Tại sao cầu cho chúng con là kẻ có tội

Tôi nghĩ rằng vì chúng ta là những kẻ đã phạm tội trên quê hương Nước Thiên Đàng và bị đuổi xuống trái đất, là thành ẩn náu, nên việc chúng ta trông ngóng và tưởng nhớ đến quê hương là điều rất hiển nhiên. Dù có tấm lòng khẩn thiết muốn trở về Nước Thiên Đàng, tuy nhiên nhiều khi chúng ta sống mà quên mất rằng mình là tội nhân đã phạm tội ở trên trời. Hãy có thời gian ghi nhớ bổn phận của chúng ta, là những tội nhân phải ăn năn hối cải, để trở thành người dân của Siôn được tiến đến Nước Thiên Đàng.

Cần phải tự giác ngộ và hiểu ra rằng mình là tội nhân

Khi sống trên đời này, rất nhiều người sống mà không hề hiểu cùng không nghĩ đến tồn tại của bản thân mình. Tại sao chúng ta phải xuống trái đất này? Tại sao loài người chỉ sống được bình quân là 70, 80 năm, lại sống suốt quãng đời ấy trong nỗi đau đớn, khổ nhọc, tuyệt vọng nhiều hơn là niềm vui và hân hoan? Tại sao dù muốn được hưởng quyền thế và phú quý của thế gian mà hiện thực lại không được như ý muốn, lại phải nối tiếp cuộc sống đầy mệt nhọc và đau đớn? Đa số loài người sống mà không biết cùng không quan tâm đến những vấn đề này cho tới tận khi kết thúc đời sống mình.

Tuy nhiên, nếu hiểu ra sự thật rằng bản thân chúng ta là tội nhân thông qua lời dạy dỗ của Đấng Christ được ghi chép trong Kinh Thánh thì chúng ta không thể bất bình hoặc bất mãn về nỗi đau đớn và khổ nhọc phải chịu trên đất này. Bởi tội nhân không có quyền hưởng bất cứ niềm hân hoan hoặc quyền thế nào cả. Dù xem xét chế độ dưới đất này thì cũng đủ thấy rằng tội nhân đương nhiên bị đòi lại tất thảy mọi quyền lợi, bị nhốt vào trong tù và bị tước bỏ sự tự do.

Đức Chúa Jêsus đã ban lời giáo huấn như sau để làm thức tỉnh sự thật rằng chúng ta là tội nhân.

“Đức Chúa Jêsus nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khoẻ mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh… ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.” Mathiơ 9:12-13

“Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.” Luca 19:10

Đức Chúa Jêsus phán rằng Ngài đến để tìm những kẻ bị lạc mất, rồi lại phán rằng Ngài đến để kêu kẻ có tội, nên chúng ta phải hiểu ra sự thật rằng chúng ta chính là những tội nhân đã phạm tội ở trên trời và bị lạc xuống trái đất này. Vì là tội nhân nên chúng ta mong chờ được cứu rỗi và mong đến được sự sống đời đời. Giả sử chúng ta là những người công bình thì chẳng cần cầu khẩn sự cứu rỗi đâu. Xét việc chúng ta trông ngóng sự cứu rỗi và hết sức nỗ lực để được nhận sự cứu rỗi thì không thể không công nhận rằng chúng ta chính là tội nhân.

Mặc dù vậy, khi sống trên đời này rất nhiều khi chúng ta quên mất sự thật rằng mình là tội nhân. Chúng ta biết mình là tội nhân đấy, nhưng lại gắng quên đi sự thật này. Sống mà quên mất sự thật này chẳng khác nào việc không biết đến sự thật ấy. Vì không biết sự thật rằng bản thân mình là tội nhân, nên dù là tội nhân mà chúng ta lại tưởng nhầm rằng quyền lợi mà những người công bình được hưởng chính là quyền lợi của chúng ta, và gắng sức để được hưởng quyền lợi ấy. Hơn nữa, chúng ta lại muốn được ngồi ở vị trí cao, muốn tung hoành quyền lực và muốn được hầu việc nữa.

Theo lời kể của một người quản lý nhà tù thì, khi mới vào nhà tù lần đầu, trong vòng một tuần tới khoảng một tháng, các tội nhân rất dằn vặt và đau đớn bởi suy nghĩ rằng mình là tội nhân. Những người đã phạm tội nhiều lần đã mãn tính nên không hề có tấm lòng như vậy. Tuy nhiên, những người phạm tội lần đầu đều ăn năn hối hận về lỗi lầm của bản thân, tự trách mình và rất đau lòng vì hành động thiếu kiềm chế của mình. Thế nhưng, một tháng trôi qua, rồi lại hai tháng trôi qua, thời gian trôi qua thật nhiều thì họ thích nghi với cuộc sống tù ngục, đến nỗi không thể phân biệt được mình là tội nhân hay không. Kể từ khi ấy ngay cả trong nhà tù, những tội nhân cũng cãi vã gây gổ lẫn nhau để chiếm đoạt vị trí cao.

Liệu chúng ta, là những kẻ sống trong nhà tù phần linh hồn, có đang trải qua quá trình biến hoá tâm lý giống những tội nhân ấy không? Trong số những người sống trên trái đất, là thành ẩn náu, không có một ai là người không phạm tội trên Nước Thiên Đàng và bị đuổi xuống trái đất này cả. Đức Chúa Jêsus đã làm thức tỉnh sự thật rằng chỉ khi chúng ta tự nhận ra mình là tội nhân thì ân điển và sự nhân từ của Đức Chúa Trời mới được ban cho chúng ta.

“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharisi và một người thâu thuế. Người Pharisi đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy… Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia…” Luca 18:9-14

Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ sự ăn năn hối cải, tự hạ thấp bản thân và hầu việc người khác từ những người tự cho mình là công bình. Tuy nhiên, những người nhận ra sự thật rằng mình là tội nhân thì tự động dâng lên cầu nguyện ăn năn hối cải rằng “Lạy Đức Chúa Trời. Tôi là kẻ có tội. Xin thương xót lấy tôi.”

Đây chính là hình ảnh của tội nhân. Không dám ngước mắt lên trời, chỉ tự đấm ngực mà ăn năn hối cải giống như kẻ thâu thuế, và chỉ biết cảm tạ lên Đức Chúa Trời vì đã ban ân điển cho cả kẻ tội nhân, chính là hình ảnh chân chính của tội nhân.

Làm sao tội nhân có thể ham muốn món ăn ngon, làm sao tội nhân có thể tự nâng cao bản thân mình? Dù có tự nâng cao bản thân mình đến đâu thì tội nhân cũng chỉ là tội nhân mà thôi. Tội nhân trên trời tuyệt đối không thể ham muốn những trò tiêu khiển trên thế gian này. Khi có suy nghĩ rằng mình là người công bình, mà quên mất sự thật rằng mình là tội nhân thì sẽ muốn cai trị người khác, cưỡng ép người khác phục tùng mình, muốn đoạt lấy những thứ tốt hơn và vị trí có lợi hơn những người khác. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không phải là người công bình. Đấng Christ đã phán rằng Ngài đến để tìm và cứu rỗi những người hiểu ra họ là tội nhân và kính sợ Đức Chúa Trời, chứ không phải đến để cứu rỗi những kẻ công bình.

Tư thế của tội nhân phải luôn khiêm tốn và tự hạ thấp mình xuống

Khi nhận ra mình là tội nhân gây ra tội trầm trọng biết bao thì sẽ sống phụng sự suốt cuộc đời để trả giá cho tội lỗi ấy. Hơn nữa, tội nhân không có tư cách khó chịu hoặc phẫn nộ trước sự trách móc của người khác.

Chúng ta là tội nhân. Chúng ta không nên lãng quên vị trí của bản thân là tội nhân. Làm sao mà tội nhân có quyền kén chọn điều kiện tốt hay điều kiện xấu đây? Tội nhân cũng không có quyền viện cớ địa điểm, chức trách hoặc địa vị, cũng không có quyền đổ lỗi cho lời nói hoặc nét mặt của người khác. Chúng ta phải sống cuộc đời chỉ cảm tạ lên tình yêu thương và ân điển của Đức Chúa Trời. Đó chính là bổn phận của tội nhân. Phải có tấm lòng giống người thâu thuế, tự nhận ra mình là tội nhân, chỉ đứng xa xa không dám ngước mắt lên trời, thì mới được Đức Chúa Trời thương xót.

Người Pharisi trong Luca chương 18, ngước thẳng đầu nhìn hướng về trời, và chỉ nói những lời khoe khoang kiêu ngạo. Vì không biết sự thật rằng mình là tội nhân, nên rốt cục người Pharisi ấy đã bước trên con đường tín ngưỡng sai lệch, xiêu vẹo. Những người như vậy sẽ đàn áp người khác, và hết sức tung hoành quyền lực nếu được ở vị trí cao. Tuy nhiên, tội nhân có thể dùng quyền lực vào việc gì đây? Dù có giành được quyền lực hùng mạnh và vị trí cao ở thế gian của tội nhân này, thì tội nhân cũng chỉ là tội nhân mà thôi, chẳng phải vậy sao?

Dù có bất cứ thân phận nào chăng nữa thì những người sống trên trái đất này đều chỉ là tội nhân mà thôi. Chúng ta đừng nên chỉ bám lấy địa vị của bản thân, mà hãy luôn vui mừng và cảm tạ lên Đức Chúa Trời, chỉ bởi sự thật rằng Đức Chúa Trời đã đích thân xuống thế gian này để cứu rỗi chúng ta, là những kẻ đáng phải chết vì tội lỗi. Hơn nữa, lòng thương mến lẫn nhau giữa các anh chị em, hầu việc và nâng niu lẫn nhau là đạo lý và nghĩa vụ của chúng ta, là những người được cứu rỗi khỏi tội lỗi.

Nếu không muốn được cứu rỗi thì dù không nhận biết sự thật rằng bản thân mình là tội nhân cũng chẳng thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu mong muốn được cứu rỗi thì không được quên mất sự thật rằng mình là tội nhân bất cứ giây phút nào. Chúng ta phải biết suy nghĩ trước rằng “Vì tôi là truyền đạo sư, nên phải làm thế nào để hầu việc các anh chị em khác tốt hơn? Vì tôi là mục sư, nên phải làm thế nào để phụng sự tốt hơn, phải nỗ lực thế nào vì bầy chiên đây?” hơn là suy nghĩ rằng “Vì tôi là truyền đạo sư nên có thể ra lệnh cho chấp sự, vì tôi là mục sư nên có thể làm như vậy.” Có thể nói đây chính là tấm lòng của những tội nhân mong chờ sự cứu rỗi.

“Môn đồ lại cãi lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình. Nhưng Ngài phán cùng môn đồ rằng: Các vua của các dân ngoại lấy phép riêng mình mà cai trị, những người cầm quyền cai trị được xưng là người làm ơn. Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai trị phải như kẻ hầu việc. Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy.” Luca 22:24-27

Đức Chúa Jêsus đang làm thức tỉnh tâm linh của chúng ta bởi lời khác hoàn toàn với thường thức của thế gian này. Ngài đã phán rằng người cai trị phải như kẻ hầu việc. Bởi bất cứ ai trở thành người cai trị đều là người đạt đến mức độ luôn nhận biết và không bao giờ quên sự thật rằng mình chính là tội nhân.

Nếu không nhận ra sự thật rằng mình là tội nhân thì tuyệt đối không thể phụng sự được bất cứ ai. Người nào tự nghĩ rằng mình ở vị trí cao, thì sẽ muốn người khác khúm núm và hầu việc cho mình. Tuy nhiên lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời là người cai trị cao nhất phải tự hạ thấp mình giống người hầu việc.

Hãy thực tiễn lời dạy của Đức Chúa Trời – Đấng làm gương cho chúng ta

Khi còn ở dưới đất này, Đức Chúa Trời Cha đã tự tay làm tất thảy mọi điều mặc dù Ngài có thể ra lệnh cho thiên sứ hoặc các con cái làm việc ấy. Khi chưa trưởng thành tôi đã không biết rằng tại sao đích thân Cha làm việc trong khi Ngài có rất nhiều môn đồ, nhưng bây giờ tôi đã hiểu ra. Đó là bởi Đức Chúa Trời Cha, là Đấng không có tội, đã đích thân làm gương để ban lời dạy dỗ cho các con cái, là những tội nhân.

Dù là từ bây giờ, tôi cũng sẽ tha thứ trước, hầu việc và nâng niu các anh chị em khác như tấm gương và lời dạy dỗ của Cha. Giống như người thâu thuế, khi chúng ta cũng ăn năn tận đáy lòng rằng “Lạy thưa Cha. Con là kẻ có tội. Con thật sự là tội nhân” thì chúng ta sẽ nhận được sự đánh giá ân huệ của Đức Chúa Trời rằng “Con công bình hơn người Pharisi nhiều.”

“Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pharisi, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.” Mathiơ 5:20

Câu này có nghĩa gì? Chỉ những người nhận ra sự thật rằng mình là tội nhân thì mới trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pharisi. Đó là cách duy nhất để chúng ta được trổi hơn họ.

Hình ảnh tội nhân hiện tại của chúng ta không phải là hoàng tử, cũng không phải là công chúa trên Nước Thiên Đàng. Chúng ta chỉ là tội nhân mà thôi. Nếu quên mất vị trí tội nhân của mình thì không thể thực tiễn đúng đắn lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Dù gắng sức biết bao nhiêu để thực tiễn tình yêu thương thì ấy chỉ giống như hoa không có hương thơm mà thôi. Chẳng bao lâu sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng, sẽ chán nản và mỏi mệt.

Tuy nhiên, nếu mỗi ngày đều nhìn lại bản thân bằng tấm lòng “Lạy Chúa! Tôi là kẻ có tội” thì có việc gì không làm được sao? Nếu là lời dặn dò và là ý muốn của Đức Chúa Trời, thì cho dù ấy là việc khó khăn đến thế nào chăng nữa thì cũng có thể hoàn thành với tấm lòng cảm tạ và vui mừng. Khi hiểu ra trọn vẹn rằng bản thân mình là tội nhân thì sẽ đạt được sự vâng phục đẹp đẽ giống như Đức Chúa Trời phán rằng “Sự vâng lời tốt hơn của lễ; sự nghe theo tốt hơn ngàn ngàn vạn vạn mỡ chiên đực.”

Dù có bất cứ chức vụ gì, nhưng nếu không hiểu ra sự thật rằng bản thân mình chính là linh hồn đã phạm tội ở trên trời rồi bị đuổi xuống trái đất, thì nhất định sẽ tái phạm tội lỗi phần linh hồn lần nữa. Bởi vì nếu hiểu ra sự thật rằng bản thân mình là tội nhân thì sẽ ăn năn hối cải, nhưng nếu không hiểu ra thì có thể sẽ phạm tội lần nữa.

“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” I Têsalônica 5:16-18

Chúng ta phải ngày đêm ghi nhớ và khắc sâu trong lòng lời phán này, và phải sống cuộc đời luôn vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, và phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, khi không hiểu ra sự thật rằng mình là tội nhân, mà lại cứ nói “Vì Chúa phán hãy vui mừng, nên tôi phải vui mừng, vì Chúa phán hãy cảm tạ nên tôi phải cảm tạ.” thì ấy sẽ trở nên việc mang tính bắt buộc, nghĩa vụ, như vậy thì không thể thực tiễn điều này quá một tuần.

Chỉ cần biết trọn vẹn sự thật rằng bản thân mình chính là tội nhân thì không việc gì là không thể cảm tạ cả. Dù là bất cứ việc gì bản thân mình không hài lòng thì tự khắc chúng ta cũng có thể ca hát cảm tạ với tấm lòng suy nghĩ rằng “Liệu việc ấy có thể sánh nổi tội lỗi mà mình đã gây ra trên Nước Thiên Đàng chăng?”. Một lần nữa chúng ta sẽ quì gối và cúi đầu trước ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, là Đấng cứu rỗi chúng ta. Dù Ngài không phán rằng hãy vui mừng bởi việc gì đó, thì tực khắc chúng ta cũng cảm thấy vui mừng. Dù có bất cứ khổ nạn và khó khăn nào thì có sánh nổi với niềm vui được nhận sự tha tội không?

Con đường sống duy nhất của tội nhân chỉ là ăn năn, hối cải mà thôi. Đức Chúa Trời đã phán dặn hãy răn bảo những linh hồn khác và cứu sống họ để hầu cho chúng ta có thể ăn năn hối cải trọn vẹn. Chúng ta đừng đóng cánh cửa cơ hội “truyền đạo”, là phương pháp tha tội của chúng ta, và là huấn lệnh của Đức Chúa Trời Công Bình. Từ giờ trở đi, chúng ta phải loại bỏ tất thảy cố chấp, kiêu ngạo, ngạo mạn đã học tập từ thế gian, thức tỉnh khỏi lầm tưởng rằng bản thân mình là người công bình, và hãy đi trên đường phụng sự và hy sinh mà những tội nhân đương nhiên phải thực hiện.

Tội nhân chúng ta làm sao dám ngước lên nhìn Nước Thiên Đàng chí thánh, làm sao dám phán đoán và nhìn trực tiếp hình của Đức Chúa Trời chí thánh bằng mắt thường? Tất thảy đều là những việc chúng ta đã làm khi còn chưa trưởng thành và thiếu đức tin. Từ giờ, chúng ta phải có tấm lòng khiêm tốn “Lạy Chúa! Tôi là kẻ có tội. Xin thương xót lấy tôi.” và hãy vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, chạy toàn tâm toàn lực trên con đường Tin Lành, để trở thành trang sức trên áo vải gai mịn tinh sạch của Mẹ, và không dấu không vết trong ngày Cha giáng lâm.