Đâu là đường lối chung của cách mạng việt nam trong kháng chiến chống mỹ?

Dù chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập niên, nhưng những chủ trương chỉ đạo, chiến lược tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến có ý nghĩa hết sức sâu sắc, quý báu, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, đó là:

Sớm nhận rõ kẻ thù, đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, có chủ trương phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể, đánh bại từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7-1954). Theo đó, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Từng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương từ trước năm 1954, lợi dụng sự thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trực tiếp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, hòng ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Nam Á. Chúng tiến hành lập chính phủ tay sai Ngô Đình Diệm, ngang nhiên phá hoại Hiệp định về việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước của nhân dân ta, tiến hành chiến lược “Chiến tranh đơn phương” nhằm thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, gây cho ta rất nhiều khó khăn, tổn thất. 

Ngay từ trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, đế quốc Mỹ trở thành một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và đang trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Sau khi Hiệp định Gơ-ne-vơ được ký kết, trong quá trình nghiên cứu và hoạch định đường lối, Đảng và Hồ Chủ tịch đã phân tích, cân nhắc, phán đoán rất thận trọng các khả năng phát triển của tình hình trong nước và thế giới. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II (tháng 6-1954), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “Ngày nay, do tình hình mới, ta thay đổi phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là một sự thay đổi quan trọng về phương châm và sách lược cách mạng, nhưng còn mục đích của cách mạng vẫn là một”(1). Nhận định trên của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mặc dù “Tranh lấy hòa bình không phải là một việc dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ và phức tạp”(2). 

Do có những nhận định và đánh giá đúng về kẻ thù nên trong thời kỳ đầu, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình cụ thể. Đến đầu năm 1959, tình thế cách mạng đã có những thay đổi lớn, có lợi cho ta, đặc biệt là phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang chuyển biến tích cực, vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 15 khóa II (tháng 01-1959), Đảng ta đã đề ra phương pháp: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”(3). Đảng ta còn nhận định: “Đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(4). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 chính là cơ sở để phong trào “Đồng khởi” nổ ra mạnh mẽ và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ.

Khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh kiểu mới”, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo việc tăng cường giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đi sâu phân tích những thế mạnh, yếu của kẻ thù, Đảng ta nhận định: “Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu”(5). Trước sự nhạy bén trong việc chỉ đạo chiến lược của Đảng ta nên cuộc “chiến tranh đặc biệt” mà chúng đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại, thì chúng cũng sẽ thất bại ở bất kỳ nơi nào khác(6). 

Đến năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965), Đảng ta cho rằng: “mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn (7)… do vậy, cách mạng miền Nam phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công. Đảng ta đã sớm nhận diện, đánh giá đúng về kẻ thù, đó là dù Mỹ là đội quân tinh nhuệ và thiện chiến, nhưng vào miền Nam không phải trong thế mạnh, mà trong thế yếu, thế bị động. Còn chúng ta, lúc này không chỉ mạnh về chính trị mà còn cả về quân sự. Đây là cơ sở để Đảng ta hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Như vậy, dù đã đưa hơn nửa triệu lính Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, nhưng cuối cùng đế quốc Mỹ vẫn không xoay chuyển được tình thế có lợi trên chiến trường, mà còn bị thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, vượt lên những tính toán của Mỹ khi chúng móc ngoặc và thỏa thuận với các nước lớn, cách mạng Việt Nam vẫn tiến lên. Thấm nhuần lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”(8). 

Với sự nhạy bén trong chiến lược, nắm bắt và đánh giá đúng tình hình, tương quan lực lượng, Đảng ta đã kịp thời điều chỉnh và đề ra kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian chưa đầy hai tháng. Việc giành toàn thắng là do Đảng sớm xác định thời cơ chiến lược, ngoài ra còn có sự chuẩn bị về mọi mặt, đặc biệt là tiến hành xây dựng các binh đoàn cơ động chủ lực mạnh, việc phát triển thế trận trên các vùng chiến lược nhằm kết hợp tác chiến, các đòn tiến công quyết định của bộ đội chủ lực và lực lượng nổi dậy của quần chúng nhân dân ở khắp các địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam. Đây được xem là sự sáng tạo, linh hoạt và tài tình của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Giải quyết tốt mối quan hệ và đề ra đường lối chiến lược, nhiệm vụ cách mạng của hai miền Nam, Bắc và nhiệm vụ cách mạng của cả nước, tạo ra sức mạnh to lớn để đánh thắng kẻ thù

Một trong những đặc điểm lớn nhất và khó khăn lớn nhất là khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, xuất hiện mâu thuẫn về chiến lược, sách lược và phương pháp chống chủ nghĩa đế quốc giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những biến động hết sức phức tạp và nhạy cảm đó, vấn đề đặt ra cho Đảng ta là phải có đường lối cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi miền, của chung cả nước và phù hợp với tình hình thế giới và xu thế chung của thời đại. Sau khi nghiên cứu, khảo nghiệm và tìm tòi, Đảng đã đề ra đường lối chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Dù thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau, nhưng giữa cách mạng hai miền có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng thực hiện một mục tiêu chung của cách mạng cả nước là hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. 

Do đất nước tạm thời bị chia cắt nên việc xác định vị trí cách mạng của mỗi miền là không hề đơn giản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất, cách mạng miền Nam giữ vị trí rất quan trọng, có vai trò “quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(9), đưa giang sơn về một mối. Trong quá trình lãnh đạo, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ này, rất khó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đánh thắng kẻ thù hùng mạnh. Chính vì sự kết hợp khăng khít và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cách mạng hai miền đã tạo ra thế và lực cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam. Và đây cũng là yếu tố đưa đến thành công trong quá trình chỉ đạo chiến lược của Đảng.

Thực tế cách mạng cho thấy, công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”(10), nhưng với vai trò quyết định nhất, “miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội”(11). Sự chi viện to lớn, có tính chất quyết định của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được đối phương thừa nhận trong báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ gửi Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn: “Mặc dù ném bom rất ác liệt vẫn không giảm đi một cách có ý nghĩa việc đưa người và trang bị vào miền Nam Việt Nam”(12). Còn nhân dân miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, thực hiện sáng tạo và tài tình đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc chiến đấu trường kỳ, kiên cường và dẻo dai, vượt qua mọi thử thách ác liệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Có được thành công trên là do “toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên”(13).

Giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, tăng cường đoàn kết và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, vừa có thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn. Đối phương của chúng ta có sức mạnh vượt trội cả về kinh tế và quân sự, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, chia rẽ phe xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ trở thành tâm điểm của cả thế giới và trở thành cuộc đọ sức điển hình, quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Dù độc lập tự chủ trong quá trình hoạch định đường lối, nhưng để đánh bại được đế quốc hùng mạnh thì cần phải kết hợp sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh thời đại. Để thực hiện thành công vấn đề này, một mặt, phải phát huy tiềm lực của chính mình, mặt khác, phải có chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có sự liên minh ba nước Đông Dương, đặc biệt là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa. 

Bên cạnh sự đoàn kết quốc tế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng việc đoàn kết toàn dân tộc, xem đó như là ý nghĩa sống còn để đi đến thắng lợi của cách mạng. Đồng thời, Đảng cũng tiến hành xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, đứng vững trước mọi thử thách của cuộc chiến tranh. Vì vậy, Đảng đã tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, tận dụng mọi nhân tố tích cực có thể tận dụng được, hoan nghênh mọi sáng kiến vì hòa bình. Ngoài ra, luôn kiên quyết một cách có nguyên tắc và khôn khéo, mềm dẻo, kiên trì thuyết phục nhằm hạn chế những nhân tố tiêu cực trong quan hệ quốc tế.

Có thể thấy, với việc đánh giá đúng kẻ thù, nhận định đúng về tình hình trong nước và quốc tế, có đường lối đối ngoại mềm dẻo, phù hợp, Đảng ta đã đề ra đường lối sáng tạo và tài tình, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nên đã giành được chiến công chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi vĩ đại của dân tộc là cơ sở phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, thực hiện chiến lược đoàn kết toàn dân tộc, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phá thế bao vây, cấm vận về kinh tế, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời, thực hiện thành công đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển toàn diện và mạnh mẽ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, hiện nay chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Các vấn đề này đã và đang là những khó khăn không nhỏ đối với Đảng trong vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đất nước.

Có thể thấy, những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có giá trị trường tồn và là cơ sở để Đảng ta có những chủ trương và quyết sách phù hợp, từng bước làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đưa đất nước ta tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

-------------------------------------------

(1), (4) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, t.1 (1954 - 1965), tr. 52, 119

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr. 317

(3) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 82 Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II), tháng 1-1959

(5) Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, t.3, tr. 213

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11, tr. 228

(7) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 26, tr. 633

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.12, tr. 479

(9) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam: Văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản, tháng 9-1960, t.1, tr. 34

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 2

(11) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 490

(12) Học viện Quân sự cao cấp: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980, tr. 250

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 206

Lê Thanh Bình
Học viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc