Theo phép biện chứng duy vật, quy luật mâu thuẫn có vai trò, vị trí như thế nào?

Mâu thuẫn biện chứng [A: Dialectical contradiction; Ph: Contradiction dialectique; N: Диалектическое противоречие] là một phạm trù của phép biện chứng dùng để chỉ sự liên hệ và tác động giữa hai mặt đối lập.

Thuật ngữ mâu thuẫn trong tiếng Anh và các ngôn ngữ phương Tây khác có nghĩa đen là lời nói trái ngược nhau. Nó gồm 2 từ gốc: diction [lời nói] và contra [tiền tố chỉ khuynh hướng trái ngược, chống đối]. Từ противоречие trong tiếng Nga cũng có kết cấu tương tự như vậy.

Lúc đầu, thuật ngữ mâu thuẫn được dùng trong Lôgíc học hình thức để chỉ những phát ngôn, phán đoán trái ngược nhau, một cái khẳng định, một cái phủ định [có và không có; là và không phải là]. Về sau thuật ngữ này được dùng trong phép biện chứng của Hêghen và của Mác với một nghĩa rộng hơn, thậm chí khác với nghĩa nguyên thủy của nó; mâu thuẫn đã trở thành một phạm trù triết học, nó không chỉ có trong tư duy, mà cả trong hiện thực khách quan nữa.

“Mâu thuẫn” [từ Hán Việt] có liên quan đến hai loại binh khí - “mâu” là cái kích để đâm và “thuẫn” là cái khiên để đỡ, có thể được hiểu như là mâu thuẫn khách quan giữa đâm và đỡ, giữa tác động và phản tác động; đồng thời cũng có thể hiểu như là một mâu thuẫn lôgíc, tức là mâu thuẫn giữa hai lời quảng cáo phủ định nhau của anh thợ rèn bán rao về hai loại sản phẩm đó của mình.

Để phân biệt mâu thuẫn với tính cách là phạm trù của phép biện chứng với khái niệm mâu thuẫn trong lôgíc học hình thức, người ta dùng những thuật ngữ khác nhau - mâu thuẫn biện chứng và mâu thuẫn lôgíc hình thức, gọi tắt là mâu thuẫn lôgíc. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có những tính từ biện chứng hay lôgíc hình thức đi sau danh từ mâu thuẫn; do đó tùy theo từng ngữ cảnh mà ta có thể phân biệt thuật ngữ mâu thuẫn được dùng với nghĩa là mâu thuẫn biện chứng hay mâu thuẫn lôgíc.

Mâu thuẫn biện chứng là những mâu thuẫn tồn tại tất yếu khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Ví dụ, mâu thuẫn giữa điện tích dương và điện tích âm, giữa lực hút và lực đẩy trong thế giới vật lý, giữa đồng hóa và dị hóa trong sinh vật, giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột trong đời sống kinh tế, giữa các quan điểm, học thuyết chống đối nhau trong triết học và các lý thuyết về tự nhiên, xã hội, v.v.. Còn mâu thuẫn lôgíc là mâu thuẫn chủ quan và chỉ tồn tại trong tư duy.

Tuy nhiên, mâu thuẫn biện chứng khách quan được phản ánh thành mâu thuẫn biện chứng trong tư duy [khác với mâu thuẫn lôgíc hình thức cũng là mâu thuẫn trong tư duy]. Hai loại mâu thuẫn trong tư duy này có sự khác nhau: Xét về nguồn gốc, mâu thuẫn lôgíc là do sai lầm trong nhận thức, còn mâu thuẫn biện chứng là do tính phức tạp của thế giới khách quan và của nhận thức con người. Trong mâu thuẫn lôgíc, khi đã xác định được mặt mặt [phán đoán] là chân thật [đúng] thì mặt kia chắc chắn là sai lầm [hoặc có thể cả hai đều sai lầm]; còn trong mâu thuẫn biện chứng, vì mỗi tư tưởng chỉ phản ánh một mặt trong hai mặt đối lập có liên hệ biện chứng với nhau của sự vật, nên mỗi tư tưởng đều có thể chứa đựng những yếu tố chân lý nhất định [Ví dụ, với hai phán đoán: “Trong mỗi con người đều có cái thiện” và “Trong mỗi con người đều có cái ác”, không nhất thiết chỉ có một cái đúng, một cái sai]. Giải quyết mâu thuẫn lôgíc chỉ đơn giản là loại bỏ một hoặc cả hai tư tưởng sai lầm; còn giải quyết mâu thuẫn biện chứng là một quá trình rất phức tạp.

Mâu thuẫn biện chứng có kết cấu gồm hai mặt đối lập và mối quan hệ giữa chúng được thể hiện trong ba khái niệm: sự thống nhất của các mặt đối lập, sự đấu tranh của các mặt đối lập và sự chuyển hóa của các mặt đối lập. Mối quan hệ của các mặt đối lập có tính tất yếu, phổ biến, lặp đi lặp lại, được phép biện chứng coi là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng - quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.

Mỗi sự vật, hiện tượng có thể chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Trong một mâu thuẫn có thể vừa có những yếu tố tất yếu, khách quan vừa có những yếu tố không tất yếu, không khách quan; cho nên nhận thức mâu thuẫn, phân biệt giữa mâu thuẫn biện chứng với mâu thuẫn không biện chứng là hết sức khó khăn. MTBC được phân thành nhiều loại: Mâu thuẫn bên trong và [giữa các mặt đối lập trong cùng một sự vật, hiện tượng] và mâu thuẫn bên ngoài [giữa các mặt đối lập ở các sự vật, hiện tượng khác nhau]; mâu thuẫn cơ bản [quy định bản chất, tồn tại trong suốt qua trình phát triển của sự vật, hiện tượng và quy định các mâu thuẫn khác] và mâu thuẫn không cơ bản; mâu thuẫn chủ yếu [mâu thuẫn nổi lên hàng đầu trong một giai đoạn phát triển của sự vật] và mâu thuẫn không chủ yếu; mâu thuẫn đối kháng [mâu thuẫn giữa các lợi ích không thể điều hòa được trong đời sống xã hội] và mâu thuẫn không đối kháng.

Mâu thuẫn biện chứng có quá trình ra đời, phát triển từ thấp đến cao. Lúc đầu chỉ là sự khác nhau giữa hai mặt, về sau biến thành sự đối lập. Sự đấu tranh của các mặt đối lập đi từ chỗ ít gay gắt đến chỗ gay gắt hơn. Quá trình đấu tranh của các mặt đối lập cũng gắn liền với sự giải quyết thường xuyên của mâu thuẫn, nhưng đó chỉ là sự giải quyết cục bộ, tạm thời; mâu thuẫn thường xuyên được giải quyết nhưng cũng thường xuyên tái lập lại trên cơ sở mới. Chỉ khi mâu thuẫn phát triển đến trình độ chín muồi mới được giải quyết triệt để hoàn toàn.

Sự giải quyết mâu thuẫn biện chứng không chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển [mâu thuẫn chưa chín muồi hay đã chín muồi] mà còn phụ thuộc vào bản chất [mâu thuẫn đối kháng hay không đối kháng; mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn chính trị hay mâu thuẫn tư tưởng …] và điều kiện tồn tại của mâu thuẫn [Ví dụ, trong chế độ dân chủ hay chế độ độc tài]. Sự giải quyết mâu thuẫn là quá trình khách quan phức tạp, không phụ thuộc ý chí chủ quan của con người và không được quy về việc xóa bỏ mâu thuẫn hay xóa bỏ một trong hai mặt đối lập. Mâu thuẫn chỉ được giải quyết triệt để, chỉ mất đi đã đạt đến chín muồi. Còn trong những trường hợp khác, sự giải quyết mâu thuẫn thường là sự kết hợp hài hòa giữa các mặt đối lập.

Theo quan điểm của phép biện chứng, mâu thuẫn có vai trò là nguồn gốc, động lực của sự vận động phát triển. Chính sự tác động, đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong kết cấu sự vật làm cho sự vật vận động, biến đổi không ngừng. Sự đấu tranh của các mặt đối lập dẫn đến giải quyết mâu thuẫn làm cho sự vật phát triển lên một trạng thái mới. Khi mâu thuẫn cơ bản của sự vật được giải quyết hoàn toàn thì sẽ có sự thay đổi về chất của sự vật, sự vật mới thay thế sự vật cũ. Trong quá trình đấu tranh của các mặt đối lập, những gì lạc hậu. lỗi thời bị gạt bỏ nhường chỗ cho sự ra đời của cái mới, cái tiến bộ.

Quy luật mâu thuẫn biện chứng có vai trò quan trọng nhất trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và được V.I. Lênin coi là “hạt nhân của phép biện chứng”. Nghiên cứu quy luật này giúp ta hiểu được nguồn gốc, động lực của sự tự thân vận động, tự thân phát triển của thế giới khách quan và của tư duy con người, khắc phục quan điểm duy tâm, siêu hình về sự phát triển.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Đỗ Minh Hợp, Lê Hữu Tầng [dịch] [1998]. Lịch sử phép biện chứng. Nxb Chính trị Quốc gia
  • Từ điển Bách khoa Việt Nam ;
  • Từ điển triết học do M.M. Rodentan chủ biên ; Философский энциклопедический словарь;
  • C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

-   Khái niệm mâu thuẫn với tưcách là phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật

Khái niệm mâu thuẫn dùng để chỉ mối liên hệ thống nhất, đấu tranh và chuyển hoá của các mặt đối lập trong mỗi sự vật hoặc giữa các sự vật trong quá trình vận động, phát triển của chúng [vắn tắt: là mối liên hệ thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập]. Với nghĩa như vậy, mâu thuẫn là cái tồn tại khách quan, vốn có của bất cứ một sự vật, hiện tượng, quá trình nào trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Ví dụ, mối quan hệ giữa điện tích âm và điện tích dương của một dòng điện; giữa đồng hoá và dị hoá của cơ thể sống; giữa chân lý và sai lầm trong quá trình nhận thức; giữa cung và cầu trên thị trường hàng hoá,...

Khái niệm mặt đối lập dùng để chỉ những gì trái ngược nhau [tính chất, xu hướng vận động,...]

Khái niệm thống nhất của các mặt đối lập dùng để chỉ sự quy định lẫn nhau; sự tương đồng; tác dụng ngang nhau giữa các mặt đối lập trong quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Khái niệm đấu tranh của các mặt đối lập dùng để chỉ sự tác động theo khuynh hướng bài xích, gạt bỏ, thủ tiêu,... lẫn nhau giữa [của] các mặt đối lập.

-      Vai trò của mâu thuẫn đối với quá trình vận động, phát triển

Mâu thuẫn giữ vai trò là nguồn gốc, động lực cơ bản của quá trình biến đổi, phát triển, bởi vì:

+ Biến đổi, phát triển chính là một quá trình sự vật này chuyển thành sự vật khác, giai đoạn này chuyển sang giai đoạn khác của một sự vật. Mỗi sự vật đều thường bao hàm trong nó nhiều mâu thuẫn: bên trong và bên ngoài, cơ bản và không cơ bản, chủ yếu và thứ yếu,... giữa các mặt đối lập đó vừa có tính thống nhất với nhau vừa diễn ra quá trình đấu tranh với nhau [trong sự thống nhất có sự đấu tranh và đấu tranh trong tính thống nhất].

+ Tính chất thống nhất giữa các mặt đối lập trong mỗi mâu thuẫn có tác dụng làm cho sự vật còn ổn định tương đối ở một chất nhất định, chưa biến đổi thành cái khác.

+ Nhưng giữa chúng không chỉ có sự thống nhất tương đối mà còn luôn diễn ra sự đấu tranh giữa các mặt đối lập - đấu tranh giữa chúng là tuyệt đối. Chính sự đấu tranh đó đã dẫn tới sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập. Sự chuyển hoá này trực tiếp làm cho sự vật chuyển hoá thành cái khác [giai đoạn khác, sự vật khác]. Theo ý nghĩa ấy, phát triển được hiểu là cuộc đấu tranh của [giữa] các mặt đối lập.

Ví dụ, quá trình phát triển của các giống loài [thực vật, động vật] là quá trình làm phát sinh giống loài mới từ giống loài cũ nhờ kết quả tất yếu của quá trình thống nhất, đấu tranh và chuyển hoá của các mặt đối lập: đồng hoá và dị hoá, di truyền và biến dị; giữa các giống loài vừa nương dựa vào nhau để tồn tại, vừa đấu tranh sinh tồn khốc liệt với nhau và dẫn đến sự loại bỏ tự nhiên đối với những nhân tố không phù hợp với hoàn cảnh môi trường.

-   Ý nghĩa phương pháp luận:

+ Để nhận thức đúng nguồn gốc và động lực cơ bản của các quá trình ra đời, vận động, phát triển của một sự vật cần phải phân tích quá trình hình thành và vận động của mâu thuẫn vốn có của sự vật ấy.

Ví dụ, giải thích nguyên nhân vận động của các hành trình từ 2 loại lực hút và đẩy giữa chúng, giải thích quá trình xuất hiện dòng điện từ mối quan hệ giữa điện tích âm và điện tích âm,...

+ Để tạo động lực cho sự phát triển nào đó cần nhận thức và chủ động tạo ra các điều kiện cần thiết để thực nên quá trình vận động của mâu thuẫn theo chiều hướng tích cực.

Ví dụ, thực hiện chế độ dân chủ trong học thuật chính là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát huy những trao đổi, tranh luận giữa các ý kiến không chỉ khác nhau mà còn là đối lập nhau trong việc giải quyết một vấn đề, nhờ đó có thể làm sáng tỏ chân lý. Hoặc để thực hiện quá trình phát triển kinh tế thị trường cần phải tạo môi trường pháp lý và văn hoá thuận lợi để các chủ thể kinh doanh có thể thực hiện sự hợp tác và cạnh tranh,...

Loigiaihay.com

Video liên quan

Chủ Đề