Những bài hát đồng quê hay nhất năm 1976 năm 2022

Ca khúc từ cảm thức hòa bình

Phóng viên [PV]: Có một ca khúc do ông sáng tác, mà khi cất lên luôn tạo được sự xúc động lạ kỳ, vừa thổn thức thiết tha, vừa say đắm gọi mời, đó là “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Điều gì đã thôi thúc ông sáng tác ca khúc này?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: “Tình ta biển bạc đồng xanh” được sáng tác vào năm 1973. Phải nói là cảm xúc được dồn nén khá lâu từ chính những hình ảnh chân thực của chiến tranh, cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân miền biển. Khi công tác ở Đoàn Văn công Quảng Bình, tôi đã cùng đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi, cả vùng nhân dân ta đang lao động sản xuất và vùng chiến sự. Vùng biển Bình-Trị-Thiên những năm đó cũng được coi là “túi bom”, cuộc sống người dân lâm vào cảnh khó khăn. Tôi đã có tác phẩm đầu tay “Tiếng hát đò đưa”, sáng tác về mẹ Suốt-người mẹ anh hùng trên sông Nhật Lệ. Rồi sau đó, tôi đã thấy nhiều nhạc sĩ viết nhạc trong niềm cảm xúc yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu rất hay và giá trị, cũng trở thành những ca khúc bất hủ. Riêng tôi, năm 1972 và 1973 đã có cảm giác và hình dung về ngày chiến thắng, thống nhất non sông rất gần. Tôi không muốn đi theo những gì người khác đã làm, nên tôi “nuôi” ý tưởng sáng tác một bài hát không còn tiếng súng, không có hình ảnh của chiến tranh, mà chỉ có sự tươi vui của cuộc sống mới, người dân hăng say lao động, hạnh phúc tràn đầy. Hay đúng hơn, tôi ao ước sáng tạo ra một bài nhạc xanh trong cảm thức hòa bình.

PV: Trong niềm cảm hứng đó, ông muốn hướng đến những đôi bàn tay lao động cần cù, dựng xây đất nước?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Ngay cả khi học ở Nhạc viện Hà Nội [nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam], tôi vẫn có những chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào. Lúc lên đồng xanh, khi xuống biển bạc. Ngày thì sinh hoạt, sản xuất cùng nông dân, ngư dân, đêm chúng tôi lại biểu diễn. Trong tôi hình thành cái tứ “biển bạc-đồng xanh” và lòng tôi hướng theo suy nghĩ của những người lao động cần cù, yêu nước, khao khát xây dựng quê hương giàu đẹp. Có một hình ảnh thú vị mà tôi thấy lặp đi lặp lại là: Hằng ngày, cứ vào sáng sớm, người dân dậy phân công, cắt cử công việc. Phụ nữ và người già yếu thì lên đồng trồng rau, cấy lúa. Thanh niên trai tráng thì xuống biển đánh cá. Khi đã có ý tưởng, có hình tượng, tôi bắt đầu sáng tác. Và vì nghe nhạc nước ngoài nhiều, tôi nhận ra một điểm yếu trong chính bản thân mình, nên đã nỗ lực làm mới mình. Tôi đã sử dụng điệu valse vào trong ca khúc. Mà valse thì hợp với sóng biển và những con tàu lênh đênh. Nó ngẫu hứng, tự do. Bài hát đã ra đời. Khi hát lên, các thủy thủ tàu, ngư dân rất thích vì nó hợp với không khí biển khơi.

PV: Nhưng cũng phải sau đó mấy năm, ca khúc này mới được phổ biến rộng rãi?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Đúng rồi, do hoàn cảnh lúc đó còn khó khăn. Năm 1976, tôi gửi “Tình ta biển bạc đồng xanh” ra Đài Tiếng nói Việt Nam rồi được phổ biến rộng trên sóng phát thanh, từ đó thính giả cả nước biết đến ca khúc này qua phần thể hiện của đôi song ca Phan Huấn-Tuyết Thanh. Nhiều người đã nói với tôi là nó thành công. Bài hát trở thành niềm động viên cho mọi người, chung tay xây dựng đất nước. Tôi có nghiên cứu âm nhạc và biết rằng, âm nhạc có giá trị tinh thần rất lớn, âm nhạc góp phần làm đẹp cuộc sống và mãi mãi là như thế. Sau thành công của ca khúc này, hai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Trần Hoàn đã đến gặp tôi, chúc mừng, động viên và nói tôi may mắn được sống trong cái “mỏ văn hóa”, nên phát huy khả năng và tận dụng tối đa chất liệu để có thể có thêm nhiều sáng tác hay. Sau Phan Huấn-Tuyết Thanh, có nhiều đôi song ca hát thành công ca khúc như Thu Hiền-Trung Đức, Thanh Hiền-Đức Long, Tuấn Anh-Tân Nhàn… và trong đời sống thường nhật, không biết bao lần những người dân, nam thanh nữ tú, ca sĩ nghiệp dư hát ca khúc này trong niềm phấn chấn khôn tả. Rất nhiều thủy thủ trên tàu đã viết thư về cảm ơn, hỏi thăm, đến nỗi nhiều lá thư tôi không có đủ thời gian hồi âm, mà con gái tôi là ca sĩ Mỹ Lệ đã làm thay bố.

PV: Sau mấy chục năm, ca khúc này vẫn được yêu mến. Nhìn nhận lại, ông thấy cái được của “Tình ta biển bạc đồng xanh” là gì?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Sự thành công và giá trị của ca khúc vượt ra khỏi tưởng tượng của tôi. Tôi nhận thấy ở tác phẩm của mình, cái được nhất là về giai điệu. Giai điệu của ca khúc nặng âm hưởng dân ca miền Trung, nhưng lại khó nhận rõ là vùng nào, mà người dân từ miền biển Quảng Ninh đến Cà Mau đều thấy có mình ở trong đó. Thứ hai là về tính văn chương. Ca khúc của tôi có dáng dấp của một truyện ngắn mini, có hình ảnh, hình tượng, tả cảnh, đối thoại, giao lưu, có chuyện hay lam hay làm của nhân vật “anh” và “em”, để có thành quả là cá đầy khoang, lúa trĩu bông… Đó không phải là một bài thơ nhưng lại có chất thơ. Ca khúc không mang tính hàn lâm mà mang tính đại chúng, thế nhưng vẫn rất hiện đại, nhạc và lời cân xứng nhau. Cái được thứ ba là về hình tượng. Khi ca khúc cất lên, người nghe, người yêu nhạc được hòa vào bức tranh quê hương Việt Nam tươi đẹp. Dù không nói đến địa danh cụ thể nào, nhưng mảnh đất miền Trung thân thương mà đầy gian khó vẫn ẩn hiện trong câu hát “hải âu vui sóng xô”, “cánh cò bay trên thảm lụa”, “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”…

Luôn thấy mình mắc nợ quê hương

PV: Nhạc sĩ Dương Viết Chiến, đồng hương với ông từng nhận xét: Gia tài âm nhạc của Hoàng Sông Hương lớn, có những ca khúc sôi động, mãnh liệt nhưng không ồn ào. Âm nhạc ông đằm thắm, trữ tình, giai điệu ngọt ngào sông nước, man mác những điệu hò miền Trung dễ thương, dễ mến, dễ đi vào lòng người. Bởi vậy, âm nhạc của Hoàng Sông Hương đã hòa nhập được theo trào lưu đương đại, kết tinh thành những bản tình ca đẹp. Ông có thấy như vậy?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Xin cảm ơn sự yêu quý, khích lệ của các đồng nghiệp, bè bạn. Tôi yêu quê hương, yêu dân ca Trung Bộ và biết ơn mảnh đất này đã hun đúc nên con người tôi. Tôi “ngấm” chất dân ca Bình-Trị-Thiên nhất. Từ năm 1969, tôi học tại Khoa Lý luận-Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, đồng thời hướng đến những sáng tác giàu tính nhạc điệu, tôi luôn cố gắng nắm bắt những ý hay nhất để tác phẩm của mình đi vào lòng người.

PV: Sự nghiệp âm nhạc của ông còn nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác đã tôn thêm gia tài âm nhạc của ông, giúp ông được vinh dự trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 và nhiều giải thưởng khác. Đến bây giờ ông có cảm thấy còn tiếc nuối điều gì?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Tôi có gần 15 năm sống ở Huế. Tại đó, tôi sáng tác khá nhiều với khoảng 30 bài. Nhiều ca khúc được yêu mến như: “Giọng hò quê hương”, “Tiếng dạ tiếng thương”, “Thành Huế chúng mình thương”, rồi “Tôi còn nặng nợ với quê hương”… Tôi cũng là người viết nhiều ca khúc về vùng Bình-Trị-Thiên nhất. Thật ra cũng là do điều kiện cả. Mấy chục năm sau này, tôi không có điều kiện đi xa, ít viết bài chung về đất nước mà chỉ gắn với miền Trung. Có lẽ cái tạng của tôi nó vậy chăng. Song tôi vẫn thấy mình mắc nợ với quê hương và còn muốn tiếp tục có thêm những sáng tác chất lượng.

PV: Hình như nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là người kín tiếng, ít nói về mình, cũng ít xuất hiện trên truyền thông?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Có lý do chúng tôi là những nhạc sĩ sống ở địa phương. Mà các nhạc sĩ sống ở tỉnh lẻ thì thường ít được truyền thông quan tâm. Ngay cả thông tin trong sách của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói về tôi cũng ngắn ngủi. Cũng phải nói thêm, tôi có nhiều ca khúc hay lắm nhưng không có điều kiện phổ biến. Kể cả nhiều bài người ta vẫn hát karaoke, tầm vừa vừa thôi nhưng vẫn được hát.

Nhạc sĩ cần nhiều hơn cái tài, cái tầm

PV: Có người nói nhiều nhạc sĩ ngày nay thiếu cái tài, cái tầm, sáng tác ra đủ thứ “thập cẩm” nhưng chẳng mang lại giá trị gì cho cuộc sống. Còn ông thấy nhạc trẻ bây giờ thế nào?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Thời đại nào thì âm nhạc đó. Bây giờ sống trong hòa bình, kinh tế phát triển, âm nhạc của nhạc sĩ trẻ sáng tác có chất giải trí cao. Họ phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống bây giờ, chứ lại mang tư duy của người thế hệ chúng tôi ngày xưa thì ai nghe. Ngày xưa gian khổ, chất văn học, trữ tình trong ca khúc nhiều hơn, sâu lắng hơn. Nhiều ca khúc bây giờ cũng hay lắm, chẳng qua là chúng ta chưa cảm nhận được hết thôi. Còn một ý nữa, là một số nhạc sĩ trẻ bây giờ ít đi vào thực tế cuộc sống, nên không phát hiện ra cái đẹp của bàn tay lao động mà lãng mạn từ chính người dân đang sống ở thời mình, nên còn hạn chế những ca khúc mang tầm vóc của ngày hôm nay.

PV: Theo nhạc sĩ, làm sao để người viết sáng tạo ra những ca khúc hay?

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: Sự tài hoa của nhạc sĩ là kết tinh vẻ đẹp đời sống để rồi sáng tạo ra những ca khúc, dòng nhạc giống như vitamin của tâm hồn. Những ca khúc đó góp phần làm đẹp đời sống, tinh thần, giúp con người có thêm nguồn vi lượng để lao động và cống hiến. Để làm được điều đó thì ngoài cái tài, cái tầm, người nhạc sĩ phải có trái tim yêu đời, đa cảm, rung động trước cuộc sống và nhìn ra những vẻ đẹp mà người khác không thấy.

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ và kính chúc ông có nhiều sức khỏe, sáng tác thêm nhiều ca khúc đi vào đời sống của người yêu nhạc!

NGÔ THỤC MIÊN [thực hiện]

Chủ Đề