Tại sao rốn trẻ sơ sinh bị lồi

Rốn trẻ sơ sinh bị lồi là một tình trạng khá phổ biến ngày nay. Các mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức về hiện trạng rốn trẻ sơ sinh bị lồi để biết cách phòng ngừa cũng như chữa trị kịp thời nếu con mình cũng gặp phải trường hợp tương tự nhé.

Trong bài viết, mẹ sẽ biết vì sao rốn trẻ sơ sinh bị lồi; các triệu chứng và biến chứng của tình trạng này; đồng thời, hiểu những biện pháp điều trị và chăm sóc cho con.

Rốn trẻ sơ sinh bị lồi [Umbilical hernia] là do thoát vị rốn gây ra. Sau khi sinh, dây rốn không còn cần thiết nữa và lỗ mở ở cơ bụng sẽ đóng lại khi em bé trưởng thành. Đôi khi, các cơ này không đóng lại hoàn toàn; để lại một lỗ nhỏ hoặc khoảng trống. Một phần ruột và các nội tạng khác có thể di chuyển vào và thậm chí xuyên qua lỗ giữa các cơ bụng và gây ra thoát vị rốn; tạo nên một cục lồi lên ngay giữa bụng trẻ sơ sinh.

Khi trẻ khóc to, cố ưỡn mình để đi ị hoặc vặn mình, mẹ sẽ thấy rõ hơn chiếc rốn lồi của con đang phình to lên.

Dựa theo trang Kidshealth, thoát vị rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Trong khoảng 20% ​​trẻ sơ sinh, sẽ có một trẻ mắc chứng rốn lồi. Ngoài ra, theo NICB [Nation Center for Biotechnology Information] tỷ lệ rốn trẻ sơ sinh bị lồi còn phổ biến hơn ở trẻ sinh non và nhẹ cân với tỷ lệ tới 84% ở trẻ nặng 1000 đến 1500 gam trong khi tỷ lệ mắc bệnh là 20,5% ở trẻ nặng 2000 đến 2500 gam.

2. Triệu chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh dẫn đến rốn lồi

Ngoài hiểu nguyên nhân dẫn đến rốn trẻ sơ sinh bị lồi, các mẹ cần lưu ý các triệu chứng dưới đây để phát hiện rốn trẻ sơ sinh bị lồi mà chữa trị kịp thời:

  • Khối phồng gần rốn khi con ho, khóc hoặc căng thẳng.
  • Bé đau quanh vùng rốn.
  • Sưng tấy trong khu vực quanh bụng.
  • Đổi màu vùng rốn: khối thoát vị sưng đỏ hoặc bầm tím.
  • Bé đột nhiên bắt đầu nôn mửa.
  • Táo bón.
  • Bé sốt.

>> Mẹ có thể xem thêm: Mách mẹ cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

3. Rốn trẻ sơ sinh bị lồi có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp rốn trẻ sơ sinh bị lồi tự cải thiện; nhưng một số biến chứng có thể ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Các biến chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Thoát vị bị bóp nghẹt: Đây là tình trạng một phần ruột bị mắc kẹt ở thoát vị. Điều này làm giảm lượng máu cung cấp đến phần ruột bị mắc kẹt; và có thể dẫn đến đau bụng và tổn thương mô. Nếu phần ruột bị mắc kẹt bị cắt đứt hoàn toàn khỏi nguồn cung cấp máu; nó có thể dẫn đến chết mô. Nhiễm trùng có thể lan rộng khắp khoang bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tắc nghẽn: Điều này xảy ra khi một phần ruột đi vào khối thoát vị không ra được, các quai ruột trong khối thoát vị giãn, phình to dẫn đến tắc nghẽn, biểu hiện lâm sàng là trẻ nôn mửa liên tục và không bú được.
  • Nhiễm trùng: Khối thoát vị tắc nghẽn làm thiếu máu nuôi dưỡng mô, dẫn đến hoại tử hoặc gây thủng ruột trong khối thoát vị gây nhiễm trùng, nhiễm trùng có thể lan rộng khắp ổ bụng đe dọa tính mạng.

Vậy rốn trẻ sơ sinh bị lồi rồi phải làm sao?

4. Cách chữa thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Hầu hết phần rốn trẻ sơ sinh bị lồi sẽ tự cải thiện ở khoảng 4-5 tuổi. Do đó, các mẹ không cần phải quá lo lắng. Thông thường, vòng rốn sẽ tự đóng lại và trẻ không cần điều trị hoặc sẽ thu nhỏ dần khi trẻ lớn lên.

Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đóng lại của vòng cân rốn bao gồm: đường kính của vòng cân rốn và tuổi, chứ không phải là chiều dài của khối thoát vị. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có vòng cân rốn nhỏ đường kính < 1.5cm; thường sẽ tự đóng và đóng sớm hơn thoát vị có vòng cân rốn lớn. Trẻ càng nhỏ thì có khả năng đóng lại vòng cân rốn hơn là trẻ lớn.

Tuy nhiên trong một số trường hợp sau mẹ nên đưa bé đi phẫu thuật:

  • Trẻ đã 5 tuổi nhưng vẫn thấy vòng rốn chưa đóng lại.
  • Phần mô lồi ra quá lớn hoặc khiến trẻ bị khó chịu.
  • Trẻ bị thoát vị nghẹt cần được phẫu thuật ngay lập tức. [Trường hợp này thường khá hiếm]
  • Dù đã lớn nhưng rốn trẻ vẫn lồi trông mất thẩm mỹ

Sau khi phẫu thuật, trẻ có thể được xuất viện ngay và chăm sóc tại nhà, các bậc phụ huynh có thể an tâm.

5. Có nên dùng đồng xu chữa thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh không?

Nhiều bà mẹ truyền tai nhau về phương pháp chữa trị rốn trẻ sơ sinh bị lồi bằng đồng xu: Rửa sạch đồng xu rồi dùng gạc bọc lại, dán vào rốn bé bằng băng keo y tế. Trên thực tế, đây chỉ là phương pháp dân gian không có cơ sở; cũng không được khoa học chứng minh là có hiệu quả thật. Một số mẹ sau khi dùng cách này thấy rốn con khỏi lồi là đến tuổi bé tự khỏi chứ không phải nhờ đồng xu mà khỏi dị tật.

Không chỉ thế, việc tùy tiện dùng băng keo y tế dán vào da bụng vốn dĩ rất mỏng của bé có thể khiến vùng da này bị tổn thương và đau rát dữ dội khi bóc ra; ngay cả khi mẹ đã làm ướt băng keo bằng nước trước khi bóc.

Bọc kín phần rốn của trẻ sơ bị lồi sinh bằng đồng xu và gạc cũng sẽ tạo môi trường cho các vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa ổ bụng vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, khối thoát vị ở rốn của trẻ có thể không có máu nuôi và không thể trở lại ổ bụng; trẻ sẽ phải sống với dị tật vĩnh viễn.

Việc thiếu hiểu biết trong việc dùng đồng xu khắc phục tình trạng rốn trẻ sơ sinh bị lồi có thể khiến trẻ gặp phải những biến chứng đáng tiếc và ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.

>> Mẹ có thể xem thêm: Mẹo dân gian giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc mẹ nào cũng nên biết

6. Cách phòng tránh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Để ngăn chặn những biến chứng xấu do tình trạng rốn trẻ sơ sinh bị lồi gây ra, các mẹ nên:

  • Hạn chế việc trẻ khóc, gào để hạn chế áp lực từ bụng lên rốn – nguyên nhân khiến rốn lồi ra. Hãy bế bé lên và dỗ dành để bé nín dần.
  • Tránh táo bón cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng nhiều chất xơ trong chế độ ăn của mẹ [đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi]. Trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn dặm rau.
  • Cho trẻ trên 6 tháng tuổi dùng súp đu đủ, súp khoai lang giúp trẻ dễ tiêu hơn.
  • Massage nhẹ nhàng thành bụng cho bé mỗi ngày.

Nhìn chung, thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh không phải là một tình trạng quá nguy hiểm. Các trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng là tương đối ít. Nhưng mẹ vẫn cần lưu ý để ý về tình trạng này và chăm sóc con thật tốt.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Video liên quan

Chủ Đề