Việc hợp tác giữa Việt Nam và EU đã có ý nghĩa như thế nào với hai bên

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU đã trải qua tròn 30 năm vun đắp và phát triển. Trên chặng đường dài ấy, với sự nỗ lực không ngừng của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mối quan hệ Việt Nam - EU đã gặt hái những "trái ngọt", hứa hẹn mở ra chân trời mới cho hợp tác song phương.

Trong 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến nhiều dấu mốc đáng nhớ. Năm 2012, hai bên ký Hiệp định khung Ðối tác và Hợp tác toàn diện [PCA], tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để mở rộng quan hệ Việt Nam - EU theo hướng đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU [EVFTA] và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU [EVIPA] được ký ngày 30-6-2019 đã mở ra một chương mới tươi sáng hơn nữa trong quan hệ hợp tác song phương. Các hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội "vàng" để hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế liên khu vực Á - Âu. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] Vũ Tiến Lộc từng nhấn mạnh, với việc hai hiệp định EVFTA và EVIPA được ký, chúng ta cùng hướng tới một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững hơn cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - EU không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều hằng năm. EU là đối tác thương mại lớn thứ năm và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư EU. Tính đến tháng 10-2020, đã có 25 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 2.214 dự án, tổng vốn đăng ký là 22,14 tỷ USD. Các nhà đầu tư của các nước EU đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, thông tin và truyền thông... Ðây là những ngành có công nghệ cao, sản phẩm sạch, tận dụng ưu thế về khoa học kỹ thuật, hàm lượng chất xám lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và rất cần cho Việt Nam.

EU cũng là một trong những nhà tài trợ lớn của Việt Nam. Trong giai đoạn 2014 - 2020, viện trợ không hoàn lại của EU tập trung vào hai lĩnh vực là năng lượng và quản trị công. Trong lĩnh vực năng lượng, EU đặc biệt chú trọng năng lượng bền vững và sử dụng hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, trong năm 2020, EU đã cung cấp 60.000 ơ-rô viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khoản hỗ trợ đã giúp đỡ trực tiếp 24.000 người tại những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề tại khu vực, đồng thời hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cũng như tổ chức các hoạt động cải thiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe dành cho hộ gia đình chịu ảnh hưởng lớn do thiếu nước sạch.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp, tư pháp… cũng phát triển tốt đẹp. Trong những năm qua, EU đã viện trợ cho Việt Nam nhiều chương trình, dự án để tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, kế hoạch y tế ở cấp quốc gia và tại địa phương, như các dự án hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người nghèo các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên, nâng cao năng lực ngành y tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng trên khắp các châu lục, trong đó có châu Âu, Chính phủ Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình để tặng Pháp, Ðức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha... khẩu trang, giúp các nước EU có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe người dân. Các nước đều gửi lời cảm ơn sâu sắc và bày tỏ xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, dù cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ở Việt Nam. Ðây là thông điệp ý nghĩa về tình đoàn kết Việt Nam gửi đến Chính phủ và nhân dân các nước EU trong cuộc chiến cam go với dịch Covid-19.

Trong suốt 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam với EU, cũng như với từng nước thành viên EU, đã phát triển ngày một mạnh mẽ, sâu sắc hơn, thu được nhiều thành quả tích cực. Ðây chính là tiền đề vững chắc mở ra chân trời hợp tác mới giữa Việt Nam và EU trong tương lai, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và phát triển của hai bên, cũng như của hai khu vực Á - Âu.

Mục lục bài viết

  • 1.Lịch sử mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu [EU]
  • 2.Cam kết của EU tại Đông Nam Á và chiến lược ‘châu Âu toàn cầu’
  • 3.Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU [FTA Việt Nam-EU]
  • 4.Giảm thuế quan
  • 5.Rào cản phi thuế quan [NTBs]

1.Lịch sử mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu [EU]

Cho tới năm 1992, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU mới thực sự bắt đầu, khi Việt Nam và Cộng đồng châu Âu [nay là EU] kí kết Hiệp định dệt may - một trong những thoả thuận thương mại đầu tiên của Việt Nam với đối tác ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hai năm trước đó, Cộng đồng châu Âu đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầu tiên với Việt Nam thông qua việc hỗ trợ phát triển cho một nền kinh tế mới thực hiện tiến trình cải cách. Hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai đối tác ngày càng được thắt chặt. Ngày 17/7/1995, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu đã kí kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/6/1996, thiết lập mối quan hệ kinh tế giữa hai đối tác dựa trên bốn mục tiêu: [i] Tăng cường thương mại và đầu tư song phương; [ii] Hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam và nâng cao điều kiện sống cho người nghèo; [iii] Hỗ trợ cho nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam nhằm tiến tới nền kinh tế thị trường; [iv] Bảo vệ môi trường. Xét về triển vọng thương mại, thành tựu quan trọng nhất của Việt Nam là giành được MFN đối với hàng xuất khẩu, nhờ đó giảm được rào cản thương mại đáng kể cho những nhà sản xuất của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU, thông qua đó tăng cường luồng thương mại giữa hai bên. Hiệp định đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-EU, tạo ra diễn đàn thảo luận cấp cao về phát triển kinh tế và chính trị giữa Việt Nam và EU. Uỷ ban này sẽ thảo luận về biện pháp tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực của Việt Nam, tăng cường cải cách thể chế và quản lí, đẩy mạnh hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ. Trong khuôn khổ hợp tác, EU đã và đang hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế thông qua nhiều dự án và các chương trình phát triển. Một trong những lĩnh vực trọng điểm là thương mại quốc tế. Theo đó, một trong những dự án nổi bật nhất đó là Dự án hỗ trợ thương mại đa biên [viết tắt là ‘MUTRAP’], đã được thực hiện đến giai đoạn III, tính đến năm 2012, tạo tiền đề cho Việt Nam gia nhập WTO. EU luôn ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời EU cũng là đối tác đầu tiên của Việt Nam trong các vòng đàm phán song phương tại WTO. Đây là kết quả của quá trình hợp tác thương mại ngày càng sâu rộng giữa hai đối tác. Đến năm 2004, Việt Nam và EU đã kí Hiệp định tiếp cận thị trường, theo đó loại bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp của EU. Việt Nam đã gia nhập WTO ngày 11/1/2007. Kể từ đó, mối quan hệ thương mại giữa hai đối tác chịu sự điều chỉnh của luật WTO. Tuy nhiên, hai đối tác vẫn tăng cường hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề thương mại. Nhân dịp chuyến viếng thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu từ ngày 25 đến ngày 27/11/2007, Việt Nam và EU đã tăng cường mối quan hệ song phương thông qua việc khởi động quá trình đàm phán Hiệp định về đối tác và hợp tác toàn diện [‘PCA’]. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2008, và đến tháng 7/2009, Việt Nam và EU đã hoàn thành bốn vòng đàm phán. Tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 tại Bỉ, ngày 4/10/2010, Việt Nam đã kí Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện với EU.

2.Cam kết của EU tại Đông Nam Á và chiến lược ‘châu Âu toàn cầu’

EU đã và đang kí kết hiệp định thương mại ưu tiên với nhiều nước. Năm 2007, Uỷ ban châu Âu triển khai chiến lược thương mại mới với tham vọng đàm phán các FTAs với nhiều đối tác chiến lược. Uỷ ban châu Âu đã chính thức thiết lập chiến lược châu Âu mới với thông điệp ‘châu Âu toàn cầu - cạnh tranh trên thế giới’, như là một chính sách thương mại mới của EU. Trong khuôn khổ chính sách đó, một trong những ưu tiên của EU là kí những FTAs mới đầy tham vọng với các đối tác chiến lược. Về nội dung, mục tiêu của ‘châu Âu toàn cầu’ hướng tới những FTAs mạnh, toàn diện, theo mô hình ‘WTO+’. Thuế quan và các biện pháp hạn chế số lượng cần phải loại bỏ, và có thể sẽ áp dụng đối với ít nhất 90-95% dòng thuế quan và quy mô thương mại, nhằm tuân thủ yêu cầu của Điều XXIV GATT. Tự do hoá phải mở rộng ra cả lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư. Những điều khoản về thương mại dịch vụ phải phù hợp với yêu cầu tại Điều V GATS. Một hiệp định đầu tư mẫu của EU đã được dự tính và phát triển dựa trên sự hợp tác với các nước thành viên EU. Phải có những điều khoản ngoài những quy định của WTO về cạnh tranh, mua sắm chính phủ, IPRs và thuận lợi hoá thương mại, tiêu chuẩn lao động và môi trường. Quy tắc xuất xứ [‘RoO’] phải được đơn giản hoá. Nhìn chung, phải có các quy định điều chỉnh rõ ràng và hợp tác quản lí, đặc biệt là thảo luận về các NTBs, đồng thời phải tăng cường các nghĩa vụ minh bạch, các thoả thuận công nhận lẫn nhau, hài hoà hoá pháp luật, đối thoại về pháp luật và hỗ trợ kĩ thuật. Trên cơ sở chiến lược mới này, ngày 23/4/2007, Hội đồng châu Âu [Hội đồng bộ trưởng EU] đã uỷ quyền cho Uỷ ban châu Âu bắt đầu đàm phán một FTA với ASEAN. Các cuộc đàm phán chính thức được khởi động tại cuộc tham vấn giữa EU và các bộ trưởng kinh tế ASEAN diễn ra tại Brunây Đa-ru-xa-lam vào ngày 4/5/2007. Các cuộc đàm phán giữa EU và ASEAN được dự định diễn ra theo cách tiếp cận ‘khu vực-khu vực’, trong khi đó thừa nhận và có tính đến những mức độ phát triển và năng lực khác nhau của từng thành viên ASEAN. Do tiến trình đàm phán EU-ASEAN diễn ra chậm, nên tháng 3/2009, cả hai bên đã nhất trí thoả thuận hoãn vòng đàm phán. Ngày 22/12/2009, Uỷ ban châu Âu đã thông báo rằng các nước thành viên EU đã uỷ quyền cho Uỷ ban châu Âu tiến hành đàm phán các FTAs với từng nước thành viên ASEAN. Các cuộc đàm phán về FTA mới giữa Việt Nam và EU đã được khởi động trong khuôn khổ chiến lược mới này.

3.Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU [FTA Việt Nam-EU]

FTAs đã ngày càng trở thành công cụ chính sách thương mại tinh vi và phức tạp. EU đã bắt đầu sử dụng các FTAs một cách có hệ thống từ những năm 1990 để mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế đối với các nước láng giềng. Đồng thời, các FTAs cũng nhằm tới các vấn đề phi thương mại. Thế hệ các FTAs mới có thể được mô tả như những công cụ chính sách kinh tế đối ngoại chín muồi giúp giảm các rào cản thương mại một cách hiệu quả. Được đàm phán trong khuôn khổ của sáng kiến ‘châu Âu toàn cầu’, làn sóng các FTAs mới đã mang lại một trật tự pháp luật được cấu trúc một cách công bằng. Ngoài vấn đề thương mại cổ điển như thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ, các FTAs hiện đại còn bao gồm các quy định về môi trường, cạnh tranh, mua sắm chính phủ và đầu tư. Mục này sẽ mô tả nội dung chính của FTA trong tương lai và sẽ đưa ra những phân tích chính sách theo cách chúng sẽ được áp dụng trong bối cảnh quan hệ thương mại với Việt Nam.

4.Giảm thuế quan

Giảm thuế quan đã luôn là vấn đề cốt lõi của bất kì FTA nào và FTA Việt Nam-EU cũng không phải là ngoại lệ. Tuỳ thuộc vào đối tác thương mại trong FTA và đặc biệt là đối với các DCs, việc giảm thuế quan đối với ‘hầu hết thương mại’ luôn là vấn đề trọng tâm của các cuộc đàm phán. Tất nhiên, việc giảm thuế quan sẽ được cả hai bên thực hiện; nhưng Việt Nam sẽ phải chịu gánh nặng lớn hơn. Trên thực tế, khi xem xét mức thuế quan của EU đối với hàng hoá, có thể thấy rõ thuế quan áp đối với tất cả các sản phẩm đều thấp, trừ trường hợp duy nhất đáng chú ý là thuỷ sản và nông sản. Trong các cuộc đàm phán thương mại, châu Âu sẽ luôn duy trì các rào cản thương mại đối với nông sản và thuỷ sản ở mức cao, nhưng lại giảm thuế quan đối với các sản phẩm khác. Bởi vì các nước đối tác không thể chấp nhận sự bất cân xứng của các nhượng bộ thương mại, do đó EU thường thỏa hiệp về các vấn đề khác để cân bằng lại các nhượng bộ thương mại. Ví dụ, ngăn cản nông sản được trợ cấp của EU xâm nhập thị trường nội địa của Việt Nam. EU thường xuyên loại trừ hoặc hạn chế nghiêm ngặt nhượng bộ thương mại về các sản phẩm như thịt bò, đường, một loạt các sản phẩm sữa, một số ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc, gạo, một số loại hoa quả tươi và rau, một số hoa cắt cành và thuỷ sản. Các nhà đàm phán EU cũng sẽ dành cho các nước đối tác thời gian lâu hơn để đạt được tự do hoá theo lộ trình đối với thương mại hàng hoá. Về khía cạnh này, trong khi thông thường EU sẽ hoàn thành quá trình tự do hoá trong vòng 5 năm, Việt Nam có thể được gia hạn trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 năm. Việc loại bỏ thuế quan được thực hiện qua một giai đoạn chuyển tiếp để sản xuất nội địa có thể dần dần thích ứng với việc giảm thuế quan. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá cả thấp hơn và nhà xuất khẩu có thể tăng cường khả năng cạnh tranh.

5.Rào cản phi thuế quan [NTBs]

Trong bối cảnh chiến lược ‘châu Âu toàn cầu’ mới, EU tìm cách tiếp cận thị trường sâu rộng hơn thông qua việc loại bỏ các NTBs. Rào cản này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định, thủ tục kiểm tra và chứng nhận, và thường được phân loại thành rào cản kĩ thuật trong thương mại [‘TBT’] - áp dụng đối với hàng công nghiệp, và các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động-thực vật [‘SPS’] - áp dụng đối với động vật và sản phẩm từ động vật, thực vật và các sản phẩm thực vật. Các chi phí do NTBs gây ra là gánh nặng lớn, thường cao hơn so với thuế quan, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa [‘SMEs’]. Tuy nhiên, do hầu hết các NTBs đều hợp pháp, vì chúng theo đuổi các mục tiêu chính sách công cộng, nên thường khó xác định và loại bỏ chúng. Các FTAs hiện đại của EU bao gồm một hoặc nhiều phụ lục nhằm xử lí hiệu quả những rào cản này, và những rào khác được xác định như là những trở ngại quan trọng nhất để tiếp cận các thị trường nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan. Về bản chất, rất khó nhận diện và tiếp cận sâu vào thực tiễn quản lí của các đối tác thương mại. Do đó, các quy định về NTBs phần lớn chỉ có thể có giá trị thực tế khi được dựa trên mô hình pháp luật châu Âu. Trong bối cảnh của chiến lược NTBs, các FTAs của EU thường bao gồm một chương nhắc lại các quy định của Hiệp định TBT của WTO. Ngoài ra, các FTAs cũng ghi lại các điều khoản để hợp tác dựa trên các tiêu chuẩn và các quy định, và khi thích hợp sẽ thiết lập đối thoại giữa các nhà quản lí, với ý định đơn giản hoá và tránh sự mâu thuẫn không cần thiết về các yêu cầu kĩ thuật áp dụng cho sản phẩm. Hiệp định bao gồm cam kết cụ thể về thực hành quản lí tốt: minh bạch trong lập pháp, sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế nếu có thể, cho đối tác cơ hội để thảo luận về các quy định pháp luật trước khi thực hiện và cho đối tác đủ thời gian nhận xét và phê chuẩn. Tương tự, cam kết này cũng được áp dụng đối với các tiêu chuẩn kĩ thuật. Ngoài ra còn có quy định về đánh dấu và dán nhãn, theo đó yêu cầu về đánh dấu hoặc dán nhãn sản phẩm sẽ được giảm càng nhiều càng tốt và sẽ không phân biệt đối xử. Cuối cùng là cơ chế phối hợp được thiết lập giữa các thành viên FTA nhằm xem xét và giải quyết bất kì vấn đề cụ thể nào. Các phụ lục nhằm làm hài hoà sự bất đối xứng trong các quy định giữa hai nước. Thông thường điều này diễn ra khi công nhận tiêu chuẩn quốc tế tương đương với tiêu chuẩn nội địa. Về FTA Việt Nam-EU, sẽ là hợp lí nếu có phụ lục về các ngành ô-tô, điện tử và máy móc - những lợi ích xuất khẩu chủ yếu của EU sang thị trường Việt Nam

>> Xem thêm: Decrease import tax rate for oils and petroleum oils to 18%

Luật Minh Khuê[ sưu tầm và biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề