Trình bày cảm nhận của anh chị về bài thơ Nhàn

Cảm nhận bài thơ Nhàn

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ nổi tiếng của văn học trung đại, cũng là một bậc ẩn sĩ với lẽ sống thanh cao, không vướng bụi trần, Nhàn chính là một trong những bài thơ thể hiện rất rõ quan niệm sống, triết lý nhân sinh của nhà thơ.

“Một mai một cuốc một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Để ý thấy, nhịp thơ 2/2/3, với giọng điệu chậm rãi, âm điệu nhẹ nhàng, gợi ra cuộc sống an nhàn thanh thản của nhà thơ nơi thôn dã. Điệp từ một xuất hiện với tần suất dày đặc cho thấy tất cả đã sẵn sàng, chu đáo. Hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trong câu thơ trên giống như một lão nông tri điền và một bậc tao nhân mặc khách, ông cáo quan về ở ẩn, tránh xa chốn quan trường bụi bặm về ẩn nơi thôn dã vui với thú điền viên, hòa mình với thiên nhiên cảnh vật. Từ “thơ thẩn” dã toát lên phần nào tư thế và tâm thế của nhân vật trữ tình, thoải mái, ung dung tự tại mà cũng đầy kiêu ngạo như một lời thách thức với đời rằng mặc ai vui thú nào, ta đây vẫn say sưa với thú điền viên, với thú an nhàn, qua đó phần nào giúp ta thấy được sự gắn bó của nhà thơ với nông thôn, với cuộc sống dân dã, bình dị đời thường. Khi ấy, có thể khái quát ngắn gọn “nhàn” ở trong hai câu thơ mở đầu này là ung dung trong phong thái, thảnh thơi trong tâm hồn, vui với thú điền viên.

Sang đến hai câu tiếp theo, những quan điểm mới mẻ của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tiếp tục được hé mở:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Nơi vắng vẻ là nơi ít người, là chốn quê dân dã bình yên, cuộc sống thanh nhàn vô âu, vô lo, nơi tâm hồn con người được hòa nhập với thiên nhiên, thư thái không vướng bận vào vòng danh lợi. Ngược lại, chốn lao xao là chốn quan trường với những ganh đua, ganh ghét, là cửa ải danh lợi ồn ào, phiền não. Như vậy, có thể thấy ở đây nhà thơ sử dụng lối nói ngược mang hàm nghĩa mỉa mai: Người khôn vậy mà cứ đến chốn lao xao sống, như con thiêu thân lao đầu vào ngọn đèn. Họ có biết đâu ở đấy đầy rẫy những ganh đua, đố kị, mưu sâu kế hiểm thâm độc, sống ở đó con người luôn luôn phải mệt mỏi, phải suy nghĩ đắn đo, vạch mưu tính kế, liệu có vui sướng được chăng? Hóa ra, cái dại của nhà thơ lại là cái dại khôn. Cái khôn của người hóa ra là cái khôn của dại. Cái dại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Đại trí như ngu”- cái dại của kẻ hiểu được quy luật vần xoay của thế sự nhân sinh:

“Dưới công danh đeo khổ nhục

Trong dại dột có phong lưu”

Như vậy, triết lí nhàn ở trong hai câu thơ thực lại là nhàn gắn với sự thanh cao, không bị vướng vào vòng danh lợi, đấu đá luẩn quẩn.

Tiếp đến hai câu luận, triết lí “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại mang những cảm nhận sâu sắc, mới mẻ hơn:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Qua hai câu thơ, có lẽ người đọc đều nhận ra những hình ảnh dân dã quen thuộc, bình dị của chốn thôn quê. Trở về với thiên nhiên, với xóm làng, tác giả thật sự hòa mình với cuộc sống thôn quê, cuộc sống của người nông dân chất phác đôn hậu, cuộc sống thanh đạm an nhàn. Mùa nào thức nấy, chẳng cần phải lo lắng, bon chen. Như vậy, nhàn trong hai câu luận là sống thuận theo tự nhiên.

Đến câu kết, dường như toàn bộ tâm tư phía trên của nhà văn mới được bộc lộ trọn vẹn:

“Rượu, đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Trong câu thơ trên, có sử dụng điển tích chỉ phú quý công danh chỉ là ảo mộng, chỉ là áng phù vân trôi nổi, có rồi lại mất như một giấc mộng mà thôi. ở đây từ đó ta có thể thấy thái độ coi thường phú quý, vinh hoa, xem chúng chỉ là những điều phù phiếm thoáng hiện rồi lại vụt bay. Đó quả thực là một thái độ sống rất đáng trân trọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi ông sống trong chế độ phong kiến khủng hoảng, nền tảng đạo đức bắt đầu rạn nứt, thời đại con người lấy tiền ra để đo mọi thứ. Trong lúc xã hội đảo điên vì thứ vật chất phù phiếm, nhất thời, ông tỏ thái độ xem thường tất cả. Đó chính là cánh cửa hé mở cho người đọc thấy thái độ muốn tìm đến với sự thanh cao, khước từ phú quý lợi lộc ảo vọng.

Bài thơ tuy ngắn gọn, nhưng đã gửi gắm phần nào nỗi niềm sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời là những bài học về chân giá trị vĩnh hằng cho hậu thế.

Bài làm

Cảm nhận của em về bài thơ Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm [1491 – 1585] là người có học vấn uyên thâm. Ông là một nhà thơ lớn đã có những đóng góp rất nhiều cho nền văn học nước nhà. Khi ông mất đã để lại hai tập thơ nổi tiếng đó là: “Bạch Vân am thi tập” và “Bạch Vân Quốc ngữ thi”. Trong đó, bài thơ để lại ấn tượng nhất đó chính là bài thơ "Nhàn" được trích từ tập "Bạch Vân Quốc ngữ thi". Bài thơ đã ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn đồng thời qua đó ta có thể thấy được triết lí sống và nhân cách tốt đẹp của nhà thơ.

Ngay đầu bài thơ, tác giả giới thiệu cho người đọc về hoàn cảnh, cuộc sống của mình ở Bạch Vân Am.

Một mai một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

 “Mai” để đào đất, “cuốc” để xới đất, “cần câu” – đây đều là những vật dụng rất quen thuộc với đời sống nhà nông. Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là một quan lớn triều Mạc, được phong tới tước Trình Quốc công, vậy mà bây giờ qua về cuộc sống dân dã, tự cung tự cấp. Bên cạnh đó tác giả còn dùng biện pháp điệp số từ “một” thêm vào những công cụ trên. Cách đếm rất rành rọt cho thấy tất cả mọi thứ đã được thi nhân chuẩn bị sẵn sàng chu đáo cho cuộc sống nông điền này. Đến với cuộc sống mới với sự ung dung, thanh thản. Đồng thời từ “ thơ thẩn” trong câu thơ thứ hai càng nhấn mạnh, khắc họa rõ nét hơn dáng vẻ, tư thế của 1 người đang ngồi ung dung chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời của tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo ông về ở ẩn. Và từ “ vui thứ nào” cũng 1 lần nữa nói lên đề tài của bài thơ là về cảnh nhàn dẫu cho ai có bon chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn muốn chọn cho mình sống nhàn không màng lợi danh. Thức ăn cuộc sống hằng ngày của nhà thơ vô cùng đạm bạc, sinh hoạt dân dã theo mùa: “thu ăn măng trúc”, “đông ăn giá” Trước mắt người đọc hiện ra là một bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với 4 mùa xuân – hạ – thu – đông, có mùi vị, có hương sắc, có nước trong, có hương thơm thanh quý. Cuộc sống tuy đạm bạc, giàn dị nhưng lại vô cùng thanh cao. Cuộc sống này gợi cho ta nhớ cuộc sống của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn qua bài thơ “Côn Sơn ca”. Có thể tóm tắt nội dung “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi bằng một chữ “nhàn”. Chữ ấy hơn một trăm năm sau lại trở thành một phương châm, một lẽ sống, một thi đề của một lớp nhà nho mà Nguyễn Bỉnh Khiêm là một đại diện tiêu biểu. Hai nhà thơ sống cách nhau gần hai thế kỉ nhưng lại có một hoàn cảnh, một quãng đời, một tấm lòng, một lẽ nhân sinh rất gần nhau.

>> Xem thêm:  Dẫn chứng về lòng tự trọng, bài văn nghị luận về lòng tự trọng

Cảm nhận của em về bài thơ Nhàn

Nếu như hai câu thơ đề và luận đã cho ta thấy được cuộc sống hiện tại của nhà thơ thì ai câu thơ thực lại cho ta thấy được vẻ đẹp trong nhân cách của nhà thơ. Điều đó được thể hiện qua quan điểm của ông về quan điểm sống.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người dến chốn lao xao

Tác giả tự nhận mình là người “dại” bởi đã tìm tới “nơi vắng vẻ” trái hẳn với mọi người thông thường thích tìm tới chỗ “lao xao”. Chỗ “lao xao” mà nhà thơ  Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nhắc tới ở đây chính là chốn quan trường, đường danh huyên náo. Nơi con người chen chúc xô đẩy, vì giành giật những lợi danh mà không từ thủ đoạn hãm hại lẫn nhau, nhiều nguy hiểm khôn lường. Tác giả tự nhận mình là “dại” nhưng thực chất đó chính là cách nói ngược với giọng nói mỉa mai. Ông tự nguyện làm người “dại”, mặc kệ những ai cho mình “khôn”. Họ cứ lao mình bất chấp hiểm nguy  vì những thứ danh lợi phù phiếm còn riêng tác giả vừa tỉnh táo vừa thông tuệ. “Dại” ở đây lại hóa thành “khôn” còn “khôn” ở đây lại hóa thành “dại”. Cái khôn của người thanh cao là quay lưng lại với danh lợi, tìm sự thư thái cho tâm hồn, sống ung dung hòa nhập với thiên nhiên. Nhưng có nhiều người nghĩ lối sống của nhà thơ là lối sống xa đời và vô trách? Thật sự có phải như vậy không? Điều đó là không đúng. Nếu như đặt mình trong hoàn cảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta có thể hiểu được điều này. Do Nguyễn Bỉnh Khiêm có hoài bão muốn giúp vua làm cho trăm dân ấm no hạnh phúc nhưng triều đình lúc đó đang đấu đá tranh giành quyền lực không màng tới cuộc sống của dân chúng. Nhân dân đói khổ lầm than, cơ cực. Còn tất cả các ước mơ hoài bão của ông mong sẽ giúp dân không được xét tới.Vậy nên Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết rời bỏ “ chốn lao xao “ là điều đáng trân trọng, là việc làm rất đúng đắn.

>> Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về tác giả Nguyễn Du- Văn lớp 10

Hai câu thơ kết:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.

Nhà thơ đã rất taì tình khi sử dụng điển tích, điển cố với giọng điệu thơ nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng thâm thúy. Tác giả nhận thức được công danh, của cải, phú quý chỉ là giấc mộng phù phiếm. Tư tưởng này của ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Lão Trang, ở cái vô vi của nó. Ở trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cuộc đời ông thì quan niệm sống ấy là tích cực, là cách chống lại chế độ đương thời. Cảm nhận quy luật của cuộc đời một cách tỉnh táo, uyên thâm để chọn cho mình một lẽ sống nhàn.

Bài thơ là những trải lòng của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm về chiêm nghiệm cuộc sống, về triết lí “nhàn” – triết lí sống tìm yên vui, lạc thú cho bản thân tránh những sự đấu tranh, giành giật danh lợi phù phiếm xa hoa. Bài thơ cho người đọc cảm nhận được một nhân cách đẹp, một trí tuệ thông tuệ khiến cho người khác phải ngưỡng mộ.

Họa Tâm

Video liên quan

Chủ Đề