Heteronormativity là gì

Gần đây, thuật ngữ ‘queer’ – ‘người có giới tính khác biệt’ vốn được dùng để ám chỉ người LGBT (lesbian, gay, bisexual and transsexual) một cách xúc phạm lại bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. LGBT muốn dùng chính từ ‘queer’ như là đòn phản kháng dành cho một bộ phận người kỳ thị họ2. Phản ánh hiện tượng này, các tác phẩm văn học, điện ảnh về queer được quan tâm sáng tác và xuấn bản nhiều tới mức có thể xem queer như một thể loại nghệ thuật. Tiêu biểu có thể kể đến Carol (2015) của đạo diễn Todd Haynes dựa trên cuốn tiểu thuyết lãng mạn The Prince of Salt của Patricia Highsmith năm 1952 (sau đó tái xuất bản năm 1990 với tựa đề Carol)3 đề cập đến tình yêu của nhân vật lesbian, bộ phim này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình lẫn khán giả; Moonlight của đạo diễn Barry Jenkins4 khắc họa quá trình trưởng thành của thiếu niên có bản sắc đồng tính được trao giải Oscar cho hạng mục phim hay nhất. Trong cùng dòng chảy này, Hàn Quốc – một đất nước có tư tưởng coi trọng dị tính và kỳ thị đồng tính cũng bắt đầu trình làng những tác phẩm điện ảnh và văn học về chủ đề queer. Chẳng hạn, phim điện ảnh Hàn Quốc có tựa đề Người đàn ông của Vua (The King and the Clown) (2005) và phim “Sương hoa điếm” (2008) đã đặt câu hỏi về tình dục giữa người nam và người nam thời phong kiến Joseon; phim Không hối tiếc (2006) của đạo diễn Lee Song Hee- il được xem là bộ phim về chủ đề queer đầu tiên của Hàn Quốc khi kể về một cặp đôi gay lấy nguyên mẫu đời thực từ chính đạo diễn phim; phim tài liệu Người bất ổn (Troublers) (2015) của đạo diễn Lee Young đã kể về cuộc đời của một đồng tính nữ Lee Mook sinh năm 1945 – người đã phải di chuyển nơi sinh sống nhiều lần vì giới tính của mình. Ở đóng góp văn học, có thể kể đến truyện ngắn Biến thân5 của Kim E-whan khắc họa cảnh giường chiếu táo bạo lẫn cảm xúc phức tạp, thăng hoa của một cặp tình nhân gay Hàn Quốc; truyện ngắn Những người cùng phố 6 (2017) và tiểu thuyết Về con gái tôi (2017) của Kim Hye Jin xây dựng câu chuyện xoay quanh tình yêu đồng tính của một cặp đôi lesbian đã phản ánh cái nhìn, thái độ của xã hội Hàn Quốc về queer.

Bên cạnh đó, theo suốt chiều dài lịch sử, tình dục dị tính (heterosexuality) tạo thành dòng chảy chính của xã hội, toàn bộ hệ thống xã hội đều lấy nó là tiêu chuẩn. Laurent Berlant và Michael Warner “định danh việc dị tính tạo nên quyền thống trị mạnh mẽ và có đặc quyền so với kiểu đời sống tình dục khác như đồng tính là định chuẩn hóa dị tính (heteronormativity), và cho rằng dị tính dẫu có từ đối ứng là đồng tính nhưng không thể có từ trái nghĩa là định chuẩn hóa đồng tính (homonormativity) […] Bởi vì đồng tính hoàn toàn chưa từng được chấp nhận là tiêu chuẩn xã hội phải bảo vệ bằng lý tưởng là đúng hay bình thường” [1, pp.548-549). Định chuẩn hóa dị tính là khái niệm được Michael Warner đưa ra bàn luận lần đầu tiên trong nghiên cứu “Fear of a Queer Planet” (1991), nó có nghĩa là “việc mặc định của cá nhân hoặc thể chế cho rằng tất cả mọi người đều là người dị tính, và dị tính là xu hướng tính dục siêu việt và cao cấp hơn các xu hướng khác”.

Lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc bị tư tưởng tình yêu, hôn nhân dị tính là ưu việt tới mức người đồng tính bị phân biệt đối xử bằng pháp luật, tác giả của tiểu thuyết Về con gái tôi đã khắc họa rõ nét những kỳ thị từ chính người thân, đồng nghiệp của queer Green và Lane. Có thể nói rằng nhân vật người mẹ nhìn nhận tình yêu dị tính là lý tưởng và không chấp nhận sự sai lệch trong xu hướng tình yêu, tình dục của nhân vật cô con gái và ‘bạn tình’ của cô con gái. Nghiên cứu này sẽ đi phân tích tâm lý và thái độ của nhân vật người mẹ khi đối diện với cặp đôi lesbian trong tiểu thuyết Hàn Quốc Về con gái tôi của Kim Hye Jin để thấy được thái độ của bà có nguyên nhân sâu xa từ định chuẩn hóa dị tính.

2. Kim Hye Jin và Về con gái tôi

Kim Hye Jin sinh năm 1983 ở Daegu, Hàn Quốc. Cô được giải thưởng Văn nghệ Tân Xuân của Nhật báo DongA năm 2012 cho truyện ngắn Phi đội gà bay rồi chính thức bắt đầu hoạt động sáng tác văn học. Năm 2013 cô được trao giải Văn học tiểu thuyết trung ương lần thứ 5 cho tác phẩm Ga trung ương. Ngoài ra cô còn xuất bản tuyển tập truyện ngắn Oe-bi.

Vấn đề giới (gender) và queer được Kim Hye Jin lồng ghép và nhắc đến nhiều trong những sáng tác của mình. Đó có thể là nhân vật giáo sư Lim trong truyện ngắn Ký ức khác đã nhanh chóng bị sa thải khỏi trường đại học một phần bởi giới tính nữ của mình; hay cặp đôi đồng tính trong truyện ngắn Những người cùng phố bị những người hàng xóm của họ kỳ thị bởi họ là lesbian. Đặc biệt, Kim đã khắc họa rõ nét tư tưởng và thái độ của xã hội Hàn Quốc về những người đồng tính, cụ thể là định dạng giới đồng tính nữ của cặp đôi lesbian Green và Lane trong Về con gái tôi. Xuất bản lần đầu năm 2017, Về con gái tôi được giới phê bình Hàn Quốc đánh giá cao và nhiều độc giả đồng cảm với những khắc họa về mâu thuẫn giới (gender) và mâu thuẫn trong quan hệ gia đình Hàn Quốc.

Về con gái tôi là câu chuyện kể về nhân vật người mẹ hơn 60 làm nghề điều dưỡng, cô con gái hơn 30 tuổi và người yêu đồng tính của cô con gái. Cô con gái đã ra ở riêng và hiện làm giảng viên thỉnh giảng đại học. Một lần, một đồng nghiệp của cô bị sa thải mà không có lý do chính đáng, cô đã phải dùng đến số tiền đặt cọc thuê nhà năm7 dùng đi kêu gọi biểu tình phản đối quyết định sa thải người đồng nghiệp vì lý do giới tính queer; do đó đây là lý do khiến cô không có chỗ để sống nên cô và cô người yêu đã phải dọn về sống cùng tại nhà mẹ đẻ của mình. Câu chuyện giữa ba nhân vật bắt đầu từ đây. Tác phẩm thành công khi khắc họa tâm lý hoang mang, bối rối, khó hiểu của nhân vật kể – người mẹ – trước tình yêu đồng tính của đứa con gái. Không những thế, tác phẩm còn thể hiện kết quả của một nền văn hoá Hàn Quốc đương thời, trước thực trạng cá nhân được khẳng định và đòi hỏi mãnh liệt cần chấp nhận sự khác biệt của một tầng lớp trẻ đương đại.

3. Tâm lý và thái độ bị chi phối bởi định chuẩn hóa dị tính của nhân vật mẹ

Xã hội Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho những quốc gia chịu chi phối mạnh mẽ bởi định chuẩn hóa dị tính. Lịch sử Hàn Quốc trước khi bước vào thời kỳ hiện đại đã trải qua 519 năm hệ tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ thống trị sâu sắc và rộng khắp bán đảo Hàn dưới triều đại Joseon nhà Lý (1392-1910). Những đặc lợi từ giới tính nam hay nữ được phân biệt rất rõ rệt ở thời đại này, cụ thể nam giới thì được học chữ, làm quan còn phụ nữ thì chỉ chăm lo bếp núc, thêu thùa, may vá,… Đặc điểm xã hội phân biệt giới tính này là lý do chính để nhà nước Hàn Quốc thời Joseon có những trường học chỉ dành riêng cho nam giới. Bên cạnh đó, kết thúc thời đại phong kiến, khi bước vào thời cận đại rồi hiện đại là giai đoạn mà phụ nữ bắt đầu được đến trường thì Hàn Quốc có rất nhiều trường nữ sinh ở tất cả các cấp từ tiểu học đến đại học, điển hình là trường đại học nữ sinh Ehwa, trường đại học nữ Sukmuyng hiện vẫn hoạt động. Hơn nữa, Hàn Quốc hiện vẫn đang trong tình trạng đình chiến với Bắc Triều Tiên, do đó tất cả nam thanh niên Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong hai năm được pháp luật Hàn Quốc quy định. Như vậy, trong bối cảnh môi trường của những tập thể toàn nam giới, hoặc toàn nữ giới này, hiện tượng tình yêu, tình dục đồng tính luyến ái bắt đầu xuất hiện và ngấm ngầm sôi nổi trong xã hội Hàn8. Thế nhưng ở đây queer trong xã hội Hàn chỉ dừng lại ở sự ‘ngấm ngầm’ mà không dám công khai chính thức bởi rào cản kỳ thị nặng nề tồn tại trong phần lớn người dân Hàn Quốc. Trong cuộc phỏng vấn nguyên thị trưởng Lee Myung Park (người sau này trở thành tổng thống Hàn Quốc) vào ngày 12/5/2007 được thực hiện bởi báo Joseon-ilbo, khi được hỏi quan điểm của mình về nạo phá thai và tình yêu đồng tính, ông đã trả lời: “Cơ bản là tôi phản đối chứ. Trước khi tôi là tín đồ đạo Cơ Đốc thì con người là sự kết hợp nam nữ sống cùng nhau thì mới là bình thường. Vì thế, những người yêu đương đồng tính vừa không phải là người, vừa không phải là động vật mà là bệnh hoạn”9. Như vậy, có thể nói xã hội Hàn Quốc kỳ thị giới queer tới mức ngay cả một nhà tri thức, một thị trưởng của một thành phố lớn như Lee Myung Bak cũng đã phát biểu công khai trước truyền thông với những ngôn từ lăng mạ đỉnh điểm. Mạnh mẽ hơn, định chuẩn hóa dị tính trong xã hội Hàn Quốc còn quy định các hình phạt rõ ràng trong Bộ luật hình sự quân đội, cụ thể mục 6 điều 92 về quấy rối tình dục của Bộ luật này như sau: “Đối với những người được quy định từ mục 1 đến mục 3 điều 1, người quan hệ tình dục bằng hậu môn hoặc thực hiện hành vi quấy rồi tình dục khác sẽ bị phạt tù dưới 2 năm” được thực thi từ ngày 2/11/200910 dưới thời tổng thống Lee Myung Bak (2008-2013). Gần đây, phát ngôn của ứng cử viên chức Bộ trưởng Bộ tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk vào ngày 07/9/2019: “Quan hệ đồng tính không phải là vụ án pháp luật và hôn nhân đồng tính sớm sẽ được cho phép”11 khiến dư luận Hàn Quốc chia thành hai ngả. Tuy nhiên, làn sóng phản đối tư tưởng này có phần mạnh mẽ hơn bởi rất nhiều tổ chức tôn giáo Cơ Đốc lên tiếng phản đối đồng tính nhằm bảo vệ giáo lý của họ. Ngày 19/9/2019, các giáo sư Hàn Quốc đã cùng ký đơn phản bác kế hoạch ban hành điều luật cấm phân biệt đối xử đối với người đồng tính12. Làn sóng phản đối này hiện vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Dựa trên bối cảnh thực tế ở Hàn Quốc, nơi mà nhiều queer vẫn chưa dám công khai khẳng định giới tính của mình và tư tưởng kỳ thị queer vẫn nặng nề trong mọi tầng lớp người dân Hàn Quốc từ tầng lớp bình dân đến trí thức như các giáo sư hay nhà nghiên cứu, Về con gái tôi đã khắc họa sự kỳ thị mạnh mẽ của người Hàn đối với queer, cụ thể trong tác phẩm này là Green, Lane và người đồng nghiệp của Green. Nhân vật đồng nghiệp của Green không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được nhắc đến khi miêu tả bối cảnh tình huống truyện. Trong tác phẩm, người đồng nghiệp của Green đã bị sa thải bởi một trường đại học vì lý do giới tính queer. Nhưng Về con gái tôi không chỉ dừng lại ở việc khắc họa sự kỳ thị ở nơi công sở, mà còn cả sự kỳ thị ngay trong gia đình, giữa nhận vật mẹ và con gái.

Khi nghiên cứu tác phẩm này, nếu quan sát một cách tập trung vào Green và Lane để hiểu mối quan hệ của họ là một loại tình yêu, thì trong bài nghiên cứu này, chúng tôi giới hạn sẽ chỉ khảo sát thái độ và suy nghĩ của nhân vật người mẹ đã chẳng thể hiểu nổi thứ tình yêu của Green – con gái mình với Lane. Bài viết phân tích dị tính là một định chuẩn xã hội – yếu tố gây ra sự mâu thuẫn giữa nhân vật mẹ và nhân vật con gái và đồng thời khiến cho người mẹ đau khổ đến cùng cực vì chẳng thể hiểu nổi thứ tình yêu mà bà cho là lệch lạc này.

Có thể nói người Hàn Quốc thường thực hiện kỳ vọng của xã hội thông qua giáo dục. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Hàn Quốc được bố mẹ kỳ vọng trúng tuyển vào một trường đại học top như Seoul, Yonsei, Korea,…; trở thành côngc hức hay làm veiejc tại một tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, Doosan,…Đại đa số người Hàn Quốc đều phấn đấu vì mục tiêu này, và để con cái đạt được mục tiêu đúng với kỳ vọng của phụ huynh thì cha mẹ Hàn Quốc sẵn sàng hy sinh nhiều thứ từ công việc, tiền bạc đến thời gian. Trong Về con gái tôi, nhân vật người cha đã mất của Green ngày còn sống đã đi kiếm tiền ở Philippin nhằm trang trải học phí đắt đỏ cho con gái. Trong hoàn cảnh chồng vắng nhà thường xuyên, nhân vật người mẹ cũng hy sinh mọi thứ có thể nhằm chăm sóc và nuôi dạy con gái mình tốt nhất. Bà đã phải từ bỏ nghề giáo viên – một công việc ổn định và làm qua tay không biết bao nhiêu thứ nghề lao động chân tay vất vả để nuôi nấng con gái ăn học trở thành giáo sư, công chức như bà mong muốn. Ở đây chúng ta lại thấy sự thay đổi kỳ vọng của hình thái gia đình Hàn Quốc. Hình thái gia đình Hàn Quốc chịu ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng Nho giáo “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” trước đây giờ đã thay đổi do sự cạnh tranh giáo dục khốc liệt. Hiện nay trẻ em Hàn Quốc nếu muốn thụ hưởng điều kiện học tập tốt thì phụ huynh phải có tiềm lực tài chính cao, đây chính là lý do khiến nhiều gia đình Hàn Quốc lựa chọn giải pháp chỉ đẻ một con13. Hình thái gia đình có con con gái độc nhất dần dần định vị và phát triển mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc đã khiến sự kỳ vọng của vốn đặt lên con trai – người được coi là trưởng nam lại chuyển hướng sang con gái trong nhà. Nhân vật bà mẹ trong Về con gái tôi là một trường hợp như thế. Bà và chồng đã hy sinh mọi thứ để đầu tư cho cô con gái với kỳ vọng cô sẽ thành đạt trong xã hội và sẽ trở thành chỗ dựa cho bà và chồng khi về già như một trưởng nam trong gia đình. Thế nhưng, khác kỳ vọng của bà, Green – con gái bà, ngay khi vừa nhập học đại học đã quyết định thuê nhà ở riêng để khẳng định bản sắc giới tính của mình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa mẹ và con gái không phải chỉ bắt đầu từ thời điểm đó, mà có lẽ đã tiềm ẩn từ rất lâu rồi.

“Tôi đã để mặc khi lần đầu tiên phát hiện ra người mà con gái tôi hàng đêm vẫn nói chuyện điện thoại và viết thư lại là con gái. Bởi lẽ đó là việc xảy ra nhiều giữa các cô gái trẻ. Ngay cả khi tôi lại một lần nữa có cảm giác kỳ quặc nào đó khi con gái tôi bước vào đại học và bắt đầu thuê nhà ở riêng, tôi đã dùng sức lực còn sót lại để cố gắng không nhìn thấy bằng chứng và linh cảm rõ ràng. Trong lúc đó thì có khi con gái tôi đã đi quá xa tới mức tôi chẳng thể nào làm gì nữa. Không biết chừng như một kẻ ngốc, tôi đã để tuột mất thời kỳ phải nhổ tận gốc cái gì đó bằng mọi giá.” ([7], tr.54)14

Trích đoạn này cho chúng ta biết nhân vật người mẹ đã lờ mờ nhận thấy con gái mình có giới tính đặc biệt từ rất sớm, nhưng bà đã không thể dũng cảm đối mặt mà luôn mang tâm lý cố tình né tránh sự thật.

Tâm lý bồn chồn, lo sợ đối mặt với sự thật trần trụi rằng con gái mình có giới tính lesbian của người mẹ được Kim Hye Jin miêu tả rõ hơn trong tình huống hàng ngày bà phải chứng kiến những cử chỉ và lời nói thân mật giữa Green và Lane.

“Thế nên điều tôi lo lắng là chuyện này. Những khoảnh khắc hay cảnh tượng nào đó sẽ xuất hiện trước mắt tôi mà không hề có tín hiệu báo trước, tôi phải nhìn tận mắt những thứ mà tôi tưởng tượng và phỏng đoán, có khi là cái gì đó mà có khi là hình dạng kinh khủng và ghê sợ hơn nhiều những gì tôi đã chuẩn bị tâm lý” [7, tr.63].

“Trong đêm tối, hai đứa đã làm gì khi nằm cạnh nhau, liệu hai đứa cũng đang bắt chước mang lại cho nhau thứ niềm vui mà chồng tôi mang đến cho tôi hay tôi tạo ra cho chồng tôi. Giống như việc bố mẹ cô bé sinh cô bé. Giống như việc vợ chồng tôi sinh ra con gái chúng tôi. Liệu hai đứa có thể có một đứa con giống cả hai đứa không?” [7, tr.122]

Bất chấp cô con gái đã khẳng định nhiều lần rằng mình là người đồng tính: “Mẹ, mẹ nhìn này. Con nói mẹ nhìn cái này [poster biểu tình bảo vệ LGBT]. Những lời này chính là con đó. Người LGBT, người đồng tính, lesbian, những từ này chính là con. Đó chính là con” [7, tr.107] nhưng người mẹ vẫn không chấp nhận sự thật và luôn mang tâm lý lo sợ con gái sẽ làm điều mà những người dị tính vẫn làm khi yêu nhau với ‘bạn tình’15 đồng tính của mình. Tập quán suy nghĩ chỉ có những người dị tính mới có thể yêu nhau, làm tình, sinh con, tạo lập gia đình đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của mẹ Green. Nó chi phối và điều khiển bà khiến bà không thể chấp nhận, ghê tởm những hành vi đi ngược lại tập quán suy nghĩ đó và không thể nào đón nhận, đồng tình.

Tư tưởng mang đậm dấu ấn định chuẩn hóa dị tính này cũng chi phối toàn bộ hành vi và thái độ của nhân vật người mẹ trong mối quan hệ với Lane – bạn tình của Green. Khi cha của Green bị ốm phải nằm viện, vì lo lắng cho Green nên Lane đã thường ghé tới bệnh viện chăm sóc bố của Green thay cho cô. Khi mẹ Green bắt gặp “cô gái chính xác là bạn tình của con gái” tại bệnh viện, thay vì cảm ơn, bà đã tìm cách xua đuổi Lane bằng những lời nói như “Tôi cảm ơn nhưng cô không cần tới đây. Đây là việc của gia đình tôi”, hay “Cô đi cẩn thận, sau này cô không cần vất vả thế này nữa đâu.” [7, tr.42]

Trong hoàn cảnh khó khăn vì không có tiền trả tiền thuê nhà, Green đã tìm về mẹ để vay tiền. Người mẹ cũng trong hoàn cảnh khó khăn vì chẳng thể nào xoay sở ra tiền giúp đỡ con đã cực chẳng đã đành đề nghị cô con gái dọn về ở cùng mình. Bất chấp hoàn cảnh không có lối thoát đó, Green vẫn trả lời “Để con nói chuyện đã. Đây không phải là vấn đề con có thể quyết định một mình” bởi cô phải bàn bạc với người ‘bạn tình’ đang sống cùng mình, và chẳng thể kiềm chế, người mẹ thốt lên “Con khốn nạn!” [7, tr.36]. Sự bất lực đến cùng cực đã thốt thành lời nguyền rủa thậm tệ đối với ngay đứa con gái ruột duy nhất của mình. Hành động này cho chúng ta thấy thái độ đau đớn xen lẫn miệt thị của người mẹ với đứa con gái có giới tính đặc biệt, đi ngược lại định chuẩn xã hội mà mà bà vẫn tin theo.

Vào ngày Green và Lane chuyển nhà tới, đứng đối diện với người bạn tình của con gái mình, người mẹ vẫn nhủ thầm trong lòng: “Mình vẫn chưa thể quyết định điều gì. Mình vẫn chưa chuẩn bị đón người không rõ lai lịch mà mình không thể biết cũng chẳng muốn biết này vào nhà mình. À không, mình đã quyết định từ lâu rồi. Mình không thể thay đổi nó. Mình không thể đón đứa đó vào nhà mình được” [7, tr.40]. Mẹ Green đã không thể chấp nhận Lane – một người đồng tính. Ngay cả chính Green – đứa con đẻ của bà mà bà vẫn chưa thể công nhận thì thái độ không đón nhận Lane của bà cũng là điều dễ hiểu. Nhưng trong tình cảnh phải sống chung dưới một mái nhà thì việc đối mặt với nhau là điều khó tránh. “Trong khả năng có thể chúng ta không nên chạm mặt nhau. Ít nhất là vào thời gian buổi sáng” [7, tr.46]. Đây là câu nói đầu tiên của mẹ Green với Lane sau khi cặp đôi lesbian dọn về sống cùng nhà với mẹ. Người mẹ đã thẳng thừng vạch một đường ngăn cách với ‘bạn tình’ của con gái mình. Hành động này một lần nữa đã nói lên thái độ không chấp nhận tình yêu đồng tính và người đồng tính. Bà cảm thấy khó chịu và luôn dằn vặt mình mỗi lần nhìn thấy Lane, nhưng ở vào hoàn cảnh chẳng thể nào không sống cùng nhau dưới một mái nhà vì vấn đề tiền nong, bà chỉ còn cách thầm ước: “Giá như tôi không lấy tiền thuê nhà của chúng. Giá như tôi không nhận tiền phụ thêm mua thực phẩm và đóng thuế. Giá như tôi có thể ra điều kiện thuê nhà cả năm cho con để yêu cầu con gái tôi phải chia tay cô gái này. Giá như tôi có thể trả hết số tiền con gái mình vay mượn của cô gái này và đề nghị cô ta ra khỏi nhà tôi” [7, tr.66]. Thậm chí khi nỗi buồn đau dâng lên đến cùng cực, mẹ Green còn nghĩ và muốn thực hiện những hành vi bạo lực, thậm chí là giết người: “Khoảnh khắc này. Tôi muốn xô đổ chiếc ghế và dùng vũ lực, lực cơ bắp để tống khứ cô gái đó ra khỏi nhà. Tôi muốn túm tóc và cào mặt con bé rồi bắt nó không được bén mảng tới gần con gái tôi và nhà tôi. Không phải. Tôi muốn giết chết con bé này. Tôi muốn con bé đã mang đến cho tôi đau khổ, buồn bã và bất hạnh tận cùng này biến mất vĩnh viễn.” [7, tr.66]

Mặc định mọi người đều là người dị tính, nên khi quan sát ‘bạn tình’ của con gái mình, người mẹ đã không khỏi thắc mắc: “Rốt cuộc con gái mình đã gặp cô gái này ở đâu nhỉ? Trong khi ai cũng đều chọn cho mình một tấm chồng cường tráng và có năng lực thì con gái mình và cô gái này lại mắc sai lầm như thế nào và từ đâu nhỉ?” [7, tr.41], hay bà lẩm bẩm một mình: “Vừa nấu ăn ngon vừa ngăn nắp sạch sẽ, tại sao cô gái này không lấy chồng nhỉ? Những việc như lập gia đình, sinh con đẻ cái để nuôi nấng rồi làm mẹ và thực nghiện trách nhiệm xã hội, sao nó không nghĩ đến những việc có ý nghĩa và đáng tự hào đó mà lại đi lãng phí thời gian và năng lượng một cách vô nghĩa chứ?” [7, tr.61]. Mẹ của Green nghĩ là phụ nữ thì phải tìm một người khác giới tính với mình để thực hiện một cuộc hôn nhân dị tính, do đó bà mong muốn con gái mình và thắc mắc tại sao cô gái ‘bạn tình’ của con gái bà lại không thực hiện điều bình thường, giản dị đó. Đây cũng chính là lý do khiến bà cảm thấy bồn chồn, bất an và buồn bã vì một điều tưởng rất đỗi bình thường là vậy mà con gái bà còn không mảy may có ý định thực hiện nó. Kim Hye Jin đã miêu tả tâm can, nỗi lòng đau đớn của người mẹ bất lực khi phát hiện ra con mình là lesbian một cách thật tài tình. Trong khi những người đồng tính như Green và Lane cũng đang mải miết đấu tranh để người đời công nhận sự khác biệt của họ, thì người mẹ này cũng phải vật lộn đấu tranh cho cái quyền của một người mẹ.

– Mẹ đã nghe những lời nói vô lý của con nhiều rồi. Mẹ không biết con lại định nói gì nữa để đóng thêm đinh vào trái tim mẹ, nhưng mẹ cũng có quyền của mẹ chứ. Mẹ cũng có quyền được nhìn thấy đứa con mình vất vả nuôi nấng sống bình thường và mộc mạc.

– Sống bình thường và mộc mạc là gì chứ? Cách con sống có chỗ nào làm sao nào?

– Có chỗ nào làm sao ư? Con không biết hay sao mà còn hỏi? Không biết hay sao mà hỏi?

– Mẹ, thực sự mẹ không nghĩ mình quá đáng sao? Mẹ thật sự thế này đến tận cùng ư? Chuyện đó đã kết thúc rồi mà.

– Kết thúc gì mà kết thúc. Con thật không biết hay sao mà như thế? Con có thử suy nghĩ tâm trạng mẹ thế nào khi hàng ngày chứng kiến cảnh tượng này không? Con đã từng nghĩ tâm trạng phải thấy đứa con đã lớn khôn của mình sống bất bình thường như thế này là gì chưa? [7, tr.66-68]

Mâu thuẫn của nhân vật Green và mẹ mình là mâu thuẫn đại diện cho một bên là những người lấy dị tính làm định chuẩn xã hội để đánh giá con người với một bên là những người LBGT đang đấu tranh khẳng định bản sắc giới của mình và vẫy vùng đấu tranh đòi được công nhận. Mặc dù dân số queer Hàn Quốc chiếm 5-8% tổng dân số Hàn Quốc nhưng nhiều người Hàn đều có cùng câu trả lời rằng họ chưa từng gặp người đồng tính bao giờ16. Giới queer ở Hàn Quốc hiện vẫn chỉ hoạt động âm thầm17. Chính vì sự kỳ thị queer của Hàn Quốc – một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất nhì châu Á mà queer Hàn Quốc đã khó có thể dễ dàng công khai giới tính thực của mình; đồng thời những người không phải là queer cũng khó chấp nhận và đón nhận họ, ngay cả khi đó là người thân ruột thịt.

Theo mẹ Green, “[…] Không có ai sống như con cả đâu. Dẫu có là thời đại sống theo ý mình đi chăng nữa thì điều này mà có lý được hay sao? Mỗi lần mẹ nói thế này là con lại nói hai mẹ con không hiểu nhau và coi mẹ là con mụ già ở trong xó phòng thôi. Nhưng không phải vậy đâu. Con có biết mình trẻ được đến khi nào không? Con tưởng mắc sai lầm thì luôn luôn có nhiều thời gian để sửa đổi hả?” [7, tr. 102]. Với bà, tất cả tình yêu đều là tình yêu dị tính, cho nên bà nghĩ trên đời này không có ai sống như Green, không có ai đi yêu hay kết hôn với người đồng tính như Green. Không những thế, bà con cho rằng thời đại dẫu có thay đổi nhiều tới mức con người có thể sống tùy theo ý của mỗi cá nhân nhưng vẫn chẳng thể chấp nhận được tình yêu đồng tính. Đặc biệt, bà con nghĩ đây chỉ là hành vi sai lầm và có thể sửa chữa được nếu Green quyết tâm thay đổi, chứ bà tuyệt nhiên không thể hiểu được đó chính là bản sắc của con gái bà – thứ đã có từ khi sinh ra. Thế nên, bà khuyên nhủ: “Giờ cũng không muộn đâu. Con hãy kết hôn với người phù hợp đi. Rồi sinh con đẻ cái. Khi còn trẻ thì ai cũng từng phạm phải sai lầm mà. Chỉ là phải chỉnh sửa ngay bây giờ. Mẹ là mẹ con. Nếu không phải là mẹ thì ai sẽ nói lời này với con chứ. Dù con sống như thế nào thì người khác cũng chẳng quan tâm và cũng không nhúng tay vào đâu” ([7], tr.103). Thâm tâm bà vẫn không công nhận bản sắc giới của con mà vẫn kỳ vọng con sửa chữa sai lầm bằng cách kết hôn với một người đàn ông rồi đẻ con. Bà nghĩ con gái mình đang phạm sai lầm nghiêm trọng, khó nói nên chỉ có bà – mẹ đẻ của cô mới khuyên nhủ cô, chứ người ngoài thì sẽ không ai làm như thế. Bà hối thúc con phải sửa chữa sai lầm nhanh chóng trước khi quá muộn, nếu muộn thì sẽ khó lập gia đình và sinh con, và kết quả là có thể sống một mình.

– Mẹ là mẹ của con mà. Những ngày trẻ tuổi thực sự chỉ chớp mắt thôi. Rồi một ngày nhìn lại thì chưa gì đã 40, 50 tuổi và già đi nhanh chóng. Lúc đó con cũng định sống một mình như thế này sao?

– Mẹ, đây không phải việc của người khác và là chuyện của con. Một lúc nào đó nó có thể là chuyện của con. Và giờ con cũng đâu có sống một mình.

– Không phải một mình ư. Con có một mình thôi. Con có gì nào? Con có chồng không? Có con cái không? Bạn bè hay đồng nghiệp rồi cũng bỏ đi hết thôi. Con học hành nhiều mà sao lại chỉ lựa chọn những lời thiếu suy nghĩ thế này để nói chứ? [7, tr.104-105]

Mẹ Green đã bị định chuẩn hóa dị tính chi phối mạnh mẽ nên dẫu con gái bà đang yêu và chung sống cùng Lane, bà vẫn khẳng định con gái bà đang sống một mình. Với bà, phải lấy chồng và sinh con thì mới có một gia đình. Theo quan niệm về hôn nhân của bà, là con gái thì phải kết hôn với một người đàn ông và phải sinh con để tạo lập gia đình. Nhưng trái ngược với bà, Green cũng “phản pháo” lại một cách chặt chẽ: “Tại sao chỉ có chồng hay con cái mới là gia đình? Mẹ, Lane là gia đình của con. Không phải là bạn. Trong bảy năm qua chúng con đã sống thực sự như một gia đình. Gia đình là gì chứ? Chẳng phải là người tiếp sức và luôn ở bên cạnh sao? Tại sao cái này là gia đình còn cái kia thì không?” Green đã đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Tại sao hôn nhân dị tính mới hình thành gia đình, còn hôn nhân đồng tính không thể hình thành gia đình? Cô khẳng định đanh thép một lần nữa trước mẹ mình.

– Mẹ, con đã nói là Lane không phải là bạn bè. Đối với con, cô ấy vừa là chồng vừa là con cái của con. Đó là gia đình của con.

– Là chồng, là vợ, là con ư? Hai đứa có thể làm được gì nào? Có thể kết hôn được không? Có thể đẻ con được không? Việc hai đứa làm chỉ giống như trò chơi đồ hàng thôi. Không có ai chơi đồ hàng đến quá 30 tuổi cả. [7, tr.106]

Như vậy, hai bên đã tranh cãi, giằng co, đối kháng nhưng đến cuối cùng vẫn không tìm được tiếng nói đồng nhất. Green cảm thấy thất vọng về mẹ khi mẹ chưa bao giờ chịu lắng nghe và hiểu mình, cô cho rằng những người không hiểu LGBT như mẹ của cô chính là những người đang cản trở người đồng tính như cô và Lane được xã hội chấp nhận. Trong khi đó mẹ Green cũng cảm thấy đau đớn vì Green đã cướp mất của bà ‘quyền được nhìn thấy đứa con mình vất vả nuôi nấng sống bình thường và mộc mạc’.

Không chỉ cảm thấy đau đớn, mẹ Green còn cảm thấy xấu hổ khi là mẹ của một đứa con bất bình thường, và xa hơn, bà còn phủ định cả con, cả mình, cả những vất vả hy sinh trong suốt những năm tháng dài nuôi con: “Con gái tôi hà tất gì sao lại thích con gái nhỉ? Sao nó lại vứt cho tôi cái vấn đề mà tất thảy mọi cha mẹ suốt đời đều không có lý do lẫn nhu cầu phải suy nghĩ rồi hối thúc và dày vò tôi theo kiểu hãy cứ cho qua mọi chuyện đi. Tại sao nó lại khiến người mẹ đẻ ra nó phải buồn đến thế. Sao con gái tôi lại tàn nhẫn đến thế? Tại sao tôi lại cảm thấy xấu hổ vì mình là mẹ của nó? Tôi ghét chính mình vì đã thấy xấu hổ vì làm mẹ của nó. Tại sao nó lại khiến tôi phủ nhận nó, phủ nhận chính mình và phủ nhận mọi thời gian mà tôi đã sống?” [7, tr.84]. Bà hồi tưởng và tiếc nuối: “Đứa con đã từng coi mẹ là cả thế giới, đứa con đã nuốt hết lời nói của mẹ giống như miếng bọt biển để trưởng thành. Đứa con mà khi mẹ bảo không thì hiểu là không, mẹ bảo đúng thì biết là đúng giờ đây đã vượt bước lên trước và đi cách xa tôi như thế […] Có khi con gái tôi sẽ không quay trở lại trong vòng tay tôi nữa” [7, tr.97]. Giờ đây Green đã hơn 30 tuổi, cô không bao giờ là một đứa trẻ chỉ ngoan ngoãn trong vòng tay của mẹ nữa. Thậm chí ngay khi 18 tuổi – thời điểm bước chân vào cổng trường đại học thì cô đã tự khẳng định bản sắc của mình bằng cách quyết định sống độc lập. Không thể giải toả nỗi đau đớn vì bất lực trước sự khẳng định quyết liệt bản sắc giới của đứa con gái, mẹ Green bất lực gào thét với Lane: “Cháu có biết tâm can cô thế nào khi nhìn việc đó không? Cháu hãy thử đặt mình vào vị trí của cô xem. Cháu hãy thử nghĩ mình là cha mẹ xem.” [7, tr.121]

Cuối truyện, dẫu trải qua nhiều biến cố khiến mối quan hệ của mẹ Green và Lane đã phần nào cải thiện hơn, tuy nhiên đến tận cùng bà vẫn chưa thể chấp nhận giới tính của con gái mình.

– Cô không biết nữa. Liệu cô có thể hiểu hai đứa không, không biết ngày đó có đến khi cô còn sống không [7, tr.194]

– Liệu có điều kỳ diệu giúp cô hiểu hai đứa không. Bởi vì đôi khi điều kỳ diệu cũng đến với dáng vẻ thật kinh khủng. Nếu không bỏ cuộc thì một lúc nào đó cũng sẽ đến thôi. Cũng có thể thế lắm. Thế nhưng điều đó cần thời gian mà. Cô không biết cô có còn thời gian nhiều như thế không”, tôi lẩm bẩm một mình. [7, tr.194-195]

Trong phim tài liệu Người bất ổn (Troublers) (2015) của đạo diễn Lee Young, cuộc đời của đồng tính nữ Lee Mook đã được kể lại qua lời tự sự của nhân vật chính. Lee Mook kể rằng ở thập niên 1970, người Hàn dùng từ lóng “người mặc quần” để chỉ đồng tính nữ. Trước khi thuật ngữ ‘lesbian’ du nhập đến Hàn Quốc vào thập niên 1990, những sáng tác liên quan đến chủ đề ‘người mặc quần’ đã được bắt đầu từ thập niên 1920. Tuy nhiên các sáng tác này đều xem những người thực hành giới tính phi định chuẩn là người đáng thương hoặc bị xử phạt ở tội danh nhẹ, sự kỳ thị và hình thức xử phạt này vẫn được duy trì từ thập niên 1950 đến nay [1, tr.204]. Như vậy, có thể nói xã hội Hàn Quốc bị định chuẩn dị tính chi phối mạnh mẽ đã có chiều dài lịch sử từ lâu và không dễ dàng thay đổi. Đối với người Hàn, tình yêu và hôn nhân chỉ được thực hiện giữa đàn ông bà đàn bà, giới tính của một người nếu không phải là đàn ông thì nhất định sẽ là đàn bà, chứ tuyệt đối họ không chấp nhận giới tính queer. Mẹ của Green ở độ tuổi 60, có nghĩa rằng bà sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc có điều luật quy định người đồng tính là người phạm tội nhẹ bao thì kết quả bà khó chấp nhận giới tính queer của người khác, thậm chí là con gái mình cũng là điều có thể hiểu được. Bà đã luôn ghê sợ và tuyên bố không chấp nhận giới tính Queer. Nhưng sự kiện Green và Lane chuyển về sống chung nhà với bà là một bước chuyển tạo bối cảnh cho người không phải queer là bà sống cùng với những người queer. Cùng sinh hoạt dưới một ngôi nhà, những cuộc chạm mặt nhỏ như pha cà phê hay nấu ăn trong bếp, phơi quần áo ngoài sân đến những quan sát không lời của bà về Lane đã dần dần làm biến chuyển tâm lý, suy nghĩ của bà. Ở đó, bà còn chứng kiến và cảm nhận sự hy sinh lẫn tình yêu mà Lane dành cho con gái bà; bà trực tiếp mục sở thị những vật vã đấu tranh của con gái mình nhằm bảo vệ những người cùng giới tính với cô đang bị kỳ thị. Và thông qua đó, định kiến của bà đã phần nào ‘nhúc nhích’ chuyển mình tịnh tiến về hướng chấp nhận Queer hơn. Kim Hye Jin đề cập đến queer nhưng không lấy queer là nhân vật chính, mà cô xây dựng nhân vật chính là người mẹ đẻ của một lesbian, rồi từ đó miêu tả lesbian qua con mắt của người không phải queer. Bằng cấu trúc xây dựng nhân vật như thế này, tác giả đã thành công khi khắc họa queer một cách tương đối khách quan, đồng thời miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của người làm mẹ khiến độc giả cảm thấy nhiều đồng cảm.

4. Kết luận

Nhà phê bình văn hoá Alexander Doty nói rằng queer luôn tiềm ẩn trong văn hoá đại chúng và văn học nhưng “giáo huấn văn hoá độc tôn dị tính/ kỳ thị đồng tính khiến con người chẳng thể nhận thức queer” [8, tr.34]. Thế nhưng gần đây, thông qua những tác phẩm văn học nghệ thuật, cuộc đấu tranh mưu cầu được khẳng định của người queer diễn ra mạnh mẽ. Kim Hye Jin cũng đã có đóng góp ý nghĩa với tác phẩm Về con gái tôi khi thông qua nó, cô khẳng định sự đa dạng về tình yêu, tình dục của queer. Nghiên cứu này đã lấy định chuẩn hóa dị tính làm cơ sở lý luận để lý giải cho thái độ và tâm lý của người mẹ trước tình yêu đồng tính của con gái mình. Mặc định dị tính là định chuẩn nên mẹ Green cho rằng tình yêu, hôn nhân phải được tạo lập từ những người dị tính, nữ thì phải yêu, kết hôn và sinh con đẻ cái với nam. Chính tư tưởng này đã khiến bà không thể chấp nhận tình yêu đồng tính của Green, điều này đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc trong mối quan hệ của hai mẹ con, giữa bà và Lane – ‘bạn tình’ của con gái bà. Cuộc sống chung với những va chạm, quan sát gần kề nhau đã tác động khiến tư tưởng cố hữu của nhân vật mẹ dần biến chuyển. Kết thúc truyện, tác giả miêu tả nhân vật người mẹ sẽ chẳng thể hiểu được con gái mình hoàn toàn, nhưng bà đang đứng trên con đường muốn hiểu cô con gái. Về con gái tôi đã khẳng định thông điệp queer là có thật và theo thời gian, một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu và chấp nhận.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tiếng Việt

[1]  Carol (phim), nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Carol_(phim) (truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2019).[2]  Kim E-whan (2019), “Biến thân” (Bùi Phan Anh Thư, Hiền Nguyễn), trong Phan Thị Thu Hiền (cb), Truyện ngắn Hàn Quốc đương đại, Nxb. Văn Hoá – Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.[3]  Thanh Phương (2019), “Moonlight đứng đầu danh sách 100 bộ phim hay nhất thập kỷ”, nguồn: https://baomoi.com/moonlight-dung-dau-danh-sach-100-bo-phim-hay-nhat-thap- ky/c/31597923.epi (truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2019).[4]  “Queer là sao? Queer là gì?”, nguồn: https://sapphovn.com/queer-la-gi/ (truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2019).

Tài liệu tiếng nước ngoài

[1] Bae Seong Min, Jeong Hee Seung (2018), Reconstructing the spatial concepts through the Queer: Focusing on Lee Mook from Troublers (lee Young, 2015), Tạp chí Không gian và xã hội, quyển 28, số 1, tr. 194-226. nguồn: http://www.riss.kr/search/detail/DetailView.do?p_mat_type=1a0202e37d52c72d&control_no=c 860e04e5cf18226b7998d826d417196.[2]  Berlant Lauren and Michael Warner (1998), “Sex in Public”, Critical Inquiry, Vol.24, No.2, Intimacy, pp 547-566.[3]  Bộ luật hình sự quân đội Hàn Quốc, nguồn: http://www.law.go.kr/lsInfoP.do?lsiSeq=149926&efYd=20140114#0000, (truy cập ngày truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2019).[4]  Cha Min Jung (2011), “Lý thuyết Khoa học về giới tính thập niên 1920-1930 và sự xuất hiện định chuẩn hóa dị tính”, Tạp chí Lịch sử và văn hoá, số 22, tr.27-52. [차민정 (2011), 1920-1930 년대 ‘성과학’ 담론과 ‘이성애 규범성’의 탄생, 역사와 문화, 22, p.29-52].[5]  Kim Hye Jin (2017), “Những người cùng phố”, trong Han Gang và nhiều tác, Chia ly, Nxb. Eunhaengnamu. [한강외 (2017), 작별, 은행나무].[6]  Jeon Eui-hong (2019), Hàn Quốc – quốc gia duy nhất trên thế giới có ‘tỷ lệ sinh sản 0 người’, nguồn: http://www.idomin.com/news/articleView.html?idxno=707860 (truy cập ngày 21/9/2019).[7]  Kim Hye Jin (2017), Về con gái tôi, Nxb. Minumsa. [김혜진 (2017), 딸에 대하여, 민음사].[8]  Kim Mi Rae (2019), “Tính đa dạn của dục vọng và định chuẩn hóa dị tính xuất hiện trong “Con dê, hay Sylbia là ai?” của Albee: dưới quan điểm của lý thuyết Queer”, luận văn thạc sĩ, trường Đại học Kyung-buk, Hàn Quốc, nguồn: http://www.riss.kr/search/detail/DetailView.do?p_mat_type=be54d9b8bc7cdb09&control_no= c863ed34bb00993fffe0bdc3ef48d419.[9]  Lee Dae-woong (2019), “Ứng cử viên Cho-kuk “Kết hôn đồng tính sắp đến” “Cần chính sách chủ nghĩa xã hội”, nguồn: http://www.christiantoday.co.kr/news/325174 (truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2019).[10]  “Lee Myung Bak: Người quan hệ đồng tính không phải là người cũng không phải là động vật, mà là bệnh hoạn”, nguồn: https://blog.naver.com/shine_es/80045962763 (truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2019).[11]  Michael Warner (1991), “Fear of a Queer Planet”, Social Text, No.29, pp.3-17.[12]  So Jung Han (2019), “Các giáo sư ‘chuẩn bị tuyên bố thị quốc’ lôi kéo hiệu ứng ‘tên cộng sản Cho-kuk”, nguồn: http://www.ohmynews.com/NWS_Web/View/at_pg.aspx?CNTN_CD=A0002571691&CMPT_CD=P0010&utm_source=naver&utm_medium=newsearch&utm_campaign=naver_news (truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2019).[13]  Phán quyết lật ngược, quân đội ‘bất tiện’ với người thuộc giới tính thiểu số bị xâm hại tình dục (2019), nguồn: http://www.ohmynews.com/NWS_Web/View/at_pg.aspx?CNTN_CD=A0002559836&CMPT_CD=P0010&utm_source=naver&utm_medium=newsearch&utm_campaign=naver_news.

Chú thích

1 ThS, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu. Email: [email protected]

2 Nguồn: https://sapphovn.com/queer-la-gi/.

3 Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Carol_(phim).

4 Nguồn: https://baomoi.com/moonlight-dung-dau-danh-sach-100-bo-phim-hay-nhat-thap-ky/c/31597923.epi.

5 Truyện được đăng trong Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc, 2019, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ.

6 Truyện được đăng trong tuyển tập truyện ngắn Chia ly, 2017, Nxb. Eunhaengnamu.

7 Hàn Quốc có hai hình thức thuê nhà ở. Một là hình thức ‘wol-se’ có nghĩa là thuê nhà và trả tiền hàng tháng, hình thức còn lại là ‘jeon-se’ khi người thuê đặt một khoản tiền đặt cọc lớn để thuê nhà và hàng tháng không cần trả tiền thuê nhà.
8 Cha Min Jung (2011) đã phân tích bối cảnh hình thành mạnh mẽ hiện tượng đồng tính nữ ở Hàn Quốc như sau: “Hiện tượng mới gọi là ‘tình yêu đồng tình’ giữa phụ nữ khiến chúng ta không thể suy nghĩ nó không liên quan đến sự ra đời của “không gian” mới mà ở đó phụ nữ thoát khỏi hàng rào mang tên gia đình để cùng sống chung tập thể với phụ nữ cùng tuổi. Thực tế vấn đề tình yêu đồng tính có “liên quan đến môi trường trường học sống cùng ký túc xá giữa nhứng học sinh nữ” chứng minh sự xuất hiện “tính xã hội đồng tính” mới này là kết quả liên quan với nhau. Tất nhiên, không phải là trước thời hiện đại không tồn tại những giá trị như tính thật mật, tình cảm yêu mến, hữu ái giữa phụ nữ. Thế nhưng, thông qua việc thoát khỏi không gian truyền thống coi nam giới là trung tâm để tiếp vào không gian cận đại như “trường học” hay “công ty” thì phụ nữ có khả năng có thể nghĩ đến mối quan hệ giữa phụ nữ với nhau theo cách mới. Và tính khả năng đó chính là điều kiện cần thiết để nhận thức và gọi tên tính thân mật giữa phụ nữ được hình thành một cách mới mẻ là hình thức “hẹn hò” hay “tình yêu”.

9 Nguồn: https://blog.naver.com/shine_es/80045962763

10 Nguồn: http://www.law.go.kr/lsInfoP.do?lsiSeq=149926&efYd=20140114#0000. Mục 6 điều 92 Bộ luật hình sự quân đội Hàn Quốc hiện nay là mục 5 điều 92 Bộ luật hình sự quân đội cũ được di chuyển từ ngày 5/4/2013.

11 Nguồn: http://www.christiantoday.co.kr/news/325174.

12 Nguồn: http://www.ohmynews.com/NWS_Web/View/at_pg.aspx?CNTN_CD=A0002571691&CMPT_CD=P0010&utm_source=naver&utm_medium=newsearch&utm_campaign=naver_news.

13 Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 0, chỉ 0.98 người (2018), nguồn: http://www.idomin.com/news/articleView.html?idxno=707860.
14 Toàn bộ nội dung trích dẫn từ tiểu thuyết Về con gái tôi (2017) trong nghiên cứu này đều do Nguyễn Thị Thu Hà dịch.

15 Nguyên văn dùng từ tiếng Anh ‘partner’.

16 Nguồn: http://www.ohmynews.com/NWS_Web/View/at_pg.aspx?CNTN_CD=A0002559836&CMPT_CD=P0010 &utm_source=naver&utm_medium=newsearch&utm_campaign=naver_news.
17 Gần đây, nhờ phát ngôn đứng về phía họ của đương kim Bộ trưởng bộ Tư pháp Hàn Quốc hồi đầu tháng 9/ 2019 hồi là ứng cử viên cho vị trí này mà những hoạt động đấu tranh của queer đã mạnh mẽ hơn. Ngày 21/9/2019 tại Busan, Hàn Quốc đã diễn ra cuộc tập hợp queer diễu hành trên đường Gunam. Nguồn: http://www.busan.com/view/busan/view.php?code=2019092219201973494.

—————-

Bài viết được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Văn học và Giới, khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/ 2019.