Xác định thời cơ của cách mạng tháng Tám năm 1945 tại sao gọi là thời cơ ngàn năm có một

[HNM] - Bàn về thời cơ và nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã có không ít học giả tiếp cận dưới nhiều phương diện, góc độ khác nhau. Song, dù ở góc độ nào cũng đi đến khẳng định: Cách mạng Tháng Tám là biểu hiện mẫu mực của nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền cách mạng của Đảng ta. 75 năm trôi qua, nhưng bài học về nắm bắt thời cơ vẫn có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đảng ta đã kịp thời tận dụng thời cơ, tiến hành công cuộc đổi mới đưa kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Sản xuất máy thở tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart [Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội]. Ảnh: Nhật Nam

1. Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là thời điểm hội tụ những điều kiện chủ quan và khách quan chín muồi cho phép phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Do đó, việc đánh giá và xác định đúng thời cơ, hành động kịp thời là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng!". Ngày 15-2-1944, trong bài "Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!" đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến đầu năm 1945, vấn đề "cuộc đảo chính của phát xít Nhật" luôn được nhắc tới trong những tài liệu của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị phong trào cách mạng cho thời điểm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Vì thế, khi Nhật đảo chính hất cẳng Pháp nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta không bất ngờ, bị động trước thời cuộc, mà trái lại, đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược đúng đắn để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên.

Ngay trong đêm "Nhật - Pháp bắn nhau", từ chập tối, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh đã họp và ra Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Trong bản Chỉ thị ra đời ngày 12-3-1945 này, Trung ương Đảng ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện "thời cơ" cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước. Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật. Hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Dưới ánh sáng của bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", các cấp bộ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã theo dõi sát sao diễn biến mặt trận Thái Bình Dương. Sau khi thua trận ở khắp nơi, trưa 15-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh.

Như vậy, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền như Đảng ta dự báo đã đến. Lúc này, dù đang ốm nặng, tại lán Nà Lừa, Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: "Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, nhận định: "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới". Hội nghị vừa kết thúc, ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân được tổ chức ngay tại Tân Trào, quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Tuy nhiên, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật ở nước ta kể từ ngày 5-9 theo tinh thần Hội nghị Potsdam. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8-1945 khi quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9-1945 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều khó có khả năng thành công. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong "ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó".

Kế thừa, vận dụng bài học nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, nhờ biết nắm bắt thời cơ, phân tích tình hình, thế trận địch - ta, quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ [7-5-1954] lịch sử.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã nhiều lần vận dụng thành công bài học về nắm bắt thời cơ. Điển hình như năm 1972, chớp thời cơ nội bộ chính phủ Mỹ có sự xáo trộn, phong trào phản đối chiến tranh trong nhân dân Mỹ dâng cao, Đảng đã lãnh đạo tiến hành cuộc tiến công chiến lược thắng lợi, tiếp đó là đánh thắng cuộc tập kích đường không trên bầu trời Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam [ngày 27-1-1973]. Tiếp đó, khi thời cơ xuất hiện, ngay lập tức, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã họp, quyết định rút ngắn kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam từ hai năm 1975-1976 xuống còn một năm [1975] và cuối cùng là thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước [30-4-1975].

2. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta tiếp tục vận dụng thành công bài học về nắm bắt thời cơ. Năm 1986, Đảng ta kịp thời nắm bắt tình hình, tận dụng thời cơ có sự chuyển biến trong lý luận và nhận thức để tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam thoát ra khỏi những khó khăn của thời kỳ bao cấp. Năm 1991, biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đặt chúng ta đứng trước nhiều thách thức to lớn, nhưng Việt Nam đã vượt qua, chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng uyển chuyển, linh hoạt "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong hoạt động ngoại giao để mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới.

Những năm sau đó, Việt Nam đã nắm bắt tốt thời thế để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ [1995]; gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN - năm 1995]; năm 2007 gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới [WTO]; được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021... Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với trên 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó xác lập nhiều quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế thông qua vai trò then chốt trong những tổ chức khu vực và quốc tế, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng, thực hiện tốt nghĩa vụ tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc...

Có thể nói, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều thời cơ, vận hội mới; đồng thời, cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế, khu vực; những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và dịch Covid-19, nhưng chúng ta luôn tin tưởng, một Đảng đã biết phát huy sức mạnh của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, thì Đảng đó nhất định sẽ lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là việc vận dụng thành công những bài học từ lịch sử, trong đó có bài học nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.




Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

1. Bối cảnh lịch sử và diễn biến cuộc Tổng khởi nghĩa

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.

Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào [Tuyên Quang] khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình [Hà Nội] lịnh sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời [nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam]. Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

2. Nguyên nhân thắng lợi

- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

- Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc.

- Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

3. Ý nghĩa lịch sử

- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền.

- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

4. Một số bài học kinh nghiệm

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, nổi bật là:

Bài học thứ nhất là có một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

Bài học thứ hai là vấn đề giành và giữ chính quyền. Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài. Đảng ta biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bài học thứ ba là vấn đề nắm bắt được thời cơ, đề ra được những quyết định chính xác và kịp thời. Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3-1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13-8-1945. Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, đã tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn.



Video liên quan

Chủ Đề