Điều kiện để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Điều 15 của Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.

Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC

Điểm b khỏan 6 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC

Điều 1 Thông tư 173/2016/TT-BTC

NỘI DUNG TƯ VẤN​

1. Quy trình kê khai thuế giá trị gia tăng:

Doanh nghiệp phải tập hợp toàn bộ hóa đơn phát sinh trong kỳ. Ví dụ: để kê khai trong quý 1 năm 2021 thì tập hợp toàn bộ hóa đơn đầu vào và đầu ra phát sinh trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/03/2021.

Khi sắp xếp các giấy tờ thì nên để riêng các hóa đơn đầu vào và hóa đơn đầu ra để tranh kê nhầm bảng kê, đếm từng loại hóa đơn để tránh kê thừa hoặc kê thiếu. Đối với hóa đơn đầu vào, nếu có hóa đơn bán hàng hoặc không có chứng từ thì lọc ra không kê khai thuế. Đối với hóa đơn đầu ra nếu có hóa đơn xóa bỏ thì lọc ra không kê khai thuế. Từ những hóa đơn đầu vào đã lọc kế toán thuế tiến hành lập bảng kê mua vào, còn hóa đơn bán ra lập bảng kê bán ra. Sau khi nhập xong các bảng kê trên thì số liệu sẽ tự nhảy lên sheet " tờ khai" trên file excel. Sau cùng là nhập số liệu từ sheet " tờ khai" trên file excel vào tờ khai 01/GTGT trên phần mềm hỗ trợ kê khai.

2. Liên quan đến thuế giá trị gia tăng đầu ra:

+ Quy định: Được hướng dẫn ở Điều 14 của Thông tư 219/2013/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

+ Nội dung:

Doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra là 0%, 5%, 10% thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng thì sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cả mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế thì thuế đầu vào dùng chung thì phải phân bổ cho cả hai hoạt động chịu thuế và không chịu thuế. Công thức phân bổ như sau:

Thuế giá trị giá tăng đầu vào được khấu trừ [=] Thuế giá trị gia tăng đầu vào dùng chung [:] Tổng doanh thu [x] Doanh thu chịu thuế

Trong đó: Tổng doanh thu [=] Doanh thu chịu thuế + Doanh thu không chịu thuế.

+ Ví dụ: Công ty TNHH ABC có hai hoạt động:

Buôn bán dụng cụ bếp chịu thuế suất giá trị giá tăng đầu ra là 10%

Buôn bán muối tự nhiên không chịu thuế giá trị gia tăng.

Trong tháng 4 năm 2021 Công ty ABC có phát sinh các khoản sau:

Công ty ABC có sử dụng dịch vụ bốc xếp hàng ở một công ty khác với hóa đơn giá trị gia tăng là 10.000.000 đồng và thuế giá trị gia tăng là 1.000.000 đồng [ tháng này công ty mua ít hàng do tình hình dịch bệnh phức tạp], bốc xếp hàng ở đây bao gồm cả dụng cụ bếp và các bao muối thu gom mua từ người dân để đem về chế biến lại và làm sạch.

Doanh thu từ hoạt động chịu thuế từ bán dụng cụ bếp là 60 triệu đồng.

Doanh thu từ hoạt động không chịu thuế từ bán các sản phẩm muối là 40 triệu đồng.

Vì đầu vào khoản tiền bỏ ra để chi trả cho chi phí bốc sếp dùng chung cho cả hai hoạt động nên số tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào của khoản này được xác định như sau:

Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ = 1.000.000 : [60.000.000 + 40.000.000] x 60.000.000 = 600.000 đồng

Số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ là: 1.000.000 - 600.000 = 400.000 đồng. [sẽ được hạch toán tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ]

3. Liên quan đến thuế giá trị gia tăng đầu vào:

+ Nội dung:

Nếu mua hàng hóa, dịch vụ nhận được hóa đơn giá trị gia tăng đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Nếu mua hàng hóa, dịch vụ nhận được hóa đơn giá trị gia tăng giả, hóa đơ bị tẩy xóa, hóa đơn khống, hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng thông tin người bán hoặc người mua thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Nếu mua hàng hóa, dịch vụ của công ty kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp nhận hóa đơn bán hàng thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, hóa đơn này chỉ dùng để làm căn cứ tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồi với các hóa đơn đầu vào có tổng giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Ví dụ: Ngày 1/1/2020 Công ty cổ phần X có mua các thiết bị máy móc từ Công ty TNHH Y nhận hóa đơn giá trị gia tăng có thông tin như sau:

Cộng thành tiền là 20.000.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 10%: 2.000.000 đồng. Các tình huống xảy ra:

TH1: Công ty cổ phần X ủy quyền cho anh Nguyễn Văn Thư là người lao động của công ty để thanh toán bằng thẻ tín dụng của cá nhân mang tên anh Thư thì công ty sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ khi mua máy móc từ công ty Y.

Theo hướng dẫn của Tổng cục thuế tại các công văn:

Công văn số 5174/TCT-DNL ngày 09/11/2017

Công văn số 3977/TCT-DNL ngày 05/09/2017

Công văn số 5465/TCT-KK ngày 25/11/2016

Có hồ sơ thực hiện ủy quyền cho người lao động thanh toán: hình thức thanh toán này có quy định tại quy chế tài chính hoặc quy chế quản trị [ biên bản nội bộ doanh nghiệp]; giấy ủy quyền cho người lao động thanh toán.

Có hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mang tên và mã số thuế của Công ty để chứng minh hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Có những chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của người lao động sang cho người bán;

Có chứng từ chuyển trả tiền từ tài khoản của công ty cho người lao động;

Cần lưu ý doanh nghiệp phải lập và theo dõi danh sách các tài khoản thẻ tín dụng cá nhân của người lao động được ủy quyền thanh toán tiền hàng để cung cấp cho cơ quan thuế khi cần thiết.

TH2: Tại ngày mua hàng 15/01/2020, Công ty X và Công ty Y có ký hợp đồng mua bán. Trên hợp đồng thể hiện ngày thanh toán là ngày 01/05/2020, và thực tế công ty X có tình hình thanh toán như sau:

Ngày 15/04/2020 Công ty X làm tờ khai thuế giá trị gia tăng quý 1/2020: công ty chưa thanh toán do chưa đến hạn nên vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Ngày 15/07/2020 Công ty X làm tờ khai thuế giá trị gia tăng quý 2/2020: đã quá hạn thanh toán [1/5] nhưng công ty vẫn chưa thanh toán: công ty vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo Thông tư 219/2013/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Ngày 01/09/2020 công ty X thực hiện thanh toán bằng tiền mặt thì công ty X sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Cụ thể là tại tờ khai thuế giá trị gia tăng của quý 03/2020, công ty phải đưa số tiền thuế trong hóa đơn đã kê khai khấu trừ ở quý 1 vào chỉ tiêu 37 và điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ của kỳ trước đó, còn nếu muốn tiếp tục được khấu trừ thì phải thực hiện thủ tục chuyển khoản.

4. Cụ thể các trường hợp được coi là thanh toán không dùng tiền mặt

4.1 Thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng:

Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi, hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại [ví điện tử] và các hình thức thanh toán khác theo quy định [bao gồm tên chủ doanh nghiêp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán].

4.2 Bù trừ, hàng đổi hàng:

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng thì phải có:

+ Hợp đồng kinh tế: quy định cụ thể về hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng mua vào và hàng bán ra.

+ Biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng.

4.3 Bù trừ công nợ:

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương pháp bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba thì phương thức thanh toán này phải được:

+ Quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó.

+ Có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua hoặc nhờ người mua chi hộ.

+ Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

4.4 Ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán:

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mau vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng [ bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định] thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chú ý: Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán bù trừ hàng đổi hàng, bù trừ công nợ, ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề