Theo Lão Tử vô vi là cách ứng xử thế nào

Trích trong sách Lão Tử Tinh Hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

VÔ VI

Vô Vi có thể gọi là danh từ gồm nắm tất cả bộ sách Đạo Đức Kinh. Nó là danh từ tổng yếu bao quát tất cả mọi đề tài đã được giải rõ trong tám mươi mốt chương sách: không có chương nào là không nói đến nó.

Lão Tử nói: “Ngã hữu tam bửu…nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên”

[我有三寶… 一日慈, 二日儉, 三日不敢為天下先]

[Ta có ba vật báu… Một là Từ, hai là Kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ] [Ch.67].

Từ là yêu tất cả mọi người, bất luận đối với người tốt hay kẻ xấu… Người đời không phải thế: Người đời bảo: “dĩ oán báo oán”. Nho gia bảo: “dĩ trực báo oán” [Luận ngữ], đó là đạo hữu vi. Trái lại, Từ là dám xem kẻ thù như người bạn, không lấy oán mà báo oán, cũng không lấy “trực” mà báo oán, nghĩa là không dám châm thêm vào ngọn lửa oán thù đến nỗi gần như không dám biết đến hai chữ thù oán là gì.

Thiên hạ thì lấy xa xỉ, khoa trương làm mục đích tiến thủ, tranh nhau đua đòi trong sự xa hoa lộng lẫy càng nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiêu… Lão Tử trái lại khuyên ta:
“Thánh nhân khứ

thậm, khứ xa, khứ thái” [ĐĐK, ch.29] 聖人去甚,去奢,去泰。

[Thánh nhân từ bỏ sự cực đoan, xa xỉ, và cao sang].


và lấy kiệm ước làm căn bản cho người trị nước. Ông lại còn

khuyên ta “tri chỉ, tri túc” [知止, 知足].

Người đời đều lấy sự ăn ngồi trên trước làm vinh, và suốt đời chạy mãi theo cái bả vinh hoa phú quý… thì Lão Tử lại bảo ta không nên “đứng trước thiên hạ”, cần phải khiêm nhu, từ tốn… và luôn luôn đứng dưới và ngồi sau, biết như con đực hãy làm như con cái.

“Từ”, “Kiệm”, và “bất cảm vi thiên hạ tiên”, đó đều là những hành động Vô Vi trong phương xử thế. Thế thường, theo đạo Hữu Vi, thì phải lấy Mạnh mà thắng Mạnh, còn Vô Vi thì trái lại lấy Nhu mà thắng Cương, lấy Nhược mà thắng Cường… và hơn nữa lấy “cái không tranh mà thắng được một cách vẹn toàn” [ bất tranh nhi thiện thắng. [Đạo Đức Kinh, chương 73]
不爭而善勝 không tranh mà vẫn giỏi khuất phục thiên hạ] là khác! Đó là Vô Vi trong
đạo tranh đấu.

Người đời thường bảo “biết người là Trí”, Lão Tử lại bảo “biết mình là sáng”. Người đời thường bảo “thắng người là có sức”, ông bảo “thắng mình là sức mạnh”. Biết người, thắng người là Hữu Vi, biết mình và thắng mình đó là Vô Vi.

Người đời tranh nhau để làm cho cái Bản ngã của mình càng thêm lớn mạnh bằng sự thu đoạt tích trữ của cải quyền thế cho mình càng nhiều càng tốt; trái lại Lão Tử khuyên ta “ăn ở giản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục” [kiến tố bảo phác, thiểu tư quả dục 見素抱朴,少私寡欲], nhất định “không nên tích trữ cho mình” [thánh nhân bất tích 聖人不積] [Ch.81] và “lo riêng cho mình” gì cả.

Và hơn nữa “đừng tự xem mình là sáng”, “đừng tự cho mình là phải”, “đừng tự cho mình là có công”, “đừng tự cho mình là trên hết”… một cách thành thật tự nhiên. Đó đều là những hành động Vô Vi trong phương xử kỷ: tiêu diệt cái “Bản ngã” của mình.

Hữu Vi, trái lại giúp ta càng tăng gia cái Bản ngã của mình.

Tất cả các quan niệm trên đây đều do cái thuyết phản và phục của Lão Tử mà ra cả: “Phản giả Đạo chi động” [反者道之動]. Thuyết Vô Vi cũng do đó mà ra. Hữu Vi là “đi ra”, là “đi tới”, còn Vô Vi là “trở về”, là “thối lại”.

Vô Vi, không phải là không làm gì cả, mà đừng làm cái gì đến thái quá, vì “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản 物窮則變, 物極則反”. Cái gì mà thái quá cũng đều nguy hại cả.

[Phàm làm việc gì, làm điều gì, xử lý cái gì… cũng nên có giới hạn, vì “Vật cùng tắc biến”: đẩy sự vật đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa lại khác trước, có khi còn ngược lại với trước nữa. “Vật cực tắc phản”: đẩy sự việc đi đến cùng cực thì chắc chắn sẽ phản lại ngay. Quy luật là thế thôi. – //www.hunglandesign.com/blog/?p=487]

Mục đích của bất cứ một hành vi nào là cũng để đi đến một kết quả. Nhưng nếu lại đi vào chỗ thái quá, thì kết quả có khi lại còn nguy hiểm cho ta hơn là không làm gì cả. Cho nên Vô Vi, cũng có nghĩa là bớt đi những gì thái quá: “khứ thậm, khứ xa, khứ thái” [去甚, 去奢, 去泰] [Ch.29].

Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của họ… Cho nên Vô Vi là đừng dụng tư tâm mà xen vào cái sống tự nhiên của mọi vật, càng ít can thiệp đến việc người được bao nhiêu càng quý bấy nhiêu.

Phi dĩ kỳ vô tư dã, cố năng thành kỳ tư [非以其無私耶? 故能成其私] [Ch.7].

Bất tự kiến…, bất tự thị…, bất tự phạt…, bất tự căng… [不自見… , 不自是…, 不自伐…, 不自矜…] [Ch.22].

[Bất tự hiện, cố minh. Bất tự thị, cố chương. Bất tự phạt cố hữu công. Bất tự căng, cố trường. Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh. [Đạo Đức Kinh, chương 22]
不自見故明 ; 不自是故彰 ; 不自伐故有功 ; 不自矜故長。夫唯不爭故天下莫能與之爭。《道德經 • 第二十二章》
Không phô trương, nên sáng; không tự cho mình đúng, nên hiển dương ở đời; không kể công, nên có công; không kiêu căng, nên [không bị ai hại, nhờ đó mà] trường tồn. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình. – //www.thienlybuutoa.org/Books/tutuongdaogia/ttdg10.htm]

進道若退 [Tiến Đạo nhược thoái: Tiến về phía đạo dường như thối lui] [Ch.41].

Căn cứ vào những nguyên tắc trên đây, Lão Tử bàn qua thuyết “Vô Vi nhi trị” của ông về chính trị.

Đồng với Khổng Tử, Lão Tử cũng nhận rằng cấn phải có một bậc Thánh quân cầm đầu trị nước, thì thiên hạ mới hạnh phúc.

Nhưng khác với Khổng Tử, bao giờ cũng cho rằng cần phải “làm” nhiều cho dân… Lão Tử tin rằng càng ít “làm” chừng nào càng tốt, và không làm gì cả, nếu có thể được, lại càng hay. Là vì theo ông, càng dùng cái trị để mà trị nước thì dễ loạn, càng không dùng đến cái trị để mà trị nước thì nước càng dễ trị. Chương 57 sách Đạo Đức Kinh có câu:

“Dĩ chính trị quốc. Dĩ kỳ dụng binh. Dĩ vô sự thủ thiên hạ… Thiên hạ đa kỵ húy, nhi dân di bần; dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn. Nhơn đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi. Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu”

[以正治國, 以奇用兵, 以無事取天下. 天下多忌諱而民彌貧. 民多利器, 國家滋昏. 人多伎巧, 奇物滋起, 法令滋彰, 盜賊多有].

Nghĩa là cần phải lấy sự ngay thẳng thực thà mà trị nước. Trái lại nếu trị nước mà làm như dụng binh, dùng trá ngụy mà trị thì nguy, vì “lấy trí mà trị nước, là cái vạ cho nước” [dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc 以智治國, 國之賊]. Huống chi bậc trị nước mà ban hành nhiều điều cấm kỵ thì dân chúng càng nghèo khổ, bởi thiếu tự do hành động và ngôn ngữ…, dân chúng mà đa mưu xảo kế để trục lợi thì nước nhà phải sa vào hỗn loạn tăm tối. Người dân cần thực thà, ít dục vọng, thì nước mới dễ trị. Bậc trị nước mà quá khắt khe, đem pháp lệnh bủa giăng trên đầu dân để đề phòng chúng, thì chúng dân cũng tìm đủ mánh khóe thủ đoạn để trốn tránh; gây ra mưu mô gian trá càng ngày càng thêm; dân càng khó trị thì bọn đạo tặc càng nhiều. Cổ ngữ có câu: “pháp lập tệ sinh 法立弊生”.

Dùng Vô Vi mà trị thì ít can thiệp đến việc người, không dùng tư tâm mà mà hành động, dùng “bất ngôn chi giáo 不言之教” mà dạy dân, lấy gương mẫu của mình mà sửa dân… thì dân không hay là mình có làm gì, nhưng rồi chúng tự sửa đổi lấy mình mà không cần đến sự bắt buộc hay cấm đoán, ban hành pháp lệnh: “Ngã vô vi nhi dân tự hóa” [我無為而民自化].

Vô Vi, về đạo trị nước, cũng có nghĩa là: “phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi” 非以明民, 將以愚之 [Ch.65], nghĩa là “không làm cho dân khôn lanh, mà làm cho dân trở nên thực thà”. Chữ “ngu” ở đây không phải có nghĩa là ngu si, mà là “thực thà”… tức là cái “ngu” của những bậc thánh trí: “minh đạo nhược muội” 明道若昧 [Ch.41].

Tóm lại, Vô Vi là hành động trở về nguồn cội, từ bỏ tất cả những gì phiền phức đa đoan của văn minh giả tạo… đã làm che lấp chân Tánh, cái Đạo nơi lòng. “Vi đạo nhật tổn, tổn”.

Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi. Vô vi nhi vô bất vi. [Đạo Đức Kinh, chương 48]
為學日益,為道日損。損之又損,至於無為。無為而無不為。《道德經 • 第四十八章》
Theo đuổi việc học thì ngày một biết thêm; đi theo Đạo thì ngày một bớt đi [nhân dục]. Bớt rồi lại bớt cho đến mức [điềm đạm] vô vi. Vô vi nhưng không có gì là không được làm – //www.thienlybuutoa.org/Books/tutuongdaogia/ttdg09.htm.

“Sáng về Đạo, dường như tâm tối”, nghĩa là cái cực sáng dường như cái cực tối. Chính Lão Tử cũng đã nhận “ngã ngu nhơn chi tâm dã tai” [lòng ta ngu dốt vật thay] [我愚人之心也哉] [Ch.20].

chi hựu tổn, dĩ chí ư Vô Vi” [Ch.48] 為道日損, 損之又損, 以至於無為.

Theo Đạo thì càng ngày càng bớt… Bớt rồi lại bớt nữa, bớt cho đến Vô Vi.

Vô Vi, không phải là không làm gì cả, mà thực sự: “Vi Vô nhi vô bất vi” nghĩa là không làm mà không có gì là không làm, làm một cách hết sức tự nhiên và kín đáo [thiện hành vô triệt tích], đem cái tự nhiên mà giúp một cách tự nhiên, không tư tâm, không vị kỷ.

Người thi ân không biết là thi ân, người thọ ân cũng không dè là thọ ân. Bậc trị nước mà dùng đến cái đạo Vô Vi, dân không hay là mình bị trị… dĩ nhiên được thiên hạ, mà tự mình cũng không bao giờ bị hại.

Đọc thêm:

TIỂU LUẬN VỀ ĐẠO ĐỨC KINH

DANIEL P. REID

//triethoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=603:tiu-lun-v-o-c-kinh&catid=4:trit-hc-ong-phng&Itemid=223

Hỗn độn mà thành
Trước trời đất sinh
Lặng lẽ trống rỗng
Một mình không đổi
Đi mà không mỏi
Làm mẹ thiên hạ
Không biết tên gọi
Nên gọi là đạo.

Những lời lẽ khó hiểu trên đây trích ra từ bài thơ dài 5000 chữ nói về Đạo, thường gọi là Đạo Đức Kinh, được viết ra cách đây gần 2.500 năm và theo truyền thuyết, tác giả của nó là Lão Tử [ông thầy già].

Những trực giác bén nhạy chứa trong những câu thơ súc tích của cuốn kinh huyền hoặc này tạo thành một nguồn minh triết sống động, mang lại niềm an ủi, sự khuyên giải và giác ngộ cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Không có cuốn sách nào trên hành tinh này được dịch rộng rãi và liên tục như Đạo Đức Kinh của Lão Tử; cũng không cuốn sách nào ngoại trừ Kinh Thánh, được dịch sang tiếng Anh một cách thường xuyên như nó. Năm 1955, có 126 bản dịch khác nhau được in trên khắp thế giới: 90 bản thuộc các thứ tiếng Tây phương, còn lại là tiếng Anh.

Câu hỏi về thời điểm ra đời chính xác và tác giả thực sự của Đạo Đức Kinh vẫn còn tồn nghi. Tuy nhiên, dựa trên sự đậm đặc của ngôn ngữ và cấu trúc vần luật, người ta đã có thể nói chắc rằng bản kinh đã được viết ra trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ ba và thứ năm trước Công nguyên, và đó là tác phẩm của một tác giả duy nhất tên là Lão Tử hoặc Lão Đam, người giữ kho lưu trữ của triều đình thời đó. Phẫn uất vì những hỗn loạn chính trị và sự tham tàn ngự trị khắp xã hội lúc bấy giờ, Lão Tử về hưu khi còn ở tuổi trung niên; ông cỡi trên lưng trâu và đi về phía những dãy núi phía Tây. Khi đi đến ngọn đèo cuối cùng – biên giới của vương quốc, người lính “hải quan” nhận ra nhà hiền triết nổi tiếng, liền nài nỉ ông lưu lại một ít văn bản học thuyết của ông cho hậu thế. Lưỡng lự một hồi, Lão Tử tạm quên cuộc viễn hành: ông ngồi xuống, lẹ làng sáng tác Đạo Đức Kinh trong 5.000 chữ, với lời từ chối giảng đạo thể hiện trong hai dòng đầu tiên:

Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh.

Rồi không thốt ra một lời nào, ông leo lên mình trâu, đi về hướng núi. Từ đó không nghe thấy nói gì đến ông nữa.

Đạo nghĩa là “con đường”, Đức nghĩa là “năng lực” và Kinh nghĩa là “sách cổ”. Vì thế cái tựa có thể chuyển dịch một cách đầy đủ là “cuốn cổ thư nói về Con Đường và Năng Lực của nó”.

Các học giả Tây phương thường nhìn Đạo giáo như một trong những tôn giáo lớn của thế giới, nhưng điều này hoàn toàn thiếu chính xác. Tuy phải thừa nhận rằng, có một giáo phái được tổ chức hoàn chỉnh với người đứng đầu là một bậc đạo sĩ và đã phát triển thành những chi nhánh xa rời hẳn triết lý của Đạo giáo, khoảng 500 năm sau Lão Tử, nhưng giáo phái này không liên hệ gì đến Đạo nguyên thủy. Lão Tử đã từng nói “phương cách mà tổ chức được không phải là phương cách thực thụ”. Thật vậy, chính cái ý tưởng về một giáo phái có tổ chức, với những thầy tế mặc áo thụng và những tín điều thiêng liêng, hoàn toàn đi ngược lại với Đạo.

Đạo là một phương cách sống, không phải là một thượng đế hay tôn giáo. Nghĩa chiết tự của nó là “con đường”, là lối đi – trên hành trình xuyên qua đời sống, nó phù hợp với địa hình và thời gian biểu riêng của thiên nhiên. Bất cứ con đường nào ngoài Đạo mà được định nghĩa đều là giả tạo. Các phương pháp Tây phương, toan tính chinh phục hơn là hòa đồng với sức mạnh của thiên nhiên, đều không tránh khỏi dẫn đến sự phân lập tinh thần giữa con người và thiên nhiên. Đạo nhìn con người như một sinh linh bé nhỏ, dễ tổn thương trong vạn hữu, và Đạo gợi ý rằng, để tồn tại một cách tốt nhất, chúng ta cần sống hài hòa với sức mạnh to lớn của thiên nhiên đã tác tạo nên chúng ta. Đi ngược lại Đạo thì cũng giống như cố gắng bơi ngược dòng nước chảy xiết – sớm muộn gì anh cũng sẽ kiệt sức, trì trệ và bị cuốn đi xa khỏi dòng chảy tự nhiên của Đạo.

Các Đạo sĩ nhìn thấy toàn thể vũ trụ ngập tràn trong Đạo Đức [năng lực của Đạo]. Năng lực vũ trụ nguyên sơ này từng được gọi là Thái Hư, Thái Cực và Thái Di. Nó bao gồm một nguyên tố của vũ trụ, vô hình vô sắc mà từ đó toàn thể vạn vật sinh ra.

Đạo sinh Nhất Nhất sinh Nhị Nhị sinh Tam

Tam sinh vạn vật…

Nhất là Thái Cực [nguồn sức mạnh tối cao]. Khi có vụ nổ lớn Big Bang đập vỡ Thái Cực để tạo lập vũ trụ, Âm và Dương nổi lên như hai cực tiêu và cực trưởng nằm trong một trường điện từ khổng lồ. Từ Nhất, Nhị, Tam mà có muôn loài thực vật, động vật và các chất thể trong vũ trụ.

Các tôn giáo Tây phương đưa ra hình ảnh bản thể tối cao là Thượng đế hay Chúa Trời ngồi trên ngai vàng của Ngài ở Thiên đàng để điều hành vũ trụ. Trọng tâm của các tôn giáo Tây phương là “kiếp sau”, nên đa số tín đồ biểu lộ một tâm thức khổ não về số phận linh hồn mình sau khi chết. Do vậy, các tôn giáo Tây phương hão huyền hơn là thực tế, quan tâm đến thế giới bên kia hơn là thế giới hiện có.

Các Đạo sĩ, trái lại, không nói về bản thể tối cao nhưng nói về một trạng thái tối cao của hiện hữu – một trạng thái thăng hoa nằm sâu trong mỗi cá nhân và chỉ có thể tiếp đạt được nó thông qua những nỗ lực tự thân to lớn cùng với kỷ luật tự giác cao nhất. Trạng thái này, thường gọi là giải thoát, được sùng tín ở Đông phương cũng như những ý niệm về Thượng đế ở Tây phương và tạo thành một phần tiềm năng nằm tận đáy sâu tâm thức mỗi cá thể.

Một trong những đặc điểm của triết lý Đạo giáo đã được nhà Hán học và dịch giả nổi tiếng Arthur Waley chỉ ra là “sự thản nhiên chấp nhận cái chết”. Các Đạo sĩ coi chuyện sinh và tử như sự chuyển tiếp từ thế giới tồn tại này sang thế giới tồn tại khác, chứ không coi chúng như điểm khởi thủy và điểm chung cuộc tuyệt đối. Một lần, Trang Tử nói với các học trò của mình: “Ta biết rõ, trong khi bám lấy cuộc đời này, ta không chỉ bám lấy một giấc mơ mà còn làm chậm trễ cuộc hành trình của ta đi vào thế giới thực”. Nên mặc dù các Đạo sĩ thích sống một cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ trong thế giới này [bởi họ muốn bắt chước theo tự nhiên], nhưng họ sẵn sàng giáp mặt với cái chết không chút sợ hãi hay luyến tiếc vì cái chết tự nó cũng là tự nhiên.

Đạo giáo quan tâm trước hết đến đời sống trên trần gian, coi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất quan trọng như nhau, đồng thời khẳng định rằng chỉ trong một thân thể tráng kiện mới có được một tinh thần lành mạnh. Đó là lý do tại sao Đạo giáo rất coi trọng vấn đề sức khỏe và sự trường thọ.

Đạo quan niệm rằng chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta đã gieo ngay trong cuộc đời của chính mình. Do đó, Đạo cung cấp những hạt giống minh triết mà chúng ta cần để có được sức khỏe và trường thọ trong khu vườn phì nhiêu của sự sống, do đó những ai cày xới mảnh đất của Đạo bằng sự luyện tập và tự kỷ hằng ngày chắc chắn sẽ gặt hái những mùa cây trái ngọt ngào. Đạo vạch ra một lối đi giữa thiên đường và trần thế, nhưng con người phải tự mình bước đi bằng chính năng lực của mình. Không như các tôn giáo Tây phương, chỉ cần có niềm tin là có thể được cứu rỗi linh hồn – những cánh cổng của Đạo chỉ mở ra cho những ai thực sự trau dồi Đạo. Đạo không thể ban phát cho những kẻ cầu xin, nhưng Đạo có thể được tận dụng trong sự thực hành, và ai biết cách khai thác năng lực của Đạo sẽ thấy rằng nó không bao giờ cạn kiệt. Điểm tối quan trọng trong triết lý Đạo giáo là: thực hành vượt trên tín ngưỡng, kinh nghiệm vượt trên hiểu biết. Những biện pháp nửa vời không bao giờ đủ cả: người ta phải đi trọn con đường Đạo.

Triết lý nhị nguyên của Tây phương tách rời tinh thần và vật chất thành hai thực tại thù nghịch, loại trừ nhau, đồng thời cho rằng tinh thần là thành phần cao quý hơn. Đạo giáo nhìn vật chất và tinh thần như hai phương diện, tuy khác biệt nhau rõ rệt nhưng không thể chia cắt của một thực tại, trong đó thân xác đóng vai trò gốc rễ cho sự phát triển của trí năng. Một cái cây có thể sống mà không cần ra hoa, đâm cành, nhưng nó không thể sống nếu không có gốc rễ. Con người cũng vậy. Một người mất trí có thể vẫn sống lâu; ngược lại, một người dù thông minh sáng láng đến đâu chăng nữa nhưng nếu mất trái tim, lá phổi hoặc lá gan, anh ta sẽ không thể nào sống nổi.

Sự tiếp cận căn bản của Đạo đối với đời sống được tóm tắt trong mấy chữ “tĩnh tọa vô vi”, nghĩa là “ngồi lặng lẽ và không làm gì”. “Không làm gì” không có nghĩa là ngồi ì ra suốt ngày như cục bướu trên một thân cây, mà đúng ra chỉ làm những gì thực sự cần làm và làm trong cách thế không đi ngược lại với trật tự tự nhiên của Đạo và khuôn khổ của sức mạnh vũ trụ, nghĩa là một cách tự phát và không cần chủ âm, người đạo sĩ chỉ làm mọi sự thuần túy để mà làm chứ không vì những động cơ nào khác, và sống trong sự hài hòa với thiên nhiên chứ không tìm cách chinh phục thiên nhiên. Có lẽ quan trọng hơn cả, vô vi có nghĩa là biết khi nào dừng hơn là làm quá mức, biết lúc nào cần phải kiềm chế hoàn toàn, không làm những việc bất xứng. Như Lão Tử đã nêu rõ:

Hãy lui về ẩn dật khi việc đã thành
Đó là Đạo của Trời

“Vô vi” là một biệt ngữ để chỉ sự “trầm tư mặc tưởng” hoặc “thiền” của người Trung Hoa. Chữ “Thiền” làm cho người Tây phương bối rối, lo ngại vì nó hàm ý muốn nói đến sự suy nghĩ trầm ngâm về một điều gì sâu xa nhưng vĩnh viễn tối tăm khó hiểu, không bao giờ được giải thích trọn vẹn. Thật ra, trong truyền thống Đạo giáo và Phật giáo, sự vô vi của Thiền đòi hỏi một nỗ lực ý thức nhằm làm trống rỗng hoàn toàn tâm trí, chứ không phải lấp đầy nó bằng những kiến thức uyên thâm. Cách thiền này đem lại sự thư giãn và hưng phấn cho thiền giả, vì nó dọn sạch khỏi tâm trí những tiếng nói huyên thuyên quấy rối tinh thần trong sinh hoạt thường ngày. Lúc ấy, sự yên tĩnh và sự sáng suốt sẽ làm nảy sinh nhiều kiến thức tự phát và trực giác về Đạo.

Đạo giáo vẫn không ngừng tồn tại như là một trong những truyền thống triết học phong phú nhất và chắc chắn là cổ xưa nhất của nhân loại. Là một nền triết học đa dạng, chiết trung, chứa đầy sự khôn ngoan và trào lộng, lịch sử của nó được trình bày một cách ý vị thông qua các nhân vật khác thường. Với sự hòa trộn độc đáo chế độ luyện tập thể chất và tinh thần, coi trọng cả lý thuyết lẫn thực hành, Đạo giáo đã bao gồm trong nó những yếu tố khác nhau như thuật luyện kim, điều tức [thở sâu] thể dục mềm dẻo, những quy tắc sinh hoạt tình dục, thảo dược, chế độ ăn kiêng, thảo liệu pháp và vân vân. Những nguyên tắc khác biệt này được thảo luận một cách chi tiết trong các kinh sách về Đạo dược truyền thừa từ các bậc thầy đến các đồ đệ qua các thời đại, và tất cả đều được trình bày trong sách này.* Thật vậy, kinh sách viết về Đạo – cuốn đại kỳ thư có tên “Đạo Tàng” – thuộc vào loại kinh thư dài nhất thế giới, bao gồm 1120 tập sách được biên soạn trong 1500 năm, và nó đã cung cấp một kho báu về những kiến thức bí truyền.

Tuy nhiên, dù cho mọi sự về Đạo đã được nói lên và thực hành, tất cả vẫn chỉ cô đọng trong những câu thơ sắc sảo của Đạo Đức Kinh, tất cả đã được thu gọn lại trong 5000 từ. Đó là do mỗi dòng thơ đều có thể được lĩnh hội ngay lập tức ở nhiều mức độ khác nhau, và mỗi vấn đề trong đó đều có thể phản chiếu sự đa diện của Đạo như viên kim cương phản chiếu ánh sáng. Đạo Đức Kinh siêu vượt khỏi những biên giới nhân sinh tương đối về lịch sử và văn hóa, thời gian và không gian. Chúng ta hay thử đi vào khu vườn cực kỳ phì nhiêu phát sinh từ những hạt giống mạnh mẽ trong từng ngôn từ của Lão Tử.

Lão Tử mô tả công dụng và chức năng của cái trống không đối với hình thể và sự phụ thuộc của tất cả mọi vật vào những cái trống không:

Ba mươi tay hoa cùng quy vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa lớn và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được. Vậy khi chúng ta sử dụng cái “có”, chúng ta cần nhận ra sự hữu dụng của cái “không”.

Tính ưu thắng của cái “không” đối với cái “có”, sự tĩnh tại đối với sự hoạt động, cũng như các mối hệ thuộc lẫn nhau không thể chia tách được của chúng, là ý tưởng quan trọng nhất trong nhiều hệ tư tưởng Đông phương. Tuy nhiên, đa số người Tây phương vốn đã thích ứng với những hình trạng cụ thể và sự hoạt động, họ cảm thấy khó mà nắm bắt được ý tưởng này. Nhung cách thức mà Lão Tử trình bày nó thì ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được, vì những tư tưởng của ông được rút ra từ những quan sát thuần túy và đơn giản, không phải từ những biện luận trừu tượng chỉ có lý bề ngoài. Sự quan sát thiên nhiên luôn luôn là phương pháp tìm kiếm, khám phá hàng đầu của Đạo giáo, và một sự quan sát như thế rõ ràng đã cho chúng ta thấy rằng bức tranh đầy đủ phải bao gồm “cái không có” lẫn “cái có” và rằng sự ích dụng của bất cứ vật gì cũng đều bắt nguồn từ sự thống nhất của những cái đối lập.

Nước là một hình ảnh ưa thích của Lão Tử, và nó luôn tồn tại như một biểu tượng tinh túy của Đạo. Cũng như cái trống không, nước lưu chuyển gần như không trông thấy được, vậy mà nó chứa nhiều sức mạnh hơn cả những yếu tố đối lập với chính nó.

Không có gì dưới bầu trời này mềm mại hơn nước Nhưng khi nó công phá các vật cứng rắn và đề kháng lại nó Thì không gì có thể lướt thắng nó nổi Rằng sự mềm mại đánh bại sự đề kháng Và sự nhu thuận chiến thắng sự cứng rắn Đó là điều mà ai cũng biết

Nhưng không ai áp dụng cho mình

Đây là một dẫn chứng thú vị về sự đa nghĩa ẩn giấu trong mỗi dòng chữ của Đạo Đức Kinh. Trước nhất, đoạn văn này tiêu biểu cho một lối diễn đạt tự nhiên, đơn giản của triết lý Đạo giáo. Nó đồng nhất Đạo với sự nhu thuận, uyển chuyển và sức mạnh bất kháng của nước. Thứ hai, nó là một bài học rõ ràng về tình dục, minh họa cho ý tưởng một người đàn bà chiến thắng người đàn ông bằng cách nhượng bộ sự đam mê ào ạt của chàng; dùng sự mềm mại của mình để áp đảo và nhấn chìm sự cứng rắn của chàng. Thứ ba, các võ sĩ Trung Hoa thường lấy đoạn văn này ra để giảng giải về những tính chất ưu việt của “nhu pháp” Thái Cực Quyền theo truyền thống Trung Hoa so với “cương pháp” Thái Cực Đạo của Nam Triều Tiên và Karate của Nhật Bản.

Lão Tử ca tụng nước còn vì một lý do khác, đó là vì nước mang lợi ích cho tất cả các sinh vật mà không nhận một đáp đền nào cả. Thật vậy, sau khi dâng tặng nguồn sống cho con người và loài vật, nước hoàn toàn bằng lòng thu mình ẩn náu ở những nơi thấp nhất, tối tăm nhất trên mặt đất. Từ trên trời, nước làm mưa rơi, và khi việc đã xong, nó chảy xuống những hốc sâu:

Sự tối thiện thì giống như nước Nước giúp ích vạn vật Mà không tranh giành sự chú ý Bằng lòng ở vào những chỗ ai cũng khinh mạn

Chính vì vậy mà nước rất gần với Đạo

Về mặt liên tưởng, đoạn văn này cũng hàm ý nói đến đức tính ưu trội của những vật tượng trưng cho nước. Như giới nữ [hoặc giống cái] của các chủng loại; nó mang đến sự sống cho vạn vật thông qua việc sinh đẻ và dưỡng dục, nhưng chính nó lại không tranh giành sự quan tâm trong khi làm việc đó.

Liên hệ gần gũi đến hình ảnh của nước là khái niệm “mềm mại” và tất cả những hàm ý của nó:

Người ta sinh ra thì mềm yếu Khi chết mới đờ cứng Cây cỏ vạn vật mới sinh thì mềm dịu Khi chết khô cằn Thực vậy, cứng mạnh là con đường chết Yếu mềm là con đường sống Thế nên binh mạnh ắt bị tan rã Cây cứng ắt bị đốn Thực vậy, cứng mạnh thì ở dưới Yếu mềm thì vươn lên trên
Trên đây là một đoạn văn khác được các chuyên gia võ thuật nhu pháp Trung Hoa ưa thích. Nó tán dương những đức tính bất đề kháng, nương theo chiều gió. Hai dòng cuối rõ ràng âm vọng tinh thần tín ngưỡng của Thiên Chúa giáo: “Người khiêm tốn hiền lành sẽ thừa hưởng trần gian này”.

Lão Tử sống trong suốt một trường kỳ hỗn loạn của lịch sử Trung Hoa được nhớ tới như thời Chiến Quốc. Lúc bấy giờ hàng chục lãnh chúa tiểu quốc bày mưu tính kế tranh giành quyền lực, các vương quốc nổi lên rồi suy tàn như sóng biển, với những liên minh hình thành trong đêm tối để rồi tan rã khi bình minh tới, và chiến tranh lan tràn trên khắp lãnh thổ.

Giai đoạn sau của thời kỳ này, thời sôi động trí thức, được gọi là Kỷ nguyên Bách Gia Chư Tử. Nhiều triết gia vĩ đại xuất hiện, trong đó có Khổng Tử, người đã đi lang thang từ nước này sang nước khác với nỗ lực thuyết phục các vị vua hiếu chiến tiếp thu triết thuyết hòa dịu của ông làm quốc sách, nhưng vô ích.

Là người cùng thời với Khổng Tử, lẽ tự nhiên Lão Tử cũng có nhiều điều để nói về chính trị mặc dù ông diễn đạt những ý tưởng của ông cách riêng bằng phép ẩn dụ tài tình. Thông qua Đạo Đức Kinh, ông chế nhạo những lý tưởng trịch thượng như lòng nhân từ, sự ngoan đạo, sự trung thành; ông coi các công ước xã hội như một sự quỷ quyệt được áp dụng trên bình diện rộng lớn; ông nhạo báng cái khái niệm xem con người có thể bị cai trị bằng ý thức hệ. Ông chỉ ra rằng chính cái nhu cầu cai trị bằng luật pháp và đe dọa trừng phạt cho thấy xã hội đó đã bước vào giai đoạn tiêu vong. Con người ở khắp mọi nơi đều như nhau. Lão Tử cho rằng, thói thường, khi hạnh phúc và khỏe mạnh, họ đối xử với nhau bằng thiện chí và lòng trân trọng, nhưng khi rơi vào nghèo đói và bị áp bức, theo bản năng, họ trở nên hung bạo và vô kỷ luật. Vì lẽ hầu hết các nhà cai trị luôn để cho thần dân của họ ít hay nhiều ở trong tình trạng thường xuyên nghèo đói và bức bách, nên họ thấy cần thiết phải áp đặt những câu thúc trái tự nhiên gồm luật lệ và hình phạt để họ có thể trị vì lâu dài. Thậm chí lố bịch hơn nữa, để biện minh cho vai trò đặc quyền của mình, họ tự cho mình là những con người ưu việt về mặt đạo đức.

Nhà hiền triết đích thực cai trị dân chúng “bằng cách dưỡng dục họ nhưng không tuyên bố mình có quyền lực đối với họ”, và bằng cách loại trừ những nguyên nhân tranh chấp hơn là trừng phạt khi xảy ra hậu quả:

Nếu chúng ta đừng trọng kẻ hiền tài Sẽ không có sự ghen tranh trong dân chúng Nếu chúng ta thôi đánh giá cao những vật khó tìm

Sẽ không có trộm cắp nữa…

Cho nên người lãnh đạo sáng suốt cai trị dân mình bằng cách “làm cho tâm trí họ trống không và làm cho bụng họ no đầy”. Hầu hết các học giả và dịch giả đã diễn đạt đúng nhưng chưa đủ đoạn văn này khi cho rằng cách tốt nhất để trị dân là để cho họ no đủ và để mặc họ dốt nát. Thật ra, làm cho tâm trí trống không [hư kỳ tâm] là một cụm từ cổ Trung Hoa, liên hệ tới một kỹ thuật truyền thống được sử dụng trong lối suy tưởng Lão học hòng đạt được mục đích là hoàn toàn tẩy rửa sạch ra khỏi đầu óc những ý nghĩ lan man, để cho sự nhận thức trực giác về Đạo có thể hiện lên một cách tự phát. Một tâm trí rối bời sẽ làm che khuất Đạo, trong khi đó một “hư tâm” lại phản chiếu Đạo như một tấm gương. Do vậy, bậc cai trị khôn ngoan luôn cố gắng giữ cho tâm trí của thần dân mình càng trống vắng mọi ý tưởng và ham muốn nhân tạo càng tốt, vì chúng chỉ làm cho con người bối rối, chúng tạo ra những xung đột và làm phân tán sự chú tâm về Đạo.

Trị dân bằng cách “làm no bụng họ” không chỉ là xóa bỏ nguồn gốc mọi phân tranh, nó còn nhấn mạnh đến tính ưu việt của loại “thức ăn dinh dưỡng”, chế độ ăn kiêng vượt trên giáo điều. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, “làm no bụng họ” cũng liên hệ đến chế độ thở theo Đạo giáo, tức là hơi thở được đẩy sâu xuống bụng bằng sức ép của cơ hoành, một kỹ thuật đòi hỏi người thực hành phải “hư kỳ tâm” để tập trung vào việc “làm đầy bụng” bằng hơi thở.

Sự đa nghĩa và sự linh hoạt trong ngôn ngữ như được đơn cử, có rất nhiều trong Đạo Đức Kinh. Một trong những lời bình luận về chính trị sắc bén và quyến rũ nhất trong sách có liên quan đến mối bang giao giữa các đại vương quốc mà ngày nay chúng ta hay gọi là “siêu cường”.

Một đại vương quốc phải giống như miếng đất thấp để cho mọi dòng nước chảy tới… Phải là một điểm hội tụ giao lưu của muôn vật trong trời đất Phải đóng vai trò của giống cái để xử sự với mọi việc trong đời sống Bằng sự tĩnh lặng, giống cái chinh phục giống đực Bằng sự tĩnh lặng, giống cái xuống ở dưới thấp…
Đây là hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Trung Hoa hàng ngàn năm trước đây. Từng bị rợ Tác Ta, Mông Cổ và Mãn Châu chiếm đóng, nước Trung Hoa nhẹ nhàng nằm xuống và chịu “hạ mình” quyến rũ những kẻ xâm lăng man rợ bằng sự hấp dẫn không cưỡng được của thực phẩm và quần áo, hội họa và thi ca, âm nhạc và vũ đạo, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là phụ nữ Trung Hoa. Thay vì lấy lửa chống lửa, Trung Quốc đã lấy nước chống lửa và chiến thắng, biến những kẻ chinh phục sắt đá thành một đống cát. Về sau, trong khi Trung Quốc còn tồn tại và phát triển thì những kẻ xâm lược nó lần lượt biến mất khỏi sân khấu lịch sử. Đó là những lợi ích khi đóng vai giống cái trong quan hệ đối ngoại.

Mặc dù Đạo Đức Kinh được viết trước Thiên Chúa giáng sinh nhiều thế kỷ và trong một hoàn cảnh văn hóa hoàn toàn khác xa với phương Tây, nó vẫn mang những điểm tương đồng đáng chú ý khi đối chiếu với Tân Ước, và có lẽ điều này đã giải thích tại sao nó hấp dẫn và phổ biến không ngừng ở phương Tây. Ví dụ, trong Tân Ước, thánh Lu-ca khuyên: “Hãy đối xử tốt với kẻ thù ghét ngươi”, thì ở thiên 63 Đạo Đức Kinh, Đạo đề nghị: “Hãy lấy đức hạnh mà báo oán”. Thánh Mát-thêu nói: “Kẻ nào cầm gươm sẽ phải chết vì gươm”. Tư tưởng này hoàn toàn nhất trí với những dòng nằm ở thiên 42 của sách Lão Tử: “Kẻ hung bạo sẽ chết cái chết hung bạo”.

Xung đột chỉ có thể xảy ra khi người ta dựng nên những ranh giới cứng nhắc, võ đoán giữa những cái đối lập và rồi khăng khăng bảo vệ nó: ranh giới giữa đàn ông và đàn bà; giữa quốc gia này với quốc gia kia; giữa thiện và ác… Bằng cách xóa bỏ những ranh giới để cho những lực lượng đối lập gặp gỡ, tan hòa vào nhau và chấp nhận nhau, để cho hai bên trở thành một và lập nên một cân bằng tự nhiên, từ đó nguồn gốc của mọi xung đột tự động sẽ bị triệt tiêu. Như chúng ta sẽ thấy trong khi khám phá những phương diện khác nhau của Đạo giáo, sự cân bằng và hòa điệu giữa những cái đối lập làm thành chiếc chìa khóa triết học mở ra tất cả những huyền nhiệm.

Mai Sơn dịch

Nguồn: Tiểu luận này là chương dẫn nhập của cuốn The Tao of Health, Sex and Longevity: A Modern Practical Guide to the Ancient Way [Alaska: Fireside Books, 1989].

__________________

Ghi chú của dịch giả:

Những đoạn thơ trong bản dịch này chúng tôi dựa theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Duy Cần.

Những lợi ích của tri túc

Ngày nọ, một ông vua đến viếng thăm Bụt và đặt một câu hỏi: “Khi trẫm nhìn vào những đệ tử của ngài, trẫm cảm nhận được sự bình an, sự vui vẻ và màu da chói sáng của họ. Trẫm cũng nghe rằng họ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nhưng thực sự trẫm không thể nào hiểu nổi làm sao họ có thể duy trì một đời sống như thế này?”. Bụt đã trả lời vị quân vương này thật tuyệt mĩ:

“Các đệ tử của Như Lai không hối hận về những gì có lẽ đã làm trong quá khứ nhưng chỉ tiếp tục làm nhiều và nhiều hơn nữa những thiện nghiệp. Thật không thể bằng sự hối lỗi dày vò, cầu nguyện hay van vỉ mà chỉ bằng việc làm tốt đẹp như giúp đỡ người khiến ai đã phạm tội lỗi trong quá khứ vượt qua được [cảm giác] tội lỗi. Đệ tử của Như Lai không bao giờ lo lắng về tương lai. Họ bằng lòng với những gì mà họ nhận được, và đây chính là đức tính biết đủ. Họ cũng không bao giờ nói rằng điều này thứ kia là không đủ cho họ. Đây là cách sống của họ. Do đó họ có thể duy trì một trạng thái bình an, vui vẻ và tỏa sáng hào quang chính là kết quả của sự tri túc.”

Bất cứ ai cũng có thể thử duy trì sự vui vẻ này bằng cách tri túc – biết đủ. Nếu có ai đó hỏi rằng tại sao chúng ta không thể bằng lòng với đời sống của chúng ta mặc dù chúng ta có nhiều thứ hơn là chúng ta cần, thì câu trả lời đúng đắn là gì? Câu trả lời đúng đắn nên là: “Chúng ta không có sự biết đủ”. Nếu chúng ta quả thật có sự tri túc thì chắc chắn là ta không bao giờ nói rằng chúng ta không bằng lòng với điều này hay với điều kia. Chúng ta không thể thỏa mãn với chính mình vì sự xung đột giữa lòng tham không đáy của chúng ta với định luật vô thường.

Một trong những lời khuyên tốt nhất của Bụt cho chúng ta để thực hành như một nguyên tắc sống là “Tri túc là tài sản lớn nhất”. Một người giàu có thì không nhất thiết là một người giàu về tiền bạc, của cải vật chất.

Một kẻ giàu có thì thường xuyên lo sợ cho mạng sống của y. Y thường xuyên ở trong trạng thái nghi ngờ và sợ hãi, nghĩ rằng người ta đang chờ đợi để bắt cóc y! Một kẻ giàu sụ không dám đi ra ngoài mà không có cảnh vệ, và mặc dù đã có rất nhiều cổng sắt và ổ khóa trong nhà, y vẫn không thể ngủ an giấc mà không bị quấy rầy bởi sợ hãi và lo lắng.

Hãy xem, một người tri túc thì quả là một người rất may mắn bởi vì tâm anh ta không phải vướng bận những quấy rầy kia. Anh ta quả là giàu. Vậy thì, thế nào thì được gọi là tri túc? Khi ai đó nghĩ “chừng này cũng đủ cho tôi và cho gia đình tôi và tôi không muốn gì hơn nữa”, đó chính là sự tri túc. Nếu mọi người đều nghĩ được như thế này thì quả là không có vấn đề gì. Khi chúng ta duy trì sự tri túc này, ganh ghét có thể sẽ không bao giờ khống chế tâm chúng ta và bởi vậy chúng ta để mặc cho người khác thụ hưởng đời sống của họ. Nếu không có sự ganh ghét thì sân hận cũng không thể sinh khởi. Nếu không có sân hận thì không có bạo động, đổ máu và mọi người đều có thể sống một cách hòa bình.

Một đời sống tri túc luôn cho ta hy vọng và sự tự tin. Đây không phải chỉ là lý tưởng. Đã hơn 25 thế kỷ chư Tăng ni trong giáo pháp của Bụt đã sống một cách hòa hợp như vậy. Họ chỉ có tứ vật dụng là thức ăn, y áo, chỗ ở và thuốc chữa bệnh. Không có ai cần gì nhiều hơn để sinh tồn. Và nhiều Phật tử, họ đã sống một cách rất tri túc, không cho phép tham lam khống chế những gì là căn bản cần thiết. Quả đáng ngạc nhiên, để trở thành tri túc, chúng ta chẳng cần bao nhiêu.

Theo Ven. Dr. K Sri Dhammananda Thera, Sư cô Pháp Hỷ dịch
Tạp chí Phật học

Video liên quan

Chủ Đề