Có nên học ở Học viện Phụ nữ không

GD&TĐ - Mới tuyển sinh đại học được 4 năm, nhưng  Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của truyền thông, sinh viên và xã hội.  Phấn đấu được công nhận là một cơ sở giáo dục đại học “định hướng ứng dụng” và đạt được các tiêu chuẩn quốc gia.

Liên quan đến các hoạt động của Học viện Phụ nữ Việt Nam PV Báo GD&TĐ đã có cuộc Phỏng vấn Giám đốc Học viện,  TS. Trần Quang Tiến.  

P.V: Theo Tiến sĩ, trong 6 ngành tuyển sinh năm 2017 là: Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật, Quản trị du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Giới & phát triển thì những ngành nào là thế mạnh của Học viện?

T.S  Trần Quang Tiến: Tiếp nối truyền thống hơn 50 năm đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện tiếp tục phát huy các ngành thế mạnh là Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Giới và Phát triển trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đào tạo các ngành này.

Bên cạnh đó, các ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật, Truyền thông Đa phương tiện không ngừng được nâng cao chất lượng, đào tạo theo định hướng ứng dụng, gắn đào tạo với hoạt động thực tiễn, thực hành.

PV:  Vì đào tạo mang tính đặc thù, thì theo ông, trong công tác tuyển sinh năm nay, Học viện gặp những khó khăn gì trong công tác tuyển sinh?  Giải pháp cho việc này như thế nào?

T.S  Trần Quang Tiến: Mặc dù có bề dày đào tạo Cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, xong Học viện mới được đào tạo đại học từ năm 2012 nên chưa được xã hội, nhà tuyển dụng biết đến nhiều như các Trường đại học có bề dày truyền thống như Đại học Quốc gia, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương,...

Qua các kỳ tuyển sinh, nhiều thí sinh bày tỏ sự tiếc nuối khi không biết đến Học viện sớm hơn để có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành học hấp dẫn mà thị trường lao động đang khát nhân lực được đào tạo với chất lượng cao tại Học viện.

Ngoài ra, có lượng không nhỏ thí sinh nam chưa tìm hiểu kỹ về Học viện còn e ngại về vấn đề giới khi đăng ký xét tuyển vào trường. Thực tế, tỷ lệ sinh viên nam tại Học viện ngày càng tăng qua các năm, đến nay đạt khoảng 20%.

Để khắc phục những khó khăn trên, Học viện liên tục khẳng định thương hiệu của mình thông qua việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác Quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông về mọi mặt để hình ảnh của Học viện đến được với xã hội, thí sinh và phụ huynh.

Có nên học ở Học viện Phụ nữ không
 Ảnh: Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

PV: Các hoạt động trong giảng dạy và học tập và các phong trào hữu ích thiết thực , trong đó có cả chiều rộng và chiều sâu của thầy trò trong Học viện hướng tới xã hội  đây có phải là thế mạnh và giải pháp để thu hút học sinh đến với trường?

T.S  Trần Quang Tiến: Để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện, các hoạt động quảng bá hình ảnh Học viện nói chung và quảng bá tuyển sinh nói riêng được triển khai thường xuyên và liên tục trong suốt năm học.

Học viện thường xuyên cập nhật thông tin trên website và các fanpage của Học viện về mọi mặt hoạt động giảng dạy và học tập; hoạt động thực hành, thực tiễn như: sinh viên như thực hành nghề nghiệp tại các trung tâm bảo trợ xã hội của khoa Công tác xã hội, cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo, CLB vườn ươm doanh nhân và Phòng thực hành kinh doanh của sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh; các hoạt động về Bình đẳng giới của khoa Giới & Phát triển, hoạt động xã hội của các tổ, đội, nhóm như đội thanh niên tình nguyện, đội văn nghệ tiên phong, Đội Thanh niên vận động hiến máu, CLB dance Blue wings, CLB võ thuật,…

Tôi luôn tâm niệm, những đánh giá và chia sẻ của chính những sinh viên đang theo học tại Học viện là khách quan và thuyết phục nhất đối với thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thưc tế, sinh viên Học viện tự nguyện nhiệt tình tham gia các hoạt động chia sẻ, quảng bá thông tin tuyển sinh và tư vấn cho thí sinh tại địa phương, tham gia cuộc thi ấn tượng khoảnh khắc VWA-2017; chia sẻ, quảng bá thông tin tuyển sinh và tư vấn cho thí sinh tại địa phương.

PV: Những hình thức tuyển sinh năm 2017 của Học viện như thế nào và có điểm gì mới so với năm 2016 ?

T.S  Trần Quang Tiến: Năm 2017, Học viện tuyển sinh trong cả nước theo hình thức xét tuyển, sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Học viện xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ 670 chỉ tiêu, tuân thủ tiêu chí chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh có thể đăng ký đồng thời nhiều nguyện vọng vào các ngành khác nhau của Học viện. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào Học viện, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng vào các ngành của Học viện ở nguyện vọng 1.

PV: Hiện nay Học viện đang tuyển sinh các ngành, đặc biệt là ngành Giới & Phát triển – ngành học đặc thù được đào tạo duy nhất tại Học viện Phụ nữ Việt Nam?

T.S  Trần Quang Tiến: Được đánh giá là những ngành HOT: Quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện, quản trị du lịch lữ hành, Luật. Tuy nhiên những ngành này có rất nhiều trường đại học trong cả nước tuyển sinh và đào tạo, tính cạnh tranh cao, ít thu hút được thí sinh có điểm đầu vào cao.

Những ngành mang tính đặc thù của Học viện: Ngành Công tác xã hội, Giới và Phát triển những năm gần đây vẫn thu hút thí sinh đăng ký học: Ngành Công tác xã hội 4 năm liên tục đạt chỉ tiêu, ngành Giới và phát triển mỗi năm có 80 thí sinh theo học.

Các em học những ngành này rất yên tâm và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Để thu hút các em lựa chọn những ngành này một lần nữa lại khẳng định công tác truyền thông vô cùng quan trọng. Làm thế nào để xã hội, thí sinh và phụ huynh biết tới hình ảnh của Học viện, và tính ưu việt của các ngành này.

Có nên học ở Học viện Phụ nữ không

Sinh viên ngành Giới tham gia tuần lễ “Thấu hiểu để yêu thương” do khoa Giới & Phát triển tổ chức

PV: Năm 2017, Học viện được Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 2 ngành là: Truyền thông đa phương tiện và Quản trị du lịch và lữ hành. Có thể  kỳ vọng thế hệ cử nhân Truyền thông đa phương tiện của học viện sẽ đóng góp không nhỏ vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

T.S  Trần Quang Tiến: Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các ngành ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống của con người sẽ phát triển nhanh chóng. Nắm bắt xu thế đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống phòng thực hành, tài liệu học tập cho tới đội ngũ giảng viên để mở ngành Truyền thông Đa phương tiện.

Trong chương trình học, các môn học được thiết kế để sinh viên có thể vận dụng sức sáng tạo, kỹ năng lên ý tưởng và chuyên môn của bản thân, tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện tương tác như: kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, game, website, đồ họa mô phỏng, thiết kế thương hiệu… để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.

Với mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tế để sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc được không chỉ cho các cơ quan, công ty về báo chí, truyền thông, quan hệ công chúng, mà còn có thể tự thiết kế những sản phẩm đa phương tiện phục vụ cho việc kinh doanh của chính bản thân.

PV: Được biết sinh viên của học viện thường xuyên có cơ hội học tập, tham gia các hội thảo với giảng viên thuộc các tổ chức và trường đại học quốc tế, điều này khẳng định nhà trường rất chú trọng hoạt động đối ngoại, xin TS chia sẻ thêm về vấn đề này ?

T.S  Trần Quang Tiến: Hoạt động đối ngoại luôn được Học viện chú trọng phát triển nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật và thực tiễn với các đối tác trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài.

Học viện có quan hệ đối tác, chương trình hợp tác với nhiều trường đại học quốc tế và tổ chức quốc tế như: Tổ chức UN-Women, Đại học Chung-Ang Hàn Quốc, Đại học Sydney – Australia, Hiệp hội các Trường Đại học nữ Hàn Quốc, Đại học Nanhua – Đài Loan,…Đặc biệt, Học viện thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài về tổ chức hội thảo, trao đổi học thuật nhằm giúp sinh viên tiếp cận những kiến thức và thực tiễn và cập nhật trên thế giới về các ngành đào tạo của Học viện.

Có nên học ở Học viện Phụ nữ không
 Sinh viên Học viện giao lưu với Ngài David Devine - Đại sứ Canada tại Việt Nam

PV: Năm 2017, thế hệ cử nhân Công tác xã hội và Quản trị Kinh doanh đầu tiên của Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tốt nghiệp. Học viện đã làm thế nào để sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng?

T.S  Trần Quang Tiến: Để sinh viên tốt nghiệp có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng, bên cạnh việc trang bị tốt kiến thức chuyên môn bằng chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng ứng dụng, đội ngũ giảng viên giỏi và công tâm, cơ sở vật chất đảm bảo, công tác kiểm tra đánh giá được triển khai chặt chẽ, công bằng và nghiêm túc,…

Học viện tăng cường mạnh đào tạo kỹ năng mềm và tổ chức hoạt động thực hành, thực tiễn cho sinh viên. Mỗi học kỳ, Học viện dành riêng 1 tuần để đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Các học phần kỹ năng mềm cũng chiếm tỷ trọng cao trong các học phần tự chọn. Sinh viên của Học viện cũng được tạo điều kiện thường xuyên tham gia kiến tập, thực hành nghề nghiệp và thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong đợt thực tập cuối khóa của sinh viên Khóa 1, các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao kiến thức, kỹ năng và tinh thần làm việc của sinh viên khoa Công tác xã hội và Quản trị Kinh doanh. Qua khảo sát sơ bộ, tỷ lệ sinh viên Khóa 1 có việc làm ngay sau khi ra trường tương đối cao, khoảng 80%.

PV: Đối với sinh viên, các chính sách ưu đãi về học phí, học bổng, điều kiện ăn ở, sinh hoạt trong quá trình học luôn được các em quan tâm, học viện có những chính sách gì để giảm bớt các gánh nặng về học phí, nhà trọ cho gia đình các em? Học viện có ký túc xá cho các sinh viên?

T.S  Trần Quang Tiến: Bên cạnh số lượng lớn sinh viên đến từ các thành phố lớn, thì số sinh viên diện chính sách và đến từ các vùng khó khăn là không nhỏ. Để hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học, học viện áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi về học phí theo quy định.

Ngoài 8% học phí thu được làm quỹ học bổng cho sinh viên theo qui định thì Học viện không ngừng tìm kiếm nguồn học bổng từ các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ như Học bổng Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước của Công ty P&G, Hoc bổng toàn phần thạc sỹ QTKD do Trường Đại học Nanhua – Đài Loan tài trợ,…

Để tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên, Học viện có khu ký túc xá hiện đại với hơn 1.000 giường, đảm bảo chỗ ở cho toàn bộ sinh viên có nhu cầu ngay tại khuôn viên Hoc viện với mức chi phí thấp, chỉ từ 250.000 đồng/tháng/sinh viên.

Có nên học ở Học viện Phụ nữ không

Sinh viên khóa I tốt nghiệp năm 2017 chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên Học viện 

PV:  Xin TS chia sẻ thêm về định hướng phát triển của Học viện trong thời gian tới?

T.S  Trần Quang Tiến: Học viện không chủ trương mở rộng nhanh quy mô đào tạo, chiến lược Phát triển giai đoạn 2016-2020, chỉ ở mức 3.500 sinh viên vào năm 2020, trong đó qui mô sinh viên đại học chính quy dừng ở 2.000. Học viện trú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng lực giảng viên, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo.