Tác tử và kết tử là gì

Tiếp theo bài tìm hiểu vai trò của hư từ trong cấu trúc thông tin, BigSchool xin chia sẻ bài viết khá cụ thể nhằm phát triển năng lực sử dụng hư từ như phương tiện nối kết và định hướng lập luận cho học sinh lớp 5.

Trong những năm gần đây, việc hình thành kiến thức và kỹ năng sử dụng các hư từ cho học sinh [HS] tiểu học đã được các nhà sư phạm quan tâm. HS lớp 5 đã được tìm hiểu và thực hành sử dụng quan hệ từ, các cặp từ hô ứng trong việc nối các bộ phận câu, các vế câu và liên kết các câu trong đoạn. Tuy nhiên, việc ứng dụng những điều đã học trên dường như chỉ dừng lại ở giờ học Luyện từ và câu. Những hiểu biết mà HS có được về quan hệ từ, phụ từ chỉ là từ góc độ ngữ pháp, vì vậy, HS chưa có ý thức sử dụng, chưa thấy được giá trị của những hư từ này trong việc thể hiện tình cảm, thái độ đánh giá của người nói, người viết, trong việc thực hiện mục đích thuyết phục khi giao tiếp. Bài viết của chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu biện pháp rèn luyện kỹ năng sử dụng các hư từ như là phương tiện nối kết và định hướng lập luận, thuyết phục trong nói, viết cho HS lớp 5. Bài viết xuất phát từ quan điểm đặt các hư từ vào ngôn bản, vào hoạt động giao tiếp, phát huy giá trị về ngữ nghĩa - ngữ dụng của chúng, hướng đến mục tiêu phát triển năng lực lập luận, diễn đạt cho HS tiểu học.

Kết tử và tác tử

Nếu từ góc độ ngữ pháp hư từ [quan hệ từ, phụ từ, trợ từ, tình thái từ] là một trong ba phương tiện ngữ pháp quan trọng của tiếng Việt [trật tự từ, hư từ, ngữ điệu] thì từ góc độ ngữ nghĩa - ngữ dụng chúng được khẳng định là các kết tử và tác tử lập luận. Kết tử là phương tiện nối kết lập luận; tác tử là phương tiện định hướng lập luận.

Kết tử lập luận là những yếu tố nối kết hai hoặc một số phát ngôn thành một lập luận duy nhất. Nhờ kết tử mà các phát ngôn trở thành luận cứ hoặc kết luận của lập luận. Kết tử lập luận thường do các quan hệ từ và một số cặp phụ từ hô ứng đảm nhiệm.

Ví dụ: Bạn Bình rất thông minh lại còn chăm chỉ nữa nên lúc nào cũng đứng đầu lớp.

Kết tử có hai chức năng: dẫn nhập luận cứ hoặc dẫn nhập kết luận. Kết tử dẫn nhập luận cứ là kết tử dùng để đưa một nội dung làm luận cứ cho lập luận. Chẳng hạn, vì, tại vì, lại, vả lại, hơn nữa, chẳng những...mà còn, đã...lại [lại còn]... Kết tử dẫn nhập kết luận là kết tử dùng để đưa một nội dung đóng vai trò kết luận vào lập luận. Chẳng hạn, thì, nên, cho nên, vậy, dù sao cũng...

Dựa vào quan hệ lập luận, có thể chia các kết tử thành kết tử đồng hướng và kết tử nghịch hướng. Kết tử đồng hướng là những kết tử có thể nối kết các luận cứ, kết luận có quan hệ đồng hướng, tức là cùng hướng tới một kết luận + hoặc -. Kết tử nghịch hướng là các kết tử nối các yếu tố có quan hệ nghịch hướng, tức là hướng tới những kết luận khác nhau.

Tác tử lập luận là yếu tố tác động vào một phát ngôn sẽ tạo ra một định hướng nghĩa làm thay đổi tiềm năng lập luận của phát ngôn. Chẳng hạn, chỉ, những, là ít, là nhiều, có, mới, đã... Tác tử lập luận thường do các phụ từ, tình thái từ hoặc tổ hợp từ tình thái đảm nhiệm.

Ví dụ: a] Chỉ có 3 bài tập Toán thôi!

          b] Có những3 bài tập Toán kia!

Tác tử chỉ hướng đến kết luận là ít; tác tử những hướng đến kết luận là nhiều.

Tình trạng hiện nay của học sinh

Khảo sát các bài Tập làm văn của HS lớp 5, chúng tôi thấy rằng, mặc dầu HS đã được học về quan hệ từ, về các cặp từ hô ứng [phụ từ] nhưng việc sử dụng các phương tiện này trong việc nối kết và định hướng nghĩa cho phát ngôn thì còn rất hạn chế. HS rất ít sử dụng các phương tiện nối kết và định hướng lập luận, ngoài ra, những bài có sử dụng thì lại mắc rất nhiều lỗi.

Chẳng hạn, trong bài văn kể chuyện, một HS viết: “Nguyễn Khoa Đăng tài giỏi nhưng còn thông minh nên là vị quan nổi tiếng của đất nước”. Hai luận cứ trong phát ngôn là đồng hướng nhưng HS lại sử dụng kết tử nhưng là kết tử nghịch hướng, chỉ sự đối lập. Hoặc ở bài văn tả em bé đang tập đi, một HS viết: “Nhà em có những một cô em gái lên ba tuổi đang tập đi, tập nói”. Những là tác tử định hướng lập luận là nhiều, mâu thuẫn với nội dung phát ngôn “một cô em gái”.

Những lỗi sử dụng trên cho thấy HS chưa có ý thức rõ ràng về giá trị ngữ nghĩa – ngữ dụng của các hư từ, chưa có thói quen sử dụng hư từ trong khi nói, viết. Do đó, cần hình thành năng lực và ý thức sử dụng kết tử và tác tử lập luận trong khi nói viết cho HS. Muốn làm được điều này phải có biện pháp hình thành cho HS các hiểu biết cơ bản, sơ giản về kết tử và tác tử lập luận; trên cơ sở đó, tổ chức thực hành rèn luyện kỹ năng sử dụng kết tử và tác tử lập luận, bồi dưỡng ý thức sử dụng kết tử và tác tử phù hợp với mục đích giao tiếp, mục đích thuyết phục khi nói viết. Hệ thống bài tập hướng dẫn HS sử dụng kết tử và tác tử lập luận theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp của người học sẽ giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu này.

Vì mục tiêu hình thành kiến thức mới cho HS, khi xây dựng bài tập chúng tôi đã sử dụng hai thuật ngữ kết tử và tác tử. Tuy nhiên, để đảm bảo "vừa sức" với HS lớp 5 các thuật ngữ luận cứ, kết luận, lập luận, phát ngôn, diễn ngôn chưa được sử dụng. Ngữ cảnh hoạt động của các kết tử - tác tử vẫn được gọi là câu, đoạn văn, bài văn.

Hệ thống bài tập phát triển năng lực sử dụng kết tử và tác tử

Năng lực giao tiếp của con người [trong đó có năng lực sử dụng các yếu tố nối kết và định hướng quan hệ lập luận] bao gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy, hệ thống bài tập phát triển năng lực sử dụng kết tử - tác tử lập luận cần phải xây dựng thành hai nhóm: bài tập tìm hiểu và bài tập sử dụng.

Bài tập tìm hiểu về kết tử - tác tử lập luận

Bài tập tìm hiểu về kết tử - tác tử lập luận có mục tiêu hình thành những tri thức sơ giản, cơ bản về kết tử - tác tử lập luận; vai trò của kết tử trong việc nối kết các phát ngôn, vai trò của tác tử trong việc định hướng lập luận trong phát ngôn; chuẩn bị cho HS công cụ tri thức để sử dụng phương tiện nối kết và định hướng lập luận trong nói viết, giúp HS “hiểu để làm”, “hiểu để sử dụng”.

Đây là những bài tập có tính khởi đầu của quá trình tiếp nhận và sử dụng kết tử - tác tử. Thông qua việc thực hiện các bài tập nhóm này, HS tự hình thành các “ghi nhớ” về kết tử và tác tử. Vì vậy, lệnh của bài tập phải cụ thể, lô gic, bám sát các dấu hiệu của khái niệm kết tử - tác tử và chức năng của chúng, giúp HS dễ dàng phát hiện các dấu hiệu, khái quát hóa, tổng hợp hóa được tri thức cần ghi nhớ. Mặt khác, hướng đến mục tiêu hành dụng, bài tập phát triển năng lực ngôn ngữ phải đảm bảo hình thành thứ năng lực công cụ để người học có thể thực hành sử dụng kết tử - tác tử một cách hiệu quả. Ngữ liệu của các bài tập thuộc nhóm này phải chân thực, sinh động, kích thích hứng thú học tập của HS.

Bài tập tìm hiểu về kết tử - tác tử lập luận được phân thành 3 loại:

- Bài tập nhận diện kết tử - tác tử [A.1];

- Bài tập nhận biết tác dụng của kết tử - tác tử [A.2];

- Bài tập so sánh giá trị của kết tử - tác tử [A.3].

Mỗi loại có một mục tiêu cụ thể. Bài tập nhận diện giúp HS nhận ra các kết tử - tác tử lập luận trong các câu, đoạn văn, bài văn, từ đó hình thành khái niệm thế nào là kết tử, thế nào là tác tử. Bài tập nhận biết tác dụng kết tử - tác tử giúp HS phân tích ngữ liệu và thấy được chức năng của các kết tử - tác tử. Bài tập so sánh giá trị của kết tử - tác tử giúp HS phân tích ngữ liệu sâu hơn và thấy được sự khác nhau về giá trị ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng của mỗi kết tử - tác tử để từ đó có thể sử dụng chính xác, tinh tế hơn trong nói, viết.

Sau đây là các bài tập minh họa:

- Bài tập nhận diện kết tử - tác tử [A.1]

A.1 [1] Em hãy gạch chân các từ ngữ có tác dụng liên kết các vế câu trong những câu sau:

a. Muốn đạt kết quả tốt trong học tập thì các em phải cố gắng nhiều hơn nữa.

b. Mây nhiều nhưng trời không mưa nên chúng ta cứ đi dã ngoại.

c. Em mua được cuốn“Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao”, lại vừa đọc xong trước khi thi, vì vậy em làm bài rất tốt.

d. Bên cạnh những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp quốc phòng, giáo sư Trần Đại Nghĩa còn có công lớn trong việc xây dựng nền khoa học trẻ tuổi của nước nhà.

e. Đạt lười học bài lại viết lách cẩu thả, vậy nên điểm kém là phải.

A.1 [2] Em hãy khoanh tròn các từ ngữ có tác dụng thể hiện thái độ đánh giá của người nói ở các câu trả lời:

a. Mẹ: Con đã nấu cơm chưa?

  Con: Mới 8 giờ mà mẹ.

b. Nam: Lan! Cậu cho tớ mượn bút được không?

  Lan: Tớ chỉ có một cái bút thôi!

c. Linh: Cậu mua cuốn truyện này bao nhiêu tiền?

  Mai: Tớ mua những hai mươi nghìn đấy!

- Bài tập nhận biết tác dụng của kết tử - tác tử [A.2]

A.2. [1] Em hãy nêu tác dụng của các kết tử trong những câu sau:

a. Càng yêu thương chồng con, đồng bào, đồng chí, chị út Tịch càng căm thù bọn giặc cướp nước và bán nước.

b. Quân sĩ cùng nhân dân trong vùng tìm đủ mọi cách cứu voi khỏi bãi lầy nhưng vô hiệu.

c. Thuyền chúng tôi tiếp tục chèo, đi tới ba nghìn thước mà tôi vẫn thấy chim đậu trắng xóa trên những cành cây gie sát sông.

d. Mặc dầu trên đôi má ngăm ngăm đã có nhiều nếp nhăn, khuôn mặt của bà tôi hình như vẫn tươi trẻ.

e. Nếu ta chiếm được điểm cao này thì trận đánh sẽ rất thuận lợi.

A.2. [2] Em hãy nói về tác dụng của các tác tử in đậm đối với ý nghĩa của những câu sau:

a. Cuốn truyện này giá những 30 nghìn đồng.

b. Cái cặp này mẹ mình mua chỉ 80 nghìn đồng.

c. Lan nặng đến 40 kg.

d. Vân cao khoảng 1 m 45 là nhiều.

e. Bài thi Tiếng Việt của mình lần này chắc được khoảng 8 điểm là cùng.

- Bài tập so sánh giá trị của các kết tử - tác tử [A3]

A.3 [1] Theo em, ý nghĩa của các câu sau có khác nhau không? Các kết tử in đậm có tác dụng gì trong sự khác nhau đó?

a. Nếu trời mưa thì mình nghỉ học.

b. Lỡ trời mưa thì mình nghỉ học.

c. Giá hôm qua trời mưa thì mình đã nghỉ học.

d. Hễ trời mưa thì mình nghỉ học.

e. Phải chi hôm ấy trời mưa thì mình đã nghỉ học.

A.3 [2] Em hãy nói về tác dụng của kết tử trong các câu sau:

a. Vì gió thổi mạnh nên cây đổ.

b. Nếu gió thổi mạnh thì cây đổ.

c. Nếu Nam học giỏi toán thì Bắc lại giỏi văn.

d. Nam về nhà  không ai hỏi han gì.

e. Nam về nhà  không ai hỏi han gì.

Bài tập sử dụng kết tử - tác tử lập luận

Mục tiêu của nhóm bài tập này là phát triển ở HS khả năng sử dụng kết tử - tác tử lập luận một cách chủ động, tự nhiên và hiệu quả trong giao tiếp.

Ngữ liệu để xây dựng các bài tập thuộc nhóm này phải đảm bảo tạo ra những ngữ cảnh giao tiếp gần gũi, sinh động, gắn với hoạt động giao tiếp thường ngày của HS lứa tuổi lớp 5. HS phái được thực hành sử dụng kết tử- tác tử lập luận ở nhiều cấp độ trong câu, trong đoạn, trong cuộc hội thoại.

Gắn với các tình huống giao tiếp cụ thể, các bài tập nhóm này đưa HS vào hoạt động giao tiếp ngay trong giờ học. Lệnh của bài tập phải hướng tới việc HS thực hiện các hoạt động cụ thể, nhanh chóng và chú trong các hoạt động bằng lời nói: nói, viết, đọc...

Bài tập sử dụng kết tử - tác tử bao gồm 3 loại:

- Bài tập điền kết tử- tác tử [B.1];

- Bài tập tạo câu, đoạn văn phù hợp với kết tử - tác tử đã cho [B.2];

- Bài tập phát hiện và sửa lỗi sử dụng kết tử - tác tử [B.3].

Mỗi loại bài tập hướng đến rèn luyện cho HS một góc độ của kĩ năng sử dụng kết tử và tác tử. Bài tập điền kết tử - tác tử có mục đích rèn luyện kĩ năng lựa chọn và sử dụng kết tử - tác tử chính xác, tinh tế trên những lập luận cho sẵn. Bài tập tạo câu, đoạn văn phù hợp với kết tử - tác tử đã cho lại có mục đích rèn luyện kĩ năng tạo ra các lập luận [câu văn, đoạn văn] với những kết tử- tác tử cho sẵn. Bài tập phát hiện và sửa lỗi sử dụng kết tử - tác tử lại có mục đích phát triển óc phân tích, xét đoán và kiểm tra năng lực sử dụng kết tử - tác tử của HS. Từ ba góc độ khác nhau, bài tập nhóm này giúp HS hoàn thiện năng lực sử dụng kết tử- tác tử trong hoàn cảnh giao tiếp sinh động,cụ thể; rút ngắn khoảng cách giữa tiếng Việt trong nhà trường và tiếng Việt trong thực tế đời sống giao tiếp.

Sau đây là một số bài tập minh họa:

- Bài tập điền kết tử - tác tử [B.1]

B.1.[1] Em hãy chọn kết tử thích hợp để điền vào chỗ trống ở mỗi câu: nhưng, còn, và, hay, nhờ.

a. Chỉ ba tháng sau, .…siêng năng, cần cù, Hùng vượt lên đầu lớp.

b. Ông em đã già….. không một ngày nào ông quên ra vườn.

c. Tấm rất chăm chỉ…..Cám thì lười biếng.

d. Mình cầm lái….. cậu cầm lái.

e. Mây tan….. mưa tạnh dần.

B.1 [2] Em hãy viết thêm tác tử vào chỗ trống theo yêu cầu để được các câu khác nhau.

a. Cô ra sáu bài tập …

  • Hướng đến kết luận là ít.
  • Hướng đến kết luận là nhiều.

b. Quyển vở này mình … mua tuần trước.

  • Hướng đến kết luận đánh giá sớm.
  • Hướng đến kết luận là muộn.

c.… hết hè trời …nóng.

      Hướng đến kết luận muộn.

d.…vào mùa đông trời … lạnh.

       Hướng đến kết luận là quá sớm.

Bài tập tạo câu hoặc đoạn văn phù hợp với kết tử - tác tử đã cho [B.2]

B.2 [1] Em hãy chuyển mỗi cặp câu sau đây thành một câu ghép có sử dụng các kết tử để liên kết và đọc to trước lớp.

a. Rùa biết mình chậm chạp. Nó cố gắng chạy thật nhanh.

b. Thỏ cắm cổ chạy miết. Nó vẫn không đuổi kịp Rùa.

c. Thỏ chủ quan, coi thường người khác. Thỏ đã thua Rùa.

d. Câu chuyện này hấp dẫn, thú vị. Nó có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc

B.2 [2]  Mỗi cặp tác tử sau, em hãy viết hai câu hướng đến hai kết luận khác nhau.

a. Những / chỉ có

b. Là ít / là nhiều

c. Còn… đã/ chưa … đã…

d. Đã … còn/ mới … đã…

B.2 [3] Em hãy viết đoạn văn [5 đến 10 câu] tả một cảnh đẹp ở quê hương em hoặc nơi em ở, trong đó, có sử dụng các kết tử. Gạch dưới các kết tử mà em đã sử dụng.

Bài tập phát hiện và sửa lỗi về kết tử - tác tử [B.3]

B.3 [1] Em hãy thay thế kết tử trong câu bằng kết tử khác để có câu đúng và hay:

a. Cây bị đổ nên gió thổi mạnh.

b. Trời mưa mà đường trơn.

c. Chiếc đồng hồ đã cũ nhưng còn hỏng chuông báo thức nữa nên nhiều khi em quên     đi sự có mặt của nó.

d. Tuy nhà xa trường nhưng Nam thường xuyên đi học muộn giờ.

B.3 [2] Việc sử dụng tác tử trong các câu sau đã phù hợp chưa? Nếu chưa, em hãy sửa lại để có những câu văn đúng và hay hơn:

a.  Mới đầu mùa hè mà trời vẫn nóng.

b. Dế Mèn bỏ nhà ra đi mới một tháng trời.

c. Bác thợ hàn cao chỉ 1,8 mét.

d. Ngày chưa tắt hẳn, trăng mới lên rồi!

e. Mãi đến nay, khi đã học lớp 5, tôi đã nhận ra vẻ đẹp của những chùm hoa sấu nhỏ, hoe vàng.  

Tóm lại, việc dạy các hư từ cho HS tiểu học đã được quan tâm từ khá lâu nhưng đặt vấn đề dạy chúng như các kết tử - tác tử lập luận thì lần đầu tiên được đề cập đến ở bài báo này. Việc hình thành các tri thức và luyện tập kỹ năng sử dụng các kết tử - tác tử lập luận cho HS lớp 5 sẽ trở nên nhẹ nhàng, sinh động nếu được tiến hành bằng hệ thống bài tập mà chúng tôi đã xây dựng. Kết quả nghiên cứu của bài báo đã được thử nghiệm bước đầu ở các trường Tiểu học ở Nghệ An, Hà Tĩnh và TP, Hồ Chí Minh. Chúng tôi hi vọng sẽ trở lại vấn đề này ở một công trình nghiên cứu có tính hệ thống hơn.

PGS.TS. Chu Thị Thủy An, Trường Đại học Vinh

Mai Thùy Linh, sinh viên khóa 54, ngành GDTH, Trường Đại học Vinh

Bài đã đăng ở Tạp chí Giáo dục số 396 tháng 12/2016

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chu Thị Thủy An [2009], Dạy học Luyện từ và câu ở tiểu học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[2] Chu Thị Thủy An - Võ Thị Ngọc [2014],“Xây dựng hệ thống bài tập rèn kĩ năng lập luận cho học sinh lớp 4 qua giờ Tập làm văn”, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 6, tr.138-140

[3] Chu Thị Thủy An - Nguyễn Thị Thu Trang [2015], "Rèn luyện kĩ năng lập luận khi làm văn kể chuyện cho học sinh lớp 4 trên cơ sở ứng dụng lí thuyết ngữ dụng học", Tạp chí Giáo dục, số 351, tr.43-46; 42.

[4] Chu Thị Thủy An [2015],"Phát triển năng lực lập luận cho học sinh tiểu học thông qua thể loại văn viết thư", Tạp chí Giáo dục, số 370, tr.23-26.

[5] Đỗ Hữu Châu [2002], Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Video liên quan

Chủ Đề