đối với Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn phù hợp.

5.Những thách thức trong xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Ngoài vấn đề về kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang phải điều hành, quản lý kinh tế dựa trên thể chế có chất lượng thấp, với nhiều rào cản phát triển. Đồng thời, Nhà nước cũng tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp thông qua các DNNN, và gián tiếp qua mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân. Nhóm lợi ích đặc quyền này không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường[3]. Chịu ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa trì trệ, công cuộc cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, bộ máy hành chính cồng kềnh, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức chậm đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp, sang coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, không theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng 4.0 đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Thực tế này cũng tạo ra mức độ thiếu khả thi của luật pháp, ngay cả khi đã có chính sách, pháp luật tốt. Theo World Bank, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xây dựng pháp luật, nhưng lại thuộc nhóm yếu kém nhất thế giới về thực thi pháp luật.

Video liên quan

Chủ Đề