Tuy hòa đi vũng rô google map bao nhiêu km năm 2024

Thôn Vũng Rô được chính thức thành lập năm 1986 gồm bãi Mù U, bãi Lách, bãi Ngà, bãi Chùa, bãi Hồ, bãi Hương, bãi Chính, bãi Lau, bãi Bàng, bãi Nhãn, mũi Yến, mũi Điện và hòn Nưa. Tuy nhiên, “vùng kinh tế mới” lúc bấy giờ đã có người đến khai khẩn từ năm 1980. Công dân đầu tiên của Vũng Rô là ông Châu Đình Kháng, năm nay đã 79 tuổi, nhớ lại: “Tôi vốn là ngư dân thị trấn Phú Lâm, làm ăn ở quê khổ quá mới đem cả gia đình 12 người vào đất này khai hoang. Thời đó, đây là một bãi hoang lau lách um tùm, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, mãi đến năm 1986, khi thôn được thành lập, người ta mới đến sống đông. Người dân vừa làm rẫy, vừa trồng lúa, vừa đi biển kiếm sống nhưng thường không đủ ăn...”.

Theo lời những người lập nghiệp đầu tiên ở Vũng Rô, thì trước đây, vùng biển này hầu như có đủ các loại cá, chỉ cần đi ghe chèo, dùng những ngư cụ đánh bắt đơn giản như lưới cước, câu tay, mành nhỏ... là có thể mang về tôm cá đầy khoang. Vào thời điểm đó, Vũng Rô trở thành vùng đất để “khai phá” đối với dân nghèo các tỉnh Trung Bộ. Cả thôn hiện có trên 200 hộ dân mà 2/3 dân cư là người Thừa Thiên - Huế, còn lại là người Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định... Ông Hồ Bon, trưởng thôn, nói rằng: “Đa số họ là những người nghèo, không tìm được cái sống ở quê hương nên mới “di cư” vào Vũng Rô. Hồi đó, đây thực sự là một mảnh đất lành: Nguồn hải sản rất dồi dào và đa dạng, vì thế, 70% cư dân ở đây theo nghề làm biển, 20% mua bán nhỏ và 10% chuyên làm thuê”.

Sống chết với tôm hùm

Nhưng đội tàu thuyền của Vũng Rô đa số đều có công suất nhỏ, đời sống kinh tế khó khăn khiến người dân không đủ sức đầu tư đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, người ta đã “dò bụng biển” từ khơi xa, dùng máy định vị vét sạch, cá không vào gần bờ nữa. Vào giữa những năm 1990, cuộc sống cư dân Vũng Rô gói gọn trong mấy chữ “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

. Tương lai: Tập đoàn Technor Star đầu tư 500 triệu USD xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất ban đầu 3 triệu tấn/năm tại Vũng Rô. Có nhà máy, tất yếu sẽ có đường ống dẫn dầu và khí đốt đi Tây Nguyên...

Nhưng rồi bất ngờ người dân ở vùng vịnh nước sâu và kín gió này đổi đời nhanh chóng, đó là nhờ con tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng khởi sự tại đây từ năm 1994 mà những người đầu tiên là các ông Nguyễn Tiến Dư (Mỹ Á, An Chấn, Tuy An), Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thơm (Hòa Hiệp Bắc, Tuy Hòa), Nguyễn Văn Ánh (Hòa Xuân Đông, Tuy Hòa). Tuy nhiên, vào thời điểm đó người dân Vũng Rô với đa số dân tạm trú không hộ khẩu, vì thế không được vay vốn để đầu tư nuôi tôm hùm. Đến khi ngư dân Vũng Rô bắt tay vào đan lồng nuôi tôm, thì những người khởi sự nêu trên đã trở thành tỉ phú! Nhờ có môi trường tốt và ổn định, tôm hùm nuôi trong lồng ở Vũng Rô phát triển nhanh chóng. 1/3 cư dân nơi đây đầu tư vào tôm hùm và đa số đều trở thành triệu phú. Nhưng rồi sự làm dụng quá đáng về số lượng cũng như không quy hoạch được diện tích mặt nước đã khiến nghề nuôi tôm hùm ở Vũng Rô lao đao. Môi trường ô nhiễm, tôm dịch bệnh, giá cả bấp bênh... tất cả đã khiến nghề nuôi tôm hùm ở Vũng Rô từ nghề thịnh vượng trở thành nghề... gây nợ!

Những con đường mới từ Vũng Rô

Nhưng bây giờ thì những cơ hội mới, vững chắc hơn, đang mở ra trước mắt cư dân Vũng Rô. 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Phú Yên đang vạch ra các kế hoạch khả thi nhằm mở những “con đường” mới cho Vũng Rô. Những con đường không phải để tải đạn, mà là những “xa lộ” cho phát triển kinh tế. Vùng vịnh nước sâu và kín gió từng là bến tiếp nhận vũ khí năm xưa đang được Phú Yên xây dựng thành tâm điểm trong chiến lược liên kết vùng, được dự báo là sẽ tạo những bước đột phá cho sự phát triển của mình. Người dân Vũng Rô đang hy vọng sẽ sống được bằng những ngành nghề hiện đại hơn, tỉ như kinh doanh, làm dịch vụ, làm công nhân thậm chí cả làm du lịch!

Cuối năm 2004, Vũng Rô - hải cảng dành cho tàu 5.000 tấn, chính thức hoạt động và đã đón chuyến tàu thương mại đầu tiên. Theo kế hoạch, trong năm nay, Vũng Rô sẽ được công bố là cảng biển quốc tế khi hoàn tất một số hạng mục như hệ thống cẩu hàng, kho hàng, cung cấp nước ngọt và hải quan. Song nếu chỉ là một cảng biển hàng hóa thông thường thì có thể nhìn thấy trước là cảng Vũng Rô sẽ không thật nhộn nhịp khi mà ở bên cạnh đã có Cam Ranh (Khánh Hòa) và Quy Nhơn (Bình Định) với năng lực và công suất cao hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều. “Nhưng chắc chắn rồi Vũng Rô sẽ là một cảng sôi động ở khu vực miền Trung” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc nhìn thấy như vậy.

Dự báo này là có cơ sở khi mà nhiều dự án lớn gắn kết với cảng đang được triển khai. Sau một thời gian nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, tập đoàn Technor Star của Nga đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào Vũng Rô để xây dựng nhà máy lọc dầu công suất ban đầu 3 triệu tấn/năm. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang cho hay: Dự án khả thi này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai và nếu dự án khả thi được sớm phê duyệt thì ngay trong tháng 6 tới, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng nhà máy. Khi nhà máy này hoạt động, tàu dầu quốc tế và những tàu khác đến “ăn hàng” từ những sản phẩm hóa dầu ra vào thường xuyên sẽ nâng lên đáng kể tần suất hoạt động của cảng Vũng Rô. Nhưng khả năng rõ ràng nhất là dự án đường ống dẫn dầu, khí đốt từ Vũng Rô đi Tây Nguyên và vùng ba biên giới, một phần quan trọng trong kế hoạch liên kết phát triển giữa Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên, sẽ được xây dựng. Ngay khi chưa có dự án Nhà máy Lọc dầu Phú Yên, một doanh nghiệp đến từ TPHCM đã đặt vấn đề hợp tác với Phú Yên thực hiện dự án này bởi những lợi ích như phí vận chuyển thấp nhất, hàng hóa lưu thông nhanh nhất; đặc biệt tuyến đường ống này có thể dễ dàng vươn đến các nước Đông Dương.

Hơn thế nữa, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thực hiện khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa mà trung tâm là cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô. Điều đó giúp Vũng Rô nhộn nhịp hơn khi nơi này trở thành hải cảng trung chuyển hàng hóa cho cảng biển Vân Phong đang xây dựng. Thêm vào đó, đường hầm xuyên đèo Cả đã có dự tiền khả thi đang trình các bộ ngành xem xét.

Từ khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đã mở ra nhiều tương lai hợp tác khác giữa “hai anh em”. Vân Phong - Vũng Rô có dãy bãi biển hoang sơ, trong lành, nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nhất là cụm Vũng Rô - Đèo Cả - Mũi Điện với những độc đáo về địa lý, về lịch sử chắc chắn sẽ “hút” một lượng du khách lớn khi Phú Yên và Khánh Hòa thực hiện các tour chung. Điều đó cũng cho phép dự báo hệ thống dịch vụ vốn còn yếu ở Phú Yên sẽ được phát triển cho xứng tầm với tình hình mới.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày cuối năm 2004, Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành xây dựng kế hoạch nâng cấp đường băng cất, hạ cánh của sân bay Tuy Hòa. Từ Vân Phong đến sân bay Tuy Hòa chỉ có 30 km đường bộ, trong khi nếu đến cảng hàng không Cam Ranh, quãng đường sẽ dài đến 80 km. Dĩ nhiên, những người tính “chuyện làm ăn” biết chọn nơi nào thuận tiện hơn để đầu tư chiến lược. Và cứ theo mục tiêu của kế hoạch này, thì đến 2020, cảng hàng không Tuy Hòa không chỉ đón những chiếc ATR 72 nhỏ bé với hơn 60 chỗ ngồi hiện nay, mà đủ sức tiếp nhận được những loại máy bay lớn cỡ Boeing 767.

Không chỉ có thế, con đường Phước Tân - Bãi Ngà nối Vũng Rô với Khu Công nghiệp Hòa Hiệp lớn nhất Phú Yên đang sắp hoàn thành. Phú Yên đã có kế hoạch xây dựng cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng, đi thẳng vào nội thành Tuy Hòa. Tại đó, một con đường vành đai ven biển nối trung tâm TP với các thắng cảnh du lịch phía Bắc như Long Thủy, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa và tương lai là sẽ nối với Quy Nhơn (Bình Định). “Chúng tôi đã nghĩ đến khả năng con đường này sẽ trở thành “con đường vàng” như đường Trần Phú ở Nha Trang” - Phó Chủ tịch Nguyễn Bá Lộc nói.