theo em trang phục áo, váy của người mông là phong cách thời trang nào? vì sao?

theo em trang phục áo, váy của người mông là phong cách thời trang nào? vì sao?

Ảnh minh họa

Đồng bào H’Mông đã cư trú ở nước ta từ lâu đời, sinh sống chủ yếu trên các rẻo cao thuộc khu vực miền núi Tây Bắc và Đông Bắc, gồm các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và Nghệ An. So với các dân tộc khác, người H’Mông còn giữ nguyên được nhiều phong tục tập quán, vật dụng cổ truyền độc đáo, một trong đó là việc dệt vải, thêu may các bộ trang phục dân tộc đặc sắc, rực rỡ nhất vùng. Đối với người H’Mông, trang phục là cái mặc, cũng là của cải gia truyền, ai nấy đều phải bảo tồn và phát huy sao cho ngày càng đẹp càng quý, phản ánh được rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người.Từ xưa đến nay, trang phục nam nữ H’Mông đều do phụ nữ H’Mông làm. Bảy, tám tuổi, các bé gái đã được bà và mẹ dạy dệt vải, thêu, may các kiểu hoa văn truyền thống, để tới khi lấy chồng (vào tuổi 15-18, tuổi trưởng thành theo cách tính H’Mông) sẽ may được 8 đến 15 chiếc váy làm của hồi môn. Để làm được một bộ trang phục H’Mông đẹp, cần rất nhiều công đoạn, gồm dệt vải, nhuộm, vẽ, thêu, can chắp và may ráp thành phẩm. Người H’Mông tự dệt vải và may trang phục chủ yếu từ sợi lanh và bông. Tùy nhóm H’Mông mà người ta để vải trắng, nhuộm màu hay vẽ trên đó các họa tiết bằng sáp ong. Người H’Mông thường nhuộm vải có màu xanh lam, lơ, dương, tím than từ nước lá chàm. Để vải đậm màu hơn thì nhúng nhuộm nhiều lần. Quần áo người H’Mông Đen có màu xanh đen là do một ngày nhúng vải hai lần, mỗi tháng nhúng lại một lần. Với người H’Mông Hoa, để tạo hoa văn người ta còn vẽ sáp ong trên vải, sau khi nhuộm sẽ được họa tiết mầu trắng trên sắc xanh. Họ dùng một cái bút chấm sáp ong nóng và vẽ lên vải trắng các loại họa tiết ngắn hình vuông, dích dắc hoặc mô típ lặp sau đó đem nhuộm, tiếp đến nhúng vải vào nước nóng cho sáp tan chảy lộ phần họa tiết hấp dẫn. Cuối cùng sẽ cán là cho tấm vải được phẳng, mịn, các sợi dọc ngang cách đều. Người ta ngồi trên phiến đá dùng một cây gỗ tròn dài lăn đi lăn lại trên tấm vải như đang xẻ gỗ, kết quả là mặt vải sẽ bóng láng ánh kim. Bấy giờ mới pha nhỏ tấm vải mà may quần áo, váy, tạp dề, xà cạp, dây lưng, khăn quấn và địu trẻ con...Ngoài hình vẽ bằng sáp, để trang phục đẹp hấp dẫn, phụ nữ H’Mông còn thêu thùa, ghép vải và đính đồ bạc, kim sa, hạt cườm... lên áo quần, tạo ra những mảng màu và hoa văn sặc sỡ, uyển chuyển. Có thể nói hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục H’Mông. Tuy thế mọi hoa văn ở đây đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người H’Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, đinh, công cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép (dấu móc hoặc chữ S), răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh - sáu cánh- tám cánh, hoa bí, hoa tỏi, hoa cà, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, cành tùng, búp tre, lưỡi câu, núi sông, đuôi rồng, con ốc, con rắn, sừng dê... Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng, nhất là màu đỏ vừa tạo cảm giác ấm áp, hưng phấn cho người mặc khi đi giữa rừng, trên núi cao, vực thẳm trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo vừa khiến người H’Mông dù là H’Mông Đen hay Trắng, Hoa, Đỏ đều nổi bật trước đám đông và choáng ngợp mọi không gian, môi trường cho dù trên nương rẫy, giữa buổi chợ hay lễ hội.Đặc biệt, trang phục của người H’Mông Hoa là sự chồng ghép của rất nhiều vuông vải thêu. Người H’Mông Hoa có truyền thống làm những miếng vải thêu hình vuông và khi có nhiều miếng như vậy sẽ gắn lên một mảnh vải to và may thành áo. Những buổi sinh nhật, đám cưới, lễ Tết đồng bào không tặng nhau hoa quả, tiền bạc mà tặng những vuông vải này để người thân, bạn bè may thành váy, áo.Nói chung, phụ nữ H’Mông Trắng mặc áo, váy trắng; trên cổ áo, nẹp áo, ống tay, cổ tay, ngang váy và gấu váy đều đính các sọc lam, hoa văn hoặc kim sa. Phụ nữ H’Mông Đen mặc áo đen ở cánh tay thêu họa tiết nổi trên nền đen. Phụ nữ H’Mông Hoa mặc áo xanh lam, lơ, dương, quanh vai, ngực, ống tay, váy dưới có mảng họa tiết trắng và các miếng thêu đỏ, hồng, tím, vàng... trên nền chung màu xanh. Phụ nữ H’Mông Đỏ mặc trang phục đỏ rừng rực, có thể một nửa áo, váy là các mảng thêu đỏ, hồng và vàng và cũng có thể từ đầu đến chân phủ những mảng rực rỡ xếp kề nhau. Ở áo người H’Mông Đỏ, nhiều khi còn có cổ xếp hình chữ T. Xung quanh phần ngực, bụng, ống tay đính các tua hạt cườm, giữa gấu váy ghim diềm đăng ten. Đa số phụ nữ H’Mông đều để tóc dài, búi hoặc quấn trên đầu cho dáng vẻ dong dỏng. Ở nhà, các bà các chị thường để đầu trần nhưng khi ra đường sẽ quàng, đội khăn. Phụ nữ H’Mông Trắng thường vấn vòng khăn giống như một cái mũ, phía dưới đính hạt cườm sặc sỡ; phụ nữ H’Mông Đen quấn khăn vuông rộng to bản tím than như một cuộn giấy; phụ nữ H’Mông Đỏ lại quấn khăn hẹp (khăn vành dây) như cái đĩa hát, phụ nữ H’Mông Hoa thì choàng khoăn buộc sau gáy... Nam giới H’Mông mặc trang phục cổ truyền tương tự nữ giới song giản tiện và mộc mạc hơn. Đó là một cái áo đen (vào dịp lễ Tết là áo trắng, xanh, thêu hoa) có dạng chữ T thân hẹp, hoặc lơ lửng ngang sườn hoặc dài quá thắt lưng, cổ áo thêu hoa, ve áo song song đính khoảng năm hàng khuy vải nằm ngang giữa hai thân, cũng có khi là hai vạt vắt chéo và đơm khuy nách. Ống tay rộng, chia làm hai phần, tùy nhóm người mà ống tay liền dải đồng chất, đồng màu hoặc gắn các mảnh vải, miếng thêu có màu sắc, chất liệu khác nhau. Với nam giới H’Mông Đen, thân và tay áo thường có một màu tím than. Với nam giới H’Mông Hoa thì ống tay chia thành nhiều lớp vẽ thêu như đen nối xanh, đen nối đỏ, vàng nằm liền kề hoặc cách quãng. Với nam giới H’Mông Đỏ có thêm viền cổ và nẹp áo thêu. Ngoài ra, họ cũng đội mũ gồm các loại mũ quả dưa tám miếng màu đen hoặc thêu, đính các vòng họa tiết xung quanh mũ hay trên đỉnh đính cắc bạc; mũ lưỡi trai ngắn sát đầu và mũ bốn vành khi lạnh để xuôi, khi nóng gập lên gọn ghẽ trên đầu. Vào hội, khi tham gia biểu diễn nghệ thuật họ vấn khăn buộc sau gáy. Về cách mặc áo H’Mông, phần lớn thay vì cài khuy, nam nữ đáp vạt thân trước bên trái lên vạt phải, sau đó dắt gọn trong quần rồi lấy thắt lưng buộc lại. Chính điều này giúp phân chia thân áo trước thành hai khoang như cái túi có thể đựng được nhiều vật cần thiết. Phụ nữ H’Mông mặc áo sắp trong váy và thường mặc nhiều lớp váy một lúc, sau đó quấn dây vải ngang lưng. Cũng có khi các bà các chị dùng chính chiếc khăn đội đầu mà quấn ngang eo. Khi còn nhỏ nam giới thắt lưng xanh, khi có người yêu thắt thêm một chiếc màu đỏ hoặc vàng bên trên.Ngoài chức năng giữ ấm và làm đẹp, trang phục H’Mông còn hàm chứa mục đích tâm linh sâu sắc. Với quan niệm ngày Tết hay lễ hội mà mặc đồ cũ sẽ xui xẻo cả năm nên mọi nhà đều cố gắng để có được những bộ quần áo mới. Và phải chuẩn bị trước đó rất lâu. Vào tháng giêng, khi nam giới vào rừng săn thú thì phụ nữ cũng bắt đầu kỳ may vá truyền thống tới tận tháng chạp - lúc đã có thể thu hoạch lúa và sửa soạn ăn Tết cổ truyền đón mừng năm mới. Người H’Mông cũng tin mỗi sợi vải đều ảnh hưởng xấu hoặc tốt đến con người nên ngay từ khâu se sợi, cán vải đã làm rất cẩn thận, từ tốn bởi nếu que lăn và phiến đá là bị nứt vỡ, sợi lanh bị đứt thì khi sợi dệt thành vải, người mặc sẽ có nguy cơ bị sa ngã, li biệt. Người ta cũng tin hoa văn đẹp sẽ giúp liên hệ với thần linh, mời gọi tài thần, hỷ thần, phúc thần đến với gia đình ban phát điềm lành, xua tan điều dữ. Mỗi họa tiết cũng đáp ứng nhiều điều ước mong. Chẳng hạn như con sên đem tới tình thâm, sự thịnh vượng cho gia đình. Hình xoắn đối ngược của nó hay hai con sên cho sự phát triển và hòa hợp giữa hai dòng họ. Viên kim cương, hình vuông ý chỉ bàn thờ ông bà trong nhà cho sự bảo vệ của tổ tiên trước con cháu. Con hổ, con rồng cho quyền lực. Con rết cho sự được mọi người kính trọng và tài chữa bệnh. Lưỡi câu cho cô gái lấy được chồng tốt. Hình tam giác, cái răng, vảy cá, hàng rào giúp lưu giữ linh hồn tốt, xua đuổi tà ma. Ngôi sao tám cánh biểu tượng của bát tinh cát tường. Cùng nhiều vật chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian mong ước trời an vật thịnh, mùa màng bội thu. Trang phục cũng là tín hiệu giúp nhận biết tộc người. Những bộ áo váy đẹp luôn có sức lôi cuốn là vật dẫn đường giúp linh hồn tổ tiên lên cõi vĩnh hằng và ngược lại cũng trở về được với con cháu. Người H’Mông quan niệm chết cũng như sống đều cần ăn mặc đẹp vì nó sẽ giúp người quá cố được trọng vọng ở thế giới bên kia. Khi về nhà chồng, nàng dâu phải tặng bố mẹ chồng áo quần đẹp để diện trong ngày nhập quan về trời. Khi về già, các cụ già đều chuẩn bị trang phục đẹp để mặc khi mất, trên đó được vẽ, thêu rất đẹp và đính nhiều vật quý.Người H’Mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày, dù lạnh dù nóng, làm gì ở đâu như đốt đồng, nấu nướng, xay ngô, trông em hay tham gia các trò chơi dân gian mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống, ít khi vận mượn của dân tộc khác. Khi làm đồng hay việc nhà, ai nấy có thể mặc áo quần mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức, nhưng đi hội thì phải thật lộng lẫy, có bao nhiêu áo váy, vòng bạc đều diện hết. Áo quần khi thay ra giặt được treo trên sào ngay ngoài cửa hoặc các mỏm đá. Áo quần cần cất đi được cuộn lại buộc dây ở giữa và gác lên nóc.

Thời gian thích hợp nhất để thấy muôn tà áo H’Mông khoe sắc là các phiên chợ và lễ hội vùng cao. Lao động hăng say, cứ vài ngày mọi người lại đi chợ hàng trao đổi sản phẩm nông nghiệp, mỗi năm đi chợ tình một lần để tìm bạn cũ, người yêu và khoe quần áo đẹp. Thường thấy người đi bộ, người ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa thồ rất điệu đàng xuống thung lũng. Các dịp Tết, hội vui như Tết mừng năm mới, tết Nguyên tiêu, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Độc lập, lễ hội Gầu Tào, người H’Mông đều nô nức đi chơi, ai cũng mặc đẹp. Từng cặp uyên ương dắt dìu trên đường và tụ tập tham gia các trò vui truyền thống của dân tộc như chọi quay, bắn nỏ, đua ngựa, ném pao, đẩy gậy, thổi đàn môi, sáo, khèn, hát giao duyên... Trong khung cảnh cao nguyên trời xanh mây trắng, ruộng đồng xanh mướt, gia súc gia cầm nhởn nhơ chạy nhảy, ngắm nhìn những tà áo, váy H’Mông xòe bung rực rỡ, có cảm tưởng như đứng trước muôn ngàn bức tranh sơn thủy hữu tình./.