Sau khi ký kết hợp đồng BOT nhà đầu tư phải thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án BOT đó

Các hoạt động trong xã hội nói chung và hoạt động đầu tư nói riêng đều cần những công cụ pháp lý để điều tiết quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của từng hoạt động. Trong hoạt động đầu tư có hình thức đầu tư theo hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao [BOT] là hình thức đầu tư đã ra đời tương đối lâu trên thế giới. Hình thức đầu tư này xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1993, thể hiện trong văn bản pháp lý điều tiết hình thức đầu tư này là Nghị định số 87/CP ngày 23 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhằm điều chỉnh đối với nhà đầu tư nước ngoài tại nước ta. Từ năm 1993 đến nay, các văn bản pháp lý điều tiết đầu tư theo hình thức BOT trong từng thời kỳ có những thay đổi, bổ sung, hoàn thiện nhất định. Các văn bản pháp luật đó gồm: Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ về BOT đối với đầu tư trong nước; Nghị định số 62/1998/NĐ-CP về BOT, BTO, BT đối với đầu tư nước ngoài; Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về BOT, BTO, BT; Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bài viết trình bày về các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan trực tiếp và nhiều nhất tới đầu tư theo hình thức đối tác công tư [PPP], trong đó BOT là một hình thức đầu tư PPP cụ thể. Sau đây là một số nội dung chủ yếu quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về dự án BOT.

1. Cơ sở pháp lý

BOT là hình thức đầu tư trên cơ sở hợp đồng dự án ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện đầu tư, quản lý, vận hành và chuyển giao công trình kết cấu hạ tầng. Dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BOT cũng như các dự án đầu tư xây dựng nói chung bao gồm 3 giai đoạn như chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào vận hành khai thác. Ngoài những văn bản pháp lý quy định về đầu tư xây dựng trong 3 giai đoạn, thì dự án BOT còn có những văn bản pháp lý riêng cho hình thức đầu tư này. Các văn bản pháp lý điều tiết dự án BOT gồm:

1.1. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp

Các văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh trực tiếp tới quản lý đầu tư của dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư gồm:

Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Các thông tư hướng dẫn gồm có: Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 1/3/2016 của Bộ KH-ĐT hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28/6/2016 của Bộ KH-ĐT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ KH-ĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư và hai Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017, Thông tư 30/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC…

1.2. Văn bản quy phạm pháp luật liên quan

a] Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai liên quan đến dự án BOT

Văn bản pháp luật về đất đai có liên quan gồm: Luật Đất đai số 45/2013/QH13; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồ thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất; Nghị định 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường…

b] Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công liên quan đến dự án BOT

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư, theo quy định hiện nay là lĩnh vực đầu tư công, vì vậy cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 sửa đổi Nghị định 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Nghị định 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

c] Văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng liên quan đến dự án BOT

Các dự án đầu tư của lĩnh vực kết cấu hạ tầng là các dự án đầu tư xây dựng, do vậy hoạt động đầu tư xây dựng để hình thành dự án, công trình xây dựng cũng như quá trình bảo trì công trình trong giai đoạn vận hành khai thác thuộc phạm vi điều chỉnh của hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng hiện hành gồm có: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và các văn bản hướng dẫn.

d] Văn bản quy phạm pháp luật về môi trường liên quan đến dự án BOT

Dự án đầu tư của hệ thống kết cấu hạ tầng cũng phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật về môi trường, gồm có: Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các văn bản hướng dẫn.

e] Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư liên quan đến dự án BOT

Văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư gồm có: Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư; và các văn bản hướng dẫn.

g] Văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến dự án BOT

Văn bản pháp luật hiện hành về doanh nghiệp gồm có: Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14; Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh  nghiệp; Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và các văn bản hướng dẫn.

Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung, theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng là tương đối lớn và phức tạp. Việc triển khai, quản lý, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu hiệu quả đầu tư, đồng thời là sự quan tâm lớn của các chủ thể có liên quan tới dự án. Phần nội dung tiếp theo sẽ trình bày tổng quan một số vấn đề cơ bản trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

h] Về ưu đãi, bảo đảm đầu tư

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện dự án theo hình thức BOT được hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn hoặc giảm tiền sử dụng hoặc được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án. Khi thực hiện đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh công trình dự án tại bên cho vay. Thỏa thuận về giá dịch vụ thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án phải được lập thành văn bản giữa bên cho vay và các bên ký kết hợp đồng dự án. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng được nhà nước đảm bảo duy trì mục đích sử dụng đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án, bảo đảm cung cấp dịch vụ công ích ngay cả khi có sự khan hiếm về dịch vụ này, bảo đảm về quyền sở hữu tài sản. Những vấn đề này thực hiện theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP các văn bản pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực cụ thể của lĩnh vực kết cấu hạ tầng, điều kiện và quy định của các địa phương nơi có dự án.

2. Tổng quan về trình tự, thủ tục triển khai dự án

Tổng quan về trình tự, thủ tục triển khai dự án được đề cập giới hạn ở một số vấn đề sau:

2.1. Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án

Theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thì dự án BOT phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B [dự án nhóm C không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi] để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, phần vốn của nhà nước trong dự án sẽ được ghi vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương là cơ sở để triển khai trong các năm tiếp theo. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dự án, danh mục dự án trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Riêng đối với dự án nhóm C, căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và tổng hợp phần vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm của bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời phải công bố dự án sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt theo quy định.

Đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất được phê duyệt chủ trương đầu tư, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dự án và thông tin về nhà đầu tư đề xuất dự án.

Như vậy, dự án BOT muốn được sử dụng vốn công để hỗ trợ xây dựng công trình thuộc dự án nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của dự án đối với những dự án kinh doanh có thu hồi vốn hoặc hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ phục vụ thi công hoặc để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thì phải được phê duyệt chủ trương đầu tư và công bố danh mục dự án tại thời điểm đầu của kế hoạch đầu tư công trung han 5 năm. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm hiện nay là vô cùng chặt chẽ, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn trực thuộc làm đầu mối PPP của bộ, ngành, địa phương cần chú trọng khi tổ chức thực hiện dự án.

2.2. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án

Dự án BOT là dự án triển khai theo các giai đoạn xây dựng, kinh doanh, chuyển giao. Vì vậy được xếp vào loại dự án BOT sử dụng vốn đầu tư công thì theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công, pháp luật xây dựng, việc lập, thẩm định dự án BOT thực  hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; thẩm quyền phê duyệt, quyết định dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Cơ quan chuyên môn trực thuộc các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất và được phê duyệt thì bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhà đầu tư tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó việc lựa chọn nhà thầu tư vấn hoặc tự thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân lập báo cáo nghiên cứu khả thi của pháp luật về xây dựng. Các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo quy định của Điều 54 Luật Xây dựng và quy định tại điều 20 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Đối với công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp sẽ thẩm định thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi, các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ do cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư thẩm định. Đồng thời cần có ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, phòng chống cháy nổ…phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

2.3. Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án

Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu thực tế của dự án PPP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán nhưng phải đảm bảo tính cạnh tranh rộng rãi trong đấu thầu.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nhà đầu tư thực hiện dự án BOT được lựa chọn theo 2 hình thức là đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu. Đối với các dự án BOT quy trình lựa chọn nhà đầu tư là lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, tổ chức sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầm cho các nhà đầu tư trong danh sách ngắn, đánh giá hồ sơ dự thầu, đàm phán hợp đồng sơ bộ, thẩm định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Các nội dung này được quy định tại Nghị định 30/2015/ND-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các văn bản  hướng dẫn Nghị định. Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án. Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và kết quả đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức việc ký kết hợp đồng dự án theo một trong các cách thức sau đây:

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án [nếu có] ký kết văn bản về việc cho phép doanh nghiệp dự án tiếp nhận và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư quy định tại hợp đồng dự án. Văn bản này là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng dự án.

- Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án hợp thành một bên để ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.4. Triển khai thực hiện dự án

Các công việc triển khai sau khi ký hợp đồng dự án là lựa chọn các nhà thầu thực hiện các gói thầu dự án, triển khai thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng, chạy thử, nghiệm thu đưa công trình dự án vào vận hành, khai thác.

- Nếu phần vốn nhà nước trong dự án nhỏ hơn 30% tổng mức đầu tư và đồng thời không quá 500 tỷ đồng thì việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án do nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thực hiện không phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, Nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án phải ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu áp dụng thống nhất cho toàn dự án đảm bảo các nguyên tắc công bằng, minh bạch, hiệu quả.

- Quá trình đầu tư xây dựng phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng. Đối với giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công: việc lập thiết kế xây dựng phải tuân thủ báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án, nhiệm vụ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng cho dự án, nội dung thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng. Thiết kế kỹ thuật đối với công trình thiết kế 3 bước, thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thiết kế 2 bước và dự toán xây dựng tương ứng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định [đối với công trình cấp 1 trở lên là cơ quan chuyên môn trực thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định, công trình từ cấp II trở xuống là các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định]. Quy định hướng dẫn theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn nghị định.

- Quản lý chất lượng công trình xây dựng thực hiện theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP, Quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP, Quản lý hợp đồng xây dựng thực hiện theo Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn các Nghị định này.

- Quyết toán dự án: Theo quy định hiện hành, Nhà thầu thực hiện việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình dự án. Quy định chi tiết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính gồm: Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư và hai Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017, Thông tư số 30/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 sửa đổi Thông tư 55/20016/TT-BTC.

2.5. Về quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng công trình dự án

Các quy định về quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng công trình dự án đã được quy định mang tính nguyên tắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Những nội dung cụ thể được nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng dự án ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Việc bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

2.6. Về chuyển giao công trình dự án

Theo quy định hiện hành, một năm trước ngày chuyển giao hoặc trong thời gian thỏa thuận trong hợp đồng dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải đăng báo công khai về việc chuyển giao công trình, thủ tục , thời gian thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ và phải đảm bảo tài sản chuyển giao không được sử dụng để bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ khác của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phát sinh trước thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp hợp đồng dự án có quy định khác. Mặt khác, doanh nghiệp dự án phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, đào tạo và thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ, đại tu để bảo đảm điều kiện kỹ thuât vận hành công trình bình thường phù hợp với các yêu cầu của hợp đồng dự án.

Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án, cơ quan này phải có trách nhiệm tổ chức thẩm định chất lượng, giá trị, tình trạng công trình theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án, lập danh mục tài sản chuyển giao, xác định các hư hại [nếu có] và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc sửa chữa, bảo trì công trình. Sau khi tiếp nhận công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức quản lý, vận hành công trình.

Qua các phân tích trên cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành về cơ bản đầy đủ để tiến hành thực hiện dự án BOT từ khâu lập, công bố danh mục dự án; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án; đầu tư xây dựng công trình dự án, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, thanh toán, kết thúc hợp đồng dự án, quyết toán công trình dự án. Hiện nay, theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 thì một số Bộ, ngành quản lý các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù phối hợp với Bộ KH&ĐT hướng dẫn chi tiết nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi [khoản 2 điều 29]; chi tiết nội dung hợp đồng dự án [khoản 5 điều 40] phù hợp với yêu cầu thực hiện và quản lý dự án của ngành. Đến nay các hướng dẫn chi tiết về hai nội dung nêu trên chưa được các Bộ, ngành triển khai đồng bộ.

3. Kết luận

Như vậy, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều tiết dự án BOT là tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ so với các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, áp dụng hình thức đầu tư BOT với thời gian thực hiện hợp đồng nói chung kéo dài vài chục năm, trong đó toàn bộ quá trình triển khai từ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, quyết toán công trình dự án; ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, thanh toán, tới kết thúc hợp đồng dự án theo hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, xét về thực tế vẫn chưa có số liệu hay thực tiễn đầy đủ tại các dự án để đánh giá được sự phù hợp của hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP nói chung và dự án BOT nsoi riêng. Do đó, để đánh giá hệ thống pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP nói chung và dự án BOT nói riêng cần có một khoảng thời gian nhất định cũng như thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian sắp tới.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế Xây dựng, Số 4/2018

Chủ Đề