Virus corona nằm ở đâu trong cơ thể

Hệ hô hấp là vị trí đã được xác định rõ ràng nhất đối với SARS-CoV-2. Đây cũng là vị trí được áp dụng trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 205 bệnh nhân có độ tuổi trung bình 44 tuổi từ các vùng Hồ Bắc, Sơn Đông và thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, có 19% bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nghiêm trọng. Nghiên cứu thu kết quả xét nghiệm trên 398 bệnh phẩm dịch họng, 126 mẫu trong số đó cho kết quả dương tính. Ngoài ra, trong số 104 mẫu xét nghiệm đờm thì 72 mẫu cho kết quả dương tính và tỷ lệ cao dương tính nhất được ghi nhận với các bệnh phẩm là dịch rửa phế quản ở bệnh nhân nặng (93% dương tính).

Ở phổi, các tế bào bị nhiễm là các tế bào biểu mô phế nang lớn (typ 2). Đây là nơi tổng hợp của chất hoạt động bề mặt (chất diện hoạt trong phổi). Một trong những thụ thể virus ở vị trí này là thụ thể của enzym chuyển angiotensin 2 (ACE2). Đáng chú ý là, sự biểu hiện của ACE2 tại phổi thấp hơn nhiều so với ở các cơ quan khác như ruột, tim hay thận.

Virus corona nằm ở đâu trong cơ thể

Hình minh họa: URL: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7094171/

Virus xuất hiện tại đường tiêu hóa, nhưng không chắc chắn có mặt tại gan

Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy có sự hiện diện của ARN virus trong phân. Trong số 153 mẫu xét nghiệm phân, có 44 mẫu cho kết quả dương tính và trong mẫu phân của 2 bệnh nhân đã phát hiện được virus sống. Những dữ liệu này phản ánh khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa và sự thải trừ qua phân hiếm gặp nhưng có thể gây nhiễm của virus. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác chưa tìm thấy dạng virus sống trong các mẫu bệnh phẩm phân. Do đó, virus này có thể có con đường lây truyền qua phân, mặc dù rất hạn chế.

Dữ liệu hiện tại về sự tác động của virus tại gan còn chưa rõ ràng. Chưa có ghi nhận tìm thấy virus trong nhu mô gan. Các trường hợp tăng men gan đã được ghi nhận ở mức độ trung bình và một số trường hợp là nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này được cho là có thể liên quan nhiều đến nhiễm trùng huyết, thay đổi về huyết động hoặc tương tác thuốc hơn là liên quan đến độc tính tế bào của virus.

Dữ liệu trên thận và tim

Trước đây, dữ liệu của SRAS-CoV đã xác nhận sự có mặt của virus này ở thận và trong nước tiểu. Điều này được cho là tương tự đối với chủng SARS-CoV-2. Vị trí tại thận ghi nhận sự xuất hiện rõ nhất của virus là tế bào ống lượn gần. Các tế bào này có số lượng lớn thụ thể ACE2 và biểu hiện của thụ thể này tại thận lớn hơn rất nhiều lần so với tại phổi.

Giống như ở gan, các bất thường trong xét nghiệm sinh hóa liên quan đến chức năng thận đã được quan sát trên bệnh nhân nhập viện, gồm có protein niệu và tăng creatinin huyết thanh cấp tính. Tuy nhiên, chưa thể xác định được đây là hậu quả gây bởi độc tính tế bào của virus hay bởi tiến triển nặng của một số vấn đề không đặc hiệu trên bệnh nhân như tình trạng mất nước, hạ kali máu, nhiễm trùng huyết hoặc do thuốc.

Ngoài ra, vào năm 2009, bộ gen của SARS-CoV đã được phát hiện trong mô tim ở 35% bệnh nhân tử vong do nhiễm virus. Gen mã hóa thụ thể ACE2 được biết đến có mức độ biểu hiện tại tim rất mạnh. Dữ liệu hiện nay chưa ghi nhận sự có mặt của SARS-CoV-2 tại tim, tuy nhiên các giả thuyết này có thể giúp giải thích tình trạng viêm cơ tim nếu được ghi nhận xảy ra trên lâm sàng.

Virus còn được phát hiện trong máu với một tỷ lệ nhỏ là 1%.

Sự hiện diện của virus trong hệ thần kinh trung ương

Câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra đối với hệ thần kinh trung ương. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào hệ thần kinh. Tuy nhiên, có một vài yếu tố gợi ý về khả năng này dù chưa ghi nhận trên lâm sàng. Virus có thể thâm nhập thông qua mũi, bởi vùng xương sàng có hệ thống thông giữa xoang mũi và não bộ qua trung khu thần kinh khứu giác. Thụ thể ACE2 được biết đến có mặt trong các tế bào thần kinh đệm và các sợi thần kinh. Kết quả khám nghiệm tử thi trong dịch bệnh SARS-CoV đã cung cấp những bằng chứng về sự hiện diện của virus trong mô não và dịch não tủy.

Tuy nhiên, rất khó để tìm thấy trong y văn mô tả về các tổn thương thần kinh trên lâm sàng có liên quan trực tiếp đến độc tính tế bào, do tình trạng này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thay đổi huyết động, cơn bão cytokin (hội chứng giải phóng ồ ạt cytokin), thiếu oxy hoặc phù não.

Tác giả: GS. Alain Baumelou, Đại học Paris 6

URL: https://www.vidal.fr/actualites/24756/ou_se_cache_le_sars_cov_2_dans_l_organisme/?cid=eml_000967

Người dịch: Ds. Vũ Đức Hoàn, Ds. Dương Khánh Linh

Những bệnh nhân bị nhiễm virus corona có triệu chứng nghiêm trọng phát triển thêm tổn thương sang các cơ quan khác nhau trong cơ thể, từ thận đến tim.

Ngay từ những trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus corona được báo cáo ở Trung Quốc, các bác sĩ đã biết mục tiêu tấn công của loại virus này là nhắm vào phổi. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi theo dõi điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 ở thể nặng còn được thấy, virus corona phát triển tổn thương thêm sang những cơ quan khác trong cơ thể, từ thận đến tim.

Mặc dù phổi là cơ quan chịu sự tấn công nặng nề nhất, bởi khả năng miễn dịch của cơ thể con người phản ứng chậm hơn so với tốc độ tấn công của virus corona. Hơn nữa, virus còn có khả năng di chuyển xung quanh và tuần hoàn khắp mọi ngóc ngách trong cơ thể con người, Tiến sĩ Eric Cioe-Peña, bác sĩ khoa cấp cứu kiêm giám đốc y tế toàn cầu của mạng lưới chăm sóc sức khoẻ Northwell Health tại New York, cho biết.

Virus corona xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp, đi vào từ đường miệng hoặc mũi và tiếp đến là vào phổi. Vì vậy, khi một người bị lây nhiễm, virus cần phải liên kết với một loại enzyme được tìm thấy trên bề mặt của tế bào hô hấp.

Khi virus corona xâm nhập vào bên trong cơ thể con người, chúng có thể len lỏi vào mạch máu, và từ mạch máu, SARS-CoV-2 có thể chu du, phát tán và tấn công sang các cơ quan khác mà không gặp bất kỳ trở ngại hay khó khăn nào. Chúng nguy hiểm đến mức có thể gây nguy hại cho tất cả các cơ quan đó. Đó thực sự là điều không may bởi virus này sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho mọi cơ quan bên trong cơ thể, Tiến sĩ Eric Cioe-Peña giải thích

Trong thời gian điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 ở thể nặng tại phòng cấp cứu, Tiến sĩ Eric Cioe-Peña đã từng gặp trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển viêm cơ tim do virus hoặc nhiễm trùng cơ tim. Một trong số những bệnh nhân nặng do ông điều trị bị đột tử do tim, hoặc đột tử do các vấn đề có liên quan đến tim, đó thường là viêm nhiễm quanh tim.

Bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 có các vấn đề liên quan đến tim đã được báo cáo trước đó. Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố vào ngày 27 tháng 3 trên tạp chí JAMA Cardiology, trung bình cứ 1 trong 5 bệnh nhân bị tổn thương do nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc.

SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào hai cơ quan tim và phổi, vì chúng đều chứa các tế bào được bao phủ bởi các protein bề mặt được gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), một loại protein có trong máu thúc đẩy hệ bài tiết aldosterone và có xu hướng làm tăng huyết áp, đóng vai trò là cửa ngõ cho virus tiến công vào tế bào.

Các cơ quan khác cũng chứa loại enzyme này. Chẳng hạn như, đường tiêu hóa (GI) và người ta suy đoán rằng virus corona có thể xâm nhập vào các cơ quan khác theo cách tương tự.

Ở một số bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 không xuất hiện triệu chứng hô hấp điển hình mà gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, điều đó có nghĩa là virus đã xâm nhập vào ruột non và có khi cả ruột già.

Chức năng gan cũng bị ảnh hưởng, phát hiện thấy enzyme gan tăng cao. Đôi khi SARS-CoV-2 xâm chiếm tế bào gan trong những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ở thể nhẹ. Khi các tế bào gan bị hủy diệt, virus tiếp tục giải phóng enzyme vào mạch máu. Kỳ diệu thay, chức năng gan có khả năng cực tốt trong việc tái tạo, do vậy mà tổn thương gan do virus gây ra không kéo dài. Và cũng có một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu bị suy thận.

Tổn thương các cơ quan bên trong cơ thể là kết quả của quá trình virus tấn công trực tiếp vào các tế bào, hệ miễn dịch gây ra phần lớn tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể. Hiện tượng cơn bão Cytokine xuất hiện, trong đó một đội quân tế bào miễn dịch được phóng thích vào mạch máu và sau đó tấn công những mô khỏe mạnh trong cơ thể, gây tổn thương phổi nghiêm trọng và cũng có thể gây ra lỗi hệ thống đa cơ quan (suy đa tạng). Đó là một phản ứng quá tải mà về cơ bản là cơ thể không chịu đựng nổi áp lực do virus tấn công khiến phải ngưng lại.

Không rõ lý do tại sao ở một số người có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với những người khác, nhưng một số người có thể là do di truyền, theo Tiến sĩ Erin Michos, phó giám đốc phòng ngừa khoa tim mạch Đại học Johns Hopkins, cho biết.

Nghiêm trọng hơn, cơn bão Cytokine có thể tác động đến não bộ. Thực tế, một số bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 có thể có bão cytokine tồn tại trong não. Hơn nữa, mất khứu giác và vị giác đã được các nhà khoa học bổ sung thêm vào danh sách các triệu chứng có thể có của Covid-19 trong thời gian gần đây. Điều đó có thể gợi ý rằng virus corona có khả năng xâm chiếm hệ thống thần kinh và khu vực não chịu trách nhiệm về khứu giác.

Hiện nay trên thế giới, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được vaccine chủng ngừa và điều trị đặc hiệu cho loại virus nguy hiểm này, việc điều trị tại bệnh viện liên quan đến việc chăm sóc hỗ trợ cho các cơ quan khác bên trong cơ thể bị ảnh hưởng.

Trong nguy cơ cũng ẩn chứa những cơ hội. Có những trường hợp tổn thương quá nghiêm trọng, khả năng phục hồi vô cùng khó khăn, có thể sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Nhưng cũng có những bằng chứng thực tế cho thấy, trường hợp bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đã hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, hai cơ quan gan và thận, sau tổn thương nặng cũng trở lại hoạt động bình thường.

Ngay cả với viêm phổi đa kháng hoặc viêm phổi ảnh hưởng nhiều hơn một phần của phổi, qua quan sát thấy, kết quả chụp phim x-quang tim phổi của nhiều bệnh nhân sau nhiễm cũng trở lại bình thường. Vì vậy, với hầu hết bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, các cơ quan sẽ có khả năng phục hồi, miễn là chiến thắng được thời điểm nguy hiểm và sống sót sau khi bị nhiễm trùng.

Điều đó thậm chí đúng ở những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tim, một cơ quan không có khả năng tái tạo như những cơ quan khác. Bệnh nhân bị viêm cơ tim có tỷ lệ tử vong rất cao. Nhưng hầu hết những người bị tổn thương tim do viêm cơ tim đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, có thể sống sót, Tiến sĩ Cioe-Peña cho biết.

Bất kỳ loại virus mới nào xâm nhập vào cơ thể cũng có thể nhanh chóng lan tràn ra khắp các cơ quan khác, bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể con người không kịp phản ứng nhanh với những chủng loại virus hay vi khuẩn chưa từng gặp trước đây. Một khi hệ miễn dịch có khả năng phòng thủ tốt, thì các cơ quan khác cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu người có khả năng miễn dịch đã phục hồi sau khi bị nhiễm virus corona. Nhưng ngay cả khi sức đề kháng của những bệnh nhân này không phát triển tốt như trước được nữa, nếu sống sót sau khi đã trải qua lần nhiễm Covid-19 đầu tiên, sẽ bị nhiễm nhẹ và ít bị tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan khác bên trong cơ thể nếu chẳng may bị tái nhiễm ở lần thứ hai.

Bệnh viện An Sinh (Theo Live Science)