Cái mõ tiếng anh là gì

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Phần giới thiệu của mình trong “Nhạc cụ cổ truyền VN” với các bạn hôm nay là .

[tên phiên âm Hán-Việt ít dùng là Mộc Ngư] được xếp là một nhạc khí tự thân vang, phổ biến ở Việt Nam. Trên thực tế được sử dụng vào các môi trường khác nhau và có những chức nǎng khác nhau.

Các loại mõ:

Mõ Chùa.

Mõ Chùa làm từ các loại gỗ chắc, cứng, hình dạng thường gặp hình cầu dẹt với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau: Cỡ to nhất có đường kính khoảng 70 – 80 cm, cỡ vừa đường kính 20 – 30 cm và cỡ nhỏ đường kính 5 – 7 cm. Tất cả ở giữa đều rỗng, khoét theo hình lòng máng. Dùi gõ Mõ cũng làm bằng gỗ, kích cỡ của dùi to nhỏ tương xứng với kích cỡ của Mõ. Âm thanh của Mõ gỗ giòn, âm vang sâu lắng. Trong chùa Mõ được sử dụng khi tụng kinh với vai trò điểm nhịp đều theo lời tụng.

Mõ Làng.

Mõ Làng có nhiều loại: Có loại làm bằng gỗ cứng hình cá trắm dài khoảng 1 m, to, khoét dài rỗng theo bụng cá và thường treo ở điếm làng. Có loại làm bằng gốc tre già gọt theo hình trǎng khuyết, đường kính từ 15 – 20 cm, ở giữa có khoét một rạch rỗng. Trong đời sống nông thôn người Việt xưa, Mõ có chức nǎng thông tin. Mõ được làng giao cho một người đàn ông phụ trách, thượng được gọi là “Thằng Mõ” hay Anh Mõ. Vào những dịp có việc làng hoặc những sự kiện đột xuất cần thông báo Thằng Mõ/Anh Mõ có nhiệm vụ gõ mõ thông tin cho khắp các gia đình trong làng.

Mõ Trâu.

Mõ Trâu được làm bằng gỗ hoặc gốc tre già hình hộp đứng. Mặt đáy khoét rỗng thông với mặt trên. Mặt đáy hình chữ nhật với chiều dài từ 20 – 25 cm, chiều rộng từ 10 – 15 cm. Mặt trên hình chữ nhật với chiều dài, dài hơn chiều dài của Mõ và ở giữa buộc 2 đoạn gỗ dài hơn chiều cao của Mõ khoảng 1 cm. Người ta buộc Mõ vào cổ trâu. Khi trâu chuyển động, đi lại, 2 đoạn gỗ gõ đều đặn vào thành trong của Mõ phát ra âm thanh nghe lách cách vui tai.

Mõ Sừng Trâu.

thuộc bộ gõ, không định âm, tham gia hòa tấu trong các dàn nhạc sân khấu và nhiều loại hình ca hát khác. Cấu tạo của Mõ loại này thường làm bằng tre già, hình trǎng khuyết như mõ làng, ở một số dàn nhạc tuồng, chèo còn dùng Mõ gỗ như Mõ Chùa, kích cỡ vừa phải, đường kính từ 10 – 25 cm. Ngày nay Mõ còn được dùng trong các tốp nhạc dân tộc mới và trong dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Đặc biệt tham gia vào dàn Đại Nhạc Huế hiện nay có loại Mõ làm bằng sừng trâu. Mõ này làm từ sừng trâu cong, cắt bỏ phần đầu nhọn, lấy phần gốc dài chừng 10 – 15 cm. Âm thanh của Mõ Sừng Trâu vang, khoẻ.

Mõ nguyên bản hình cá Kình tại một ngôi chùa ở Uji, Nhật.

Sự tích Mõ gắn liền với Phật giáo:

Ngày xưa, có một vị Hòa thượng trụ trì một ngôi chùa ở gần bờ sông trong một thôn quê. Mỗi khi có việc ra tỉnh, ngài quá giang bằng chiếc đò ngang. Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng bảy, ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kỳ siêu. Khi đò ra tới giữa dòng thì thấy sóng nổi lên ầm ầm làm cho thuyền tròng trành muốn đắm. Ai nấy ở trên đò cũng đều hoảng hốt, thì ngay lúc ấy, bỗng nhiên thấy nổi lên trên mặt nước, một con cá kình rất lớn, dương hai mắt đỏ ngầu mà nhìn chăm chăm vào vị Hòa thượng kia. Nhưng Hòa thượng vẫn bình tĩnh ngồi niệm Phật.

Con cá liền cất cao cái đầu lên khỏi mặt nước mà lắp bắp cái miệng nói: “Hỡi hành khách ở trên đò, các người muốn được yên lành, hãy liệng lão ác tăng xuống đây cho ta, để ta nuốt chửng nó đi cho hả cơn giận. Các người có biết không? Ngày trước, ta theo lão tu đạo, lão không chịu giảng dạy chi cả, cứ buông lỏng cho ta muốn làm gì thì làm, không hề kiềm chế. Vì vậy, ta mới sinh ra lười biếng, chỉ lo rong chơi ăn ngủ theo thế tục, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và săn sóc công việc Chùa. Không những thế, mỗi khi có đám tiệc lại để cho ta mang hậu đắp y để khoe khoang với đại chúng và bổn đạo. Vì những tệ đoan như thế, nên sau khi ta chết, phải đọa vào loài súc sinh, làm thân cá kình, đi tới đâu thì ồ ạt tới đó, làm cho những tôm cá chạy đi hết, không có cái gì để ăn, phải chịu đói khát, rất cực khổ, khổ còn hơn loài quỷ đói nữa. Vì thế mà ta chỉ oán lão thôi, còn các người đối với ta vô can, ta không muốn làm hại ai cả”

Nghe cá nói xong, Sư liền mỉm cười mà đáp rằng: “Này nghiệt súc, nhà ngươi nói thế mới thật là thậm ngu. Há ngươi không hiểu câu phương ngôn ‘Ðạp gai, lấy gai mà lễ, hay sao?’ Nếu ngươi đã biết vì tạo những tội lỗi như thế mà phải đọa làm thân cá thì nhà ngươi cần phải ăn năn sám hối tội lỗi và tạo duyên lành, ngõ hầu mới được tội diệt phúc sinh, rồi mới mong thoát khỏi được quả báo. Ta là Thầy ngươi, mỗi khi dạy ngươi đúng theo giới luật, thì ngươi bảo là quá nghiêm khắc, hay la mắng quở trách, còn thả lỏng cho ngươi không nghiêm trị, thì ngươi quen tính phóng túng, thành thử mới phải đọa làm loài cá. Một khi bị đày, ngươi cần phải sám hối và báo cho ta biết để tụng kinh siêu độ và xả tội cho, còn nếu như muốn ăn thịt ta thì lấy ai để cứu ngươi nữa. Ðã có tội, không biết ăn năn mà còn kiếm cách đỗ lỗi cho người. Phạm Phật thì có Tăng cứu, còn như phạm Tăng thì Phật không độ. Ngươi có hiểu câu đó chăng?”

Mõ gỗ khắc hinh “song ngư” trong chùa Hội Linh Cổ Tự [Cần Thơ] được làm hồi đầu thế kỷ 20.

Sư cụ quở vừa dứt lời, thì cá Kình kia cũng lặn chìm xuống dưới đáy nước.

Kế đó, sau bảy ngày đêm vang tiếng tụng kinh cầu siêu độ tại chùa, thì cá Kình liền trồi lên mặt nước, lết thẳng tới sân Chùa, nằm dài và hướng vào trong Chùa mà nói rằng: “Bạch Thầy, mấy hôm nay, nhờ công đức của Thầy và chư Tăng Ni chú nguyện và tụng kinh siêu độ cho, nên con đã được tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và lên cõi trời Dục Giới. Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự khoái lạc của chư tiên, con xin đến đây thành tâm lễ tạ ơn Thầy cùng chư Tăng Ni và con nguyện lưu cái xác thân cá Kình tại chùa để mỗi ngày, chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự cao, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật và cũng là để nhắc nhở cho những vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo, để khỏi xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thâm tâm, nghiêm trì giới luật.”

Vì sự tích như đã kể ở trên, mà từ ngày ấy tới nay, Mõ mới được chạm khắc theo hình con cá để làm kỷ niệm mà thức tỉnh người tu hành. Chính vì thế trong tiếng Hán cũng như tiếng Nhật, tên gọi nhạc cụ này là Mộc Ngư [Cá Gỗ].

Dưới đây mình có các bài:

– Chuông Trống Mõ và Chuông Trống Bát Nhã – Bình an tiếng mõ

– Chuyện về ông chủ trẻ nghề mõ xứ Cố đô

Cùng với 7 clips diễn tấu Mõ để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

[Theo Wikipedia]

Chuông Trống Mõ và Chuông Trống Bát Nhã

[Tác giả: minhthien]

I. Dẫn:

Chuông, trống, mõ là pháp khí dùng trong nghi lễ Phật giáo, Phật tử chúng ta cần biết ý nghĩa và cách sử dụng thông thường, để có thể dùng được khi cần đến.

II. Các pháp khí:

1. Chuông:

Tiếng Hán Việt là Chung, một pháp khí dùng thông thường nhất ở trong chùa và ở nhà cư sĩ.

Chuông biểu thị cho sự tỉnh giác, như trong bài kệ khi nghe tiếng Chuông:

Văn chung thanh phiền não khinh, Trí huệ trưởng bồ đề sanh, Ly dịa ngục xuất hỏa khanh, Nguyện thành Phật độ chúng sanh.

Án, già ra đế da tóa ha [3 lần]

Nghĩa là:

Nghe được tiếng chuông, phiền não liền nhẹ, Trí huệ thêm lớn, sanh tâm bồ đề Ra khỏi địa ngục, vượt thoát hầm lửa, Nguyện được thành Phật, để độ chúng sanh.

Án, già ra đế da tóa ha [3 lần]

Theo như trong kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: Mỗi khi nghe tiếng chuông ngân lên, thì các hình phạt trong các ác đạo tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh nào đang chịu những hình phạt ấy cũng được tạm thời an vui.

Trong chuyện Cảm Thông cũng có chép:

…”Ngày xưa khi đức Phật Câu Lưu Tôn ở tại viện Tu Đa La xứ Càng Trúc đã có tạo một quả chuông bằng đá xanh, thường vào lúc mặt trời vừa mọc, khi tiếng chuông ấy vừa ngân lên thì trong ánh mặt trời ấy có các vị Hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh, làm cho người nghe được chứng thánh quả không kể xiết”.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật cũng bảo ngài La Hầu La đánh chuông để giảng cái lý cho Tôn giả A Nan nghe. Vì thế chúng ta có thể hiểu rằng, tại Ấn Độ, Chuông đã có từ thời đức Phật còn tại thế.

Hầu hết, người ta tin rằng nghi thức hành lễ trong các tự viện ở Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nghi lễ của Phật Giáo Trung Quốc, do đó chuông trống mõ cũng phát xuất từ Phật giáo Trung Quốc. Đi tìm thời điểm chuông trống mõ đưa vào tự viện Trung Quốc lúc nào chưa được xác định.

Tuy nhiên, như sử liệu ghi lại, chuông đã được sử dụng vào thời nhà Chu [557 trước TL- 89 TL]. Tài liệu về lịch sử của chuông quả thật là quý hiếm, dựa vào một số tài liệu sau để truy nguyên nguồn gốc của chúng.

Cuốn Quảng Hoằng Minh Tập [số 2103] trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ghi rằng vào thời Lục Triều [420 – 479] đã có nhiều lầu chuông. Năm Thiên Hoà thứ 5 [566] đời Bắc Châu, bài Nhị Giáo Chung Minh được khắc trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai cái trong 3 cái này được đúc vào năm 570 và 665 TL.

Tục Cao Tăng Truyện có ghi năm thứ 5 đời Tùy Đại Nghiệp [609], ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại chùa Thiền Định ở kinh đô Trường An. Trong khoảng thời gian này và trở về sau, Bắc Châu không ngừng đúc hồng chung để an trí trong các tự viện.

Lại nữa, theo truyền thuyết cho rằng hồng chung là do Hoà Thượng Chí Công khởi xướng và vua Lương Võ Đế [thế kỷ thứ VI] thực hiện để cầu nguyện cho các thần thức bị đọa trong chốn địa ngục mà người Hoa gọi là chốn U Minh.

Trong bộ kinh Kim Cang Chí cũng có chép: “Vua Hiếu Cao Hoàng đế đời nhà Đường nhơn vì nghe lời sàm tấu của Tống Tề Khưu mà giết lầm kẻ tôi trung tên là Hòa Châu, nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Một hôm có một người bị bạo tử [chết thình lình] thần hồn đi lạc vào địa ngục ấy, thấy một tội nhân đang bị gông cùm, bị kềm kẹp đánh đập rất là khổ sở, hỏi ra thì mới biết là vua Hiếu Cao nhà Đường. Vua gọi vị bạo tử ấy vào mà nói rằng: Nhờ ngươi trở lại dương thế nói giúp với hậu chúa rằng: Hãy vì ta mà đúc chuông cúng dường và làm các việc từ thiện. Khi trở lại dương thế, người bạo tử liền đến yết kiến hậu chúa để chuyển lời nhắn nhủ của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, hậu chúa liền thân hành đến chùa Thanh Lương phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho Hiếu Cao Hoàng đế.” [Tích nầy trong truyện Bách Trượng thanh quy, trang 68 và 87].

Trong Đường Thi có bài thơ của Trương Kế [thời Thịnh Đường], tả một đêm nằm trong thuyền, nghe tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại. Bài thơ là một tuyệt tác, có liên quan tới chuông, chùa và thời gian, đã gây nhiều tranh luận, tưởng cũng nên chép ra đây:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Cô Tô thành ngoại Hàn sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Tản Đà dịch:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương, Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn san.

Nguyễn Hàm Ninh dịch:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương, Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Hồ Điệp ngâm lại:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Ngô Tất Tố dịch:

Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui, Đèn chài, cây bãi, đối người nằm khô Chùa đâu trên núi Cô Tô

Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya

Trần Trọng Kim dịch:

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi, Lửa chài, cây bải, đối người nằm co. Con thuyền đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn sơn

Trần Trọng San dịch:

Quạ kêu, trăng lẩn sương trời, Buồn hiu giấc ngủ lửa chài bến phong Đêm Cô Tô vẳng tiếng chuông

Chùa Hàn San đến thuyền sông Phong Kiều.

Lý Nhược Tam dịch:

Ô đề trăng lặng sương giăng, Đèn câu thức bóng lăn tăn gợn sầu Hàn Sơn Tự, đất Tô Châu

Chuông khuya vọng đến Phong Kiều thuyền neo.

Hữu Nguyên dịch:

Quạ kêu, trăng lặn, ngút trời sương Phong bãi, đèn câu đắm mộng trường Đêm vắng Cô Tô thuyền khách đậu

Chuông Hàn San tự thoảng đưa sang.

Huệ Thu dịch:

Trăng chìm quạ khóc trời sương Đèn chong cây lặng nghe buồn miên man Cô Tô phố ngoại chùa Hàn

Nửa đêm chuông đổ rớt sang thuyền chờ.

Đại Hồng Chung chùa Vĩnh Nghiêm.

Do chuông không bao giờ thỉnh vào nửa đêm hay giữa khuya, như vậy thì tác giả Trương Kế đã sai, nhưng người ta thường nghĩ thi sĩ thì phải có nhận xét, ghi chép đúng, vã lại chữ bán dạ mới hay, cho nên người sau đặt ra chuyện cho hợp lý với bài thơ:

“Có nhà Sư trụ trì chùa Hàn San, một đêm vào mồng 3 hay mồng 4 ngẫu hứng cảm tác thành thơ:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung.

Rồi hết ý, loay hoay không tìm ra hai câu kết. Cũng đêm ấy có chú tiểu ra ngoài, nhìn thấy trăng in bóng dưới vũng nước. Lúc trở vào thấy Thầy ngồi tư lự, mạn phép hỏi thầy về cớ sự, sau khi được Thầy cho biết, chú nhớ mảnh trăng mình vừa mới gặp, nửa in dưới nước nửa cài trên không, nên xin được dâng thầy hai câu kết:

Thùy bả ngọc hoàn phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để, bán phù không.

Thầy cũng vừa ý với hai câu kết, cả hai Thầy trò hoan hỷ nên lên Chánh điện dâng hương tạ ân Phật, đồng thời thỉnh chuông, nên mới có tiếng chuông vào lúc nửa đêm, vang đến thuyền của thi sĩ Trương Kế.”

Thi sĩ Cao Tiêu dịch bài thơ trên:

Trăng non mùng bốn mùng ba Nửa như móc bạc, nửa là cánh cung. Ai đem bẻ nửa chiếc vòng

Nước in một nửa, trên không nửa cài.

Nhưng mà đâu phải thi sĩ hay thi hào, thi bá là có nhận xét đúng, cũng trong thi văn Trung Hoa có giai thoại sau:

Có lần Tô Đông Pha đọc thơ Vương An Thạch tự Giới Phủ danh nho học rộng, tài cao, giữ chức Tể tướng dưới triều Tống Thần Tông, một người đi trước và lại đang làm quan đầu triều, thấy câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Tô Đông Pha bèn chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót được ở đầu núi, chó vàng sao nằm giữa lòng hoa cho được? Chê xong, sửa ra:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.

Trăng soi đầu núi chó nằm bóng hoa thì hợp lý, và bài thơ hay quá!

Về sau Tô Đông Pha gay gắt chống tân pháp của Vương An Thạch nên bị đày xuống miền cực Nam. Đến đất ấy, Tô Đông Pha mới biết có một loại chim gọi là “Minh nguyệt” và một loại sâu là “Hoàng khuyển”!

Trở lại với chuông, có ba loại thường được sử dụng trong các chùa chiền, tự viện như sau:

a. Phạn Chung: Gọi là Phạn Chung, nguyên ủy các tự viện dùng chuông để báo giờ thọ trai cho các chúng tăng chấp tác chung quanh chùa, biết giờ giấc nghỉ tay mà thọ trai, cũng gọi là “đại chung”, “hồng chung”, “hoa chung” hoặc “cự chung”. Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt. Thông thường chuông cao khoảng 1,5m, đường kính khoảng 6 tấc. Loại này treo trong lầu chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng hoặc báo thời sớm tối. Người Việt mình thường dùng từ “đại hồng chung” chỉ cho loại chuông thật to, gần như không còn có quy định cụ thể là rộng hẹp bao nhiêu nữa. Chuông này còn gọi là chuông U Minh.

Lại có loại chỉ lớn bằng 1/2 chuông phạn, nên gọi là bán chung, còn được gọi là “hoán chung” hoặc “tiểu chung.” Chuông này thường được đúc bằng đồng, cao khoảng 6 đến 8 tấc, thường để tại 1 góc trong chánh điện và được sử dụng trong các buổi pháp hội, nên còn có tên khác là “hành lễ chung.” Người Việt Nam cũng như các nước khác ngày nay cũng linh động chế tạo nhiều loại chuông dạng “bán chung” này, nhưng cũng không có kích thước cố định.

b. Bảo chúng chung: Cũng gọi là chuông Tăng đường, tức là chuông nhỏ, chỉ một người xách lên được. Hình thái cũng như chuông U minh, được treo ở trai đường, dùng để báo tin trong lúc họp chư Tăng biết vào những lúc: Họp đại chúng, thọ trai, giờ chấp tác, giờ bái sám trong các tự viện.

c. Gia trì chung: Loại chuông nầy dùng để đánh lên trong lúc tụng kinh bái sám. Tiếng chuông gia trì được sử dụng trước khi tụng kinh hay báo hiệu sắp hết đoạn kinh đang tụng hay câu niệm Phật. Cũng thường đánh lên khi lạy Phật một mình. Còn khi đông người thì để báo hiệu cùng lạy cho nhịp nhàng. Chuông gia trì có đủ ba loại lớn, vừa và nhỏ. Chuông vừa và nhỏ thì thường thường Phật tử tại gia dùng nhiều hơn và cũng dùng như chư Tăng.

Ngoài ra, trong thời cực thịnh của Thiền Tông, chuông an trí tại thiền đường, trai đường gọi là “tăng đường chung”, “trai chung”; chuông để tại chánh điện gọi là “điện chung”… Những vị lo việc chuông này gọi là “chung đầu.”

Về thỉnh chuông, xưa ở Trung Quốc tùy mỗi Tông phái, từng địa phương mà quy định có khác nhau, nhưng tổng quát là khi bắt đầu thỉnh 3 tiếng và khi kết thúc đánh nhanh 2 tiếng hoặc 3 hồi chín tiếng cho các loại chuông nhỏ khi tụng kinh. Số lượng tiếng thường là 18, cũng có khi thỉnh 36 tiếng, 108 tiếng. Thỉnh 108 tiếng biểu thị hành giả nỗ lực làm vơi cạn đi 108 loại phiền não nơi nội tâm. Mười tám tiếng là biểu thị sự thanh lọc 6 căn, 6 trần và 6 thức.

Theo niềm tin cho rằng tiếng vang của chuông có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sanh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Lại nữa, tiếng chuông thanh thoát của chùa có thể giúp cho loài quỷ đói được nhẹ bớt lòng tham lam, sân hận mà giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở các ngôi chùa Việt Nam hiện nay cũng như các chùa Trung Quốc thời xưa hoặc các chùa thuộc các nước theo Phật giáo Đại Thừa như Nhật Bản, Triều Tiên. …thường có quả chuông lớn để thỉnh vào hai buổi sáng tối trong ngày khi cầu nguyện. Giờ thỉnh chuông buổi sáng lúc 4 giờ hoặc trước thời công phu buổi sáng, giờ thỉnh chuông đầu hôm là lúc trời nhá nhem tối, tùy theo quy định của mỗi chùa.

Tiếng chuông đánh đầu hôm là nhắc nhở cho mọi người biết rằng cơn vô thường đến với chúng ta không hứa hẹn, rất ngắn ngũi, nhanh chóng. Đánh vào lúc ban sáng là nhắc nhở cho mọi người cố gắng tinh tiến tu hành để mau vượt thoát ra khỏi cảnh đau khổ, không vướng mắc cảnh tội lỗi và dễ dàng ra khỏi luân hồi sanh tử. Người thỉnh chuông vừa đánh chuông vừa đọc bài kệ:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, Thiết vi u ám tất giai văn. Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,

Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.

Nghĩa là:

Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, thiết vi u ám cùng nghe được, căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông,

hết thảy chúng sanh thành chánh giác.


[Bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang, LUẬT SA-DI, SA-DI-NI, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1989].

Dịch thơ:

1 Nguyện tiếng chuông vang rền pháp giới Chúng sanh ngục Sắt thảy đều nghe Tiếng đời sạch, chứng được viên thông

Tất cả muôn loài đều giác ngộ.


[Thích Nhật Từ dịch]

2 Tiếng chuông nguyện vang rền các cõi Núi Thiết Vi tăm tối nghe hay Âm thanh đời lắng sạch thay

Chúng sanh giác ngộ, tỏ bày an nhiên.


[Thích Nhật Từ dịch]

2. Trống:

Tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp. Chúng sanh mỗi khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì tội chướng được tiêu trừ và cũng nhờ đó mà được giải thoát vào cảnh giới an lạc.

Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng, v.v… Xưa tại Ấn Độ dùng để báo thời gian, cảnh báo. Khi Đức Phật còn tại thế, dùng nó để tập họp chúng Tăng Bố tát, nghe pháp…

Trong Kinh Lăng Nghiêm:

Đức Phật dạy:

“- Này A Nan, ngươi hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, nghe tiếng chuông mỗi khi nhóm họp đại chúng trong tinh xá Kỳ Đà Hoàn nầy. Tiếng trống hoặc tiếng chuông ấy trước sau nối tiếp nhau. Vậy, theo ý ông, mỗi khi ông nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ông, hay tai ông đến nơi chỗ phát tiếng ấy?”. [Đây là lúc đức Phật chỉ cái Tâm cho ngài A Nan]

Ngũ Phần Luật có ghi: “chư Tỳ kheo bố tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn: nhược đả kiền chùy, nhược đả cổ…”.

Trong kinh Kim Quang Minh có chép: “Một hôm người Tín Trưởng Bồ tát nằm mộng thấy một cái trống bằng vàng. Trống ấy có chiếu ra hào quang sáng rực như mặt trời. Trong hào quang có rất nhiều đức Phật đang ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới những gốc cây quý. Chung quanh các đức Phật đều có trăm nghìn ức vị đại đệ tử đang ngồi nghe pháp. Lúc ấy có một đạo sĩ Bà la môn đang cầm dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng, tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối. Khi đã tỉnh mộng, ngài Tín Trưởng Bồ tát liền đem những điều mà mình đã thấy nghe trình lên đức Thế tôn.”

Trung Quốc thời xưa dùng nó trong các dịp lễ lộc, vũ hội… Loại hình có to, nhỏ, treo hoặc để trên giá…

Từ đời Đường về sau, theo thanh quy của thiền môn, trống là một trong những loại pháp khí dùng làm hiệu lệnh báo thời sớm tối. Sau này Phật giáo Trung Quốc tiến thêm bước nữa là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”, dùng âm thanh làm Phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam Bảo.

Ai đã đưa trống vào tự viện? Năm nào? Chưa có tài liệu nào đưa ra một giả thuyết khả dĩ đáng tin cậy. Tuy nhiên, dựa vào bản dịch bài Thiền Sư Đại Điên và Hàn Dũ thời Đường Hiến Tông năm 820, chúng ta thấy chuông và trống đã được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ Phật giáo. Do đó, ít nhất chúng ta đoán được là trước năm 820, trống đã được đưa vào chùa để làm pháp khí.

Có hai loại trống: Trống lớn gọi là trống tẩu, nhỏ gọi là trống ứng.

a. Trống lớn: Dùng để đánh vào những dịp lễ lớn. Trống lớn thường gọi là trống Bát Nhã. Đánh trống lớn có bài kệ của nó. Tiếng trống Bát Nhã đánh lên để cung thỉnh Phật đăng bảo tọa. Bài kệ đánh Trống Bát nhã như sau:

Bát nhã hội, Thỉnh Phật thượng đường, Đại chúng đồng văn, Bát nhã âm, Phổ nguyện pháp giới, Đẳng hữu tình, Nhập Bát nhã,

Ba la mật môn.

Nghĩa là:

Hội Bát nhã, Thỉnh Phật lên tòa, Đại chúng đều nghe: Âm Bát nhã, Nguyện khắp pháp giới, Chúng hữu tình, Nhập Bát nhã,

Chứng Ba la mật.

b. Trống nhỏ: Dùng để đánh mỗi khi tụng kinh nên cũng được gọi là trống kinh [tiếng bình dân thường gọi là trống cơm]. Ngoài việc dùng đánh để tụng kinh hằng ngày vào hai thời công phu khuya và chiều trong các tự viện. Trống nhỏ khó đánh hơn trống lớn. Bài học để sử dụng cho trống nhỏ rất nhiều, phức tạp và khó học. Có rất nhiều thể điệu khác nhau như là thể điệu thiền khi tụng kinh, thể điệu ai khi dùng vào đám táng, chẩn tế cô hồn,… Nếu không học thì không thể sử dụng được.

3. Mõ:

Có người cho rằng là do Sa-môn Chí Lâm đời Đường tạo ra, nhưng điều này không lấy gì làm chắc, vì không có sử liệu rõ ràng.

Theo sách Tham Thiền Ngũ Đài Sơn Ký [quyển 3], Tống Thần Tông, Hy Ninh năm thứ 5 ngày mồng 8 tháng 8 ghi:

“Trong chùa Thanh Thái có thờ tượng ngài Phó Đại Sĩ. Mỗi khi Ngài muốn gặp các vị tu hạnh đầu đà nơi cao sơn, chỉ gõ mõ, chư vị sau khi nghe tiếng mõ ấy liền đến. Sau đó, các tự viện lớn nhỏ dưới chân núi đều dùng mõ để tập họp đại chúng.”

Theo sách Tam Tài Đồ Hội của Vương Tích đời Minh có đoạn: “Mõ là loại mà dùng cây khắc thành hình con cá, rỗng bên trong, gõ nó sẽ phát ra tiếng, các hàng Phật tử khi tán tụng đều dùng đến nó.”

Theo sách Thích Thị Yếu Lãm ghi rằng: “chuông, khánh, bản đá, bản gỗ, mõ đều có khả năng phát ra âm thanh một khi gõ vào và nhờ nghe đó mà đại chúng tập họp nên các loại đó đều gọi là kiền chùy.”

Sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, chương Pháp Khí cũng nói khi dùng cơm hoặc khi phổ thỉnh chúng tăng đều gõ mõ. Từ đây chúng ta có thể hiểu lúc đầu mõ dài [loại 1] được dùng để tập họp Tăng chúng.

Nhưng vì sao mõ đều khắc hình con cá? Sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy nói rằng vì loài cá suốt ngày đêm đều tỉnh, nên khắc hình con cá để mỗi khi gõ, chúng ta tự nhắc mình phải tỉnh thức, chớ có hôn trầm, giải đãi.

Trong sách Chính Ngôn đời nhà Đường thì chép:

“Có một người bạch y đến hỏi một vị Trưởng lão ở Thiên Trúc rằng:

– Tại sao các Tăng xá đều có treo mõ?

Vị trưởng lão trả lời:

– Vì để cảnh tĩnh chúng Tăng tại Tăng xá hay tự viện ấy.

Người bạch y hỏi tiếp:

– Nhưng tại sao lại tạc hình con cá?

Vị Trưởng lão không trả lời được. Người bạch y lại hỏi ngài Hộ Biện và được ngài giải thích rằng:

– Loài cá là loài không bao giờ nhắm mắt và thích hoạt động. Cũng vì muốn cho người tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chứng đạo quả nên treo và đánh mõ và cái mõ được tạc hình con cá vậy.”

Sách Tăng Tu Giáo Uyển Thanh Quy [quyển hạ, phần pháp khí] có ghi lại truyền thuyết rằng có một vị Tăng do phản thầy, huỷ pháp mà bị đoạ làm thân cá, trên lưng con cá ấy lại mọc một cái cây, mỗi khi sóng to gió lớn, khiến thân ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, vị Thầy Bổn Sư qua biển, nhân đó nó muốn đòi nợ liền nói rằng: Thầy không dạy bảo nó nên nó mới phải bị đọa làm thân cá như thế này, do đó nay nó muốn báo oán. Thế rồi, vị Thầy ấy bảo cá nên ăn năn sám hối, Thầy ấy cũng vì con cá mà cầu siêu chú nguyện và ngay đêm ấy nó được hóa kiếp. Vị Thầy Bổn Sư liền đem cây ấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh tỉnh đại chúng. Có thể vì lý do này các mõ tròn sau này cũng hay khắc hình con cá trên mõ để cảnh tĩnh đại chúng.

Mõ có hai loại: Mõ có hình bầu dụcmõ có hình điếu. Tất cả đều được tạc theo hình con cá.

a. Mõ hình hình bầu dục: Mõ nầy dùng để tụng kinh, điều khiển buổi lễ khi đông người tụng được nhịp nhàng.

b. Mõ hình điếu: Mõ nầy treo ở nhà trù dùng để báo hiệu khi thọ trai hay chấp tác. Ngoài ra, cũng có một loại mõ rất nhỏ dùng để chư Tăng đi kinh hành gọi là nhiễu Phật. Tiếng mõ vừa giữ cho buổi lễ được trang nghiêm lại vừa giữ cho tâm hồn khỏi tán loạn trong khi hành lễ. Bởi thế, người đánh mõ gọi là Duyệt chúng, tên nầy gọi là làm đẹp lòng mọi người trong lúc cùng tụng kinh với nhau. Đánh mõ phải học hẳn hoi, đúng điệu và đúng cú pháp của nó.

4. Khánh:

Tiếng Phạn là Kiền chùy dịch là chuông hay khánh. Theo lão Hòa thượng Tục Sư có thuật chuyện vua Tống thái Tổ cho rằng: Tiếng trống hay làm giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống, Tống thái Tổ chế ra thiết khánh. Ngày nay trong các tự viện khánh làm bằng đồng chừng bằng cái đĩa lớn, treo trong một cái giá gỗ, thường dùng để báo hiệu trong phạm vi nhỏ, chẳng hạn như để báo thọ trai hay khi thỉnh một vị tăng từ trong liêu ra pháp đường, hay đón rước một vị đại sư hay danh tăng đến tự viện, nghi lễ nầy đi trước là khai lễ gồm nhang, đèn, hoa, quả, kế theo là một vị cầm khánh treo trong giá, vừa đi vừa đánh khánh rồi tiếp theo là vị tăng được rước, có thể có lộng hầu và theo sau mới đến những vị tăng khác tùy theo phẩm trật xếp thành thứ tự.

Những vị tăng nhập đại định, muốn báo cho vị ấy xuất định, người ta cũng dùng tiếng khánh để cảnh tĩnh.

5. Bản:

Là một tấm gỗ dầy chừng 2 phân, dài chừng 4 hay 5 tấc, cao chừng 3 tấc, thường được treo trong tự viện, được gõ 3 lần trong ngày: bình minh, hoàng hôn và trước khi đi ngủ. Người ta thường thấy những câu sau đây khắc trên bản:

Hãy nghe đây chư tăng! Hãy tinh tiến trong việc tu tập! T hời gian bay qua nhanh như mũi tên;

nó chẳng chờ ai đâu!

6. Nghi thức chuông mõ khi tụng kinh.

Hai bên bàn thờ Phật, chuông để bên tay trái đức Phật, mõ bên tay phải.

Trước khi bắt đầu thời kinh, người đánh chuông gia trì thỉnh 6 tiếng, để báo cho mọi người biết, chánh điện đã lên nhang đèn xong, mời mọi người giữ 6 căn thanh tịnh vào lễ Phật, tụng kinh.

Khi chủ lễ vào vị trí, bắt đầu niệm hương, thỉnh 3 tiếng chuông, sau đó thấy chủ lễ xá thì thỉnh 1 tiếng chuông, khi lạy thì thỉnh 1 tiếng chuông, lúc trán chạm xuống nền thì dùng dùi chuông gõ vào vành chuông nhưng giữ lại trên vành chuông, không cho âm thanh ngân vang, gọi là dập.

Sau khi Chủ lễ niệm bài Quán tưởng và Đãnh lễ, hoặc trước bài Tán Lư Hương: Lư hương xạ nhiệt… hoặc Tán Dương Chi: Dương Chi tịnh thủy … hoặc Cử Tán: Chiên đàn hải ngạn… thì khai chuông mõ như sau:

Chuông thỉnh trước ba tiếng O O O [ba tiếng rời nhau]

Mõ gõ tiếp theo chuông bảy tiếng:

– – – – – – – [bốn tiếng rời, hai tiếng liền nhau và một tiếng rời ra sau cùng]

Rồi chuông mõ hòa với nhau như sau O – O – O – – – – O [chuông thỉnh trước, mõ gõ sau, sau 3 tiếng thì chuông ngừng, mõ gõ tiếp theo tiếng thứ tư, năm sáu gõ liền nhau, tiếng thứ bảy của mõ, thì chuông thỉnh một lượt với tiếng mõ.

Trong mỗi bài kinh, kệ, chú mỗi một tiếng, mõ phải gõ một cái, chú luôn luôn đọc nhanh nên mõ phải gõ nhanh. Bất cứ bài nào cũng vậy mõ bắt đầu gõ vào tiếng thứ 2, thứ 4 và những tiếng tiếp theo, và khi còn 5 tiếng chấm dứt thì mõ gõ rất chậm, rồi gõ liền 2 cái ở tiếng áp chót và một cái ở tiếng chót.

Còn chuông thì trong bài dài, thỉnh thoảng thỉnh một tiếng chuông, những bài chú niệm ba lần, bảy lần, mười lần, hai mươi mốt lần, cứ mỗi lần hết là thỉnh một tiếng chuông, còn niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát ba lần, mười lần hay nhiều hơn, sau ba lần hay mười lần ấy mới thỉnh chuông [thường chú ý vào vị chủ lễ, khi thấy vị chủ lễ cuối đầu xá, đó là chấm dứt niệm chú hay chuyển sang niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát khác]. Cuối mỗi bài kinh, kệ, chú thỉnh chuông vào tiếng thứ 5, thứ 3 và tiếng sau cùng.

Ví dụ:

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp ……..

Nguyện giải Như O Lai chơn O thật nghĩa O

Khi thời kinh chấm dứt thì thỉnh một hồi chuông và 3 tiếng rời ra sau cùng. Có nghĩa là giữ cho ba nghệp thân khẩu ý luôn được thanh tịnh.

Một cách khác, nghi thức khai chuông mõ và ý nghĩa như sau:

– Trước đánh ba tiếng [tiên khởi tam], – Kế nhịp bảy [thứ lôi thất], – Tiếp đánh ba [tịnh đả tam], – Giữa đánh mười [trung đả thập],

– Sau cùng dứt bốn [hậu diệt tứ].

* Trước đánh ba tiếng: Nghĩa là chúng sanh do ba nghiệp thân khẩu ý tạo tác mọi điều ác, sau sẽ đọa vào trong ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nhưng cũng có nghĩa là cố trừ ba độc: tham, sân và si để vượt lên ba giải thoát để chứng đắc ba đức: Pháp thân, Bát nhã thân và Giải thoát thân. [Phần nầy giảng lược đi nên không mấy ai biết đến.]

* Kế tiếp nhịp bảy tiếng: Đây là tiêu biểu cho thất chi tội. Về thân thì có ba: Sát, đạo và dâm. Về khẩu thì có bốn: Vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Sau khi đã đoạn trừ được bảy tội nêu trên liền chứng được thất giác chi: Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, trừ, xả, định và niệm.

* Tiếp đánh ba tiếng: Là phát nguyện tu tam học tức là giới, định và huệ để quyết chứng cho được ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.

* Giữa đánh mười tiếng: Đó là tiêu trừ mười điều ác gồm thất chi tội cọng thêm của ý có ba là mười. Từ đó, chứng nhập mười thân gồm: Bồ đề thân, nguyện thân, hóa thân, lực thân, trang nghiêm thân, oai thệ thân, ý sanh thân, phước thân, pháp thân và trí huệ thân. [Phần nầy, sau nầy giản lược đi, không mấy ai dùng đến và cũng không mấy ai biết để ý đến.]

* Sau cùng dứt bốn: Tức là để tiêu trừ bốn tướng: Sanh, lão, bệnh và tử để chuyển thành bốn trí:

+ Thành sở tác trí: Tiền ngũ thức [nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt và thân], + Diệu quan sát trí: Đệ lục ý thức, + Bình đẳng tánh trí: Đệ thất Mạc na thức,

+ Đại viên cảnh trí: Đệ bát A lại da thức.

7. Nghi thức sử dụng chuông công phu

Người thỉnh chuông khai chuông công phu theo bài kệ sau:

“Hồng chung sơ khấu, bảo kệ cao âm Thượng triệt thiên đường, hạ thông địa phủ U Minh giáo chủ cứu khổ bổn tôn Cứu bạt minh đồ Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Án dà ra đế dạ ta bà ha”

Tiếp theo nhập bảy tiếng chuông nhỏ, rồi thỉnh ba tiếng lớn và chậm rãi:

o o o o o o o O O O [vô tam]

Theo đó cứ đọc hai câu kệ lại thỉnh một tiếng chuông như sau:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, Thiết vi u ám tất giai văn. O [thỉnh tiếng chuông thứ nhất] Văn trần thanh tịnh chứng viên thông, Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác. O [thỉnh tiếng chuông thứ hai] Văn chung thanh phiền não khinh Trí huệ trưởng, Bồ Đề sanh. O [thỉnh tiếng chuông thứ ba] Ly địa ngục, xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật Độ chúng sanh. O [thỉnh tiếng chuông thứ tư]

Tiếp theo đó là thỉnh ba hồi chuông, sau đó người thỉnh chuông sẽ thỉnh từng tiếng sau mỗi danh hiệu Phật, Bồ Tát, hay sau mỗi câu chú.

Cuối cùng thỉnh một hồi chuông và bốn tiếng để báo chấm dứt thời công phu.

O O O O O O O O o o o o o O O O O [dứt tứ]

8. Chuông trống Bát Nhã.

Chuông trống Bát Nhã là danh từ dùng để chỉ chuông to, trống lớn, thường chùa có thể xây lầu chuông, gác trống và treo “tả chung, hữu cổ”. Thật ra cụm từ Chuông trống Bát nhã là để chỉ cách đánh chuông và trống theo một bài kệ “Bát Nhã Hội”. Là một nghi thức hành lễ Phật giáo Trung Hoa truyền sang Việt Nam, có lẽ xuất phát từ Không Tông, do nghi thức rất trang trọng nên dần dần chùa chiền các tông phái khác áp dụng theo. Có nhiều cách đánh chuông trống Bát Nhã, chúng tôi ghi ra một trong những cách đánh ấy:

a. Phần khai chuông trống

– Ba hồi chuông:

Trước khi thỉnh chuông, người đánh chuông nhập bảy tiếng chuông nhỏ, rồi thỉnh 3 tiếng thật lớn, thật chậm rãi [1] o o o o o o o O O O [vô tam]

Tiếp theo là thỉnh ba hồi chuông

Lần 1: O O O O O O O O O O O O o o o o o o o o o [lúc đầu chậm lúc sau mau dần và nhẹ tay] Lần 2: Giống như lần 1

Lần 3: Giống như lần 1, tuy nhiên khi chấm dứt, thỉnh thêm 4 tiếng thật lớn và rời nhau: O O O O [dứt tứ].

– Ba hồi trống:

Trước khi đánh trống nhập bảy tiếng trống nhỏ, rồi đánh ba tiếng thật lớn, thật chậm rãi: x x x x x x x X X X [2]

Tiếp theo sau là đánh ba hồi trống: Đánh trống giống như thỉnh chuông trong ba lần 1, 2 và 3 nói ở phần trên.

b. Phần nhập chuông trống [Chuông và trống đánh cùng một lúc]:

Khi dứt tiếng trống lần 3, người đánh trống vừa nhẩm đọc bài kệ Bát Nhã, mỗi tiếng đánh một tiếng trống, nhưng hai tiếng sau đánh liền nhau. Người thỉnh chuông, sau mỗi câu kệ thỉnh một tiếng chuông [sau hai tiếng trống đắnh liền nhau, thỉnh một tiếng chuông]

Lần 1:

Bát Nhã hội X XX O Bát Nhã hội X XX O Bát Nhã hội X XX O Thỉnh Phật Thựợng Đường X X XX O Đại chúng đồng văn X X XX O Bát nhã âm X XX O Phổ nguyện pháp giới X X XX O Đẳng hữu tình X XX O Nhập Bát Nhã X XX O Ba la mật môn X X XX O Ba la mật môn X X XX O

Ba la mật môn X X XX O

Lần 2: Đánh giống như lần 1

Lần 3: Đánh giống như lần 1, tuy nhiên, khi hết câu cuối bài kệ rồi, đánh tiếp theo phần kết thúc:

c. Phần chuông trống kết thúc [3]:

X O X O X O X O X O X O x o x o x o x o x o và sau cùng đánh bốn tiếng trống và chuông chấm dứt [dứt tứ] X O X O X O XX OO [đánh kép]

d. Phần kết thúc:

Lúc khởi đầu, chuông trống Bát Nhã đánh ba hồi, nhưng khi kết thúc buổi lễ cũng như thời kinh chuông trống Bát Nhã chỉ đánh một hồi mà thôi.

d. Một cách đánh chuông trống Bát Nhã khác:

– Mới đầu đánh nhập 2 tiếng: biểu thị NHỊ ĐẾ dung thông [pháp thế gian và pháp xuất thế gian dung thông, không ngăn ngại].

– 3 tiếng tiếp [mỗi lần 1 tiếng]: tượng trưng cho sự khấu đầu quy y TAM BẢO, nguyện dứt trừ tam độc: tham, sân si.

– 7 tiếng sau đó [vì tiếng thứ 7 và 8 đánh gấp, tính gộp thành 1 tiếng], tượng trưng cho BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT THƯỢNG ĐƯỜNG, tức tác pháp thỉnh Phật thăng toà.

– Nếu 7 tiếng này tính thành 8 tiếng: tượng trưng cho câu “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA” hoặc BÁT NHÃ HỘI THỈNH PHẬT LAI CHỨNG MINH, tức tác pháp thỉnh Phật chứng minh.

– Cuối cùng đánh dứt 4 tiếng: tượng trưng cho chứng nhập TỨ ĐẾ.

e. Ghi chú:

[1] Dù thỉnh chuông hay đánh trống, luôn luôn nhớ câu: “vô tam, dứt tứ” đây là trường hợp “vô tam” của chuông. [2] Đây cũng là trường hợp “vô tam” của trống.

[3] Nếu không thuộc bài kệ đánh trống, người tập đánh trống có thể nhớ các lần đánh trống theo cách đếm sau:

– Lần thứ nhất đánh ba tiếng trống – Lần thứ hai đánh ba tiếng trống – Lần thứ ba đánh ba tiếng trống – Lần thứ tư đánh bốn tiếng trống – Lần thứ năm đánh bốn tiếng trống – Lần thứ sáu đánh ba tiếng trống – Lần thứ bảy đánh bốn tiếng trống – Lần thứ tám đánh ba tiếng trống – Lần thứ chín đánh ba tiếng trống – Lần thứ mười đánh bốn tiếng trống – Lần thứ mười một đánh bốn tiếng trống

– Lần thứ mười hai đánh bốn tiếng trống

Có lẽ khởi đầu chuông trống Bát Nhã chính thức dùng trong nghi lễ lớn của Phật Giáo, hoặc để thỉnh Phật chứng minh cho lễ kỹ niệm lớn, hoặc lễ giới đàn, hay Đại sư đăng đàn thuyết pháp, bởi vì trong bài kệ có câu “Thỉnh Phật thượng đường”, ngày nay người ta còn dùng để đón rước chư Tăng. Dẫu cho là đón rước Đại Sư hay Danh Tăng đến viếng chùa, có lạm dụng chăng?

III. Kết luận:

Người Phật tử tưởng nên biết về cách bài trí, về nghi thức chuông mõ, chuông trống Bát nhã, để sử dụng khi tụng kinh ở chùa hoặc ở nhà. Có khi cần thiết để giải thích cho người khác được biết về ý nghĩa cho tường tận.

Tài liệu tham khảo:

– Thích Giác Duyên Lịch sử và ý nghĩa Chuông Trống Bát Nhã Nguyệt San Liên Hoa số 405 tháng 5 năm 2004. – Thích Tín Nghĩa Pháp Khí Và Pháp Phục Nguyệt San Liên Hoa số 405 tháng 5 năm 2004. – Tuệ Viên: Ý Nghĩa về Chuông Mõ trong đạo Phật Nguyệt San Phật Học số 76 tháng 11 năm 2000

– Minh Đức Bùi Ngọc Bách Nghi thức sử dụng Chuông Trống Bát Nhã Đặc san Viên Dung, Đoàn Huynh Trưởng Truyền Thống GĐPT/VN Miền Nam California, USA, mừng Thành Đạo 2538.

Ông Phạm Ngọc Dư [trái] và tác giả Hoàng Văn Minh.

Bình an tiếng mõ

[Theo Hoàng Văn Minh]

Gọi ông Phạm Ngọc Dư [ở tổ 21, KV 6, phường Thuỷ Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế] là “ông tổ” khai sinh ra nghề làm mõ – một pháp khí của nhà chùa – ở cố đô Huế cũng không có gì sai.

Bởi trước ông, cách đây 60 năm, ở Huế chẳng ai làm nghề này đúng nghĩa là nghề cả. Còn bây giờ, ông Dư là “đầu tàu” của một đại gia đình duy nhất có đến 12 người làm nghề tặng tiếng mõ bình an cho nhân thế .

Kỳ công đục mõ

Theo ông Dư, để hoàn thành một chiếc mõ phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, sự kỳ công và cả lòng đam mê. Trước tiên là khâu chọn gỗ. Gỗ làm mõ tốt là gỗ cây mít. “Muốn biết gỗ tốt hay không, chỉ cần dùng đục thật bén “xả” [đẽo gỗ] thử nhát một. Nếu thịt gỗ láng bóng là tốt, còn thịt gỗ bị xước nên loại ngay.Gỗ bị xước là do có cát trong thịt, sẽ rất khó để đục đẽo, âm lại không hay” – ông kể rằng. Sau khi đã chọn được gỗ, người thợ mõ tiếp tục công đoạn “xả” gỗ và lấy tiếng.

Ông Dư cho hay, quan trọng nhất chính là việc lấy tiếng cho mõ, nếu không gõ ra tiếng thì đó không phải là mõ.Ông mô tả tường tận: “Dùng đục để lấy ruột mõ, lấy từ hai bên vào giữa, đến khi nào tạo thành đường rãnh thông nhau mới thôi. Tiếp đó, dùng lưỡi cưa xẻ một đường rãnh phía trước mõ gọi là “miệng” mõ. lấy ruột mõ phải đúng vị trí chính giữa mỏ. Tuyệt đối không được để lưỡi đục ăn vào phần thịt gỗ phía trước hoặc là phía sau, nếu không chiếc mõ trở thành khúc củi nhóm lửa ngay. Thợ lành nghề chỉ cần ước lượng được bằng mắt là có thể xác định được vị trí cần moi ruột chính xác đến từng cm”.

Chọn gỗ, xả gỗ và lấy tiếng xong, coi như đã hoàn thành đến 90% công việc làm mõ. Công đoạn hoàn thành sau cùng chỉ mang tính tạo dáng cho chiếc mõ: Làm bóng, chạm trổ hoa văn lên bề mặt mõ và sơn màu.Ông Dư cho rằng, công đoạn khó nhất làm mỏ, đòi hỏi sự tinh tuý của người thợ chính là khâu lấy tiếng cho gõ của mõ. Mõ làm cho chùa nam và chùa nữ, tuy cùng hình dáng, kích thước nhưng âm phải khác nhau. Vừa dứt lời, ông Dư vừa lấy cái mõ làm cho chùa nam rồi gõ lên 3 tiếng “cúng cúng cúng” trầm ấm.Đến gõ mõ cho chùa nữ, thì ông cũng gõ 3 tiếng, nhưng lần này lại nghe “cốc cốc cốc” với âm kim, giòn và thanh hơn. “Đi ngang qua một ngôi chùa, chỉ cần nghe tiếng gõ mõ là biết đó là chùa nam hay nữ” – ông nói.

Đục mõ vẫn là niềm say mê với ông Dư từ 60 năm qua.

“Bí kíp”

Mãi đến cuối buổi trò chuyện, ông Dư mới lấy ra miếng gỗ nhỏ tròn như chiếc đũa nhưng ngắn hơn, treo trên tường nhà cụ. Cụ bật mí, đó chính là bí quyết nghề nghiệp của đời mình. Miếng gỗ nhỏ có thể gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: Miếng chêm, miếng gỗ chỉnh âm, miếng gỗ lấy tiếng.Ông Dư giải thích thêm: “Hồi trước, hễ moi ruột lấy âm không thành là phải bỏ đi chiếc mõ sắp hoàn thành. Tiếc đứt ruột không chịu nổi. Tôi nghĩ mấy năm liền mới tìm ra bí quyết khắc phục là miếng chêm ni. Nó là bảo bối giúp tôi đã cứu sống hàng ngàn chiếc mõ đúng ra đã vứt bỏ”.

Nhấp cốc nước lá, ông chậm rãi kể về công dụng của nó: “Chiếc mõ nào không kêu chỉ cần đặt miếng chêm vào miệng thì mõ sẽ kêu ngay. Muốn đặt miếng chêm chuẩn xác, ta phải dùng hai ngón tay bịt kín miệng lỗ đục lấy ruột mõ, rồi dịch chuyển miếng chêm từ từ. Vừa di chuyển, vừa thử âm cho nó bằng cách gõ nhẹ ngón tay vào mõ. Khi nào âm phát ra chuẩn xác thì dừng lại và đánh dấu vị trí đó”.Sau khi tạm cố định miếng chêm, ông Dư dùng keo dán gỗ để cố định cho chắc chắn. Tiếp đó, dùng đục nhỏ khoét nhỏ miếng chêm, nên có tinh mắt cho đến mấy cũng không nhìn ra được miếng chêm. Điều đặc biệt là miếng chêm này có thể quyết định được việc đó là mõ nam hay là mỏ nữ, thông qua việc điều chỉnh vị trí.

Đại gia chế tác mõ

Kỳ công, tỉ mỉ để làm ra chiếc mõ, nhưng ông Dư cho biết, mỗi sản phẩm tạo ra chỉ lãi từ 20.000 – 50.000 đồng, sau khi đã trừ đi mọi chi phí. “Lãi ít vậy, mà sao ông có thể gắn bó với nghề chừng ấy năm và đến giờ gần 80 tuổi mà vẫn còn làm?” – tôi hỏi. Ông Dư trầm giọng lại, quay người phanh chiếc áo cũ kỹ để lộ những vết thâm ở trên lưng, trả lời: “Phần tích gió thành bão, lấy công làm lãi để sống qua ngày.một Phần vì đam mê. Làm mõ với gia đình tui không còn là nghề mà đã thành nghiệp mất rồi”.

Cũng bởi cái nghiệp mà đại gia đình ông Dư bây giờ có thêm 12 người gồm con trai, con gái, con rể và các cháu nội, cháu ngoại cùng làm nghề mõ. Ông nói, mới nhìn ai ai cũng tưởng nghề làm mõ như ông “việc nhẹ lương cao”, nhưng thật ra thì rất vất vả. Ông vừa nói vừa cởi áo cho tôi xem những đốt sống lưng của mình bị chai sần, u nận. “Hậu quả do việc ngồi mấy chục năm nay đó. Tôi có thằng con trai năm nay 53 tuổi, vừa mới bỏ nghề vì không chịu nổi đau lưng” – ông nói.

Điều ít ai ngờ tới là cơ sở sản xuất mõ của ông Dư nằm sâu trong một con hẻm nhỏ mà ngoằn nghèo, nhưng lại được đông đảo khách hàng không chỉ ở Huế, mà còn khắp nơi ở trong nước đều biết đến, thậm chí còn được xuất khẩu sang tận Đài Loan, Trung Quốc…Cả nước mình, thậm chí ở nước ngoài không thiếu chi người làm mõ, nhưng mấy chục năm nay, gia đình tui mõ làm không kịp bán ra. Cứ làm ra để đó, alô cái là có người đến lấy sỉ mang đi hết” – ông tự hào.

Gắn với nghiệp làm mõ suốt mấy thập kỷ như vậy, nhưng khi được hỏi có kỷ niệm nào mà đáng nhớ trong đời không, thì ông Dư lại ngẩn người, tần ngần hồi lâu mới chậm rãi kể: “Mười lăm năm trước, có vị một hoà thượng ở Quảng Trị vào đặt làm chiếc mõ trị giá 150.000 đồng. Hôm vào nhận chiếc mõ, sau khi thử âm mõ, vị hoà thượng rút ví thưởng thêm cho tôi 50.000 đồng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được khách hàng thưởng.50.000 đồng lúc đó to lắm, nhưng với tôi, nó không to bằng việc sản phẩm của tui được khách hàng tin tưởng, hài lòng. Đó là một phần thưởng lớn nhất đối với người làm nghề như tui…” – ông Dư bộc bạch.

Hải “mõ” luôn nâng niu những sản phẩm mới ra lò.

Chuyện về ông chủ trẻ nghề mõ xứ Cố đô

[Thảo Nguyên-Petrotimes]

Thôn Hạ 2, phường Thủy Xuân, TP Huế [tỉnh Thừa Thiên – Huế] nằm lẩn khuất sau những rặng tre già trên sườn đồi núi Ngự. Nơi đây, góp phần vào sự yên bình quen thuộc của một làng quê, tiếng âm trầm của những chiếc mõ mới ra lò càng làm cho không gian thêm thanh tịnh. Nhưng, cũng thâm trầm như tiếng mõ, danh tiếng về một gia đình 3 đời làm mõ cũng lặng lẽ vang xa…

Đam mê với mõ

Ít ai có thể ngờ rằng chàng thanh niên 27 tuổi trắng trẻo, tuấn tú Phạm Ngọc Thanh Hải lại đang là chủ của một xưởng mõ nằm trên đồi đất cằn thôn Hạ 2. Bởi ngay trong xưởng mõ nhỏ của mình, anh cũng đánh trần, đích thân ngồi đẽo, chuốt mõ như bao công nhân khác. Được đích thân nhìn thấy đôi bàn tay khéo léo của Hải đục đẽo, tạo hình cho những chiếc mõ, mới thấy được niềm đam mê với nghề của chàng trai trẻ này.

Sinh ra trong tiếng mõ, lớn lên cùng cái chày, cái đục và mùi gỗ mít làm mõ, không biết từ khi nào “dòng máu mõ” ngấm sâu vào tiềm thức chàng thanh niên Thanh Hải. Thế là trong khi bạn bè cùng trang lứa chọn những con đường khác thì Hải quyết định nối nghiệp gia đình thắp tiếp truyền thống nghề làm mõ như một vận mệnh của mình.

Từ khi còn là một đứa trẻ, Hải đã tập tành đục đẽo, rồi đôi bàn tay ấy “bén duyên” với cái chày, cái đục từ lúc nào không hay. Hải bảo: “Lúc mới tập làm mõ, không ít lần bị đứt tay, chảy máu nhưng sao vẫn “nghiện” tiếng mõ đến nỗi không thể nào dứt được”. Dần dà, cùng với những bí quyết được truyền lại và sự rèn luyện của mình, Hải trở thành “con nhà mõ” chính hiệu như cách nói vui của anh.

Bây giờ, chỉ cần nghe tiếng mõ thôi là Hải có thể đoán biết được kích thước, độ dày mỏng của mõ và cả tuổi của gỗ. Hiện tại, Hải vẫn là người kiểm định “khó tính” nhất cho từng sản phẩm mõ do thợ của xưởng mình làm ra, thậm chí không ngại ngần loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng.

Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình mình nhưng Hải luôn sẵn sàng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thảo Nguyên.

“Níu giữ” nghề gia truyền

Là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề mõ, Hải chia sẻ mình đã học được côngviệc này rất nhiều từ đời ông, cha của mình. Bố Hải, ông Phạm Ngọc Dũng và ông nội là Phạm Ngọc Dư đều là những “nghệ nhân” có tiếng của nghề làm mõ ở xứ Huế.

Những kinh nghiệm quý báu tích lũy từ những thế hệ đi trước chính vì thế càng làm cho mõ gia truyền nhà Hải nổi tiếng khắp vùng. Hiện tại, dòng họ Phạm của Hải còn có thêm xưởng mõ của ông nội và của bà cô của Hải, hàng ngày sản xuất được hàng trăm chiếc mõ to nhỏ các loại. Sản phẩm mõ làm ra đều được tiêu thụ rất nhanh, bởi đều đã có những “mối” quen thuộc nhận tiêu thụ.

Hải cho biết, có cả những bạn hàng ở tận TP Hồ Chí Minh hay tận tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng đặt hàng ở xưởng Hải. “Có khi các sư thầy đặt hộ cho các gia đình Việt kiều hoặc các thầy ở nước ngoài, rứa là mõ “xuất ngoại” ra quốc tế luôn” Hải tự hào chia sẻ.

Mặc dù có đến hơn 10 năm trong nghề làm mõ nhưng nghe nói ở đâu có xưởng mõ là Hải lại tìm đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Hải chia sẻ, điều Hải luyến tiếc nhất là đã được ngỏ ý mời tham dự triển lãm Festival Huế năm 2010 nhưng do thời điểm ấy xuởng mõ của Hải quá bận bịu với những đơn đặt hàng nên không thể tham dự. Thế là cơ hội “vuột” khỏi tầm tay.

Hiện tại, ông chủ xưởng Thanh Hải đang ấp ủ dự định làm một chiếc mõ “kỉ lục” để nếu có cơ hội được tham dự triển lãm để quảng bá cho “thương hiệu mõ” truyền thống của dòng họ mình.

oOo

Mõ Chùa:

Nhạc cụ dân tộc – Mõ Chùa trong Dàn nhạc nhà hát chèo:

Mõ trong Xẩm Phồn Huê – NSND Xuân Hoạch:

Nhạc Cụ Dân Tộc Hòa Tấu – Trống, Mõ, Sinh Tiền, Sênh Sứa, Chập Chõa bắt đầu ở phút 11:37:

Nhạc Cụ Dân Tộc Hòa Tấu “Khúc Xuân Reo”:

Chương trình hòa nhạc Dân tộc – nghệ nhân gõ Mõ ngồi hàng sau cùng bên phải:

Chú tiểu Thích Chân Tâm đánh Khánh, gõ Mõ:

Video liên quan

Chủ Đề