So sánh các loại hợp đồng trung gian thương mại

CafeLand - Bên cạnh việc giao dịch trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp nên cân nhắc các hình thức trung gian thương mại để tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường.

So sánh các loại hợp đồng trung gian thương mại

Có 4 hình thức trung gian thương mại bao gồm: Đại diện cho thương nhân; Môi giới thương mại; Ủy thác mua bán hàng hóa; Đại lý thương mại.

1. Đại diện cho thương nhân

Đại diện cho thương nhân được cho là hình thức trung gian thương mại phổ biến nhất trên thế giới. Theo Luật Thương mại năm 2005: “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện”.

Đặc điểm:

Chủ thể: Bên giao đại diện và bên đại diện.

Điều kiện: Cả hai bên đều phải là thương nhân.

Trong quan hệ đại diện, người làm đại diện phải giao dịch với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện và phải hành động theo sự hướng dẫn của bên giao đại diện.

Phạm vi đại diện: Các bên có thể thoả thuận về phạm vi của việc đại diện; bên đại diện có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.

Hình thức pháp lý: Thông qua Hợp đồng đại diện cho thương nhân. Hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương.

2. Môi giới thương mại

Theo Luật Thương mại 2005: “Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới”.

Đặc điểm:

Chủ thể: Bên môi giới và bên được môi giới. Điều kiện: Theo quy định của Luật Thương mại 2005, bên môi giới bắt buộc phải là thương nhân và phải có đăng kí kinh doanh ngành nghề môi giới thương mại.

Phạm vi môi giới: Phạm vi môi giới thương mại khá rộng, bao gồm tất cả các hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật cho phép Hình thức pháp lí: Thông qua hợp đồng môi giới.

3. Ủy thác mua bán hàng hóa

Theo Luật thương mại 2005: “Ủy thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác”.

Đặc điểm:

Chủ thể: Bên ủy thác và bên nhận ủy thác.

Điều kiện: Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân, nhưng bên nhận ủy thác bắt buộc phải là thương nhân.

Bên nhận ủy thác sử dụng danh nghĩa của chính bên nhận ủy thác để mua hoặc bán hàng hóa thay cho bên ủy thác. Đồng thời, bên ủy thác không được quyền ủy thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa nếu như không có sự chấp thuận bằng văn bản của bên ủy thác.

Phạm vi: Bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa trong phạm vi ủy thác của bên ủy thác. Hình thức pháp lý: Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa bắt buộc phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị tương đương.

4. Đại lý thương mại

Theo Luật Thương mại 2005: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.

Đặc điểm:

Chủ thể: Bên giao đại lý và bên đại lý.

Điều kiện: Cả hai bên đều phải là thương nhân.

Trong quan hệ thương mại này, bên đại lý sẽ nhân danh chính mình để giao dịch với khách hàng.

Phạm vi: Bên đại lý sẽ theo thỏa thuận, thực hiện bán hàng cho bên giao đại lý hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ giao đại lý cho khách hàng.

Hình thức thực hiện hoạt động trung gian thương mại là cách thức thể hiện phương thức giao dịch qua trung gian. Trên thực tế, để phát triển kinh doanh, các thương nhân đã tạo ra rất nhiều hình thức hoạt động trung gian thương mại phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ. Các hình thức này được pháp luật ghi nhận và trở thành hình thức pháp lý. Theo pháp luật các nước trên thế giới, có khá nhiều hình thức hoạt động trung gian thương mại được pháp luật thừa nhận phù hợp với đặc điểm nền kinh tế, truyền thống lập pháp của mỗi nước. Dưới góc độ lý luận khó có thể tổng kết thành các hình thức pháp lý chung của hoạt động trung gian thương mại áp dụng cho mọi nước. ở mức độ tương đối, có thể so sánh các hình thức hoạt động trung gian thương mại theo một số hệ thống pháp luật sau:

Trong số các hệ thống pháp luật cơ bản, hệ thống pháp luật châu Âu lục địa là hệ thống pháp luật có nhiều thành viên nhất, chiếm 48% số quốc gia trên thế giới. Căn cứ vào nội dung cụ thể của từng loại hoạt động và tư cách của bên trung gian trong quan hệ với bên thứ ba, pháp luật châu Âu lục địa chia các hình thức hoạt động trung gian thương mại thành 3 loại cơ bản là: đại diện thương mại, uỷ thác thương mại và môi giới thương mại[1].

(i) Đại diện thương mại[2]

Hiện nay, ở các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, đại diện thương mại là hình thức hoạt động trung gian thương mại phổ biến nhất và được pháp luật của nhiều nước ghi nhận. Các quy định về đại diện thương mại xuất hiện đầu tiên trong hệ thống pháp luật Đức và Nhật Bản. Chúng được quy định trong BLTM Đức ban hành ngày 0/5/1897 và trong BLTM Nhật Bản ngày 9/3/1899. Sau đó, các nước Châu Âu lục địa khác như Hà Lan, Bỉ, Lúcxămbua, Liên bang Nga đã dùng luật của Đức làm cơ sở xây dựng luật của nước mình về đại diện thương mại.

Bản chất của hoạt động đại diện thương mại là bên giao đại diện (bên thuê dịch vụ) ủy quyền cho bên đại diện (bên trung gian thực hiện dịch vụ) hay mặt và nhân danh bên giao đại diện thực hiện một số giao dịch thương mại. Trong hoạt động đại diện thương mại, sự đại diện là yếu tố cơ bản. Bên đại diện, trong phạm vi được uỷ quyền không hành động cho mình, không nhân danh mình mà nhân danh và vì lợi ích của bên giao đại diện. Do đó, về mặt pháp lý các giao dịch giữa bên đại diện với bên thứ ba (trong phạm vi uỷ quyền) được coi như chính bên giao đại diện giao dịch với bên thứ ba. Bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch mà bên đại diện thực hiện nhân danh mình. Lĩnh vực mà bên giao đại diện có thể uỷ quyền cho bên đại diện thực hiện trong hoạt động thương mại được thay đổi theo thời gian. Các văn bản pháp luật đầu tiên trên thế giới quy định về đại diện thương mại (BLTM Đức, BLTM Nhật Bản) đều giới hạn hoạt động mà bên đại diện thực hiện là trong lĩnh vực mua bán hàng hoá. Sau đó, phạm vi đại diện của bên đại diện được mở rộng sang nhiều lĩnh vực của hoạt động thương mại. Ví dụ, theo BLTM Pháp, đại diện thương mại được thực hiện trong mọi lĩnh vực nhằm mục đích sinh lợi như: mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại. Trong thực tiễn kinh doanh ở nhiều nước, hoạt động đại diện thương mại chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng và phân phối các trang thiết bị, hiếm khi tham gia vào lĩnh vực dịch vụ.

Nội dung của hoạt động đại diện rất đa dạng, có thể là giao dịch để tìm kiếm cơ hội kinh doanh (bao gồm nhiều loại công việc như: nghiên cứu thị trường, lựa chọn bên thứ ba hoặc tác động vào ý chí muốn giao kết hợp đồng của các bạn hàng trong tương lai); thay mặt bên giao đại diện ký kết hợp đồng với bên thứ ba; thay mặt bên giao đại diện thực hiện hợp đồng với bên thứ ba.

Giống với các hoạt động trung gian thương mại khác, khi thực hiện hoạt động đại diện thương mại, bên đại diện hoàn toàn độc lập với bên giao đại diện và bên thứ ba. Bởi vậy, bên giao đại diện chỉ phải thanh toán các chi phí hợp lý mà bên đại diện bỏ ra để thực hiện các công việc mà bên giao đại diện uỷ quyền còn bên đại diện thương mại phải chịu mọi rủi ro về chi phí cũng như các khoản thanh toán không hợp lý.

(ii) Môi giới thương mại

Môi giới thương mại là hoạt động trung gian thương mại được pháp luật của nhiều nước quy định. Ví dụ: môi giới thương mại được quy định từ Điều L131-1 đến Điều L131-11 thiên III quyển 1 BLTM Pháp năm 2005; từ Điều 543 đến Điều 550 BLTM Nhật Bản năm 1899; từ Điều 845 đến Điều 849 BLDS và TM Thái Lan năm 1925, từ Điều 424 đến Điều 427 Luật hợp đồng của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1999.

Một đặc điểm nổi bật của môi giới thương mại là khi thực hiện hoạt động này, bên môi giới không phải là đại diện cho các bên được môi giới. Bên môi giới không có chức năng thực hiện giao dịch có tính pháp lý mà chỉ là một thương nhân chuyên làm trung gian cho các bên được môi giới tiếp xúc với nhau để giao kết hợp đồng.

Trong hoạt động môi giới thương mại, thông thường bên trung gian (bên môi giới) chỉ có quan hệ với bên thuê dịch vụ mà không có quan hệ với bên thứ ba (trừ trường hợp bên môi giới cũng ký hợp đồng môi giới với người này). Đây là điểm giống cơ bản của hoạt động môi giới với hoạt động đại diện thương mại. Khác với đại diện thương mại, bên môi giới không có một quan hệ uỷ quyền liên tục đối với một trong các bên mà mình chắp nối. Trong hoạt động môi giới thương mại, bên môi giới không nhân danh bên được môi giới để giao dịch cũng như thực hiện bất cứ một giao dịch nào với bên thứ ba. Bên môi giới có nhiệm vụ giới thiệu những người có công việc gì muốn thực hiện để họ giao kết hợp đồng và thực hiện công việc ấy. Người môi giới không tham gia vào sự thực hiện, chỉ làm thế nào cho các bên được môi giới tiếp xúc với nhau và sau đó các bên được môi giới tự đi đến giao kết hợp đồng. Còn trong hoạt động đại diện thương mại, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện để giao dịch với bên thứ ba và có thể giao kết hợp đồng với bên thứ ba nhân danh bên giao đại diện.

(iii) Uỷ thác thương mại

Uỷ thác thương mại cũng là một hoạt động trung gian thương mại được pháp luật của nhiều nước quy định. BLTM Pháp năm 2005 quy định từ Điều L132-1 đến Điều 132-9; Luật hợp đồng của Trung Quốc năm 1999 quy định từ Điều 414 đến Điều 418; BLTM Đức quy định tại Điều 383. Một đặc điểm quan trọng của hoạt động uỷ thác thương mại là bên nhận uỷ thác (bên trung gian) nhân danh chính mình để giao dịch với bên thứ ba vì lợi ích của bên uỷ thác. Trong trường hợp này, quan hệ giữa bên thuê dịch vụ của người trung gian và bên trung gian có thể được coi là quan hệ uỷ quyền không đại diện (hoặc đại diện gián tiếp). So với hoạt động đại diện thương mại và hoạt động môi giới thương mại, bên nhận uỷ thác khác với bên đại diện và bên môi giới thương mại chính là ở tư cách và trách nhiệm của họ khi quan hệ với bên thứ ba. Trong hoạt động uỷ thác thương mại, bên nhận uỷ thác được bên uỷ thác tin cậy giao cho thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo những chỉ dẫn rất cụ thể của bên giao uỷ thác nhưng với danh nghĩa của chính mình chứ không phải với danh nghĩa của bên uỷ quyền như trong hoạt động đại diện cho thương nhân. Do đó, những hành vi của bên nhận uỷ thác sẽ mang lại hậu quả pháp lý cho chính họ chứ không phải cho bên uỷ thác. Uỷ thác thương mại có phạm vi họat động rộng hẹp khác nhau tuỳ thuộc vào pháp luật của mỗi nước. Theo pháp luật của một số nước châu Âu lục địa như Đức, ý, uỷ thác chỉ thực hiện trong lĩnh vực mua bán hàng hoá, do đó bên nhận uỷ thác chỉ thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá cho bên uỷ thác theo những điều kiện bên ủy thác quy định. Trong khi đó BLDS và TM Thái Lan, BLTM Nhật Bản, BLTM Pháp không giới hạn hoạt động của bên uỷ thác, theo đó bên nhận ủy thác có thể thực hiện bất cứ giao dịch thương mại nào cho bên uỷ thác với danh nghĩa của chính mình.Từ những phân tích trên cho thấy, ở các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa , người trung gian trong hoạt động thương mại có thể chỉ là người ở giữa giúp các bên tìm đến với nhau để giao kết hợp đồng thực hiện công việc mà họ mong muốn nhưng có thể thay mặt cho bên uỷ quyền xác lập, thực hiện giao dịch thương mại với bên thứ ba.


[1] Thực tế, luật các nước này quy định về 3 loại người trung gian với những chức năng khác nhau.

Thông qua quy định về người trung gian có thể thấy được những loại hoạt động mà họ thực hiện

[2] Một số tài liệu như: Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về thương mại của Cộng hoà Pháp, Nxb Chính trị Quốc gía 2005, tr 58; Bộ luật Thương mại và luật những ngoại lệ đặc biệt về kiểm soát của Nhật Bản, Nxb Chính trị Quốc gia 1994, tr 20, tr 21dịch là đại lý thương mại nhưng bản chất của hoạt động này tương tự với hoạt động đại diện cho thương nhân ở Việt Nam nên chúng tôi